Các công nhân điều trị tại bệnh viện do ngộ độc khí Methanol. Ảnh: PV |
Bàn về phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ trong môi trường có hơi khí độc |
Theo đồng chí Lê Đức Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), ngoài việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp cho người lao động (NLĐ), doanh nghiệp còn phải thường xuyên cấp các hơi khí sạch để NLĐ không bị hít phải các hơi khí độc này. |
Methanol là hơi khí độc và ảnh hưởng cấp tính đến sức khoẻ NLĐ |
Đánh giá về tình trạng nhập viện liên quan đến vụ ngộ độc cồn công nghiệp Methanol của các công nhân Công ty TNHH HS Tech Vina, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Các bệnh nhân đến bệnh viện khám muộn khi đã có các tổn thương lên não, mắt, máu, tim mạch, qua kiểm tra, thấy được những trường hợp này xuất hiện nồng độ cồn công nghiệp Methanol trong máu rất cao, đều hơn 100mg/dL. Chúng tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp: cấp cứu, hồi sức, dùng thuốc giải độc, lọc máu, các biện pháp điều trị khác. Tuy nhiên, tiên lượng rất nặng, có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn, rối loạn vận động do tổn thương não kéo dài". |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các công nhân bị nhiễm độc Methanol qua đường hô hấp, một phần qua da trong điều kiện sản xuất. Ảnh: Cuộc sống an toàn |
Theo TS.BS Nguyên, từ mẫu cồn do bệnh nhân lấy từ trong phân xưởng sản xuất gửi đến bệnh viện để xét nghiệm, tỷ lệ Methanol là 77,83%. Methanol là một chất độc, bệnh nhân bị nhiễm độc là do tiếp xúc qua đường uống, đường hô hấp và một phần là qua da. Ngộ độc Methanol có biểu hiện rất chậm, âm thầm, kín đáo, chất độc tồn tại rất lâu trong cơ thể, khi đã biểu hiện ra bên ngoài thì đã muộn. Hậu quả gây ra là mù mắt, tổn thương não, còn nhẹ thì giảm thể lực, để lại di chứng về vận động… Trong vụ ngộ độc của các công nhân trên, bệnh nhân đã bị ngộ độc Methanol qua đường hô hấp và một phần là qua da. Cách tốt nhất là cách ly không khí ô nhiễm, NLĐ cần nguồn thông khí riêng cách biệt với môi trường có Methanol. |
ĐẦU TIÊN LÀ PHẢI thường xuyên cấp hơi khí sạch cho môi trường làm việc |
Theo đồng chí Lê Đức Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học ATVSLĐ, NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, có nhiều hóa chất phải được trang bị các loại phương tiện cá nhân để đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho NLĐ. Điều 23, Luật ATVSLĐ đã quy định rất rõ về phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động. “1. NLĐ làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc. 2. Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động. 3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc NLĐ tự mua hoặc thu tiền của NLĐ để mua phương tiện bảo vệ cá nhân; c) Hướng dẫn, giám sát NLĐ sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ". |
Đồng chí Lê Đức Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học ATVSLĐ cho biết khẩu trang thông thường không dùng trong môi trường có hơi khí độc. Ảnh: Minh Anh |
Hiện nay có rất nhiều các cơ sở môi trường làm việc có hơi khí độc như cơ sở sản xuất hóa chất; doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử sử dụng hóa chất là Methanol để làm sạch các mối hàn; doanh nghiệp giày da thường sử dụng keo… Tùy theo mô hình sản xuất, công nghệ sản xuất mà tồn tại các hơi khí độc khác nhau trong môi trường làm việc. Khi NLĐ làm việc trong môi trường có hơi khí độc như nói trên, về nguyên tắc, đầu tiên người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch môi trường lao động để bảo vệ sức khỏe NLĐ. Khi các biện pháp làm sạch không giải quyết được dứt điểm thì sẽ sử dụng đến phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Phương tiện này có rất nhiều loại, tùy theo mức độ mà sử dụng. Trong môi trường có nhiều bụi, hóa chất độc hại thì sử dụng các loại khẩu trang bán mặt nạ; với môi trường có nhiều hơi khí độc thì sử dụng mặt nạ chống hơi khí độc, khẩu trang thông thường được chống chỉ định dùng trong môi trường này. Ngoài ra còn sử dụng mặt nạ cấp khí. Một mẫu mặt nạ lọc hơi khí hữu cơ (dùng trong môi trường có khí Methanol, Ethanol, dung môi pha sơn, dung môi pha keo,...). Ảnh: Minh Anh Các loại mặt nạ chống hơi khí độc cũng phải tùy theo môi trường làm việc mới đưa ra được khuyến cáo nên sử dụng loại mặt nạ nào cho phù hợp. Và phải có sự đánh giá đầy đủ về mối nguy về hóa chất độc hại tại nơi làm việc. Liên quan đến vụ ngộ độc khí Methanol của gần 100 công nhân Công ty TNHH HS Tech Vina, đồng chí Lê Đức Thiện nhấn mạnh, ngộ độc khí Methanol rất nguy hiểm. Hơi khí độc có thể xâm nhập theo 3 đường: Hít phải, nuốt phải và qua niêm mạc (da, mắt, mũi, miệng). Hơn nữa, trong môi trường làm việc có phun sương tạo ra độ ẩm cao, càng tạo điều kiện cho việc lan truyền hơi khí độc. NLĐ khi làm việc trong môi trường này phải được biết các thông tin về an toàn lao động, các loại hóa chất sử dụng trong quá trình làm việc, hiểu về các phương tiện sử dụng cá nhân, biện pháp để giảm thiểu nguy cơ bị ô nhiễm. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hướng dẫn NLĐ về các thông tin này. "Về trường hợp ngộ độc khí của công nhân ở Bắc Ninh, hiện cơ quan chức năng chưa có đánh giá cụ thể, do vậy về cơ bản phải xem xét, đánh giá tại chỗ thì mới đưa ra phương tiện bảo vệ cá nhân cho phù hợp. Về nguyên tắc, phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ có bán mặt nạ, mặt nạ lọc hơi khí độc; hơn nữa thường xuyên phải cấp các hơi khí sạch để NLĐ không bị hít phải các hơi khí độc này. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động vẫn phải cân nhắc sử dụng phương tiện bảo vệ lao động cá nhân nào cho phù hợp với NLĐ"- đồng chí Lê Đức Thiện cho biết. |
Bài viết: MINH ANH Ảnh + Video: Hải Yến Đồ họa: Hải Yến |