e magazine
13:18 | Thứ ba, 30/04/2024
“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượng

13:18 | Thứ ba, 30/04/2024

Theo chuyên gia về an toàn lao động trong xây dựng, việc cạnh tranh về giá, “chào giá” huấn luyện ATVSLĐ xuống quá thấp dẫn đến không đảm bảo chất lượng, thời gian theo yêu cầu của pháp luật.

“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượng

Theo chuyên gia về an toàn lao động trong xây dựng, việc cạnh tranh về giá, “chào giá” huấn luyện ATVSLĐ xuống quá thấp dẫn đến không đảm bảo chất lượng, thời gian theo yêu cầu của pháp luật.

“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượngXây dựng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông không được huấn luyện bài bản về ATVSLĐ. Ảnh minh hoạ

Trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất, lĩnh vực xây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7% tổng số người chết - chiếm tỷ lệ cao nhất.

Thời gian qua, cả nước xảy ra các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng.

Chẳng hạn, vào hồi 10 giờ ngày 4/12/2015, tại tòa nhà Lilama Hà Nội (thuộc số 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy ra vụ rơi thang máy khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng. Thời điểm xảy ra vụ việc, có một nhóm công nhân đang vận chuyển vật liệu xây dựng và các thiết bị phục vụ cho công trình thì bất ngờ chiếc thang máy xây dựng đột ngột rơi từ trên tầng 27 xuống. Cơ quan điều tra xác đinh, đây là một vụ tai nạn cực kỳ nghiệm trọng, thương vong lớn do lỗi kỹ thuật tại công trường xây dựng.

Một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khác xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 27/9/2018, khi người và phương tiện đang lưu thông, bất ngờ một khung sắt từ công trình Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, quy mô cao 16 tầng và 2 tầng hầm, nằm tại lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) rơi xuống.

“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượng

Hiện trường vụ tai nạn lao động làm chết 2 công nhân và 1 người bị thương nặng tại số 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Đoàn Tuấn

Thời điểm này, khi lắp kính đến tầng 7, công nhân thấy đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương. Hậu quả làm chị Dương Thị Hằng (sinh năm 1987, quê ở Bắc Ninh), đang điều khiển xe máy ngã xuống đường tử vong tại chỗ. Ông Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 1956, trú tại Hà Nội), đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường Lê Văn Lương hướng đi Láng Hạ bị thương nặng.

Theo kết quả điều tra của Đoàn điều tra tai nạn lao động TP Hà Nội, nguyên nhân là do đơn vị thi công lắp đặt kính mặt ngoài tầng 7 công trình làm rơi khung sắt xuống. Bộ phận cần trục bên trái của hệ thống sàn treo phục vụ thi công vách kính khi bị bật khỏi vị trí đã rơi xuống đường trúng vào đầu người bị nạn.

Hay vụ sập sàn công tác trên công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 vào ngày 30/9/2022 làm 3 công nhân rơi xuống dòng sông Tiền, trong đó có 1 công nhân tử vong do không biết bơi. Vụ tai nạn xảy ra vào cuối ngày làm việc, lúc nhóm công nhân đang thi công trụ tháp chính của công trình, phía bờ Vĩnh Long.

Tai nạn bất ngờ xảy ra làm 3 công nhân rơi từ trên sàn công tác xuống sông. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do sàn công tác không đủ độ chắc chắn nên bị sập, làm 3 công nhân rơi xuống sông.

Nguyên nhân những vụ tai nạn lao động trên các công trình xây dựng thì có nhiều, từ yếu tố kỹ thuật như kết cấu thi công, thiết kế biện pháp thi công không bảo đảm an toàn, sai sót kỹ thuật trong quá trình thi công, bất cẩn của NLĐ và trong một số vụ việc như vụ tai nạn lao động tại công trình cầu Mỹ Thuận 2 (Cần Thơ) còn có cả nguyên nhân do thi công công trình trên sông nước mà NLĐ không biết bơi nhưng lại không mặc áo phao.

“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượng
Hiện trường vụ tai nạn lao động làm tử vong 1 người, bị thương 1 người trên đường Lê Văn Lương ngày 27/9/2018. Ảnh: Đoàn Tuấn

Nguyên nhân chủ yếu là do huấn luyện ATVSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu

Theo phân tích của Cục An toàn lao động thì các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động gồm:

NLĐ bị nạn vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động (chiếm 16,9%); NSDLĐ không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 14,9%); NSDLĐ không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho NLĐ (chiếm 12,31%); thiết bị không đảm bảo an toàn lao động (chiếm 10%); NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm 3,1%) tổng số vụ.

Qua những phân tích biên bản điều tra tai nạn lao động của Cục An toàn lao động có thể thấy nguyên nhân do NLĐ vi phạm quy chuẩn an toàn lao động và NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đều xuất phát từ việc NLĐ không được trang bị kiến thức đầy đủ về ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Như vậy, khi NSDLĐ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đúng theo quy định, cung cấp đầy đủ kiến thức về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng tránh thì tai nạn lao động có thể giảm tới 46,91%.

Theo ThS. Trần Hồng Thụ - Viện trưởng Viện Đào tạo và Ứng dụng khoa học công nghệ, trong ngành Xây dựng có khoảng 80% công nhân là lao động tự do, lao động phổ thông, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn về xây dựng và an toàn lao động; đặc biệt đối với các công trình nhà ở trong các khu dân cư (khu vực không có quan hệ lao động). Lực lượng lao động này chủ yếu ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng để kiếm sống, không có kiến thức cơ bản về an toàn lao động. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm nên ý thức tự bảo vệ mình chưa tốt. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động thương tâm.

Về đào tạo an toàn lao động cho NLĐ, nhiều doanh nghiệp huấn luyện những nội dung theo sách, giải pháp chung chung mà không cụ thể vào những rủi ro mà NLĐ có thể gặp phải tại nơi làm việc. Thời gian đào tạo quá ngắn, thường chỉ có 1 buổi. Trong khi đó, các giảng viên ATVSLĐ lại thiên về “biểu diễn kiến thức” hơn là “truyền đạt kiến thức” mà không cần biết người nghe muốn gì và tiếp thu được gì. Như thế, những NLĐ xuất thân là nông dân chuyển sang lĩnh vực công nghiệp rất khó tiếp nhận được thông tin để thực hiện quy chuẩn an toàn lao động trong làm việc.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá và quản lý rủi ro trong môi trường làm việc vẫn còn mang tính hình thức và đối phó. Chẳng hạn, khi NLĐ làm việc ở công trường xây dựng phải được trang bị giày, ủng chống vật rơi xuyên đâm. Nhưng họ chỉ được cấp phát những đôi giày thông thường, không phòng tránh được vật rơi, vật sắc nhọn. Dây đai an toàn được mua trôi nổi trên thị trường và chủ yếu sử dụng dây an toàn ngang lưng. Trên các công trình, cầu dao điện được đóng rất sơ sài, dây điện đấu nối không đúng kỹ thuật, đường dây điện chạy lung tung dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động cao.

Môn học về an toàn lao động trong các trường đại học, cao đẳng về thời lượng còn rất ít: Đại học Xây dựng đào tạo môn An toàn lao động có 30 tiết với 2 tín chỉ, Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo môn An toàn và Môi trường lao động trong 30 tiết với 2 tín chỉ. Với thời lượng như vậy, sinh viên sẽ không được trang bị đầy đủ kiến thức quy định của pháp luật về ATVSLĐ, những yếu tố nguy hiểm, có hại trong môi trường xây dựng, cách đánh giá rủi ro trong môi trường làm việc của mình. Từ đó cũng không nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ sau khi ra trường làm việc.

“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượng80% lao động trong ngành Xây dựng là lao động phổ thông. Ảnh minh hoạ

Thay đổi nhận thức của người lao động về ATVSLĐ

Để thay đổi nhận thức của NLĐ, theo ThS. Trần Hồng Thụ, cần tổ chức đầy đủ các khoá đào tạo về ATVSLĐ cho NLĐ.

Cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành thanh tra, kiểm tra hằng năm đối với các đơn vị, các công trường hoạt động xây dựng nhằm ngăn chặn những vi phạm đang diễn ra. Có thể kiểm tra kiến thức về ATVSLĐ của một vài NLĐ để đánh giá chất lượng đào tạo, huấn luyện.

Tăng mức xử phạt đối với các trường hợp NSDLĐ vi phạm về ATVSLĐ hơn nữa để đảm bảo tính răn đe. Theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức xử phạt cao nhất cho việc không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ là 20.000.000 đồng nên nhiều NSDLĐ không tổ chức đào tạo vì chi phí đào tạo lớn và NLĐ phải nghỉ làm để đi học, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, gây tổn thất trước mắt cho doanh nghiệp.

Cần có chế tài xử phạt nặng hơn nữa đối với các đơn vị đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ có các hành vi: huấn luyện không đúng nội dung, chương trình; không đảm bảo các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất khi tổ chức huấn luyện; không duy trì đúng quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện.

ThS. Trần Hồng Thụ cũng cho rằng, bên cạnh đó cần xử phạt hành vi cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ huấn luyện mà không thực hiện huấn luyện; cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ sai đối tượng huấn luyện; thực hiện huấn luyện ngoài phạm vi quy định tại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện. Giả mạo hồ sơ, tài liệu trong tổ chức huấn luyện, gian lận trong hoạt động huấn luyện. Thực hiện hoạt động huấn luyện khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện đã hết hiệu lực; sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện.

“Chào giá” huấn luyện ATVSLĐ quá thấp sẽ không đảm bảo chất lượngĐiều kiện làm việc của NLĐ ngành Xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: VOV

Hiện cả nước có hàng trăm đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo ATVSLĐ. Việc cạnh tranh giữa các đơn vị này chủ yếu về giá thành huấn luyện. Việc giảm giá xuống quá thấp cũng dẫn đến chất lượng, thời gian đào tạo không đảm bảo theo yêu cầu của pháp luật.

Để giải quyết được vấn đề này, căn cứ vào chương trình khung huấn luyện của các nhóm, cần xây dựng định mức huấn luyện về ATVSLĐ cho các nhóm đảm bảo đủ thời gian, chất lượng huấn luyện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình đào tạo về môn học về ATVSLĐ trong các trường đại học, cao đẳng nhằm trang bị đầy đủ cho sinh viên kiến thức về ATVSLĐ để sau khi ra trường lực lượng này có nền tảng kiến thức cơ bản nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh tại nơi làm việc.

Đối với doanh nghiệp phải sử dụng lao động đã được đào tạo về chuyên môn ATVSLĐ và phải ký hợp đồng lao động; xây dựng đầy đủ nội quy, quy trình làm việc an toàn đối với mỗi công việc cụ thể; xây dựng văn hoá an toàn trong công ty; đào tạo về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức cho NLĐ; có bộ phận giám sát việc thực hiện các nội quy, quy trình làm việc an toàn của NLĐ; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho NLĐ sử dụng.

Đối với NLĐ cần biết những tổn thất mà mình phải chịu đựng khi tai nạn xảy ra; nắm được quy trình quản lý rủi ro tại nơi làm việc, vận dụng vào thực tiễn làm việc để đảm bảo an toàn lao động cho bản thân.

Thực hiện: Hà Vy

Hà Vy