e magazine
07:28 | Chủ nhật, 21/08/2022
Chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC: Doanh nghiệp cùng ngồi lại

07:28 | Chủ nhật, 21/08/2022

“Gần đây số hoá phát triển trong mọi lĩnh vực, ngành Thiết bị Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng phát triển, thay đổi nhiệm vụ, quy trình, văn hoá doanh nghiệp để bắt kịp yêu cầu của phong trào chuyển đổi số”, là phát biểu của Đại diện Hiệp hội Thiết bị PCCC Nhật Bản tại toạ đàm quốc tế “Chuyển đổi số trong công tác Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC& CNCH) giải pháp khoa học - công nghệ PCCC cho nhà siêu cao tầng, công trình có nhiều tầng hầm” tổ chức tại TP. HCM, ngày 18/8.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC: Doanh nghiệp cùng ngồi lại

“Gần đây, số hoá phát triển trong mọi lĩnh vực; ngành Thiết bị Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng phát triển, thay đổi nhiệm vụ, quy trình, văn hoá doanh nghiệp (DN) để bắt kịp yêu cầu của phong trào chuyển đổi số”.

Đó là phát biểu của ông SuZuki Kazuo, Đại diện Hiệp hội Thiết bị PCCC Nhật Bản tại Tọa đàm quốc tế: “Chuyển đổi số trong công tác Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC& CNCH) giải pháp khoa học - công nghệ PCCC cho nhà siêu cao tầng, công trình có nhiều tầng hầm” tổ chức tại TP. HCM, vào ngày 18/8.

“Để xây dựng được lộ trình chuyển đổi số đúng hướng, cần nỗ lực phát triển các giai đoạn khả thi, cần làm từng hạng mục liên quan riêng rẽ, hiệu suất hoá các nhiệm vụ khác nhau. Hiện, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành xây dựng Ứng dụng cổng thông tin điện tử quốc gia để kịp thời thông báo cho tất cả các cơ quan. Trong tương lai, các công ty liên quan đến chuyển đổi số như các công ty phần mềm cũng sẽ được chúng tôi mời vào Hiệp hội PCCC để nhanh chóng thành lập một uỷ ban về chuyển đổi số để hoàn thiện các bước tiến đến số hoá ngành PCCC Nhật Bản. Công tác áp dụng chuyển đổi số trong ngành PCCC ở Nhật cũng giống Việt Nam. Các thao tác tương đương nhau. Vì thế những cuộc trao đổi thông tin giữa các tổ chức, hiệp hội giữa hai nước như thế này thực sự thiết thực”, ông SuZuki Kazuo cho biết.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh để ứng dụng những lợi ích mà Số hóa dữ liệu và Số hóa quy trình mang lại, giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất công việc. Vì thế, nó thu hút đông đảo sự quan tâm tham dự của các DN trong ngành.

Hỗ trợ mạnh mẽ cho kế hoạch chuyển đổi số chính là những hoạt động tuyên truyền, xúc tiến trao đổi, giao lưu hợp tác liên tiếp diễn ra góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC & CNCH.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết, các triển lãm quốc tế về thiết bị kỹ thuật và phương tiện PCCC & CNCH đã được tổ chức khá liên tục từ năm 2008 - 2019 cho thấy nhu cầu về một sân chơi để trao đổi học hỏi, kết nối giữa các nhà sản xuất, phân phối và người sử dụng trong lĩnh vực PCCC là rất thực tế.

Cũng tại Tọa đàm này, đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH chia sẻ: “Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của hệ thống nhà cao tầng, các cao ốc văn phòng với mật độ xây dựng dày đặc đi kèm nguy cơ cháy nổ tăng cao, song song với hoạt động tuyên truyền giáo dục nhận thức toàn dân về PCCC, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các khối DN trong lĩnh vực thiết bị và dịch vụ PCCC để có thể thúc đẩy quá quá trình chuyển đổi số trong PCCC diễn ra thuận lợi. Nhanh chóng bắt kịp tốc độ phát triển của đô thị, ngăn ngừa giảm thiểu những vụ cháy nổ gây hậu quả đáng tiếc, tránh được những thiệt hại về người và của”.

Mặc dù còn nhiều mặt hạn chế, nguồn nhân lực có chuyên môn về lĩnh vực PCCC mỏng, việc lưu trữ các thông tin cơ sở bằng thủ công, trên giấy tờ lưu kho làm hạn chế tra cứu thông tin, chia sẻ thông tin, thất lạc hồ sơ nhưng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC & CNCH vẫn tiếp tục triển khai theo đúng lộ trình.

Bên lề Tọa đàm, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam về vai trò sứ mệnh của Hiệp hội đối với quá trình Chuyển đổi số trong hoạt động PCCC.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC: Doanh nghiệp cùng ngồi lại

Bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ các tổ chức phi chính phủ (phải) trao Quyết định thành lập cho Ban sáng lập Hiệp hội. Ảnh: pccc247.vn

- Phóng viên: Xin chào ông, xin ông chia sẻ một vài điểm khái quát về tình hình các doanh nghiệp trong lĩnh vực PCCC?

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương – Chủ tịch Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam: Hiện cả nước có trên 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực PCCC. Hiệp hội rất mong muốn muốn kêu gọi được nhiều nhất có thể trong số hơn 4.000 này tham gia vào Hiệp hội. Thứ nhất là để tăng cường khả năng kết nối giữa các DN cùng lĩnh vực với nhau. Thứ hai là kết nối các DN trong ngành với các ngành khác. Thứ ba là tăng cường khả năng kết nối hợp tác quốc tế với các tổ chức, DN quốc tế. Qua đó, giúp tăng năng lực sản xuất cũng như kinh nghiệm phát triển công nghệ để có thể đưa ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn cho cộng đồng.

- Xin ông vui lòng cho biết những thuận lợi khi DN ngành PCCC tham gia vào Hiệp hội?

Hiệp hội đóng vai trò làm cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân, tập hợp lấy ý kiến của các DN liên quan đến công tác quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động PCCC. Sau đó, tiến hành đề đạt, đề xuất dự thảo và trao đổi với các cơ quan quản lý để ngày càng hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực PCCC. Mặt khác, khi tham gia vào hội, tiếng nói của các DN cũng sẽ có giá trị hơn, kiến nghị của các DN đến các cơ quan quản lý, xây dựng nhanh chóng, hiệu quả hơn khi thông qua Hiệp hội .

Đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện như PCCC, rất cần thông tin chính xác, kịp thời. Vì vậy, khi những tâm tư nguyện vọng trở thành tiếng nói chính thức được đề đạt đúng người, đúng hướng sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh của DN. Đồng thời, khi quy chuẩn ngày càng hoàn thiện thì DN cũng có cơ sở pháp lý rõ ràng để tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình. Hạn chế tối đa vướng mắc, nhầm lẫn gây tiêu tốn thời gian và tâm sức của DN.

Bên cạnh lợi ích về thông tin quy định pháp luật, DN tham gia Hiệp hội có điều kiện củng cố gia tăng năng lực kinh doanh sản xuất, kết nối mang tính tổng thể với cộng đồng cứu hộ PCCC thế giới, qua đó tìm kiếm các kênh để giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC: Doanh nghiệp cùng ngồi lại

Diễn tập PCCC và Cứu nạn tại triển lãm. Ảnh: PHẠM THỦY

- Tình hình chuyển đổi số của công tác PCCC ra sao, thưa ông?

Hiện nay công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC & CNCH nói chung và các phương án tác chiến điện tử dựa trên nền tảng kỹ thuật số đều đang được lực lượng các tỉnh thành cũng như các cơ quan trung ương trong lĩnh vực PCCC & CNCH nghiên cứu và đã bắt đầu đưa ra những ứng dụng triển khai ban đầu. Đó chính là các các bước áp dụng chuyển đổi số trong công tác PCCC & CNCH.

Hiện Hiệp hội cũng đang cùng với Cục Cảnh sát PCCC nghiên cứu và tham khảo các phương án tác chiến điện tử và những phương án chuyển đổi số từ những nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới để có thể áp dụng nhanh những công nghệ hiện đại nhất và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

- Xin ông cho biết có khó khăn nào trong công tác Chuyển đổi số lĩnh vực PCCC?

Xu thế Số hoá hiện bao trùm mọi lĩnh vực. Các DN hoạt động trong lĩnh vực PCCC cũng cần có những thay đổi để có thể tham gia vào xu thế chung. Tuy nhiên có một vấn đề sẽ cần nhiều thời gian để giải quyết, đó là công tác số hoá dữ liệu. Công tác này cần nhiều giai đoạn để khôi phục, kiểm tra, xác nhận, tập hợp thông tin từ nhiều cơ quan, tổ chức. Vì hoạt động PCCC chỉ có thể phát huy hiệu quả tất cả những phương án tác chiến điện tử hay những giải pháp về số hoá khi mọi thông tin liên quan về dân cư, hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ hoạt động PCCC, … đều có thể nhanh chóng được kết nối qua các thiết bị điện tử. Để khi xảy ra sự cố có thể chuyển thông tin đến toàn cư dân nhằm hỗ trợ phản ứng nhanh, giúp nâng cao hiệu quả PCCC, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực PCCC: Doanh nghiệp cùng ngồi lại

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công An Trần Văn Tỏ nghe giới thiệu về thiết bị PCCC tại triển lãm. Ảnh: PHẠM THỦY

- Với vai trò Chủ tịch đầu tiên của Hiệp Hội mới thành lập, ông có những mong muốn gì?

Chúng tôi mong muốn Hiệp hội PCCC Việt Nam trở thành một tổ chức có thể thực sự là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân trong công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức về kỹ năng về PCCC. Là tổ chức thực sự có thể giúp cho những doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt với cả hợp lý hơn và có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác. Đồng thời, chúng tôi rất muốn có thể thực hiện một số hoạt động thực sự có ý nghĩa cho cộng đồng.

Nhân đây cũng chia sẻ với Tạp chí Lao động và Công đoàn, dù chỉ vừa mới ra mắt cơ quan Hiệp hội nhưng chúng tôi đã thành lập Quỹ Tri ân PCCC & CNCH. Trước mắt, Quỹ huy động sự đóng góp của Hiệp hội với mục đích hỗ trợ các lực lượng, chiến sĩ, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PCCC & CNCH xảy ra sự cố hoặc người dân chẳng may gặp nạn khi họ tham gia hỗ trợ các lực lượng PCCC. Tri ân và chung tay chia sẽ nỗi mất mát với gia đình, người thân của họ.

Hiệp hội cũng có mong muốn thành lập quỹ tài trợ cho hoạt động đào tạo diễn tập và huấn luyện kỹ năng PCCC của các đơn vị cơ sở. Ví dụ như vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 06 về đào tạo kỹ năng PCCC cho tất cả các cấp học, chúng tôi rất muốn kết nối giữa lực lượng chuyên ngành với các cơ sở giáo dục để có thể hộ trợ trường học thực hiện các lớp học diễn tập, đặc biệt là khi các lớp học này cần có sự tham gia của các lực lượng chuyên môn và lực lượng chức năng.

Xin cảm ơn ông!

Luật sư Nguyễn Đỗ Tùng Cương – Chủ tịch NDTC. Companies, đồng thời là Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Đỗ và Cộng sự

Công ty NDTC thành lập năm 2011, là đối tác và nhà phân phối độc quyền của các hãng sản xuất thiết bị PCCC nổi tiếng của các nước G7 và thế giới.

Năm 2016 - 2018: Luật sư Nguyễn Đỗ Tùng Cương thay mặt đoàn Doanh nghiệp Việt Nam phát biểu về việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Áo, Việt Nam – Ý trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

PHẠM THỦY

Đồ họa: NAM TRÂN

PHẠM THỦY