e magazine
11:13 | Thứ năm, 18/05/2023
3 giai đoạn tiến triển của bệnh do căng thẳng trong công việc và giải pháp phòng ngừa

11:13 | Thứ năm, 18/05/2023

Căng thẳng trong công việc (occupational stress) có thể được định nghĩa là những phản ứng có hại về thể chất và cảm xúc xảy ra khi các yêu cầu của công việc không phù hợp với khả năng, nguồn lực hoặc nhu cầu của NLĐ.

3 giai đoạn tiến triển của bệnh do căng thẳng trong công việc và giải pháp phòng ngừa

"Phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc là một trong những yêu cầu cơ bản trong sản xuất hiện đại, khi mà nó trở thành một yếu tố nguy cơ cao nhất làm suy giảm sức khỏe người lao động (NLĐ)"- GS. TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam cho biết.

3 giai đoạn tiến triển bệnh do căng thẳng nghề nghiệp

Các doanh nghiệp ngày nay đang theo đuổi các mục tiêu phức tạp và đa dạng để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Họ phải liên tục thay đổi để đạt được những mục tiêu này, cụ thể là bằng cách tổ chức và quản lý sản phẩm, phương pháp làm việc, đổi mới công nghệ, chính sách nhân sự, hình thức tổ chức công việc, ... Những thay đổi tổ chức như vậy dẫn đến cường độ làm việc lớn hơn. Khối lượng công việc tăng lên có tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự an toàn của NLĐ, bao gồm rối loạn cơ xương, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi và tai nạn, đồng thời là yếu tố làm tăng tình trạng vắng mặt, luân chuyển nhân viên và chất lượng công việc kém trong doanh nghiệp.

Căng thẳng trong công việc (occupational stress) có thể được định nghĩa là những phản ứng có hại về thể chất và cảm xúc xảy ra khi các yêu cầu của công việc không phù hợp với khả năng, nguồn lực hoặc nhu cầu của NLĐ.

Căng thẳng trong công việc là một trạng thái tâm lý cảm xúc ảnh hưởng tới sức khỏe được hình thành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ công việc. Khái niệm này bao gồm nhiều loại rối loạn, bao gồm bệnh tâm thần (ví dụ như trầm cảm lâm sàng, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau sang chấn) và các loại rối loạn cảm xúc khác (như không hài lòng, mệt mỏi, căng thẳng...), có những hành vi không phù hợp (gây gổ, nghiện ma tuý), rối loạn trí nhớ hoặc thiếu tập trung. Những hành vi này có thể dẫn đến việc NLĐ thực hiện không đạt yêu cầu nhiệm vụ của mình và gây hại cho sức khỏe. Căng thẳng trong công việc cũng liên quan đến nhiều phản ứng sinh học có thể làm suy yếu sức khỏe, chẳng hạn như suy tim, hoặc, trong những biểu hiện cực đoan, dẫn đến tử vong. Căng thẳng công việc có thể dẫn đến sức khỏe kém do rối loạn chuyển hóa sinh hóa và và thậm chí chấn thương do tai nạn lao động.

Căng thẳng trong công việc là một hiện tượng rất phổ biến và có hại.

Báo cáo thường niên năm 2018 của Liên Hợp Quốc gọi căng thẳng tại nơi làm việc là "bệnh dịch của thế kỷ 21". Theo nhiều chuyên gia, trong cuộc sống hiện nay một bộ phận đáng kể dân số mắc chứng rối loạn tâm thần do căng thẳng tâm lý cấp tính hoặc mạn tính. Nó có tỷ lệ như một bệnh dịch và đại diện cho vấn đề xã hội chính của xã hội hiện đại.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, các bệnh liên quan đến căng thẳng khiến các doanh nghiệp tiêu tốn hàng tỷ đô-la (cho điều trị, bồi thường cho NLĐ, tình trạng vắng mặt và doanh thu của nhân viên). Căng thẳng, trực tiếp hay gián tiếp, là một trong những nguyên nhân chính gây suy mạch vành, ung thư, bệnh phổi, các loại chấn thương, tự tử và nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

Nhà nghiên cứu D.Nearby, H. Hunter khi nghiên cứu qua phiếu điều tra và đối chiếu với số liệu y tế cơ sở cho hơn 15.000 NLĐ làm việc trong 7 lĩnh vực ở Cộng hoà Liên bang Nga đã đi đến kết luận, căng thẳng trong công việc cao nhất là ở ngành Y tế (81%), sau đó đến nhân viên ngành Ngân hàng, Bảo hiểm; nhân viên nhà hàng, khách sạn; biên tập viên, nhà báo; NLĐ trong các nhà máy công nghiệp, NLĐ ngành Xây dựng, thấp nhất là nhân viên văn phòng (32%).

3 giai đoạn tiến triển của bệnh do căng thẳng nghề nghiệp và giải pháp phòng ngừaCông nhân làm việc theo dây chuyền trong các nhà máy dễ đối mặt với nguy cơ căng thẳng nghề nghiệp. Ảnh: TL

3 giai đoạn tiến triển bệnh do căng thẳng nghề nghiệp

Công trình của Kelly McGonigal, M. Selye và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Stanford đã tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm đối với 2.500 NLĐ luôn trong trạng thái căng thẳng nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi NLĐ bị căng thẳng nghề nghiệp, họ trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu (thời gian khoảng vài tuần): Luôn lo lắng mơ hồ. Cơ thể bắt đầu phản ứng. Nhịp tim và nhịp thở trở nên nhanh hơn, đổ mồ hôi và huyết áp cao hơn. Xuất hiện các triệu chứng về thể chất như đau đầu, căng cơ, mệt mỏi, đau ngực và tim đập nhanh; triệu chứng về nhận thức (khả năng tập trung thấp, dễ cáu gắt, mệt mỏi và suy giảm trí nhớ).

Giai đoạn 2: Cơ thể bắt đầu phản ứng (thời gian sau hơn 1 tháng), huyết áp tăng dần, bắt đầu có hiện tượng rối loạn chuyển hóa sinh hóa trong cơ thể, nồng độ Cholesterol trong máu tăng lên. Tâm trạng chán nản, rơi vào trầm cảm. Xuất hiện các triệu chứng về cảm xúc như: Bộc phát cảm xúc, tâm trạng thấp, nhạy cảm với những lời chỉ trích, thiếu tự tin, lo lắng và hay tức giận.

Giai đoạn 3: Giai đoạn kiệt sức (sau vài tháng). Hệ thống miễn dịch bắt đầu bị tổn thương. Các bệnh mạn tính phát triển và tăng dần (đau thắt ngực, tiểu đường, đau khớp...). Triệu chứng rối loạn tâm thần phát triển. Xuất hiện các triệu chứng về hành vi (luôn bất đồng quan điểm dẫn đến cãi nhau, hiệu suất công việc giảm đáng kể, hay nghỉ ốm). Đây là giai đoạn NLĐ cần nhập viện để điều trị.

Liên quan đến các khiếu nại chấn thương tâm lý, áp lực công việc chiếm khoảng một nửa số khiếu nại thông qua tổ chức Công đoàn.

3 giai đoạn tiến triển của bệnh do căng thẳng nghề nghiệp và giải pháp phòng ngừaÁp lực công việc cao và thu nhập thấp tạo căng thẳng nghề nghiệp ở nhân viên y tế. Ảnh: TTXVN

Cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc

Trên cơ sở các nghiên cứu đã có, người ta thấy rằng điều kiện làm việc và văn hóa của tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò chính trong việc gây ra căng thẳng trong công việc. Tuy nhiên, vai trò của các yếu tố cá nhân NLĐ không được bỏ qua. Vì thế, để phòng ngừa phải có sự tham gia tích cực và đồng bộ của tổ chức, doanh nghiện, Công đoàn và bản thân NLĐ.

Về phía doanh nghiệp: Cần loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn hoặc kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động phải xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng nhiệm vụ, thiết bị hoặc công cụ mà nhân viên của họ được yêu cầu thực hiện/sử dụng như một phần công việc của họ và điều đó có thể khiến họ gặp rủi ro không kiểm soát được.

Chú ý kiểm soát môi trường lao động hợp vệ sinh: Giảm tiếng ồn, tổ chưc thông gió làm mát và giảm các yếu tố độc hại theo đúng yêu cầu vệ sinh.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin và hướng dẫn cho NLĐ sử dụng quy trình làm việc, đảm bảo ATVSLĐ, đồng thời tổ chức huấn luyện đầy đủ để họ hiểu biết về các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc, ảnh hưởng của nó tới tính mạng, sức khỏe và cách phòng tránh. Cung cấp cho NLĐ kiến ​​thức và kỹ năng họ cần để thực hiện công việc của họ một cách thuần thục và an toàn.

Bố trí cán bộ chuyên môn theo dõi, giám sát ATVSLĐ tại nơi làm việc để vừa đảm bảo việc tuân thủ quy trình ATVSLĐ của doanh nghiệp, vừa theo dõi các biểu hiện căng thẳng nghề nghiệp có thể xuất hiện của NLĐ.

3 giai đoạn tiến triển của bệnh do căng thẳng nghề nghiệp và giải pháp phòng ngừa
Công nhân ngành Xây dựng được xếp vào nhóm có nguy cơ căng thẳng nghề nghiệp cao. Ảnh: TL

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ và theo dõi sức khỏe NLĐ thường xuyên, khi thấy có biểu hiện căng thẳng hay trầm cảm cần bố trí nghỉ ngơi và khi cần điều trị kịp thời. Khen ngợi động viên kịp thời NLĐ khi họ có thành tích và mở chiều hướng phát triển cho NLĐ khi họ có nhiều cố gắng trong công việc.

Phân công lao động hợp lý và phù hợp với khả năng của NLĐ. Thường xuyên tiếp cận NLĐ, đặt những câu hỏi mở về cảm giác của họ và thể hiện cho họ thấy được quan tâm. Lắng nghe và tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ NLĐ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Bố trí thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hợp vệ sinh.

Thông tin đầy đủ và kịp thời cho NLĐ về những thay đổi của công ty trong sản xuất, sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận và tổ chức nhân sự và cùng bàn bạc với về những thay đổi ấy. Có các biện pháp xử lý kịp thời với các hành vi xúc phạm, thiếu tôn trọng với NLĐ của các cán bộ quản lý.

3 giai đoạn tiến triển của bệnh do căng thẳng nghề nghiệp và giải pháp phòng ngừa
Các đơn vị trong Cụm thi đua số 3 LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức sân chơi cho NLĐ. Ảnh: CĐHN

Đối với tổ chức Công đoàn: Chủ động đề xuất với doanh nghiệp phân công công việc hợp lý theo trạng thái sức khỏe của NLĐ, tránh để họ quá tải. Nắm bắt và chia sẻ kịp thời tâm tư nguyện vọng hợp lý và chính đáng của NLĐ trong công việc cũng như trong cuộc sống và đề đạt để doanh nghiệp cùng giải quyết. Chủ động hòa giải khi có những xung đột lợi ích giữa NLĐ và doanh nghiệp, giữa những NLĐ với nhau. Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí để giải tỏa căng thẳng cho NLĐ.

Đối với người lao động: Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, tập trung hoàn thành các công việc có ưu tiên cao trước. Đề đạt với cán bộ quản lý khi khối lượng công việc lớn, vượt quá sức chịu đựng, hay khi công việc không phù hợp. Giải quyết các mâu thuẫn với đồng nghiệp, với cán bộ quản lý bằng đối thoại cởi mở và chân tình.

Điều chỉnh chế độ ăn uống. Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin đầy đủ và điều độ (ăn uống thất thường dẫn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém; đồ ăn nhẹ, thức ăn nhanh lấy đi năng lượng và tạo thêm căng thẳng cho cơ thể). Tập thể dục hằng ngày vào thời điểm thích hợp để tăng cường thể chất.

Căng thẳng thường xuyên hiện diện trong cuộc sống của con người hiện đại nên có nguy cơ nó sẽ trở nên quen thuộc và vô hình. Nhiều người quên mất cảm giác khi hệ thần kinh cân bằng. Lo lắng và căng thẳng gia tăng trong công việc gây ra các phản ứng sinh lý, căng thẳng về cảm xúc, xuất hiện những suy nghĩ ám ảnh, hoảng loạn, thở nông, cơ bắp bị chèn ép làm giảm hiệu suất công việc, dẫn đến nóng giận vô cớ hay những hành vi thiếu chuẩn mực, lâu dài sẽ mắc các bệnh mạn tính mà điển hình là tâm thần.

Phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc là một trong những yêu cầu cơ bản trong sản xuất hiện đại, khi mà nó trở thành một yếu tố nguy cơ cao nhất làm suy giảm sức khỏe NLĐ. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn và văn hóa doanh nhân là biện pháp cơ bản nhất tạo một môi trường làm việc không căng thẳng. Lãnh đạo cần phải có kỹ năng cơ bản phản ứng đầy đủ với các tình huống căng thẳng, thường xuyên tiếp xúc với mọi người, dập tắt các nguy cơ căng thẳng trong một nhóm và cá nhân trong doanh nghiệp.

Nguồn video: Công đoàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bài: HÀ VY

HÀ VY