e magazine
05:21 | Thứ hai, 18/03/2024
Chế độ giờ trực “không đủ mua bát phở” - nhân viên y tế mong chờ sự thay đổi

05:21 | Thứ hai, 18/03/2024

Quy định về tiền phụ cấp trực qua hơn 12 năm đối với nhân viên y tế quá thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế kinh tế - xã hội là một nguyên nhân dẫn đến nhiều người không mặn mà với nghề.
Chế độ giờ trực “không đủ mua bát phở” - nhân viên y tế mong chờ sự thay đổi

PHỤ CẤP trực “không đủ mua bát phở” - nhân viên y tế mong chờ sự thay đổi

Quy định về tiền phụ cấp trực qua hơn 12 năm đối với nhân viên y tế quá thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế kinh tế - xã hội là một nguyên nhân dẫn đến nhiều người không mặn mà với nghề.

Cách tính phụ cấp trực 12 năm không thay đổi

Đã nghỉ việc tại một bệnh viện ở Hà Nội cách đây 4 năm, chị Trần Thị Phương Hoa (38 tuổi) vẫn chưa quên cảm giác nhận tiền trực “3 cọc 3 đồng”.

“Cảm giác khi nhận tiền trực quá thấp, thấy công sức cả đêm làm việc của mình thấp quá. Trực ngoài giờ làm việc của y, bác sĩ là trách nhiệm cao, áp lực nhiều, rủi ro lớn và vẫn phải đảm bảo sức khoẻ, tính mạng cho người dân, không đơn thuần có mặt ở nơi làm việc” – chị Trần Thị Phương Hoa chia sẻ.

Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại Khá của Đại học Y Hà Nội, chị Trần Thị Phương Hoa được nhận vào làm việc ở một bệnh viện công. Ngày ấy, cả gia đình mừng rỡ, vì được làm việc ở bệnh viện công, được biên chế viên chức không phải là chuyện dễ dàng.

Khi làm nghề, chị nhận ra, y, bác sĩ không phải “việc nhàn, lương cao”. Lương khởi điểm cho một bác sĩ có bằng Đại học có hệ số 2,34 (trong khi cử nhân hệ đào tạo 4 năm cũng hưởng hệ số như vậy).

Mỗi lần đi trực, chị thường phải thứ trắng đêm để trực cấp cứu bệnh nhi, trong khi mức phụ cấp trực chỉ vài chục nghìn đồng. Số tiền trực ít ỏi này không tương xứng với mức độ nặng nhọc và áp lực của bác sĩ.

Sau nhiều năm làm việc, chị Trần Thị Phương Hoa quyết tâm xin nghỉ việc để chuyển hướng kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Dù còn rất yêu nghề, nhưng Phương Hoa phải cân nhắc việc có tiền và có thời gian lo cho gia đình.

Chế độ giờ trực “không đủ mua bát phở” - nhân viên y tế mong chờ sự thay đổi
Trong ca trực đêm, sau khi chạy buồng xong, điều dưỡng Bệnh viện K miệt mài hoàn thiện bệnh án cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

ThS. BS CKII Phạm Xuân Hiếu - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) từng chia sẻ rằng, nhân viên y tế có rất nhiều áp lực. Trong cấp cứu có những tình huống cần cấp cứu gấp (cấp bách ngay) và có những tình huống có thể trì hoãn cấp cứu để tập trung cho những ca bệnh nặng hơn, đang nguy kịch hơn. Công việc ở Khoa Cấp cứu đặc biệt vất vả nhất vì phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Bởi lẽ, Khoa Cấp cứu luôn có số lượng bệnh nhân đông, vào viện bất kể giờ giấc nào, tính chất bệnh nhân cấp bách. Nguy cơ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung trong ca trực cao, nhất là do tâm lý lo lắng dẫn đến mất kiểm soát. Người nhà bệnh nhân có thể mạt sát, chửi bới nhân viên y tế bằng lời nói hoặc nặng hơn là sử dụng vũ lực, hung khí đe doạ, đánh đập, gây căng thẳng cho nhân viên y tế. Trong bối cảnh nhà nhà, người người sử dụng mạng xã hội, nhân viên y tế còn bị người nhà bệnh nhân đe doạ quay phim, chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội làm ảnh hưởng uy tín của họ.

Do vậy, ca trực của nhân viên y tế không chỉ áp lực từ yêu cầu chuyên môn và tính chất cấp bách của công tác cứu chữa bệnh nhân mà còn phải chịu áp lực từ phía người nhà bệnh nhân. Công việc nặng nhọc, thiếu sự đồng cảm đã tạo thêm những áp lực mà nhân viên y tế phải gánh chịu hằng ngày, trong mỗi ca trực. Nhưng y, bác sĩ có bị đánh đập thì vẫn phải cứu chữa cho người bệnh và những vụ hành hung vẫn tái diễn, khiến y, bác sĩ phải chịu thiệt thòi.

Điều dưỡng Đinh Thị Thanh Huệ - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, làm nghề Y, phải xác định gắn bó với những ca trực dịp lễ, Tết không được ở bên gia đình. Khi mọi người đang hân hoan chào đón năm mới bên gia đình, thì trong bệnh viện, các y, bác sĩ đang ngổn ngang với các bệnh nhân phải thở máy, lọc máu… Mỗi ca trực là phải tập trung cao độ, không bao giờ được phép lơ là kể cả trong đêm để chăm lo sức khoẻ người bệnh.

Nhất là khi bệnh viện trong tình trạng quá tải, dịch bệnh, các y bác sĩ phải căng mình làm việc bằng 200 đến 300% sức lực.

Phụ cấp chưa tương xứng với tính chất nặng nhọc

Chế độ đối với người lao động (NLĐ) tham gia thường trực hiện nay được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quy định chế độ đối với NLĐ tham gia thường trực là:

NLĐ thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp: 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.

90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II. 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương. 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.

NLĐ thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ; NLĐ thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.

Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

Ngoài ra, NLĐ thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực;

NLĐ được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia thường trực như sau: thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 1 ngày; vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 2 ngày; thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động NLĐ làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động NLĐ làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.

Làm rõ thêm quy định trên, Công đoàn Y tế Việt Nam lấy ví dụ về cách tính hưởng chế độ khi tham gia thường trực:

Bác sĩ A làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ tại Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện C được hưởng chế độ thường trực cụ thể như sau:

Trực vào ngày thường: Mức phụ cấp thường trực là: 1,5 x 115.000 đồng = 172.500 đồng; hưởng chế độ tiền ăn là 15.000 đồng và được nghỉ bù 1 ngày.

Trực vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật: Mức phụ cấp thường trực là: 1,3 x 172.500 đồng = 224.250 đồng; hưởng chế độ tiền ăn là 15.000 đồng và được nghỉ bù 1 ngày.

Trực vào ngày lễ, Tết: Mức phụ cấp thường trực là: 1,8 x 172.500 đồng = 310.500 đồng; hưởng chế độ tiền ăn là 15.000 đồng và được nghỉ bù 2 ngày.

Hiện nay, Việt Nam có 6 bệnh viện hạng đặc biệt là: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy (đều thuộc quản lý của Bộ Y tế).

Nói về cách tính phụ cấp thường trực ở bệnh viện hạng đặc biệt, TS.BS Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai cho rằng so với nhiều ngành nghề khác, mức tiền trực là rất thấp.

Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, tất cả bệnh nhân nặng của tuyến dưới dồn về. Do vậy, lượng công việc của y, bác sĩ ở đây nhiều, áp lực lớn. Phần lớn điều dưỡng viên chỉ trông chờ vào đồng lương hằng tháng, với tổng thu nhập chỉ đạt từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Do vậy, để có thêm chi phí sinh hoạt gia đình, không ít người phải làm thêm để có "đồng ra đồng vào", nuôi con ăn học.

"Cả một đêm trực vất vả, bác sĩ chỉ nhận được 115.000 đồng. Trong khi để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ mất 6 năm học và 18 tháng thực hành hoặc dài hơn. Các điều dưỡng còn khổ hơn. Điều dưỡng phải thay bỉm, đổ bô, gội đầu... chăm sóc cho bệnh nhân hơn cả người nhà nhưng không có phụ cấp, không có tiền hỗ trợ", TS.BS Đoàn Thu Trà cho biết.

Cũng theo TS.BS Đoàn Thu Trà, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật được thực hiện (theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg) đã hơn 12 năm, không tương xứng với lao động của bác sĩ.

Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập chưa đảm bảo, công việc áp lực cao, trách nhiệm lớn là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng gần 10.000 nhân viên y tế ở khu vực công nghỉ việc, chuyển việc trong giai đoạn 2021 - 2022.

Chế độ giờ trực “không đủ mua bát phở” - nhân viên y tế mong chờ sự thay đổi
ThS. BS CKII Phạm Xuân Hiếu - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E). Ảnh: Ngọc Anh

chờ sự thay đổi

PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, kiến nghị về sửa đổi bất cập trong quy định tiền phụ cấp trực ở nhiều nhân viên y tế “không đủ mua bát phở” cộng thêm nhiều chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập, đãi ngộ khác cho phù hợp tình hình thực tế đã được Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Cục, Vụ chức năng của Bộ Y tế thực hiện từ lâu.

Trong đó, đáng chú ý là tiền trực cho cán bộ, nhân viên y tế năm 2012 là 18.000 đồng/ngày và 25.000 đồng/ngày khi mức lương cơ sở là 830.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng/tháng nhưng các chế độ trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.

“Phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác. Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp. Thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục, nhưng đãi ngộ tiền lương lại không nhiều.

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, mức phụ cấp không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và kiến nghị công đoàn cấp trên đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực để phù hợp với mức lương tối thiểu tăng từ ngày 1/7/2023 lên 1.800.000 đồng/tháng.

Cả nước hiện có khoảng 500.000 đoàn viên ngành y tế, chỉ chiếm 1/24 số công đoàn viên cả nước. Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, họ là những công đoàn viên đặc biệt vì mang trọng trách chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 triệu dân.

Từ cuối năm 2019 khi dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã phải đảm đương khối lượng công việc gấp 3 đến 5 lần bình thường, như: theo dõi, điều trị cho trên 11,5 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 3% đến 5% ca nặng; tiêm trên 260 triệu mũi vaccine Covid-19 và thực hiện test xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm triệu lượt người.

Sau đại dịch Covid-19 là sự khủng hoảng về tinh thần với nhiều cán bộ, nhân viên y tế liên quan đến pháp lý; đời sống khó khăn, thu nhập giảm với các đơn vị tự chủ vì giá viện phí hiện nay vẫn có 4/7 yếu tố từ 20 năm chưa thay đổi, thu không đủ bù chi.

“Đây chính là giọt nước tràn ly làm cho làn sóng hơn 10.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc sang khu vực tư nhân”, PGS.TS Phạm Thanh Bình chia sẻ và nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và các cấp công đoàn đã tiếp tục đồng hành với Bộ Y tế, đoàn viên, lãnh đạo các đơn vị để tham mưu, tham gia quản lý, giám sát các chế độ, chính sách; động viên chăm lo và bảo vệ đoàn viên để cán bộ, nhân viên y tế tận tâm cống hiến với nghề.

Một số chuyên gia trong ngành Y tế cũng kiến nghị thay đổi mức phụ cấp trực theo hướng: Người lao động thường trực 24/24 tại trạm y tế xã phải được hưởng ít nhất 65.000 đồng tiền phụ cấp thường trực. Trường hợp bạn trực đêm, nếu trực 24/24 thì được hưởng 65.000 đồng/phiên trực và được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ phiên trực mới đủ bù đắp và giúp cán bộ y tế tái tạo sức lao động.

Đồng thời Chính phủ xem xét thay đổi, tăng mức phụ cấp trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế; xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay.

Tiếp thu kiến nghị của ngành Y tế và ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023, Quốc hội yêu nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Chính phủ theo đó được giao trong năm 2023 ban hành kế hoạch, lộ trình, tổ chức thực hiện việc này; phấn đấu sớm hoàn thành các nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong năm 2023 và 2024.

Hiện Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng thang bảng lương cùng các chế độ phụ cấp với cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chế độ giờ trực “không đủ mua bát phở” - nhân viên y tế mong chờ sự thay đổiCán bộ y tế cơ sở trong ca trực. Ảnh: Internet

Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quy định định mức nhân lực trong phiên trực:

a) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh thì định mức nhân lực tiêu chuẩn cho 01 phiên trực gồm: trực lãnh đạo, trực lâm sàng, trực cận lâm sàng và trực hậu cần được quy định như sau:

- Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I: 14 người/phiên trực/100 giường bệnh kế hoạch;

- Bệnh viện hạng II và hạng III: 13 người/phiên trực/100 giường bệnh kế hoạch;

- Bệnh viện hạng IV, bệnh viện chưa được xếp hạng: 12 người/phiên trực/100 giường bệnh kế hoạch (tính chung cho cả số giường bệnh của các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh trực thuộc). Riêng bệnh viện có quy mô dưới 70 giường bệnh được bố trí 10 người/phiên trực; bệnh viện có quy mô từ 70 giường bệnh đến dưới 100 giường bệnh được bố trí 11 người/phiên trực.

Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và các nguồn thu sự nghiệp, vào tình hình thực tế về công suất sử dụng giường bệnh để quyết định số nhân lực trong phiên trực cho phù hợp. Trường hợp quá tải, đơn vị được quyết định số nhân lực trực cao hơn nhưng tối đa cũng không được vượt quá tỷ lệ quá tải của đơn vị.

b) Đối với trạm y tế xã có thể bố trí từ 1 người đến 2 người/phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

c) Đối với các bệnh xá quân dân y thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế;

d) Đối với cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế;

đ) Trường hợp Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định huy động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia chống dịch thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bổ sung nhân lực trong phiên trực 24/24 giờ để vừa đáp ứng công tác chống dịch, vừa đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

Hà Vy

Đồ họa: Minh Hồng

Hà Vy