Vụ việc nhân viên gác chắn đường ngang bị hành hung tại TP Thủ Đức mới đây đã gây xôn xao dư luận. Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã ngay lập tức vào cuộc, không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường sắt. Phóng viên Cuộc sống an toàn đã có cuộc trao đổi với ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) về những biện pháp bảo vệ người lao động. Không chỉ tai nạn, nhân viên gác chắn chịu nhiều áp lực và rủi ro |
PV: Khoảng 20h40 ngày 30/12, tại đường ngang km 1717+600 (chùa Ưu Đàm, phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức, TPHCM), nhân viên Hoàng Thị Bình đã đóng chắn chuẩn bị đón đoàn tàu số hiệu 4501 thông qua. Trong lúc các phương tiện và người tham gia giao thông đã dừng chờ, đôi nam nữ chở nhau trên xe gắn máy yêu cầu nhân viên mở chắn để đi qua. Khi không được nhân viên đồng ý, người phụ nữ lớn tiếng chửi bới rồi xuống xe, xông vào hành hung chị Hoàng Thị Bình. Trước vụ việc gây xôn xao dư luận này, Công đoàn Đường sắt Việt Nam có những hành động cụ thể nào để bảo vệ quyền lợi của chị Hoàng Thị Bình cũng như các nhân viên khác đang làm nhiệm vụ tương tự, thưa ông? Ông Mai Thành Phương: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công đoàn ĐSVN đã trao đổi với chuyên môn, công đoàn Công ty Cổ phần ĐS Sài Gòn (nơi Chị Bình đang công tác), nắm bắt cụ thể tình hình, nhất là vấn đề sức khỏe của chị Hoàng Thị Bình; chỉ đạo Công đoàn và Ban nữ công Công đoàn phối hợp công ty kịp thời chăm sóc y tế, theo dõi tình hình sức khỏe để có phương án điều trị tốt nhất. Đồng thời, Công đoàn ĐSVN, lãnh đạo công ty và công đoàn, Ban nữ công công đoàn công ty đã đến nhà thăm hỏi, động viên người lao động. Công đoàn ĐSVN cũng đã trao đổi, đề nghị giải quyết đầy đủ chế độ theo quy định; phối hợp chuyên môn đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tạo sự răn đe cho những hành động nguy hiểm uy hiếp đến an toàn chạy tàu, an toàn tính mạng cho nhiều người tham gia giao thông, an toàn tính mạng và nhân phẩm của nhân viên gác chắn đường ngang đang làm nhiệm vụ. Chị Hoàng Thị Bình bị hành hung. Ảnh chụp màn hình. |
PV: Theo ông, nhân viên gác chắn thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thế nào? Ông Mai Thành Phương: Nhân viên gác chắn đường ngang được pháp luật xác định là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Người lao động chịu tác động của ồn và bụi, căng thẳng, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm như: nguy cơ tai nạn cao, bị quấy rối của các đối tượng lang thang, nghiện ngập, nhất là khi làm ca đêm, nơi heo hút, vắng vẻ. Hiện nay toàn ngành có gần 3.500 nhân viên gác chắn đường ngang bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, họ thường xuyên tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với người tham gia giao thông và đối diện với các cơ độc hại, nguy hiểm. Video ghi lại quá trình chị Hoàng Thị Bình bị hành hung. PV: Trước thực tế đó, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã có những khảo sát, đánh giá cụ thể nào về vấn đề này chưa? Có những kiến nghị đặc biệt gì với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp để cải thiện tình hình, thưa ông? Ông Mai Thành Phương: Do đặc thù lao động, sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt, tổ chức công đoàn luôn tham gia các cuộc giao ban sản xuất từ cấp ngành đến các đơn vị, cung, trạm, đội; nên các nguy cơ tiềm ẩn, các nội dung liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, điều kiện làm việc của người lao động hay những nguy cơ tiềm ẩn tác động, ảnh hưởng đến người lao động được trao đổi, kiến nghị, bàn biện pháp để thực hiện. Nói về nhân viên gác chắn đường ngang, đã có nhiều biện pháp đã được triển khai mang lại hiệu quả, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như chuyển từ chắn đẩy sang chắn bằng điện; Quy định vị trí nhân viên gác chắn khi đón tiễn tàu đảm bảo an toàn nhất; trang bị đầy đủ chế độ bảo hộ lao động; Đảm bảo các trang thiết bị liên quan đến tác nghiệp của đường ngang luôn hoạt động tốt; đôn đốc, kiểm tra thường xuyên các quy định về tác nghiệp; giảm thiểu sử dụng chắn đơn (1 người) là nữ làm việc ban đêm tại nơi vắng vẻ, vùng sâu, vùng xa, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự; bố trí WC tại chắn; có quạt cống nóng; làm mái che... để hạn chế nắng nóng cho gác chắn... Quyết liệt đề nghị cơ quan chức xử lý các vụ việc, hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm nguồi lao động; trang bị Camera tại khu vực chắn đường ngang, kịp thời hỗ trợ người lao động khi có các vụ việc xảy ra. Nói riêng về việc trang bị, lắp camera tại khu vực chắn đường ngang năm 2018, khi đó nhiều người lao động không đồng tình vì cho rằng ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân. Nắm bắt được tâm tư đó, Công đoàn ĐSVN và công đoàn các đơn vị kết cấu hạ tầng đã đến từng chắn tuyên truyền, giải thích cho người lao động đồng lòng với chủ trương của ngành, và thực tế đã mang lại rất nhiều hiệu quả vì các đường ngang được bộ phận chuyên trách giám sát 24/24h. Nhiều vụ việc đã được Cung, đội kịp thời can thiệp, hỗ trợ, giải quyết; cung cấp dữ liệu thông tin, bằng chứng vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông để cho lực lượng công an, chức năng xử lý, giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc, hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông cho những chuyến tàu. |
|
Công đoàn: "Lá chắn" bảo vệ người lao động đường sắt |
PV: Trong bối cảnh văn hóa giao thông và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, theo ông, công đoàn có vai trò gì trong việc nâng cao nhận thức và ý thức cho cả người lao động và người dân về an toàn giao thông đường sắt? Ông Mai Thành Phương: Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức cho người lao động là việc hết sức quan trọng. Xác định đây là vấn đề chủ quan, nội tại của ngành, Công đoàn ĐSVN đã phối hợp với Tổng công ty ĐSVN 5 lần tổ chức Hội thi nhân viên gác chắn đường ngang giỏi cấp ngành, qua hội thi, giúp NLĐ ôn luyện kiến thức nghiệp vụ, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp gác chắn đường ngang.
Hội thi năm 2024 vừa qua cũng đã thu hút 3.385 người (100%) những người đang làm việc tham gia ôn luyện và thi từ cấp cơ sở. Đây được coi là 1 đợt sinh hoạt sâu rộng, trang bị cho người lao động vừa là các quy định nghiệp vụ chuyên ngành, các quy định về pháp luật lao động, vừa trang bị thêm cho người lao động các kỹ năng để tự bảo vệ, phòng trách các nguy cơ độc hại, nguy hiểm trong quá trình làm việc, nhất là trong bối cảnh phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông như hiện nay. Công đoàn ĐSVN cũng đã ký cam kết với 34 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua, trong đó có nội dung phối hợp tuyên truyền chấp hành luật giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân về an toàn giao thông đường sắt; phối hợp, hỗ trợ bảo bảo vệ quyền lợi của người lao động ngành đường sắt. Công đoàn các đơn vị đã phối hợp với chuyên môn, đoàn thanh niên phối hợp với các địa phương tổ chức, duy trì phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”, phong trào “Đường tàu - Đường hoa”…; huy động sự vào cuộc của cấp ủy, UBND địa phương, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… cùng vào cuộc để bảo vệ, nâng cao người dân về an toàn giao thông đường sắt. |
|
Tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc: Nỗ lực “giữ chân” nhân viên đường sắt |
PV: Một số ý kiến cho rằng chế độ đãi ngộ cho nhân viên đường sắt, đặc biệt là nhân viên gác chắn còn chưa tương xứng với mức độ rủi ro và áp lực công việc. Xin ông cho biết, Công đoàn đã có những đề xuất gì với các cấp quản lý để cải thiện chế độ đãi ngộ cho người lao động, đảm bảo họ có thể an tâm công tác? Đảng, chính phủ, các bộ ban ngành, Tổng Liên đoàn LĐVN ngày càng dành sự quan tâm, ưu tiên lớn để Đường sắt Việt Nam phát triển, trong đó có cả về tiền lương, thu nhập, cuộc sống của người lao động ngành đường sắt. Thu nhập của người lao động toàn ngành nói chung và của đội ngũ là nhân viên gác chắn nói riêng luôn tăng trưởng trong những năm gần đây. Chế độ, chính sách, các quy định liên quan đến quyền lợi người lao động và công tác an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; điều kiện làm việc của nhân viên gác chắn được chuyên môn, công đoàn quan tâm, cải thiện nâng cao rõ rệt. Người lao động chia sẻ, đồng lòng gắn bó với đơn vị, với ngành và yên tâm công tác.
Tuy nhiên, phần đơn giá tiền lương cho lực lượng gác chắn vẫn chưa được Nhà nước tính đúng, đủ. Vì vậy, thu nhập của gác chắn vẫn chưa tương xứng với tính chất công việc mà họ bỏ ra. Công đoàn ĐSVN và Tổng công ty ĐS đã nhiều lần kiến nghị nội dung này và sẽ tiếp tục phối hợp kiến nghị Chính phủ, các bộ ban ngành tiếp tục quan tâm, đề xuất các giải pháp và phối hợp chặt chẽ để nâng cao thu nhập, nâng cao điều kiện làm việc, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động. Công đoàn ĐSVN và người lao động tin tưởng với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ ban ngành, Tổng LĐLĐVN, người lao động toàn ngành và đội ngũ công nhân gác chắn đường ngang nói riêng sẽ có thu nhập cao hơn, tương xứng với mức độ rủi ro và áp lực công việc đang thực hiện. |
Xây dựng, thay đổi hệ thống thang bảng lương của cán bộ, người lao động, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống, tạo sức hút lao động mạnh mẽ trong giai đoạn tới; đào tạo, đào tạo lại, đặc biệt là nội dung đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao; Cùng với đó vận động đoàn viên, NLĐ tự học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn; ứng dựng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, sáng kiến cải tiến, để tăng năng suất lao động; Tham gia tích cực vào chuyển đổi số, giải pháp số; tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, sẵn sàng tham gia các khóa đào tạo làm chủ công nghệ đường sắt tiên tiến. PV: Trân trọng cảm ơn ông. |
Thảo Vân (thực hiện) Đồ họa: Gia Hưng |