e magazine
18:28 | Chủ nhật, 01/09/2024
Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

18:28 | Chủ nhật, 01/09/2024

Phong trào chạy bộ, Marathon vài năm trở lại đây diễn ra rầm rộ trong cả nước, từ phố thị đến làng quê, từ giải chuyên nghiệp lẫn giải phong trào. Trong các cuộc thi và giải chạy này, đã có nhiều vụ tai biến, sự cố sức khỏe với vận động viên (VĐV) và có người không qua khỏi.
Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

Hồi cuối tháng 7/2024, hai VĐV khi tham gia giải chạy “Quảng Bình International Marathon 2024” tại TP. Đồng Hới cũng đã nhập viện cấp cứu. Sau một thời gian điều trị, cả hai đã được xuất viện, tuy nhiên sự cố này tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo, nhất là trong công tác tổ chức, lẫn trách nhiệm của VĐV với chính bản thân họ.

Vấn đề biến cố, tai biến sức khỏe trên đường chạy, đường đua có thể xảy ra cả trong những giải phong trào, cộng đồng lẫn giải của giới nhà nghề, ở trong nước và thế giới. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, các biến cố về sức khỏe của VĐV không phải lúc nào cũng được công khai, truyền thông.

Trước tình trạng nói trên, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế.

PV: Thưa bác sĩ, môn thể thao chạy bộ đang được hưởng ứng rộng rãi và các cuộc thi - giải chạy bộ chuyên lẫn không chuyên diễn ra rầm rộ, khắp nơi. Tuy nhiên đã có không ít vụ tai biến, sự cố sức khỏe với VĐV chạy bộ, kể cả VĐV đua xe đạp. Trước thực trạng này bác sĩ có những lời khuyên, cảnh báo gì?

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến:

Trước đây chúng ta có khái niệm gọi là “Hội chứng tim VĐV”, tức là những trường hợp xảy ra trên các VĐV mà liên quan đến các vấn đề tim mạch. Đặc biệt trong những VĐV mà thi đấu thành tích cao thì đó gọi là những biến đổi tim đối với quá trình vận động.

“Hội chứng tim VĐV” có thể xảy ra với những trường hợp như: luyện tập kéo dài, luyện tập cường độ cao, các rối loạn nhịp tim. Thường rối loạn nhịp rất là nặng, nguy hiểm. Nhịp tim có thể là quá nhanh hoặc quá chậm dẫn tới trường hợp ngất hoặc là đột quỵ trong quá trình VĐV thi đấu.

Trong thời gian gần đây có một số bệnh cảnh có thể gặp ở những VĐV không chuyên nghiệp, ví dụ như VĐV chạy marathon, kể cả đua xe đạp. Có thể là do ngất, có thể do đột quỵ, có thể nhồi máu cơ tim... Trong các nguyên nhân ngất thì cũng xếp vào các nhóm: ngất do phản xạ, ngất do hạ huyết áp, ngất do các bệnh lý về tim mạch, hay các nguyên nhân do nhiệt...

Bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tắc các động mạch nuôi của não. Tắc động mạch thì có thể là do tiến triển của mảng vữa xơ mạch, hay do các cục máu đông hình thành, hoặc các cục máu đông từ nơi khác trôi tới làm tắc các mạch máu nuôi não.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

Bên cạnh đó có thêm một thể nữa đó là xuất huyết não, tức là mạch máu thế này mà bị phình ra, áp lực cao khiến vỡ mạch máu não, gây xuất huyết não. Hoặc mạch máu vỡ ra do dị dạng các động mạch não.

Rồi do các vấn đề bất thường về đông cầm máu, tăng tính dễ vỡ và giảm khả năng cầm máu, có thể gây xuất huyết não. Các thể đột quỵ thường có các dấu hiệu nhận biết trước. Ví dụ như là khuôn mặt bị yếu một bên, bị liệt một bên, nói khó, thè lưỡi ra thì không cân bằng.

Thứ hai là giọng nói, lời nói bị líu lưỡi nó không tròn tiếng, rồi tay yếu, thường yếu nửa người... Những trường hợp đó thời gian để mình chuyển tới bệnh viện rất là quan trọng, tiếng Anh viết tắt là FAST, tức face (gương mặt) - arms (tay) – speech (lời nói) – time (thời gian)... bốn dấu hiệu để mình nhận biết chuyển sớm bệnh nhân vào bệnh viện.

Còn một trường hợp nữa cũng có thể xảy ra với các VĐV, kể cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp, đó là nhồi máu cơ tim.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

Tức là bệnh nhân trước đó có triệu chứng đau ngực, bệnh nhân họ ôm ngực, vang đau ngực. Thường triệu chứng này kéo dài khá lâu, trên 20-30 phút.

Khi mà nhồi máu cơ tim có nghĩa là động mạch máu nuôi tim bị tắc. Tắc có thể do vữa xơ, có thể cục máu đông nơi khác trôi tới, hoặc có cục máu đông hình thành tại vị trí xơ yếu, tổn thương. Khi mạch máu nuôi tim bị tắc thì tim không có máu nuôi, sẽ không bóp nữa, hoặc là bóp trở nên hỗn loạn, quá nhanh, quá chậm. Những trường hợp đó sẽ dẫn tới là một dạng gọi là “suy tim cấp do nhồi máu cơ tim”. Suy tim cấp mà huyết áp tụt dẫn tới sốc tim do nhồi máu cơ tim.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

Trong trường hợp đó thì VĐV họ cũng bị đột quỵ tức là triệu chứng từ máu không bơm lên não thì bệnh nhân cũng dẫn tới trường hợp đột quỵ. Đó cũng là bệnh cảnh rất nặng, rất cần thiết phải để ý đánh giá trong lâm sàng, trong quá trình thi đấu của VĐV.

Cần phải kiểm tra mạch, nhiệt, huyết áp, nếu được thì đo điện tim, làm kiểm tra siêu âm tim... để loại trừ phần lớn các bệnh lý tim mạch; khám tổng quát đánh giá về các triệu chứng về các dấu hiệu nhận biết sớm của trong đột qụy não. Ngoài ra cũng cần sớm phát hiện các bất thường liên quan tới rối loạn điện giải hoặc những trường hợp bất thường khác, tầm soát ban đầu rất là quan trọng, tránh các biến cố trong quá trình thi đấu.

Cái thứ hai phải nhận biết sớm về các nguyên nhân của tình trạng đột quỵ, ngất. Ví dụ xem thử bệnh nhân trước đó có các dấu hiệu khu trú liên quan đến liệt mặt, liệt tay, liệt nửa người... thì ta nghĩ tới nhiều đến nguyên nhân do mạch máu não, bệnh nhân đau ngực, ôm ngực lăn lộn hoặc đau vai nhiều thì ta nghĩ nhiều đến nhồi máu cơ tim.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

Hoặc là các bệnh nhân khác liên quan đến thay đổi thời tiết, sốc nhiệt hoặc bị rối loạn điện giải hay không thì phải đánh giá các nguyên nhân để xử lý sớm.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

PV: Thưa bác sĩ, kinh nghiệm xử lý với những tình huống này ở các nước tiên tiến như thế nào?

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến:

Ở nước ngoài người ta có đội cấp cứu hay là đội sơ cứu ban đầu. Thường những người tham gia đội này người ta có tham gia khóa huấn luyện, đào tạo về cấp cứu ban đầu. Các khóa huấn luyện này sẽ trang bị tất cả các kiến thức để mà chăm sóc, hồi sức cơ bản, hồi sức nâng cao cho những trường hợp mà bệnh nhân họ bị ngất, bị mất liên hệ với ngoại cảnh hoặc thậm chí là bệnh nhân bị đột quỵ, bị nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, các phương tiện rất là quan trọng, như phương tiện đo mạch, đo huyết áp, phương tiện đo đường máu, thử đường máu tại chỗ. Rất là nhanh để biết là bệnh nhân có hạ đường huyết không. Vì những trường hợp bị hạ đường huyết là bệnh nhân cũng ngất. Hay phương tiện siêu âm tim cầm tay để đánh giá nguyên nhân, các tổn thương của các VĐV trong quá trình bị ngất.

Rồi các phương tiện sốc điện cực kỳ quan trọng. Chúng ta biết rằng nhịp tim đập quá nhanh, loạn nhịp thì mình sốc điện nó chuyển về cái bình thường, sẽ giúp bệnh nhân hồi phục được.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

Ngoài ra thì các thao tác sơ cứu ban đầu cũng cực kỳ quang trọng. Đa phần những trường hợp bệnh nhân họ bị đột quỵ, nghi ngờ xuất huyết não là mình để cái đầu hơi nghiêng khoảng 30 độ; còn đa phần những trường hợp do tụt huyết áp thì mình sẽ để đầu thấp thậm chí mình kê cái chân cao lên một chút để máu đỡ dồn vào trong não.

PV: Như vậy thì đối với những cuộc thi cần có đội ngũ y tế chuyên nghiệp trong chăm sóc sức khỏe sơ cấp cứu ban đầu?

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến:

Đúng rồi, tức là mình phải đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi tham gia. Trong quá trình tham gia thi đấu thì mình phải theo dõi sát và nhận diện sớm để có phương án xử lý kịp thời.

Ngoài ra, cần bố trí các phương tiện sơ cấp cứu ban đầu, đội ngũ sơ cấp cứu phải được đào tạo bài bản.

Ở các giải phong trào, VĐV thường là nghiệp dư, không được tập luyện một thời gian trước đó, cơ thể chưa thích nghi nên khi vận động cường độ cao quá mức thì cơ thể sẽ không đáp ứng được so với nhu cầu hoạt động cao, dễ bị ngất, đột quỵ.

PV: VĐV thường có những lợi thế về sức khỏe nhưng tại sao vẫn cứ xảy ra tình trạng ngất xỉu. Nguyên nhân do đâu thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến:

Thời gian gần đây thời tiết thay đổi cực đoan hơn. Việc thay đổi thời tiết thất thường cũng là một trong những yếu tố tác động.

Ngoài ra, chúng ta thấy rằng đôi lúc hơi bị quá sức hoặc thức khuya, vận động nhiều mà không chú ý về chế độ dinh dưỡng trước khi tham gia thi đấu.

Một nguyên nhân nữa là rối loạn điện giải. Do vận động quá sức trong một thời gian dài nhưng không bù lại điện giải, khi mà cơ thể rối loạn điện giải thì sẽ dẫn tới rối loạn nhịp tim, rối loạn về chuyển hóa và từ đó gây ra các cái biến cố trong quá trình thi đấu.

Bên cạnh đó, nhiều người chưa chú ý tầm soát, kiểm tra sức khỏe mà cứ nghĩ rằng mình khỏe rồi, không có triệu chứng gì. Nhưng cần nhớ rằng những bất thường trong vấn đề y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí là đột tử. VĐV nên tầm soát một cách có hệ thống và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, dự phòng sớm các tình huống, biến cố nếu có.

Vâng, xin cảm ơn PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến!

Hơn 5.000 VĐV tham gia “Hue jogging – cùng chạy vì cộng đồng” lần thứ 5.

Tại TP. Huế, sáng 1/9/2024, tại Quảng trường Khu đô thị Hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, phường Xuân Phú, TP. Huế, đã diễn ra Chương trình “Hue jogging – cùng chạy vì cộng đồng” lần thứ 5 - năm 2024 với chủ đề “Huế luôn luôn mới”.

Có hơn 5000 người tham gia giải chạy này và trong số đó có đông đảo công nhân, người lao động tham gia.

Chạy bộ và những cảnh báo biến cố sức khỏe vận động viên

“Hue jogging – cùng chạy vì cộng đồng” lần thứ 5 - năm 2024 diễn ra 1/9/2024. Theo một thành viên BTC năm nay có hàng trăm đoàn viên, công nhân, người lao động đăng ký tham gia do được nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: BTC

Đây là hoạt động do UBND TP. Huế, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, 75Group phối hợp tổ chức nhằm chào mừng 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; đồng thời, động viên các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia tập luyện thể dục thể thao hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần nâng cao sức khỏe để phục vụ học tập, lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đình Toàn (thực hiện)

Đồ họa: Phạm Trường Giang

ĐÌNH TOÀN (thực hiện)