e magazine
22:57 | Thứ năm, 29/02/2024
Bộ LĐ – TB và XH: Khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu

22:57 | Thứ năm, 29/02/2024

Trả lời kiến nghị về giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động trực tiếp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) cho rằng, khó đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.

Bộ LĐ – TB và XH:

Khó đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu

Trả lời kiến nghị về giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động trực tiếp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) cho rằng, khó đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.

Bộ LĐ – TB và XH: Khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưuĐiều kiện lao động và đặc thù công việc khiến nhiều lao động Dệt may khó làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh: ĐVCC

Kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho NHÓM lao động trực tiếpĐ

Đồng chí Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP Hà Nội, cho biết qua ghi nhận ý kiến của người lao động (NLĐ) liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), công nhân lao động sản xuất trực tiếp ở các doanh nghiệp mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi; thêm 4 tháng đối với lao động nữ đến khi đủ 60 tuổi.

Tuy nhiên, từ thực tế cơ sở, đồng chí Tạ Văn Dưỡng cho rằng, phần lớn công nhân trực tiếp khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Thậm chí, chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều NLĐ gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Ở độ tuổi này, sức khỏe, độ nhanh nhẹn của NLĐ đều giảm, rất khó để đáp ứng yêu cầu. Thực tế đã có tình trạng một số doanh nghiệp cũng mong muốn cho NLĐ được nghỉ hưu sớm, bởi những lao động lớn tuổi khi làm việc trong các dây chuyền có thể không theo kịp tiến độ, năng suất không được đáp ứng. Trong khi đó, thu nhập, tiền lương của họ thường cao hơn nhóm lao động trẻ.

Bộ LĐ – TB và XH: Khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu
NLĐ tại Xưởng May Hà Nội của Tổng công ty May 10. Ảnh: ThC

Một trong những nguyên nhân của thực tế này là quy định về cắt giảm lao động hiện nay khá đơn giản. Chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể cắt giảm hàng nghìn công nhân và nhóm đầu tiên họ nhắm đến luôn là lao động lớn tuổi.

Do vậy, LĐLĐ TP Hà Nội kiến nghị phân loại nhóm lao động trực tiếp và một số khu vực sản xuất được nghỉ hưu sớm.

Thực tế, kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp đã được đề cập nhiều lần, nhất là vào mỗi lần sửa đổi chính sách liên quan đến lao động, bảo hiểm xã hội. Tháng 5/2023, khi góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất cho lao động nam được về hưu sớm ở 60 tuổi, nữ 55.

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, lao động trong các nhà máy chủ yếu làm việc chân tay, nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm nên có thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Khi ở độ tuổi từ 55 đến 60 tuổi thì sức khỏe họ cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc nhưng lại chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo luật định.

Một đối tượng lao động khác mà không chỉ LĐLĐ TP Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị xem xét đưa vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại để họ được hưởng chính sách nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định hiện hành đó là giáo viên mầm non.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, năm 2023, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, liên quan đến việc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn. Giáo viên mầm non khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm... Giáo viên mầm non lớn tuổi không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ.

Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Mặt khác, do đặc thù, tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc ngày làm việc muộn.

Trong suốt thời gian của buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động... cần sức khỏe tốt, phản xạ nhanh.

Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn, trong đó đề nghị giữ nguyên 4 nghề, công việc của ngành Giáo dục và Đào tạo tại danh mục nghề đã được ban hành, gồm: thí nghiệm vật lý hạt nhân; thí nghiệm hóa phóng xạ; thí nghiệm hóa, sinh, điện cao áp; thủ kho hóa chất và không có đề xuất bổ sung thêm.

Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu, đánh giá điều kiện lao động, cho đến nay nghề giáo viên mầm non chưa đủ các yếu tố điều kiện lao động để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Vì vậy, tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH không có nghề, công việc “giáo viên mầm non”.

Ngoài ra, do nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù nên khi không còn đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn của nghề này (không phải là hết tuổi lao động, đủ điều kiện tuổi hưởng chế độ hưu trí) thì giáo viên có thể được hỗ trợ đào tạo chuyển sang nghề khác, nếu có nhu cầu làm việc.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, qua khảo sát trên fanpage của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55.

Qua những chuyến công tác, tìm hiểu thực tế ở địa phương của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cô giáo mầm non cũng luôn bày tỏ nguyện vọng không phải làm việc đến năm 60 tuổi.

Do đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã và đang phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam để nghiên cứu các đặc điểm lao động của đối tượng này, từ đó đưa ra các minh chứng chính xác nhất phục vụ cho việc đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu.

Bộ LĐ – TB và XH: Khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu
Giáo viên mầm non đang được ngành Giáo dục kiến nghị xem xét nghỉ hưu sớm do điều kiện lao động nặng nhọc. Ảnh: ThC

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại còn nhiều bất cập

Theo ghi nhận của các cấp công đoàn, sau 5 năm triển khai thực hiện, trước các vấn đề mới phát sinh, Luật ATVSLĐ đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Trong đó, các cấp công đoàn phản ánh, chính sách đối với lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm chậm được đổi mới, từ phương pháp xây dựng danh mục đến việc tổ chức triển khai xây dựng danh mục nghề, công việc trong khi cơ chế quản lý doanh nghiệp đã thay đổi.

Thời gian ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cách đây đã lâu. Một số chức danh nghề, công việc có trong danh mục nhưng không cụ thể hoặc không phù hợp với tên nghề, công việc trong thực tế nên doanh nghiệp không áp dụng được hoặc tìm cách trốn tránh, dẫn đến cơ quan Bảo hiểm xã hội không có cơ sở giải quyết.

Đến nay, nhiều nghề, công việc, hóa chất, vật liệu, lĩnh vực mới xuất hiện có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng chưa có trong danh mục. Danh mục phân loại nghề, công việc theo ngành, lĩnh vực cũng khiến cho các ngành, lĩnh vực khác có nghề, công việc với điều kiện lao động tương tự không thể áp dụng, dẫn đến thiệt thòi cho NLĐ.

Quy định về Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thống nhất tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thay vì nằm trong nhiều văn bản hướng dẫn như trước đây.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nghề, công việc được đưa vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định từ những năm 1990 - 2000 của thế kỉ trước vẫn không được điều chỉnh, rà soát và tiếp tục được quy định tại Thông tư số 11.

Cụ thể, danh mục quy định tên nghề, công việc “vận hành nồi hơi” với điều kiện lao động nóng bức, bụi, ồn, rung. Trên thực tế, số người lao động làm công việc này vẫn còn, nhưng rất ít. Nhiều nhà máy đã tự động hóa quy trình vận hành nồi hơi, NLĐ làm việc trong điều kiện mát mẻ, vận hành qua màn hình máy tính. Nhưng'"tư duy" về công việc này trong Thông tư số 11 vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Một số ngành, nghề, công việc trong ngành Dệt May, Da giày trước kia rất nặng nhọc, môi trường lao động ô nhiễm. Tuy nhiên, điều kiện làm việc của người lao động ngành Dệt May, Da giày những năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều.

Đơn cử công việc Cắt vải trong công nghệ may (hiện được xếp vào Điều kiện lao động loại IV - loại nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) có các đặc điểm về điều kiện lao động gồm đứng suốt ca làm việc, căng thẳng thị giác và mệt mỏi thần kinh, chịu tác động của hơi nóng và bụi bông. Trên thực tế, công đoạn này đã được doanh nghiệp tự động hóa, cơ giới hóa, người lao động chỉ việc theo dõi vận hành và hầu như không chịu tác động bởi đặc điểm điều kiện làm việc như danh mục quy định.

Bộ LĐ – TB và XH: Khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu
Điện lực là ngành có điều kiện lao động đã thay đổi rất lớn. Ảnh: ThC

Một tồn tại, vướng mắc khác sau 5 năm thi hành Luật ATVSLĐ mà cán bộ công đoàn kiến nghị đó là phương pháp xây dựng Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện rất lạc hậu khi yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở, bộ, ngành đề xuất.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không còn cơ chế quản lý theo bộ, ngành mà trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên bộ, ngành không còn trách nhiệm trong vấn đề đề xuất.

Thêm vào đó, để có thể đề xuất một nghề, công việc xếp loại nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có nghiên cứu đánh giá chuyên sâu, cần có chương trình được Nhà nước giao cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng nghiên cứu thay vì phương pháp chuyên gia.

Đồng chí Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, cần đổi mới phương pháp xác định danh mục nghề theo điều kiện lao động thực tế thay vì theo tên nghề, công việc.

Việc xem xét điều chỉnh này sẽ phù hợp hơn với điều kiện lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Nên dùng phương pháp định lượng mức độ gánh nặng nghề nghiệp để nghiên cứu, đề xuất mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của các nghề, công việc này...

Khó ĐỂ đồng nhất giữa tuổi nghề VÀ tuổi nghỉ hưu

Theo Bộ LĐ – TB và XH, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của NLĐ, tùy trường hợp mà có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 - 10 tuổi so với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường.

Để có giải pháp căn cơ khắc phục khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu (nhất là khi có thực trạng một số nhà máy không tiếp nhận lao động ngoài 40 tuổi ở một số ngành, nghề), Bộ LĐ - TB và XH đã có Văn bản số 2040/LĐTBXH-VP nêu rõ:

Thực trạng khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu ở một số ngành, nghề, nhất là những ngành nghề đặc thù có tuổi nghề rất thấp như vận động viên thể thao, diễn viên, nghệ sĩ hay một số nghề, công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là có thật. Tuy nhiên, thực trạng này đang diễn ra ở tất cả các nước, trong đó đặc biệt các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh càng lớn hơn. Do đó, các quốc gia đều không thể đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.

Khi xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, Bộ LĐ - TB và XH đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), khảo sát thực tiễn tại các địa phương, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, đề xuất giải pháp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng trước khi trình Trung ương thông qua và ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.

Trên cơ sở chủ trương, định hướng tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28- NQ/TW, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan, xem xét đến tính chất, điều kiện lao động của các ngành nghề.

Chính vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, đối với những NLĐ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Thực tế, lao động ở một số ngành, nghề (May mặc, Giày da...) đã được xem xét, quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Theo Bộ LĐ – TB và XH, những lao động ở một số ngành, nghề đặc thù, làm việc trong điều kiện độc hại, nặng nhọc... đã được xem xét, quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Tuy nhiên, rất khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu...

Để khắc phục những bất cập trong tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ -TB và XH cho rằng, đối với các ngành, nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu, các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp, để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của NLĐ.

Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa một số ngành, nghề vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

.

Bài: Hà Vy

Hà Vy