e magazine
11:30 | Thứ tư, 10/04/2024
Cần đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc

11:30 | Thứ tư, 10/04/2024

Các cơ sở chăm sóc tóc ngày càng thu hút đông khách hàng, nhất là sau khi dịch Covid-19, nhiều người muốn tìm cảm giác thư giãn. Tuy nhiên nhiều cơ sở chưa chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ...
Cần đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc

Cần đẩy mạnh công tác atvslđ trong nghề chăm sóc tóc

Nhiều người tìm đến cửa hàng chăm sóc tóc mỗi ngày để tìm kiếm sự thư giãn, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên nhiều cơ sở làm đẹp chưa chú trọng công tác đảm bảo ATVSLĐ, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Nhận diện mối nguy trong nghề chăm sóc tóc

Trong lúc chờ cắt tóc, chị Lê Thị Phương (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thấy một người mẹ đưa con đến cắt ngắn mái tóc rất dài và dày. Hỏi ra mới biết bé bị nấm đầu nên phải cắt gọn gàng, tỉa mỏng nhất nhằm thuận tiện cho việc điều trị.

Trong suốt quá trình cắt tỉa, sấy tóc, những người thợ tiếp xúc với hóa chất nhưng không sử dụng đầy đủ găng tay và khẩu trang. Bên cạnh đó, nhân viên chăm sóc tóc không có biện pháp khử trùng dụng cụ như lược và kéo trong quá trình làm việc.

Là người luôn chú trọng bảo đảm an toàn, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, chị Phương quyết định không sử dụng dịch vụ chăm sóc tóc của cửa hàng nữa mà trở về nhà.

"Mặc dù rất thích các mẫu tóc tại đây nhưng mình lo ngại an toàn, sức khỏe của bản thân và nhân viên chăm sóc tóc có thể bị ảnh hưởng, nhất là có thể lây bệnh truyền nhiễm trong lúc làm đẹp mà không biết”, chị Phương lo ngại.

Nghề chăm sóc tóc thuộc lĩnh vực thẩm mỹ làm đẹp, chuyên về việc tạo kiểu tóc, cắt tóc và tạo kiểu tóc theo yêu cầu của khách hàng. Cắt tóc không chỉ đơn thuần là cắt đi một phần tóc, mà còn bao gồm các công việc như cạo râu, làm màu tóc, uốn tóc, nhuộm tóc, gội đầu và mát - xa da đầu.

Cần đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc
Một nhân viên chăm sóc tóc chuẩn bị thao thác. Ảnh: Thảo Vân

Giảng viên Minoru Fuji - Giám đốc đại diện Hiệp hội Quản lý vệ sinh Nhật Bản cho biết, ngành chăm sóc sắc đẹp có ý nghĩa đem lại cho khách hàng sự thoải mái, an tâm và an toàn. An tâm có nghĩa là sự bình thản, điềm đạm, là khi trái tim được chữa lành, không có sự lo lắng hay bận tâm. An toàn có nghĩa là được bảo vệ khỏi nguy hiểm.

“Ngành chăm sóc sắc đẹp có ý nghĩa là những chính sách, biện pháp để “có trách nhiệm với sức khỏe của khách hàng và nhân viên”. An tâm, an toàn là điều quan trọng, cần thiết trong môi trường làm việc. Với sự an tâm, an toàn sẽ làm gia tăng lượng khách hàng đến với chúng ta”, Giảng viên Minoru Fuji chia sẻ.

Cần đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc

Khử khuẩn dụng cụ trước khi thực hiện thao tác đối với khách hàng.

Ảnh: T. Thảo

Cũng theo giảng viên Minoru Fuji, nghề chăm sóc sắc đẹp là một nghề dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên các nhân viên nên chú ý đến những mầm bệnh lây nhiễm. Các loại virus, vi khuẩn có thể được phát hiện trên da, tóc và trong lỗ mũi khiến các vết thương trở nên trầm trọng hơn. Một số loại vi khuẩn mọc ở lòng bàn tay và trên da đầu của khách, lỗ chân lông và trên da đầu; một số bệnh như bệnh lao, HIV, virus viêm gan… cũng rất dễ lây nhiễm.

Do đó, người lao động rất cần chú ý đến các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm lây nhiễm qua giọt bắn trong không khí và khái niệm về quản lý vệ sinh.

Cần đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc

Nhân viên chăm sóc tóc thường xuyên không dùng găng tay và khẩu trang. Ảnh: ST

Chị Hoàng Thanh Thảo - Giám đốc Hair Salon Liên Phương (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nghề làm tóc có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như bệnh truyền nhiễm, những bệnh lây qua không khí, đường máu và mất an toàn, vệ sinh lao động - cụ thể là những dụng cụ sử dụng giữa những người thợ và khách hàng, đặc biệt là hóa chất.

“Mỗi ngày, Salon đón hàng chục khách hàng. Mỗi khách hàng lại có những vấn đề sức khỏe khác nhau mà bản thân người thợ làm tóc không biết được. Do đó, chúng tôi quán triệt mỗi người lao động cần phải biết cách để bảo vệ chính mình, cho đồng nghiệp và gia đình. Hằng ngày, các nhân viên đều đến cửa hàng từ sớm, khử khuẩn dụng cụ, lau dọn ghế, gương, máy móc, thiết bị; vệ sinh bằng tia UV cho kéo và lược… Sau đó, chúng tôi mới mở cửa hàng. Khẩu trang và găng tay là hai vật dụng mà người lao động luôn phải sử dụng với mọi khách hàng”, chị Thảo cho biết.

Ngoài những nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm qua đường không khí thì nhân viên chăm sóc tóc còn có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp. Người lao động cũng có thể gặp phải các dạng tai nạn bao gồm: bị đứt tay nếu không cẩn thận, khi sử dụng dao kéo và những dụng cụ sắc bén khác để cắt tóc; việc sử dụng máy sấy tóc và các dụng cụ nhiệt có thể gây ra điện giật, cháy nổ nếu thiết bị hỏng. Nếu không sử dụng đúng cách, các thiết bị này có thể làm tóc khô, dễ bị cháy hoặc làm chảy máu chân tóc khách hàng.

Ngoài ra nhân viên tóc có thể bị đau lưng và mỏi cổ vì phải thường xuyên làm việc với tư thế ngồi hoặc đứng trong thời gian dài và liên tục. Các sản phẩm chăm sóc tóc và màu tóc cũng có thể chứa hóa chất gây kích ứng hoặc dị ứng da…

Huấn luyện, đào tạo góp phần giải quyết những thách thức về atvslđ

Hiện nay, chăm sóc tóc là một trong những nghề phổ biến và có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu và chuỗi cửa hàng cắt tóc lớn nhỏ trên cả nước. Không chỉ giúp tạo nên vẻ đẹp cho người khác, nghề làm tóc còn tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, giúp người lao động có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Chăm sóc tóc cũng là nghề dễ tiếp cận và học hỏi nên nhiều người quan tâm và tham gia vào nghề này. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề chăm sóc tóc cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cạnh tranh khắc nghiệt, chất lượng dịch vụ và quản lý kinh doanh.

Một số mối nguy hiểm trong nghề cắt tóc có thể bao gồm:

- Nếu không sử dụng các thiết bị điện và hóa chất một cách cẩn thận, có thể gây ra nguy cơ cháy nổ.

- Các chất hóa học và thiết bị sử dụng trong nghề cắt tóc có thể gây nguy hiểm cho người thợ và khách hàng nếu không sử dụng đúng cách.

- Nếu không vệ sinh các dụng cụ cắt tóc đúng cách, có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm bệnh từ khách hàng sang thợ cắt tóc và ngược lại.

- Các mảnh vụn tóc hoặc hóa chất có thể gây ra nguy cơ đối với mắt của người thợ cắt tóc.

- Tiếng ồn từ máy cắt tóc và các thiết bị khác có thể gây ra nguy cơ đối với tai của người thợ cắt tóc.

- Nếu không sử dụng các dụng cụ cắt tóc đúng cách, có thể gây ra nguy cơ về tay của người thợ cắt tóc.

- Các hóa chất sử dụng trong nghề cắt tóc có thể gây ra nguy cơ đối với hệ hô hấp của người thợ cắt tóc.

Ông Hà Đình Bốn, Chủ tịch Hội Đào tạo - Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA) nhấn mạnh: "ATVSLĐ là yếu tố quan trọng trong mọi ngành nghề, đặc biệt là với nghề chăm sóc sắc đẹp. Việc nắm vững các kiến thức về ATVSLĐ không chỉ là trách nhiệm của người lao động đối với khách hàng và với chính bản thân mình, mà còn là yếu tố tạo nên sự chuyên nghiệp, khác biệt trong kinh doanh.

Cần đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc

Bên cạnh đó, ATVSLĐ cũng luôn là bài học đầu tiên nếu người lao động có cơ hội tham dự hoặc thi các Kỳ thi hành nghề của các Quốc gia. Do đó, những năm qua, VNBA cùng với Hiệp hội quản lý vệ sinh Nhật Bản và Hiệp hội giao lưu ngành tóc và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam Nhật Bản đã tổ chức nhiều chương trình nhằm chia sẻ chuyên môn về ATVSLĐ nghề chăm sóc sắc đẹp.

Ông Asakuma Yasuyoshi - Trưởng Ban Thư ký Hiệp hội giao lưu ngành tóc và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam Nhật Bản chia sẻ, các phương pháp vệ sinh và khử trùng phải được ghi nhớ trong quá trình kinh doanh vận hành salon. Việc nắm vững kiến thức về ATVSLĐ cũng giúp các người thợ làm nghề tự tin hơn trong công việc của mình. Quan trọng hơn, việc quản lý an toàn, an tâm tại các cơ sở chăm sóc sắc đẹp cũng sẽ được xã hội đánh giá cao và sẽ là nơi chăm sóc sắc đẹp được nhiều người lựa chọn.

Tại Nhật Bản, Luật Quản lý thợ cắt tóc nước này quy định rằng: Mục đích của thợ cắt tóc là giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đó là lý do những thợ cắt tóc ở Nhật vì để cải thiện sức khỏe cộng đồng thì những người làm nghề trong nước đều phải có 02 loại chứng nhận gồm chứng chỉ vệ sinh tại cửa hàng và bằng cấp tay nghề cá nhân.

Khẳng định việc huấn luyện ATVSLĐ nghề cắt tóc là các buổi học trang bị nhận thức về cách phòng chống tai nạn lao động cho người lao động, ông Asakuma Yasuyoshi nhấn mạnh: “Hành động này sẽ bảo vệ chính bản thân thợ làm tóc, người trong gia đình và khách hàng”.

Nhiều ý kiến đồng nhất cho rằng, người làm việc trực tiếp trong nghề cắt tóc do tiếp xúc các yếu tố có thể gây nguy hiểm nên cần được huấn luyện ATVSLĐ để nhận biết và phòng tránh được các mối nguy, hạn chế rủi ro xảy ra tai nạn lao động trong lúc làm việc.

Video: Chị Hoàng Thanh Thảo - Giám đốc Hair Salon Liên Phương (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ về các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong ngành chăm sóc tóc.

Cần đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong nghề chăm sóc tóc

Một nhân viên chăm sóc tóc chú trọng bảo vệ sức khỏe. Ảnh: T.V

Các biện pháp an toàn cho nghề cắt tóc bao gồm

Sử dụng trang thiết bị bảo vệ: Như khẩu trang, găng tay, áo phòng thí nghiệm, kính bảo vệ mắt để bảo vệ đôi mắt và khuôn mặt khỏi bị phân tử tóc và bụi phấn gây kích ứng.

Sử dụng dụng cụ cắt tóc an toàn: Các dụng cụ cắt tóc như kéo cắt tóc, máy cắt tóc và bàn cắt tóc cần được vệ sinh thường xuyên và kiểm tra trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Sử dụng sản phẩm an toàn: Những sản phẩm như thuốc nhuộm tóc và hóa chất khác cần được sử dụng đúng cách và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh gây hại cho khách hàng.

Thực hiện vệ sinh đúng cách: Các vật dụng trong tiệm cắt tóc như bàn cắt tóc, ghế, tủ đựng dụng cụ cần được vệ sinh thường xuyên để tránh lây nhiễm bệnh tật cho khách hàng và bảo đảm an toàn cho bản thân.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy nổ: Sử dụng các sản phẩm chống cháy, đặt bình gas và các vật dụng có liên quan đến điện và gas cách xa nguồn lửa để tránh cháy nổ.

Nâng cao kỹ năng và kiến thức: Các thợ cắt tóc cần được đào tạo về kiến thức an toàn để tránh các tai nạn và sự cố xảy ra trong quá trình làm việc.

Định kỳ tổ chức quan trắc môi trường lao động trong tiệm cắt tóc, thu thập và phân tích các yếu tố có hại cho người lao động, từ đó điều chỉnh giảm mức nguy hại để phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho họ.

Video TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nói về chủ động

phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Gia Hưng

Đồ họa: Hưng Thịnh

Gia Hưng