e magazine
21:57 | Chủ nhật, 11/02/2024
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động trong các khu công nghiệp

21:57 | Chủ nhật, 11/02/2024

Bảng hỏi tự khai báo với sự tham gia của 1.200 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại Hà Nội, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Đồng Nai cho thấy: có đến 49,3% công nhân cho rằng môi trường họ đang làm việc có tình trạng ô nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động trong các khu công nghiệp
NLĐ Công ty CP Tổng công ty May Tuyên Quang LGG được dành 5 phút tập thể dục giữa giờ. Ảnh: ĐVCC

Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho NLĐ trong các KCN - yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mới

Đại hội XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng xã hội an toàn” và “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh” mà một trong những nội dung trọng tâm là “chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định “chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe NLĐ”. Đến năm 2030, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, xây dựng xã hội an toàn.

Mục tiêu của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định một trong ba khâu đột phá là: “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)”. Về nhiệm vụ trọng tâm, có: nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên, NLĐ; tích cực tham gia xây dựng văn hóa công nhân, văn hóa doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động KCN, KCX”.

Nền tảng cho phát triển bền vững

"Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp (BNN) giai đoạn 2020 - 2030 đặt mục tiêu:

(1) 50% NLĐ tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc BNN được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được khám phát hiện sớm BNN vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030;

(2) 100% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc;

(3) 100% người bị tai nạn lao động (TNLĐ), BNN được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng;

(4) Đến năm 2030: 100% NLĐ tại các KCN, KCX được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ); Các địa phương hoàn thành việc xây dựng được cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, BNN vào năm 2025 và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030.

Các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, có vấn đề Nghiên cứu, theo dõi, giám sát, gồm:

(1) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu; huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức khác;

(2) Thiết lập hệ thống giám sát quốc gia quản lý thông tin về sức khỏe NLĐ, TNLĐ, BNN, điều trị và phục hồi chức năng; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giám sát và báo cáo y tế lao động và BNN tại các tuyến.

Box nhỏ: “Đến hết năm 2023, ở Việt Nam có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp”.
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động trong các khu công nghiệp
NLĐ tại Bình Dương lắng nghe chuyên gia chia sẻ về HIV/AIDS. Ảnh: CĐBD

Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam: “Tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là quan tâm chăm lo trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm cho đoàn viên, NLĐ, đặc biệt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế “phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc phù hợp với đặc thù của các ngành nghề”.

Nhu cầu cấp thiết

trong bối cảnh mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 400 KCN, trong đó có 4 KCX, tổng diện tích tự nhiên gần 130.000 ha. Trong đó, tổng diện tích đất công nghiệp là hơn 86.000 ha (chiếm khoảng 67%).

Trong số hơn 400 KCN này có hơn 290 KCN đi vào hoạt động với gần 93.000 ha đất tự nhiên, có 115 KCN đang giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Có 26 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành với tổng diện tích 766.000 ha. Có 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành trong cả nước. Các KCN, KKT đã thu hút được dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bất nhất là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc (gần 2.500 dự án), Nhật Bản (hơn 1.500 dự án), Singapore (gần 450 dự án). Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT đã giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư lớn, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển.

Dự kiến vào năm 2030, nước ta sẽ tiếp tục quy hoạch thêm 115.000 ha đất công nghiệp, tăng tổng số KCN lên 558, gấp gần1,5 lần so với số lượng hiện tại. Các KCN Việt Nam chủ yếu được định hướng theo mô hình KCN tập trung. Các KCN trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.

Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động trong các khu công nghiệp
Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng và Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Gia Việt Sài Gòn tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đoàn viên công đoàn, NLĐ. Ảnh: ĐVCC.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bằng phương pháp bảng hỏi tự khai báo với sự tham gia của 1.200 công nhân hiện đang làm việc trong các KCN, KCX tại các địa bàn: Hà Nội, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Đồng Nai, kết quả cho thấy: có đến 49,3% công nhân cho rằng môi trường họ đang làm việc có tình trạng ô nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ; gần 50% công nhân nhận thấy rằng hằng ngày họ đang phải làm việc trong môi trường có nhiều bụi và phải tiếp xúc với các hóa chất; hơn 30% công nhân hằng ngày phải làm việc ở mức độ tiếng ồn quá cao hoặc nơi làm việc không cung cấp đủ ánh sáng; phải tiếp xúc với các loại khói và các chất dễ cháy nổ.

Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động trong các khu công nghiệp
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi, trao hỗ trợ tới công nhân bị ngộ độc Methanol (Bắc Ninh) đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thư - Hân
“Có đến 49,3% công nhân cho rằng môi trường họ đang làm việc có tình trạng ô nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ”

Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hằng năm có khoảng 2,9 triệu vụ chết người xảy tại nơi làm việc. Mỗi ngày, gần 7.700 người chết vì các bệnh liên quan đến công việc hoặc thương tích. Mỗi năm có khoảng 374 triệu thương tích và bệnh tật không gây ra tử vong. Đến hết năm 2023, ở Việt Nam có khoảng 33.000 lao động bị BNN.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 NLĐ được chẩn đoán mắc BNN và có 500 trường hợp được giám định BNN.

Giai đoạn 2013 - 2023, cả nước đã để xảy ra gần 100.000 vụ TNLĐ, làm hơn 100.000 người bị nạn và gần 10.000 người chết, khoảng 25.000 người bị tàn phế. Đặc biệt, đang có khoảng 1 triệu người ở Việt Nam bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Hằng năm có khoảng 40.000 người chết vì vấn đề này.

Nguyên nhân đã được xác định chủ yếu do điều kiện lao động chưa đảm bảo an toàn; việc thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN còn hạn chế. Trong đó, việc chăm sóc sóc sức khỏe toàn diện chưa được đặt ra và quan tâm đúng mức.

NLĐ trong các KCN đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro mất an toàn truyền thống và cả vấn đề sức khỏe thời đại, do phải làm việc liên tục, tập trung, đơn điệu, ngồi nhiều, nhìn nhiều, ít vận động, xa gia đình, không có điều kiện, cơ hội chăm sóc con, người thân... Điều này đang tạo nên nhiều áp lực tâm lý, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng lao động, sáng tạo và sức dẻo dai, năng suất và chất lượng kém, an toàn lao động không đảm bảo, chất lượng cuộc sống thấp.

Đồng thời, đại dịch Covid-19 làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội toàn thế giới. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, đời sống, việc làm của NLĐ còn kéo dài. Do đó, các vấn đề đầu tư cho bảo đảm an toàn, chăm sóc sức khỏe NLĐ gặp khó khăn; NLĐ ngày càng chịu áp lực lớn ngay tại nơi làm việc và gia đình.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều, tạo sự thay đổi lớn về lao động, việc làm và quan hệ lao động. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ, làm thay đổi môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của ILO sẽ làm cho các doanh nghiệp đối mặt với các yêu cầu khắt khe về điều kiện làm việc và ATVSLĐ cho NLĐ.

Pháp luật lao động tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy thị trường lao động và quan hệ lao động phát triển, vận hành đầy đủ theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Việc thiết lập và thực hiện quan hệ lao động sẽ do chính các bên tiến hành thông qua phương thức thương lượng, thỏa thuận, đối thoại là chủ yếu.

Sự xuất hiện của tổ chức NLĐ tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn, trong đó có công tác tham gia bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ.

Quá trình dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng đặt ra cảnh báo trong tương lai, có thể có các dịch bệnh khác tương tự, khi đó công tác ATVSLĐ cũng phải có cách điều chỉnh thích ứng.

Mục tiêu của kinh tế xanh, phát triển bền vững

Kinh tế xanh (tên tiếng Anh là Green Economy) chỉ một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc - 2010).

Hình dung về kinh tế xanh là sự kết hợp giữa 3 thành tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa là những hoạt động (trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa), đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng), 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

“Sự xuất hiện của tổ chức NLĐ tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn, trong đó có công tác tham gia bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ”
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động trong các khu công nghiệp
Bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn cho NLĐ được công đoàn các KCN, KCX và các doanh nghiệp quan tâm. Trong ảnh: Công ty TNHH Giày Ching Luh thuê đầu bếp nấu ăn cho NLĐ. Ảnh: TC.

Điều kiện lao động được biểu hiện thông qua các yếu tố: (1) Tư liệu sản xuất; (2) quan hệ lao động và (3) các yếu tố liên quan đến NLĐ.

Trong đó, yếu tố con người gồm: sức khỏe thể lực, sức khỏe tinh thần và xã hội (bao gồm mức chịu tải, nhịp điệu lao động của cơ bắp, mệt mỏi thần kinh tâm lý, chế độ ca kíp, các mối quan hệ xã hội...).

Khái niệm “sức khỏe” theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa nâng cao sức khỏe là "quá trình cho phép người ta kiểm soát và cải thiện sức khỏe của mình". Phạm vi của nó từ việc chăm sóc điều trị bệnh tật, ngăn ngừa bệnh bao gồm việc phòng ngừa các nguy cơ, đến thúc đẩy để đạt được sức khỏe tối ưu.

Vì vậy, công tác nâng cao sức khoẻ không chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm của lĩnh vực y tế mà còn là việc phải xây dựng lối sống lành mạnh để có được hạnh phúc. Hiến chương Ottawa tuyên bố: “nâng cao sức khoẻ tạo ra điều kiện sống và làm việc an toàn, thoải mái”.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, với việc bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch chuyển đầu tư vào sản xuất công nghiệp tập trung, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, việc Việt Nam thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần phải chăm sóc sức khỏe tốt hơn, toàn diện hơn tại nơi làm việc, từ nhà đến chỗ làm, từ doanh nghiệp, ra cộng đồng xã hội.

Do đó, để dần hoàn thiện được mô hình chăm sóc, nâng cao sức khỏe toàn diện cho NLĐ trong các KCN và cộng đồng doanh nghiệp, NLĐ ở Việt Nam, cần nâng cao kiến thức và thực hành ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cho NLĐ.

Đặc biệt cần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, ý thức và nội dụng, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN tại nơi làm việc; hỗ trợ NLĐ vượt qua căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Khuyến khích NLĐ có lối sống tích cực, khỏe mạnh, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật, TNLĐ, BNN. Từ đó góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa an toàn và phát triển bền vững của đất nước.

TS. Nguyễn Anh Thơ

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

Đồ họa: HÀ VY

TS. Nguyễn Anh Thơ Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động