e magazine
07:31 | Thứ tư, 06/03/2024
An toàn trong chuỗi cung ứng - Chủ đề mới và hay của Tháng hành động về ATVSLĐ

07:31 | Thứ tư, 06/03/2024

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ, chủ đềTháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 rất mới, thu hút sự quan tâm của nhiều cấp, ngành: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.

An toàn trong chuỗi cung ứng - Chủ đề mới và hay của Tháng hành động về ATVSLĐ

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 có chủ đề rất mới, đó là: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Chủ đề này có liên quan đến công tác ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng, đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam hết sức quan tâm, ban hành hướng dẫn thực hiện trong các cấp công đoàn.

Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ xung quanh chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay.

Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và hành động của các cấp công đoànCác đồng chí lãnh đạo tiến hành nghi thức phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

PV: Với vai trò là lãnh đạo cơ quan nghiên cứu Quốc gia về ATVSLĐ, dưới sự lãnh đạo của Công đoàn Việt Nam, ông nhận định như thế nào của các chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ đã được triển khai trong những năm qua?

TS. Nguyễn Anh Thơ: Như chúng ta đã biết, từ năm 2017, khi bắt đầu thực hiện Luật ATVSLĐ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016), hằng năm, Chính phủ thay vì tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ vào tháng 3, đã chọn tháng 5 là Tháng hành động về ATVSLĐ, gắn với Tháng Công nhân.

Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2017 nói về công tác huấn luyện ATVSLĐ và nâng cao nhận thức cho người lao đông (NLĐ) cũng như nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về công tác ATVSLĐ. Qua đây, có thể khẳng định trong công tác ATVSLĐ, việc nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng, thái độ trong công việc là hết sức quan trọng.

Từ năm 2018, các chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ đều xoay quanh vấn đề nhận diện, đánh giá, kiểm soát, loại trừ, giảm thiểu rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như sự cố.

Đơn cử, vào năm 2022, chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ liên quan đến vấn đề giảm thiểu rủi ro, nhưng có vấn đề liên quan đến thích ứng sau đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Năm 2023, chủ đề liên quan đến vấn đề cải thiện điều kiện làm việc và giảm căng thẳng tại nợi làm việc.

Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và hành động của các cấp công đoànĐồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ năm 20223. Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ để Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 là "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" liên quan đến công tác ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng.

Qua cách chọn chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm, Chính phủ muốn gửi thông điệp đến Công đoàn, doanh nghiệp, người dân các vấn đề trọng tâm của công tác ATVSLĐ cũng như các nội dung, giải pháp lớn triển khai hằng năm. Đặc biệt, Tháng hành động về ATVSLĐ phải có vấn đề cụ thể, thiết thực như huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phải có hành động cụ thể để nhận diện nguy cơ mất an toàn, đi kèm với đó là giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu được rủi ro và cải thiện điều kiện lao động liên tục.

Sau đại dịch Covid-19, bên cạnh các yếu tố vốn có trong môi trường lao động đã phát sinh trầm trọng hơn vấn đề tâm sinh lý lao động, căng thẳng tại nơi làm việc. Do vậy, trong các năm 2022, 2023, chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ đã nhấn mạnh nội dung này, ví dụ như vấn đề sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ tại nơi làm việc.

Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và hành động của các cấp công đoànDệt may là một mắt xích trong chuỗi cung ứng, sử dụng đông lao động. Ảnh: Mạnh Dũng (Vneconomy.vn)

Theo nghiên cứu của chuyên gia y tế, có khoảng 15% dân số Việt Nam rơi vào trạng thái rối loạn, lo âu, 1% người dân mắc bệnh liên quan đến tâm thần ở các thể khác nhau. Có khoảng 40.000 người tự tử hằng năm do gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần.

Năm 2022, đơn vị thuộc Viện Khoa học ATVSLD đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ tâm thần của 200 nữ công nhân trong một ngành thâm dụng lao động. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp có mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý là 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm ở mức độ trung bình; 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng. Trong số người có biểu hiện trầm cảm có một số người có ý định gây tổn hại bản thân, nhiều người thường xuyên cảm thấy buồn chán.

Như vậy, với nguyên tắc lấy phòng ngừa làm ưu tiên trong phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ qua từng năm đều gắn với mục tiêu giảm thiểu rủi ro.

Đặc biệt, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, yêu cầu các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, có giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, có phương pháp đánh giá để môi trường lao động của NLĐ ngày càng tốt hơn.

Năm 2024, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của một quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)… và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và hành động của các cấp công đoànNLĐ làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Ảnh: https://vnbusiness.vn

Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư, nhà sản xuất các mặt hàng trong nhiều chuỗi cung ứng. Chúng ta đang đươc chọn là “cứ điểm sản xuất của các chuỗi cung ứng hàng hoá” cũng như là điểm đầu và điểm quan trọng của chuỗi cung ứng một số mặt hàng nông sản chủ lực như lương thực, thuỷ sản, rau củ quả, các mặt hàng nông sản khác và một số mặt hàng công nghệ, hàng tiêu dùng.

Do đó, các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, chủ sử dụng lao động, bản thân NLĐ phải nhận thức được vai trò của công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá một cách bền vững và phục vụ cho tăng trưởng cũng như phát triển đất nước một cách ổn định và an toàn.

Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và hành động của các cấp công đoànNLĐ trong doanh nghiệp sản xuất điện tử. Ảnh: https://vneconomy.vn

PV: Thực trạng công tác an toàn trong chuỗi cung ứng hiện nay ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Anh Thơ: Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đầu và có một số chuỗi cung ứng, ví dụ như các mặt hang điện, điện tử, dệt may, da giày, một số ngành chế biến khác.

Chúng ta đang ở khâu sản xuất, lắp ráp, chế tạo một phần của chuỗi sản xuất đó và là điểm đầu của chuỗi cung ứng hàng nông sản.

Với chuỗi cung ứng hàng nông sản, hiện nay ở khâu trồng trọt, sơ chế, chế biến, thậm chí ở nhiều khâu chưa kiểm soát hết các yếu tố về môi trường, điểu kiện làm việc, gánh nặng nghề nghiêp. Ở đó, nhiều NLĐ đang được xếp vào khu vực phi kết cấu, không có quan hệ lao động, hợp đồng lao động dẫn đến nhiều quyền lợi của NLĐ, trong đó có quyền lợi được đảm bảo an toàn theo Hiến pháp năm 2013 chưa đầy đủ.

Ngay trong các chuỗi cung ứng đang giữ vai trò là nơi lắp ráp, hoàn thiện với rất đông lao động như dệt may, da giày, điện tử thì trong thời gian qua, sau 20 năm phát triển các khu công nghiệp, môi trường lao động được cải thiện rất nhiều do các nhãn hàng đưa ra các yêu cầu cùng với pháp luật ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, ý thức và nhận thức của doanh nghiệp, người dân được nâng lên.

Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và hành động của các cấp công đoànCông tác đảm bảo ATVSLĐ tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: DRC

Tuy nhiên ở đâu đó, ngay cả chuỗi cung ứng hàng công nghệ cao, mặt hàng mới phải dùng công nghệ mới, nguyên liệu mới... chúng ta chưa có được nghiên cứu, đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến NLĐ nên quyền lợi của họ chưa đảm bảo. Rất nhiều bệnh nghề nghiệp mới phát sinh liên quan đến vật liệu mới, công nghệ mới nhưng chưa được nghiên cứu để kịp thời bổ sung là một ví dụ.

Hay những yếu tố nguy hiểm, có hại, chúng ta chưa đủ năng lực để phát hiện, đánh giá mức độ gây ra những tác động đến sức khoẻ, nhiều lĩnh vực sản xuất điện tử phần mềm, gia công điện tử, gia công các sản phẩm dệt may, gia dày, điều kiện làm việc, sự tập trung lao động đang gây ra căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, quan hệ xã hội của NLĐ nhưng chưa có giải pháp để chăm sóc, bảo vệ NLĐ đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.

PV: Theo ông, với chủ đề mới này, các cấp công đoàn, trong đó Viện Khoa học ATVSLĐ có thể tham gia như thế nào, để góp phần bảo vệ sức khỏe của NLĐ trong chuỗi cung ứng?

TS. Nguyễn Anh Thơ: Với những vấn đề về ATVSLĐ, sức khoẻ NLĐ cũng như vai trò của NLĐ trong các chuỗi cung ứng hàng hoá mà chúng ta đã, đang và sẽ tham gia trong thời gian tới thì tổ chức Công đoàn ở các cấp cần phải xác định được những nội dung cụ thể về công tác ATVSLĐ, vấn đề sức khoẻ, an toàn của NLĐ tương ứng với từng chuỗi cung ứng mà NLĐ đang chịu gánh chịu, cũng như tác động của yếu tố điều kiện làm việc đến sức khỏe người lao động.

Từ đó, ngay từ cấp cơ sở, Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua thương lượng tập thể, đối thoại để yêu cầu NSDLĐ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đưa ra các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, hướng tới chă sóc sức khoẻ toàn diện.

Đối với Viện Khoa học ATVSLĐ thì phải đề xuất các nghiên cứu khoa học với những ngành nghề mà ở đó chuỗi cung ứng hàng hoá đang phát triển, có đông lao động. Đồng thời chúng tôi cũng đang đề xuất các đề tài liên quan đến chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho NLĐ trong các khu công nghiệp; xây dựng văn hóa an toàn trong công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Từ kết quả đó, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình chăm sóc toàn diện sức khoẻ NLĐ, các mô hình văn hoá an toàn lao động để nhân rộng trong các cấp công đoàn và công nhân lao động cả nước. Qua đó góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và triển khai ngay khâu đột phá thứ nhất trong 03 khâu đột phá mà Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028) đề ra đó là: “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài: Hà Vy

Đồ họa: Hà Vy

Hà Vy