Công việc của công nhân vệ sinh môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng nghề nghiệp. Ảnh minh họa. |
Thực trạng và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tại nơi làm việc (stress) như áp lực công việc, môi trường làm việc, kĩ năng làm việc, lối sống thiếu lành mạnh... Căng thẳng tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống người lao động (NLĐ). Đây là vấn đề được Chính phủ ở nhiều nước quan tâm và đề ra các chính sách để kiểm soát làm giảm thiểu tác động tiêu cực của nó đến sức khoẻ, đời sống người dân, NLĐ cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia. NLĐ làm việc theo dây chuyền với công việc lặp đi lặp lại cũng là một yếu tố gây căng thẳng nghề nghiệp. |
Thực trạng về căng thẳng tại nơi làm việc |
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nền sản xuất biến đổi rất nhanh đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Sự thay đổi công nghệ, thay đổi về nhân khẩu học làm cho con người cũng phải thay đổi nhanh chóng thích ứng, nhất là trước những diễn biến khó lường, khó dự báo như biến đổi khí hậu; dịch bệnh nguy hiểm; cuộc chiến Nga – Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng giảm sút, tình trạng mất việc làm, thu nhập thấp hoặc điều kiện lao động ở nhiều nơi không đảm bảo, áp lực công việc lớn. Tất cả những yếu tố đó đều gây ra những vấn đề đáng quan tâm đến công tác ATVSLĐ, đặc biệt là stress tại nơi làm việc. Theo nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mối quan hệ giữa stress và suy sụp sức khỏe tinh thần đã được làm rõ. Trong ấn phẩm mới đây của ILO (Stress tại nơi làm việc: Một thách thức chung), nhóm An toàn và Sức khỏe lao động đã đánh giá các nghiên cứu gần nhất về stress tại nơi làm việc tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu. Từ đó đi đến kết luận rằng stress gây thiệt hại hàng tỷ đô-la mỗi năm một cách trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Đó là còn chưa tính đến những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát. Một số nước phát triển đã đánh giá hậu quả kinh tế của stress liên quan đến công việc, các dấu hiệu về hành vi và rối loạn tâm thần đi kèm. Ví dụ, tại châu Âu, ước tính thiệt hại từ trầm cảm do công việc là 617 tỷ euro mỗi năm. Trong đó bao gồm chi phí cho chủ sử dụng lao động do NLĐ vắng mặt và đi làm khi đang bị ốm (272 tỷ euro), giảm năng suất (242 tỷ euro), chi phí y tế (63 tỷ euro) và Bảo hiểm xã hội dưới dạng trợ cấp khuyết tật (39 tỷ euro). Tại Mỹ, có 60% đến 80% tai nạn nghề nghiệp do stress. Thống kê tại Mỹ gần đây cho thấy có hơn 50% trong số 550 triệu ngày nghỉ việc mỗi năm của người dân nước này là do stress; gần 50% công nhân có triệu chứng kiệt quệ. Chi phí cho stress từ công việc là 300 tỉ đô-la/năm (nghỉ việc, giảm năng suất, thay người làm việc, khám bệnh, phí bảo hiểm... ). Đặc biệt, có tới 60% đến 80% tai nạn nghề nghiệp là do stress. Còn tại Canada, khảo sát mới nhất ghi nhận có gần 50% người dân nước này cảm thấy bị stress do cố tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư (10 năm trước tỉ lệ này là 27%). |
Tác hại của căng thẳng trong môi trường làm việc: Stress do công việc thường gây cảm giác kiệt sức, tự đánh giá thấp bản thân, tuyệt vọng, trầm cảm, thậm chí là tự tử; đồng thời liên quan đến các rối loạn trong nhiều chứng bệnh. Stress xảy ra thường xuyên có tác hại khá nghiêm trọng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống. Stress do công việc là những phản ứng có hại về mặt cảm xúc và cơ thể, xuất hiện khi yêu cầu của công việc vượt quá khả năng đối phó hay kiểm soát của bản thân. Công nhân trong ngành dầu khí cần có môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây căng thẳng. Ảnh minh họa. Triệu chứng sớm của stress do công việc thường là nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, dễ cáu kỉnh, khó chịu ở dạ dày, không hài lòng về công việc, xuống tinh thần. Stress dễ gây ra lo âu, mất tập trung chú ý, mất tự tin, mất động cơ làm việc, cảm giác thất vọng, dễ bị kích thích, dễ giận dữ, lạm dụng rượu hay chất gây nghiện, trầm cảm, tự tử. Đặc biệt, stress gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nhất là trong môi trường làm việc nguy hiểm hay cần duy trì sự chú ý cao độ. Stress trong công việc cũng làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với đồng nghiệp. vấn đề này không được giải quyết, dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức liên tục về mặt thể chất và tâm thần, xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như tự đánh giá thấp bản thân, cảm giác không ai có thể giúp mình được và tuyệt vọng. Những triệu chứng này sẽ dẫn đến các rối loạn mãn tính về sức khỏe, suy giảm trầm trọng khả năng tham gia cuộc sống hằng ngày. Những người bị stress trong công việc cũng thường để stress tác động tới đời sống gia đình như dễ bị kích thích, dễ giận, mất kiên nhẫn, buồn, kiệt sức, mất hứng thú, quá mệt mỏi, giảm tình dục, ảnh hưởng đến sự chăm sóc con cái và quan hệ với các thành viên khác trong gia đình. Về biểu hiện trên cơ thể, stress có liên quan đến các rối loạn như bệnh phổi, tim mạch, ung thư, tai nạn và tự tử, làm trầm trọng hơn các bệnh lý như loét dạ dày, tá tràng, suyễn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục, rối loạn cơ xương, ... |
Nguyên nhân gây stress từ công việc được xác định là do những thay đổi về thời gian làm việc, nơi làm không ổn định (công ty dễ phá sản, sáp nhập), yêu cầu công việc cao (tăng năng suất, giảm chi phí...), thiếu nhân lực hay phương tiện, làm nhiều việc hay nhiều giờ, làm thêm giờ quá mức... Môi trường làm việc, điều kiện lao động không bảo đảm như nóng quá, lạnh quá, không khí ô nhiễm, tư thế lao động gò bó, đơn điệu, lặp đi lặp lại... cũng dễ gây ra stress. Ngoài ra, phong cách quản lý, các bộ phận trong đơn vị không liên kết với nhau, thiếu chính sách tạo sự thân mật trong đơn vị... cũng là nguyên nhân gây stress do công việc. Những người làm nhiều việc, hoàn thành trong thời gian quá ngắn, ít khoảng nghỉ giữa giờ, thời gian làm việc quá dài, làm ca, việc đơn điệu không cần sử dụng đến kỹ năng hoặc có quá nhiều xung đột, quá nhiều trách nhiệm, quá nhiều lãnh đạo chỉ huy... có nguy cơ đối diện với stress cao hơn người khác. Bên cạnh đó, công việc không ổn định, ít cơ hội thăng tiến, không học hỏi thêm được gì, thay đổi nhiệm vụ quá nhanh... cũng dễ gây ra stress. |
Một số nguyên nhân phổ biến gây stress trong công việc hiện nay như: Ngành nghề sản xuất, kinh doanh: Thống kê chỉ ra, một số ngành nghề có số lượng NLĐ bị stress cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày. Bên cạnh đó, ngành Marketing, quảng cáo luôn đòi hỏi sự đổi mới, nắm bắt xu hướng, không cố định nên cũng có nguy cơ gây ra stress rất cao. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-1, do tính chất đặc thù của công việc, lực lượng tuyến đầu (như Y tế...); lực lượng lao động trong các ngành sản xuất thâm dụng lao động như Dệt may, Da giày, Chế biến thuỷ sản, Điện tử do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ mất việc làm và thu nhập, vấn đề làm thêm giờ, việc chăm sóc gia đình, con cái … Thời gian làm việc: Theo quy định ban hành, thời gian làm việc tiêu chuẩn là 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên vẫn có vô vàn các công việc không thể hoàn thành đúng theo khuôn khổ, các công việc có tính chất không cố định khiến NLĐ phải tốn thời gian, sức lực hơn. Chẳng hạn như bác sĩ, y tá có thể phải làm việc đến 16 tiếng/ngày; nhân viên tiếp thị phải đi tiếp khách bất cứ lúc nào; phóng viên cần làm việc ngay giữa đêm nếu có tin mới. Ngoài ra, tình trạng sử dụng lao động tăng ca, làm thêm giờ quá mức. Tình trạng này kéo dài khiến không ít người rơi vào trạng thái stress trong công việc cùng nhiều tác hại khác. Y, bác sĩ là một trong những đối tượng dễ mắc stress do cường độ làm việc cao. Ảnh minh họa. Môi trường làm việc: Những công việc có tính chất cạnh tranh cao, NLĐ luôn trong trạng thái căng thẳng; vấn đề về điều kiện lao động không bảo đảm tiêu chuẩn như về vi khí hậu, các yếu tố về bụi, ồn, rung, hơi, khí độc, vi sinh vật, vấn đề tâm sinh lý lao động và Ergonomics. Một vấn đề quan trọng khác đó là văn hoá doanh nghiệp và văn hoá an toàn chưa được quan tâm xây dựng ở nhiều doanh nghiệp, yêu cầu công việc quá cao so với năng lực... Ngoài ra, những người phải làm việc trong văn phòng tù túng, đông người, ồn ào cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ stress, mệt mỏi cao, cảm thấy không còn sức lực sau mỗi giờ làm. Thiếu kỹ năng làm việc: Thực tế cho dù bạn yêu thích hay có thể làm tốt một công việc nào đó nhưng thiếu mất các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình thì cũng rất khó để có cảm giác vui vẻ, tích cực hoàn toàn khi làm việc. Tổ chức không chuyên nghiệp: Stress trong công việc hoàn toàn có thể bắt nguồn từ chính các vấn đề từ tổ chức. Lối sống thiếu lành mạnh: Công việc có thể làm ảnh hưởng lớn đến chế độ sinh hoạt của mỗi NLĐ. Nhiều người thậm chí còn không có thời gian nghỉ ngơi vì luôn quay cuồng với công việc. Một số khác thường xuyên phải di chuyển đi xa, phải tiếp khách hàng ăn uống dẫn đến lịch sinh hoạt bị xáo trộn, ăn uống nghỉ ngơi không đầy đủ. Thể chất và tinh thần không ổn định cũng là nguyên nhân dễ làm stress trong công việc cùng rất nhiều các tác hại về sức khỏe của rất nhiều NLĐ. |
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP đồng bộ |
Về quản lý của nhà nước: Với chính sách, pháp luật của Nhà nước đã ban hành: Để giảm thiểu những căng thẳng cho NLĐ tại nơi làm việc, bên cạnh việc ban hành những chính sách, quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, Đảng, Nhà nước còn ban hành những chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Một số quy định cụ thể như: Khoản 2 Điều 57 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà và ổn định. Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định rất cụ thể bảo đảm các chế độ, quyền lợi đối với NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà như các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, các quy định về đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm … Luật ATVSLĐ năm 2015 cũng ban hành những quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, NLĐ về công tác ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ, các quy định đối với lao động đặc thù như lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động cao tuổi, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động, đánh giá nguy cơ rủi ro, biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và xây dựng văn hoá an toàn lao động tại nơi làm việc; ban hành chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN)… Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, qua đó góp phần giảm thiểu tác động đến NLĐ (trong đó có giảm thiểu căng thẳng đối với NLĐ tại nơi làm việc). Cụ thể: Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH về tăng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế; Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23 của Chính phủ năm 2021 về một số chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 … Đồng thời, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, kịp thời ban hành các chính sách nhằm giảm thiểu gánh nặng lao động, căng thẳng tại nơi làm việc như: Thông tư 02/2023/TT-BYT đã bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội; Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ban hành phương pháp đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện làm việc… NLĐ được thực hiện chi trả từ chính sách hỗ trợ khó khăn do Covid-19 của Chính phủ. Ảnh: TTXVN Về định hướng chính sách, pháp luật thời gian tới: Một là, tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ, làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và NLĐ trong việc tuân thủ. Chẳng hạn như: Sự chồng chéo trong công tác quản lý giữa các Bộ, ngành về an toàn hoá chất, an toàn điện, xây dựng, giao thông, môi trường lao động… Các vấn đề về quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, các vấn đề quản vấn đề về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hoặc phân cấp quản lý về công tác ATVSLĐ. Hai là, cần rà soát sửa đổi, bổ sung bảo đảm khả thi của các quy định, chính sách hiện hành, ví dụ: Quy định về nhận diện mối quy, đánh giá rủi ro cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình thực hiện, kiểm tra, giám sát. Quy định về xây dựng văn hoá an toàn tại nơi làm việc cần ban hành tiêu chí đánh giá, hướng dẫn phương pháp phù hợp với nguyên tắc của ILO và phù hợp với nền văn hoá Việt Nam. Các phương pháp đánh giá Ergonomics và thực hiện cải thiện điều kiện lao động. Ba là, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của NLĐ trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam hậu Covid-19. Cần bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của ILO, WHO về ATVSLĐ. Nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hoá trong điều kiện của Việt Nam, chẳng hạn như bộ công cụ của ILO về các biện pháp ứng phó, phòng chống Covid-19 tại nơi làm việc. Bốn là, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện ATVSLĐ hiện hành, bổ sung trong tài liệu huấn luyện kiến thức mới về: Nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai. Các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát. Tổ chức huấn luyện, huấn luyện lại cho NLĐ, cần rà soát, bổ sung nội dung huấn luyện về tác hại và biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ căng thẳng tại nơi làm việc. Năm là, cần bám sát những khuyến nghị của ILO và kinh nghiệm quốc tế rà soát, nghiên cứu, để sửa đổi, bổ sung chính sách hiện hành về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc theo hướng tăng thêm trách nhiệm chi trả từ phía cơ quan Bảo hiểm xã hội và giảm thiểu trách nhiệm tài chính bồi thường, trợ cấp từ NSDLĐ, đồng thời nghiên cứu, ban hành chính sách Bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với NLĐ ở khu vực không có hợp đồng lao động, trước hết cần quan tâm đến nhóm NLĐ làm việc trong những ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN Sáu là, bên cạnh việc cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả công tác ATVSLĐ, trong tầm nhìn dài hạn, cần các nghiên cứu có tính chất liên ngành về việc đưa giáo dục và đào tạo về an toàn sức khoẻ nghề nghiệp vào quá trình học tập suốt đời theo khuyến nghị của ILO có thể giúp NLĐ và NSDLĐ thích nghi với các rủi ro mới nổi và kéo dài về sức khỏe và an toàn, và cải thiện kết quả an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc. Giải pháp đối với doanh nghiệp Cần nghiên cứu và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, bảo đảm thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ đối với NLĐ. Tổ chức rà soát, nhận diện các yếu tố nguy hiểm, có hại và thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ, rủi ro. Tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động làm căn cứ thực hiện các chính sách, chế độ đối với NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thực hiện việc đánh giá các chỉ số Ergonomics bảo đảm sự phù hợp về thể chất, tinh thần của NLĐ với máy, thiết bị, công cụ làm việc, môi trường lao động phù hợp với thể trạng, tâm sinh lý lao động của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống quản lý về ATVSLĐ, văn hoá an toàn lao động, mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ; xử lý kịp thời những vướng mắc, xung đột trong quan hệ lao động. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ, lồng ghép nội dung về phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc trong các chương trình huấn luyện về ATVSLĐ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Công ty CP Tiên Hưng (Hưng Yên) tạo góc xanh thư giãn cho NLĐ sau những giờ làm việc căng thẳng. Ảnh: T.H |
Về phía NLĐ cũng cần thực hiện một số giải pháp để giảm thiểu căng thẳng nơi làm việc. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, tránh làm việc quá sức; bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ để đảm bảo thể trạng luôn ở trạng thái tốt nhất; duy trì thói quen vận động hằng ngày. Giải quyết các vấn đề tồn đọng có thể gây trạng thái stress, không có động lực làm việc. Chẳng hạn như stress do năng lực không phù hợp với công việc thì cần cố gắng học hỏi hơn, nâng cao kiến thức hơn; giải quyết những vấn đề bất hòa với NSDLĐ và đồng nghiệp. Tìm kiếm sự hứng thú trong công việc là cách giúp NLĐ thoát khỏi stress hiệu quả. Không ngừng trau dồi và nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc, đời sống và khi chúng ta có thêm một kiến thức nào đó chắc chắn sẽ giúp ích trong quá trình hoàn thiện bản thân cũng như tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển hay tìm kiếm các công việc mới nếu cần thiết. Với các tác hại của stress trong công việc liên quan đến thể chất, nên sớm đến bệnh viện thăm khám để biết chính xác và có hướng điều trị phù hợp, tránh để gây ra các biến chứng nguy hiểm. Dành thời gian cho bản thân sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Mục đích của đi làm vẫn là để bản thân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, vì thế đừng quên dành cho những phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng của bản thân trong suốt thời gian qua. Đi mua sắm, làm đẹp, du lịch cũng chính là động lực để bạn vượt qua stress, có động lực làm việc hơn mỗi ngày... Duy trì một lối sống lành mạnh và luôn đặt sức khỏe tốt, tinh thần phấn chấn, tích cực lên hàng đầu. Công đoàn Điện lực Bắc Giang duy trì tập thể dục cho NLĐ để rèn luyện sức khỏe và nâng cao tinh thần làm việc. |
ThS. Nguyễn Khánh Long Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đồ họa: HẢI YẾN Ảnh, video: Antoanviet.vn, IT, CĐĐLBG |