Chết người do sập giàn giáo: Nguyên nhân và giải pháp
Theo phân tích của giới chuyên môn, tai nạn lao động chết người do sập giàn giáo gây ra có nguyên nhân chủ yếu là thiếu thiết kế biện pháp thi công đảm bảo an toàn.
Hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 13 công nhân tử vong và 29 người bị thương, năm 2015. Ảnh: Văn Định |
Rùng mình với những vụ sập giàn giáo gây chết người Tuột phanh, tuột kích, kết cấu giàn giáo có độ an toàn thấp... là những nguyên nhân dẫn đến giàn giáo thi công tại dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) bị sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương (ngày 25/3/2015). Giào giáo khổng lồ bằng sắt, thép cao 30m bị sụp đổ này phục vụ cho việc đúc hầm chìm xây dựng hệ thống đê chắn sóng bao có tổng chiều dài lên đến hơn 10km. Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Hà Tĩnh kết luận, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn. Theo báo cáo mà Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) và Công ty Cổ phần Kiểm định kỹ thuật, an toàn và Tư vấn xây dựng đã chỉ ra, khởi nguồn của sự cố sập giàn giáo là do tuột phanh, tuột kích. Một cụm kích trượt xuống và vượt 30 đến 35mm thì lực nén tác dụng lên cột ray lân cận sẽ tăng dần, lớn hơn sức chịu tải cho phép của cụm kích là 425 kN (sức chịu tải của kích) dẫn tới cụm kích này bị tuột phanh, tuột kích và trượt dần xuống. Sau đó là sự mất ổn định của thanh cột ray, gây rung lắc cho giàn giáo. Kết cấu của giàn giáo được thiết kế với độ an toàn thấp, chưa xét đến sự mất ổn định ngoài mặt phẳng khung của hệ phanh cột ray nâng hạ kích. Vì thế, mặc dù hệ cột ray hoàn toàn đảm bảo khả năng chịu lực trong mặt phẳng khung nhưng lại mất an toàn ngoài mặt phẳng khung cột. Hơn nữa, với tác động của khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, độ an toàn này thực tế còn thấp hơn do sự ăn mòn kết cấu thép, cho nên khi gặp trục trặc hay các vấn đề vận hành vượt quá giới hạn cho phép thì hệ giàn giáo sụp đổ. Trước khi giàn giáo sập, sai lệch cao độ các kích (do tuột phanh, tuột kích) lớn hơn giới hạn cho phép theo quy định của nhà sản xuất là 3mm. Giàn giáo không có hệ thống cảnh báo sớm về nguy hiểm khi vận hành và chưa có quy trình xử lý sự cố. Sai lệch cao độ kích được phát hiện không kịp thời do không sử dụng hệ thống cảnh báo tự động khi sai lệch cao độ đến giới hạn... Bề mặt một số má phanh bị gỉ sét vì không được bảo dưỡng. Qua thử nghiệm cho thấy một số má phanh bị tụt khi gia tải tới 420 kN, một số cụm không đủ khả năng chịu tải theo thiết kế, độ tin cậy không cao. Nhà sản xuất chưa xem xét đến yếu tố thời tiết khắc nghiệt của miền Trung để đưa ra quy trình bảo dưỡng nghiêm ngặt phù hợp. Đáng nói là, khi phát hiện giàn giáo có sự cố nguy hiểm, ông Kim Jong Wook - người quản lý vẫn để công nhân tiếp tục làm việc. Người quản lý công nhân làm việc tại giàn giáo Lane 1 và Lane 2 thấy giàn giáo Lane 2 có sự cố, rung lắc mạnh, phát ra tiếng động lớn, công nhân sợ hãi bỏ chạy nhưng sau khi kiểm tra lại không chỉ đạo ngừng thi công mà yêu cầu công nhân tiếp tục làm việc. |
Hiện trường giàn giáo bị sập tại công trình xây dựng trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: QĐ |
Một vụ sập giàn giáo đau lòng khác là tại công trình xây dựng trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra rạng sáng 17/1/2018 khiến 6 người thương vong. Nguyên nhân được Thanh tra xây dựng Hà Nội xác định là do kết cấu giàn giáo không chắc chắn, dẫn tới làm 258m2 trong tổng số hơn 1000m2 mặt sàn bị đổ sập ngay trong quá trình đơn vị thi công đang đổ bê-tông. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhà thầu đang đổ bê-tông ở hai ô sàn cốt thép toàn khối. Khi tiến hành đổ bị sụt hệ thống giàn giáo chống bê-tông, giàn giáo biến dạng và sụp đổ 4 ô sàn từ trục 9- 11; C-D*. Phần diện tích đổ sập khoảng 270m2 trên tổng số 1.528m2/sàn. Công trình bị sập giàn giáo do Công ty CP Phát triển đầu tư và dịch vụ Việt - Nhật làm chủ đầu tư. Theo thông tin thu thập được từ vụ tai nạn, tổ thi công đang đổ xe bê tông thứ 20 thì xảy ra sự cố. Khoảng 500 tấn bê-tông đã được đổ lên giàn giáo sàn tầng 2. Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, giàn giáo được giằng chống không tốt, quá sức chịu tải nên bị sập đổ khi đổ bê tông lên. Trước đó, cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, vào ngày 26/9/2017, tại phường Mỹ Đình, dự án Trường mầm non Vườn Xanh cũng xảy ra sự cố tương tự. Trong quá trình thi công, công trình bị sập khoảng 500m2 sàn, với việc xác định do phần chất tải đổ sàn tầng 3 tác động vào kết cấu giàn giáo không phù hợp với khả năng chịu lực dẫn đến sàn tầng 3 và sàn tầng 2 sụp đổ. Nam Từ Liêm là một địa bàn hiện có nhiều công trình xây dựng đang thi công. Thời gian qua ngoài việc có các dự án xây dựng không phép, sai phép quy mô lớn thì việc để xảy ra các sự cố sập giàn giáo nghiêm trọng cũng có vai trò trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát. |
Nỗi đau dai dẳng của nạn nhân vụ sập giàn giáo. Ảnh: QĐ |
Nguyên nhân do thiếu biện pháp thi công an toàn Theo TS. Nguyễn Hoài Nam – Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, một trong những nguyên nhân gây nên tai nạn là do biện pháp thi công không phù hợp hoặc quá trình thi công không đảm bảo biện pháp thi công đã đề ra. Biện pháp thi công phải thể hiện được thiết bị, công nghệ dự định chọn để thi công; trình tự thi công; quy trình thi công; phương pháp kiểm tra, tính toán; biện pháp an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường; dự kiến sự cố và cách xử lý; tiến độ thi công. Nếu biện pháp thi công được lập đảm bảo các yếu tố trên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cũng như an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Ngược lại, biện pháp thi công không phù hợp sẽ gây thiệt hại về vật chất, đôi khi về người. Điều này thể hiện rõ nhất trong các vụ mất an toàn giàn giáo mà nguyên nhân chính được đánh giá là do bài toán về kỹ thuật, biện pháp thi công không phù hợp hoặc không tuân thủ biện pháp thi công. Dẫn ví dụ, TS. Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa khiến 13 người chết, 29 người bị thương, một trong những nguyên nhân được xác định là “kết cấu của giàn giáo được thiết kế với độ an toàn thấp, chưa xét đến sự mất ổn định ngoài mặt phẳng khung của hệ phanh cột ray nâng hạ kích. Vì thế, dù hệ cột ray hoàn toàn đảm bảo khả năng chịu lực trong mặt phẳng khung nhưng lại mất an toàn mặt phẳng ngoài khung cột…”. Chỉ ra những sai sót trong thiết kế biện pháp thi công giàn giáo, TS. Nguyễn Hoài Nam cho hay, trước hết là do đơn vị thi công không có tính toán thiết kế biện pháp. |
Hình ảnh một giàn giáo được lắp đặt. Ảnh: Tam Minh |
Các biện pháp thi công ngày nay không ngừng được cải tiển, hoàn chỉnh thì vấn đề bảo hộ, an toàn lao động phải được nghiên cứu thiết kế đồng thời với thiết kế biện pháp thi công (thiết kế biện pháp thi công phần ngầm; thiết kế biện pháp thi cong cốp pha cột, vách, dầm sàn, dầm chuyền, sàn thông tầng, biện pháp thi công giáo ngoài...) để phục vụ thi công ngoài hiện trường. Nhưng thực tế, tai nạn xảy ra do lỗi thiết kế biện pháp thi công hay không có biện pháp thi công theo Mục 3.12 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4055-2012. Biện pháp thi công do nhà thầu thi công xây dựng lập và đã được đưa ra trong hồ sơ dự thầu cùng với giá thầu để tiến hành đấu thầu. Nhiều nhà thầu thi công đã bỏ qua việc thiết kế biện pháp thi công do không có khả năng thiết kế hoặc cắt giảm chi phí do công tác bỏ thầu thấp hoặc cóp nhặt biện pháp thi công từ các dự án khác để làm hồ sơ thầu, thi công mà không rõ quy định. Vì vậy khi thi công, lắp dựng cốp pha, cây chống, nhà thầu thi công tiến hành theo kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuạt, công nhân. Cộng thêm việc thiếu giám sát chuyên môn từ các đơn vị quản lý dự án dẫn đến sự cố trong quá trình thi công. Việc này diễn ra đối với các dự án nhỏ, nhất là các dự án nhà dân thường tận dụng mọi vật tư có sẵn của chủ đầu tư. Một nguyên nhân khác đó là tính toán thiết kế biện pháp sai. Nhiều nhà thầu thi công ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, chất lượng nên tiến hành tính toán, thiết kế biện pháp thi công. Tuy nhiên, trong quá trình tính toán khả năng chịu lực của hệ cốp pha, giàn giáo, nhiều nhà thầu không dùng đến kỹ sư có đủ trình độ chuyên môn về tính toán, có kinh nghiệm về thi công mà sử dụng các kỹ sư ít kinh nghiệm. Ngay cả người thiết kế biện pháp thi công là kỹ sư kết cấu nhưng lại thiếu kinh nghiệm, chưa kinh qua thực tế, tính thiếu hoặc sai về các loại tải trọng tác động trong quá trình thi công; thậm chí là hiểu sai về sơ đồ tính thoán cũng như nhầm lẫn tổ hợp tải trọng thi công. |
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Đà Nẵng) ứng cứu nạn nhân vụ sập giàn giáo ngày 25/5/2023 trong đêm. Ảnh: Nguyễn Thành |
Nhiều trường hợp do vội vã nên những phần mới thi công chưa ổn định kết cấu (những phần có sử dụng bê tông) đã thi công bước tiếp theo, điển hình là vụ sập giàn giáo tại Dự án Trường mầm non Vườn Xanh ngày 25/9/2017 tại quận Nam Từ Liêm: thi công đổ bê tông tầng 3 khi toàn bộ cốp pha, cây chống từ tầng 1 lên tầng 2 đã bị tháo bỏ…. Thêm vào đó là sử dụng hệ thống giàn giáo kém chất lượng, thi công sai biện pháp thi công. Do bỏ thầu thấp, mong muốn lợi nhuận cao, nhiều nhà thầu thi công đã sử dụng các loại vật tư, giàn giáo kém chất lượng được bán trôi nổi trên thị trường với giá thành rẻ 1/2 đến 1/3 so với các loại vật tư chính hãng đảm bảo chất lượng. Ngoài ra sử dụng giàn giáo đã quá cũ không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo biện pháp thi công đã được phê duyệt. Công tác thí nghiệm giáo chống tại phòng thí nghiệm và tại hiện trường không được coi trọng. Thậm chí không ít nhà thầu thi công, chủ đầu tư sử dụng giàn thô sơ như gỗ, cây chống cong vênh, cũ kỹ đã được sử dụng nhiều lần. Quá trình lắp dựng hoặc tháo dỡ loại giàn giáo không đủ các tài liệu cấu tạo, lắp dựng, vận hành, tháo dỡ ghi trong hồ sơ kỹ thuật và hướng dẫn của nhà chế tạo: khoảng cách giữa các cây giáo, chuồng giáo lớn hơn so với thiết kế, hồ sơ kỹ thuật của nhà sản xuất… khiến hệ thống giàn giáo không đảm bảo khả năng chịu lực, mất ổn định không gian trong quá trình thi công… Đảm bảo an toàn từ thiết kế biện pháp thi công đến hoàn thiện pháp lý Những năm qua, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực xây dựng đang được từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hoài Nam, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng phục vụ công tác thiết kế hệ giàn giáo cốp pha thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, khiến việc thiết kế, thẩm định cốp pha giàn giáo của các kỹ sư xây dựng gặp không ít khó khăn vì không biết áp dụng quy định nào trong luật. Điểm d, khoản 2, Điều 113 Luật Xây ngày 1/1/2015 quy định: Nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ “lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình”. Trong khi đó điểm d, khoản 2 Điều 112 Luật Xây dựng lại chỉ yêu cầu “chủ đầu tư có nghĩa vụ kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường”. Có trường hợp, chủ đầu tư là đơn vị không có chuyên môn chuyên sâu về xây dựng thì không thể phê duyệt được biện pháp thi công hoặc phê duyệt một cách chủ quan? |
Hiện trường vụ sập giàn giáo tại An Dương, Hải Phòng làm 7 người bị thương và 1 người mất tích. Ảnh: Hoài Anh |
Từ đó, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát hay chủ đầu tư đều không nắm rõ được biện pháp thi công đã lập có phù hợp, có đảm bảo an toàn trong quá trình thi công hay không. Và dưới áp lực tiến độ thì dự án vẫn được tiến hành thi công khi chưa thiết kế biện pháp thi công hoặc đã được thiết kế nhưng chưa được phê duyệt hoặc thẩm tra dẫn đến các sự cố mất an toàn. Từ những phân tích sai sót của biện pháp thi công trong công tác đảm bảo an toàn lao động, TS. Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, cơ quan nhà nước cần sớm đưa ra quy định, tiêu chuẩn quốc gia, quy chế rõ ràng, chặt chẽ đối với công tác thiết kế biện pháp thi công, kiểm định và thí nghiệm đối với hệ cốp pha giàn giáo ngoài hiện trường cho từng cấu kiện cong trình từng giai đoạn thi công. Hệ thống giàn giáo, cố pha đỡ tải bên trên và truyền xuống cần phải được nhà thầu thi công hoặc tư vấn thiết kế đầy đủ, được đơn vị đủ năng lực chuyên môn, pháp lý thẩm tra. Quá trình thi công phải được lắp dựng đúng quy cách theo thiết kế của biện pháp thi công đã được phê duyệt. Sử dụng những thiết bị, giàn giáo, cốp pha được cung cấp bởi đơn vị có uy tín. Các thiết bị, máy móc liên quan phải được thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn hoặc tại công trường với điều kiện làm việc gần giống nhất với thực tế thi công. Ứng dụng công nghệ mới là mô hình thông tin công trình vào công tác thiết kế, thi công và quản lý an toàn lao động, vệ sinh môi trường; giúp kỹ sư xây dựng, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan xác định được các nguy cơ gây mất an toàn lao động. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng, xử phạt nghiêm đối với các nhà thầu thi công, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát không thực hiện quy định về lập, thiết kế biện pháp thi công cũng như không có công tác đảm bảo an toàn giàn giáo trong quá trình thi công… Có chế tài đủ mạnh để ử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động với các đơn vị quản lý, thi công dự án. Quá trình thiết kế biện pháp thi công cần đảm bảo 6 bước: Lựa chọn sơ bộ chủng loại vật tư phục vụ công tác thi công; xác định các loại tải trọng thi công tác dụng lên hệ cốp pha, giàn giáo; tính toán kiểm tra độ bền, độ ổn định của cốp pha, đà giáo, giáo chống; thẩm tra, phê duyệt biện pháp thi công; thí nghiệm kiểm tra, thử tải đối với các vật tư, vật liệu về công trường; tiến hành thi công, kiểm tra, nghiệm thu tại công trường trước khi tiến hành đổ bê tông. |
Thực hiện: Hà Vy |