e magazine
13:45 | Thứ năm, 14/03/2024
Anh bảo vệ chơi kèn Saxophone

13:45 | Thứ năm, 14/03/2024

Anh Đỗ Đức Minh - nhân viên bảo vệ Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã nỗ lực học để chơi được kèn Saxophone. Với anh, nghệ thuật sẽ làm đời sống lao động tươi vui, phong phú, giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Anh bảo vệ chơi kèn Saxophone

Anh Đỗ Đức Minh - nhân viên bảo vệ Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã nỗ lực học để chơi được kèn Saxophone. Với anh, nghệ thuật sẽ làm đời sống lao động tươi vui, phong phú, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Đến Công ty CP Đường sắt Hà Hải, mọi người sẽ gặp một anh bảo vệ vui tính biết chơi kèn saxophone. Anh là Đỗ Đức Minh, gia đình 4 đời làm công nhân viên Đường sắt.

Tiếng kèn sẽ xua tan căng thẳng

Trước khi vào ngành Đường sắt, anh Minh là vận động viên đua xe đạp. Năm 2011, anh vào Bình Dương tham gia khoá đào tạo trọng tài xe đạp Quốc gia. Sau một thời gian chưa đạt được nhiều thành tích nổi bật, anh chuyển hướng học đàn Guitar, đeo đuổi nhiều năm từ Guitar cổ điển đến Guitar điện.

Thấy anh chưa có nơi làm việc cố định, mẹ anh bảo “vào Đường sắt làm với mẹ không?”. Vậy là, anh Minh theo mẹ vào Ngành.

Công việc đầu tiên anh làm là cuốc đường (trong vòng một năm). Anh Minh kể, ngành Đường sắt có nhiều công việc khác nhau nhưng công việc lặng lẽ và cô độc nhất phải kể đến là tuần đường và cuốc đường. Nhọc nhằn vì đi bộ, ngày qua ngày, dù là ngày nắng chang chang hay mưa bão, họ vẫn rảo bước để góp phần đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

Đoàn tàu vừa đi qua, những bước chân của người cuốc đường vẫn rảo bước để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng đường tàu. Công việc hằng ngày của họ như một bộ máy được lập trình sẵn, tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai nhanh nhạy ứng phó trước những sự cố có thể xảy ra bất ngờ trên đường ray.

Đến năm 2013, anh Minh chuyển sang làm nhân viên gác chắn. Anh bảo, mỗi công việc có đặc thù riêng. Làm cuốc đường nặng nhọc nên chủ yếu là nam giới đảm nhận, nhưng thời gian hành chính. Còn gác chắn làm ca kíp, trực lễ, Tết, chưa kể lúc làm nhiệm vụ an toàn nên với chị em phụ nữ sẽ rất vất vả.

Anh bảo vệ chơi kèn Saxophone

Trong thời gian làm nhân viên gác chắn, sau mỗi chuyến tàu đi qua an toàn, trong lúc chờ chuyến tàu tiếp theo, anh Minh lại nghĩ đến những nốt nhạc, những bài hát. Anh đã đăng ký học đàn Guitar để tăng thêm kiến thức, kỹ năng mới.

Sau đó, tham gia lớp đào tạo Trọng tài xe đạp quốc gia tổ chức ở Bình Dương. Anh xin nghỉ phép, vào Bình Dương học cùng 64 vận động viên của các tỉnh, thành phố và các thầy cô. Kết quả, năm ấy, anh lọt vào 12 Trọng tài xe đạp quốc gia, được cấp chứng chỉ. Từ đó, anh làm Trọng tài cấp Quốc gia ở tất cả các giải đua trong cả nước, được Ban Tổ chức nhiều giải đua lớn như Giải đua truyền hình, giải Điện Biên.

“Năm 2014, khi lên công ty làm bảo vệ, tôi tham gia phục vụ công tác đoàn thể. Tôi quyết định học thêm kèn Saxophone vì không muốn mình “rảnh”, muốn tranh thủ thời gian học thêm cái gì mới mẻ, làm tươi vui công việc và cuộc sống. Trong suốt 4 năm từ 2014 đến 2017, tôi đều đặn đến khu vực Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) học thổi kèn.

Môn nghệ thuật nào cũng có cái khó của nó. Nhưng với kèn Saxophone, dẫu học muộn một chút, nếu chịu khó tập luyện đều đặn như thể dục hằng ngày sẽ vượt qua. Mới đầu, hễ đi trực ca về, tôi ra vườn hoa hoặc nơi vắng vẻ để tập để không ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Ròng rã gần 4 năm trời, tôi đều đặn tập luyện sáng 2 tiếng, chiều 2 tiếng xông kèn.

Anh bảo vệ chơi kèn SaxophoneAnh và các đồng nghiệp được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy động viên. Ảnh: NVCC

Nhiều người bảo tôi “hâm”, điên, viển vông, hão huyền vì khi mới tập không ra bài mà chỉ toàn a, ê, lại tập giữa trời nắng, một mình ở công viên. Người ta không bảo hâm mới lạ!. Thế nhưng động lực làm xua tan căng thẳng mệt mỏi, mang niềm vui làm phong phú thêm đời sống tinh thần đã thôi thúc tôi” - anh Minh cười.

Anh Minh kể, thời ấy, chi tiêu của anh còn hạn hẹp. Giá mỗi buổi học là 400.000 đồng. Chưa đủ tiền đóng, anh xin thầy cho chậm lại, xoay sở để đóng học tiếp. Sau này, khi đã quen với những bài tập, anh tự luyện ở nhà. Cũng may, gia đình anh ủng hộ anh theo đuổi đam mê này.

Theo đuổi đam mê, anh được phát huy sở thích, vừa phục vụ biểu các chương trình văn hóa tinh thần cho đồng nghiệp ở Công ty và Tổng công ty, cũng như những người xung quanh. Lần đầu tiên biểu diễn trước đám đông, anh không tránh khỏi lúng túng, quên một vài chỗ. Khi đã quen môi trường đông người, anh tập được thành bài. Những khán giả đầu tiên chính là người đi đường ở phố đi bộ, gần nơi gia đình anh sinh sống.

Lần biểu diễn chính thức đầu tiên của anh là trên sân khấu Hội thi tin học giỏi ngành Đường sắt (năm 2014). Đó là ngày anh cảm thấy vinh dự, với vai trò là một người lao động của ngành Đường sắt.

Tiếng kèn của anh cất lên với giai điệu “Hà Nội mùa Thu” khiến cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty thấy mới lạ, hào hứng. Tiếng kèn của anh vang lên, lẫn chút run rẩy vì “lần đầu”. Và cũng sau “lần đầu” ấy, mọi người biết đến anh nhiều hơn với vai trò anh bảo vệ đa tài, biết hát, biết đàn, am hiểu về đua xe đạp. Anh đã tham gia các giải đua lớn như Giải đua xe đạp tranh cup Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Giải đua xe đạp đồng bằng Sông Cửu Long, Cuộc đua Xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024...

Anh bảo vệ chơi kèn SaxophoneAnh Đỗ Đức Minh luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ của Công ty và của ngành Đường sắt. Ảnh: NVCC

Từ đó trở đi, những chương trình tổng kết của năm của Tổng công ty, chương trình của Đoàn TNCS HCM, Công đoàn, Công ty nơi anh Minh làm việc, vào dịp lễ, Tết, tiếng kèn Saxophone đã trở thành món quà tinh thần dành tặng tất cả cán bộ, công nhân viên. Mọi người yêu tiếng kèn của anh có lẽ là ở sự mộc mạc, chân thành hơn là tính chuyên nghiệp. Dù một bài tập rất lâu, anh cũng cố gắng rèn thành thạo 15 đến 20 tác phẩm để biểu diễn “cuốn chiếu”, người nghe không nhàm chán.

Khi lên sân khấu, không lích kích giá nhạc, ánh đèn... anh chỉ nhớ nốt nhạc và cất lên bằng tất cả mong muốn của một người lao động.

“Ngành Đường sắt dù vất vả và còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ hết nhân tài về về văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Người ta thường nghĩ về ngành Đường sắt khô khan với những thanh gỗ, thanh tà vẹt bằng sắt. Nhưng mọi người sẽ nhớ về một đội tuyển bóng đá Đường sắt vang bóng một thời, hay nhiều ca sĩ không chuyên... Tổng công ty chủ trương khuyến khích người lao động phát huy năng khiếu nghệ thuật, thể thao để phấn khởi hơn, có động lực làm việc hăng say hơn, quên đi mệt mỏi. Có lẽ đó chính là động lực để người Đường sắt yêu và gắn bó với nghề.

Anh bảo vệ chơi kèn SaxophoneMột chương trình anh Minh tham gia biểu diễn. Ảnh: NVCC

Tôi cũng học từ những lớp cán bộ, công nhân viên Đường sắt đi trước. Tôi mong muốn tiếng kèn của mình sẽ góp phần giúp đồng nghiệp phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn trong công việc” - anh Minh chia sẻ.

KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ TINH THẦN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hội - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đặc thù của đơn vị là đơn vị có số lượng lớn lao động trực tiếp từ công nhân gác chắn, bảo vệ, tuần đường, duy tu, bảo dưỡng...

Trong đó, nhiều vị trí công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, kỷ luật đảm bảo an toàn chạy tàu luôn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, Công đoàn và chuyên môn luôn thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hướng dẫn của Công đoàn Đường sắt Việt Nam cũng như Tổng công ty trong việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống tinh thần của người lao động.

Mục tiêu là tạo điều kiện tối đa trong khả năng cho phép để NLĐ gắn kết với doanh nghiệp, với Công đoàn, tích cực tham gia đảm bảo an toàn chạy tàu.

Công đoàn phối hợp chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho cán bộ, công nhân viên như hằng năm có kế hoạch tổ chức các giải văn hoá thể thao trong đơn vị, giao lưu trong các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống của Công ty... Thông qua phong trào đã phát hiện các nhân tố tích cực, có năng khiếu để khuyến khích, động viên, bồi đắp.

"Việc khuyến khích tinh thần yêu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao góp phần xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, tạo không khí làm việc vui tươi hơn, góp phần tăng hiệu quả công việc. Vừa rồi, tại Hội diễn nghệ thuật kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người lao động của Công ty đã đoạt giải cao, mang về vinh dự cho đơn vị" - đồng chí Nguyễn Hữu Hội cho biết.

Anh bảo vệ chơi kèn Saxophone
Phòng bảo vệ không chỉ có 4 bức tường mà đã trở thành không gian âm nhạc. Ảnh: NVCC

HÀ VY

HÀ VY