e magazine
20:41 | Thứ năm, 27/04/2023
Công đoàn tham gia giảm căng thẳng tại nơi làm việc

20:41 | Thứ năm, 27/04/2023

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều cán bộ công đoàn, chuyên gia về an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp giảm căng thẳng cho người lao động

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều cán bộ công đoàn, chuyên gia về an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Căng thẳng của NLĐ cần được Công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp cải thiệnHội thảo "Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc” có sự tham gia của nhiều chuyên gia, cán bộ công đoàn. Ảnh: HẢI NGUYỄN

căng thẳng nghề nghiệp có thể dẫn đến tử vong

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện các Ban chuyên môn, Viện Khoa học ATVSLĐ, chuyên gia về an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn trong dịp Tháng Công nhân và Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học ATVSLĐ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp ngày nay đang theo đuổi các mục tiêu phức tạp và đa dạng để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Doanh nghiệp phải liên tục thay đổi để đạt được những mục tiêu này - cụ thể là bằng cách tổ chức và quản lý sản phẩm, phương pháp làm việc, đổi mới công nghệ, chính sách nhân sự, hình thức tổ chức công việc… Những thay đổi đó dẫn đến cường độ làm việc lớn hơn; khối lượng công việc tăng lên, có tác động tiêu cực đến sức khoẻ và sự an toàn của người lao động (NLĐ), bao gồm rối loạn cơ xương, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi và tai nạn, đồng thời là yếu tố làm tăng tình trạng vắng mặt, luân chuyển nhân viên và chất lượng công việc kém trong công việc.

Những nghiên cứu đã chỉ ra, căng thẳng trong công việc dẫn đến các phản ứng sinh học làm suy yếu sức khoẻ, rối loạn chuyển hoá sinh hoá và thậm chí chấn thương do tai nạn lao động. Trong báo cáo thường niên năm 2018, Liên Hợp quốc đã gọi căng thẳng tại nơi làm việc là một “bệnh dịch của thế kỷ 21”. Theo các nhà kinh tế Australia, các bệnh liên quan đến căng thẳng khiến các doanh nghiệp tiêu tốn hàng tỷ đô la (điều trị, bồi thường cho NLĐ, tình trạng vắng mặt và doanh thu của nhân viên). Căng thẳng, trực tiếp hay gián tiếp là một trong những nguyên nhân chính gây suy mạch vành, ung thư…

Căng thẳng của NLĐ cần được Công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp cải thiệnĐồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nghiên cứu, thí nghiệm trên 2.500 NLĐ do Kelly McGonigal, M.Selye và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Stanfod (Mỹ) tiến hành cho thấy, NLĐ bị căng thẳng nghề nghiệp thường trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu (thời gian khoảng vài tuần) luôn lo lắng mờ hồ. Cơ thể bắt đầu phản ứng. Nhịp tim và nhịp thở trở nên nhanh hơn, đổ mồ hôi và huyết áp cao hơn. Xuất hiện các triệu chứng về thể chất như đau đầu, căng cơ, mệt mỏi, đau ngực và tim đập nhanh; triệu chứng về nhận thức (khả năng tập trung thấp, dễ cáu gắt, mệt mỏi và suy giảm trí nhớ).

Giai đoạn hai: Cơ thể bắt đầu phản ứng (thời gian sau hơn 1 tháng), huyết áp tăng dần, bắt đầu có hiện tượng rối loạn chuyển hoá sinh hoá trong cơ thể, nồng độ Cholesterol trong máu tăng lên, tâm trạng chán nản, rơi vào trầm cảm. Xuất hiện các triệu chứng về cảm xúc (bộc phát cảm xúc, tâm trạng thấp, nhạy cảm với những lời chỉ trích, thiếu tự tin, lo lắng và hay tức giận).

Giai đoạn 3: Giai đoạn kiệt sức (sau vài tháng). Hệ thống miễn dịch bắt đầu bị tổn thương. Các bệnh mạn tính phát triển và tăng dần (đau thắt ngực, tiểu đường, đau khớp...). Triệu chứng rối loạn tâm thần phát triển. Xuất hiện các triệu chứng về hành vi, như: Luôn bất đồng quan điểm dẫn đến cãi nhau, hiệu suất công việc giảm đáng kể, hay nghỉ ốm. Đây là giai đoạn NLĐ cần nhập viện để điều trị.

Căng thẳng của NLĐ cần được Công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp cải thiệnNLĐ làm việc theo dây chuyền dễ gặp căng thẳng nghề nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), một số bệnh nghề nghiệp phát sinh liên quan đến căng thẳng tại nơi làm việc gồm: Rối loạn về sức khỏe tâm thần, bệnh tim mạch, bệnh đường tiêu hóa, làm trầm trọng hơn các bệnh khác (bệnh đái tháo đường, Alzheimer, tốc độ lão hóa của cơ thể, trầm cảm và lo âu), các bệnh mạn tính khác...

Thực tế cho thấy, căng thẳng nghề nghiệp không chỉ xảy đến với công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp mà ngày càng tăng lên với khối lao động trí óc, văn phòng như nhà báo, cán bộ, nhân viên y tế... thậm chí dẫn đến tử vong.

Những ngành nghề, công việc thường gặp căng thẳng như kiểm soát môi trường không lưu trong ngành Hàng không (chịu trách nhiệm lớn về sự an toàn bay và tính mạng của nhiều người; làm việc với màn hình máy tính và rất nhiều chi tiết nhỏ trong quá trình điều hành máy bay lên, xuống...). Hoặc biểu hiện dưới tải công việc thường gặp ở NLĐ làm việc trên các giàn khoan dầu khí với điều kiện làm việc tách biệt với đất liền, tiếp xúc với sóng, gió, tiếng ồn và môi trường sống chỉ một giới...

Căng thẳng của NLĐ cần được Công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp cải thiệnLao động nữ của Công ty Tân Đệ (Thái Bình) - trước đây là Công ty MXP. Ảnh: ĐVCC.

vai trò của công đoàn

Căng thẳng của NLĐ cần được Công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp cải thiệnPhóng viên, biên tập viên được xếp vào nhóm công việc thường xuyên đối mặt với căng thẳng nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Nhấn mạnh vấn đề stress nghề nghiệp với NLĐ trong môi trường kinh tế số, TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ cho biết, trong thời gian tới, khoa học, công nghệ và đổi mới đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chuyển đổi số được thực hiện ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực cùng với một loạt vấn đề về môi trường, sức khoẻ, khí hậu, an toàn thực phẩm, áp lực công việc dẫn đến con người dễ bị stress, rối loạn lo âu. Chuyển đổi số đòi hỏi NLĐ phải thích nghi với quá trình mới với nhiều ngành nghề mới, yếu tố mới trong đó có căng thẳng nghề nghiệp.

Năm 2022, đơn vị thuộc Viện Khoa học ATVSLD đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ tâm thần của 200 nữ công nhân trong một ngành thâm dụng lao động. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp có mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý là 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm ở mức độ trung bình; 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng. Trong số người có biểu hiện trầm cảm có một số người có ý định gây tổn hại bản thân, nhiều người thường xuyên cảm thấy buồn chán.

Bộ Y tế Việt Nam cũng thống kê, gần 15 triệu người Việt Nam gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Mỗi ngày có gần 1.000 người phải đến thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Tỉ lệ công nhân bị căng thẳng nghề nghiệp cao tập trung vào lĩnh vực dệt may, da giày, y tế...

"Hiện nay, việc tiếp xúc trực tiếp với NLĐ có triệu chứng nhằm áp dụng các giải pháp tư vấn can thiệp, điều trị trong doanh nghiệp còn khó khăn. Do vậy, công đoàn nên định kỳ phối hợp với người sử dụng lao động khảo sát thực trạng căng thẳng ở NLĐ, đặc biệt lưu tâm những người ở cấp độ 3 (kiệt sức). Qua đó nêu ý kiến với người sử dụng lao động có giải pháp can thiệp, giảm thiểu. Bên cạnh đó, cần phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý tại nơi làm việc cho NLĐ. Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các chương trình thư giãn cho NLĐ như văn nghệ thể thao, thành lập các nhóm tư vấn; trước khi NLĐ vào làm việc có thể yêu cầu trả lời các câu hỏi đánh giá sức khỏe tâm thần... Ở cấp quốc gia cần có chiến lược và kế hoạch hành động để đánh giá, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngay tại chỗ cho NLĐ" - TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết.

Video: NLĐ tập thể dục giữa giờ nhằm giảm bớt căng thẳng. Nguồn: Công ty Tân Đệ.

Căng thẳng của NLĐ cần được Công đoàn tham gia với doanh nghiệp có biện pháp cải thiệnNLĐ hào hứng tham gia Cuộc thi "Sáng tạo video clip thể dục giữa giờ" của Công đoàn. Ảnh: CĐ

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, nhiều cán bộ công đoàn bày tỏ sự quan tâm đến nhận diện những yếu tố mới trong môi trường lao động có thể là nguyên nhân gây căng thẳng nghề nghiệp cho NLĐ. Đồng thời chia sẻ về giải pháp giảm thiểu căng thẳng cho NLĐ ở góc độ chính sách, tham gia xây dựng định mức lao động, tiền lương... cho NLĐ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, căng thẳng tại nơi làm việc sẽ là vấn đề lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc chưa được quan tâm đúng mức. Với mục tiêu xây dựng môi trường làm việc thân thiện, làm cho NLĐ bớt mệt nhọc, công đoàn cần quan tâm phổ biến kiến thức để các cấp công đoàn nhận thức đúng và đầy đủ về căng thẳng tại nơi làm việc; tham gia chế độ, chính sách nhất là tiền lương, định mức lao động, đưa nội dung này vào đối thoại, thương lượng; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, câu lạc bộ để công nhân có đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái sau giờ làm việc...

Bài: HÀ VY

HÀ VY