e magazine
10:12 | Thứ tư, 21/02/2024
Công tác bảo đảm an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ Tết

10:12 | Thứ tư, 21/02/2024

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người lao động được nghỉ 7 ngày (theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động). Sau kỳ nghỉ Tết, người lao động sẽ quay trở lại làm việc bình thường. Công tác bảo đảm an toàn lao động tại nơi sản xuất là vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

Công tác bảo đảm an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ tết

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người lao động (NLĐ) được nghỉ 7 ngày (theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động). Sau kỳ nghỉ Tết, NLĐ sẽ quay trở lại làm việc bình thường. Công tác bảo đảm an toàn lao động tại nơi sản xuất là vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

Bảo đảm công tác an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ Tết
Tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn NLĐ làm việc xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Báo Bắc Giang

TÌNH HÌNH NLĐ TRỞ LẠI LÀM VIỆC BÌNH THƯỜNG SAU KỲ NGHỈ TẾT

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, NLĐ được nghỉ 7 ngày.

Sau kỳ nghỉ Tết, theo ghi nhận của các cấp công đoàn, số NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp đã trở lại làm việc bình thường quay trở lại làm việc chiếm tỷ lệ cao.

Ngày 17/2/2024 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024), Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, báo cáo nhanh của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến hết ngày 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), NLĐ đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường với tỷ lệ dao động từ 42% đến 100%.

Bảo đảm công tác an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ TếtNLĐ trở lại nhà máy được doanh nghiệp lì xì đầu năm. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong đó, các địa phương như thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Ngãi; các ngành như Dầu khí, Hàng hải, Hàng không, Ngân hàng, Quốc phòng, Than - Khoáng sản, Y tế, Điện lực, Đường sắt đạt 100% doanh nghiệp và NLĐ đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường.

Các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa (đạt 98%); An Giang, Ninh Bình (đạt 97%); thành phố Đà Nẵng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Nghệ An, Vĩnh Long, Tiền Giang; các ngành Dệt may, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Xây dựng (đạt 95%); các tỉnh còn lại đạt từ 80% trở lên.

Số lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu ở các tỉnh, thành phố xa, nghỉ phép thêm ngày, nghỉ ốm hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trở lại từ ngày 19/2/2024 (tức mùng 10 tháng Giêng).

Vì vậy, việc đảm bảo công tác an toàn lao động tại nơi sản xuất là vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

TÂM LÝ NLĐ SAU KỲ

NGHỈ LỄ

Sau một kỳ nghỉ lễ, Tết, cũng là lúc không ít người cảm thấy hẫng hụt khi quay trở lại công việc (có thể cảm thấy do bản thân nghỉ ngơi chưa đủ, do trách nhiệm công việc phải thực hiện nhưng thiếu đi động lực làm việc, do những ký ức đẹp còn lại của những ngày nghỉ…). Từ đó gây tâm lý uể oải, lo lắng, căng thẳng, mất tập trung trong những ngày đầu quay trở lại công việc. Cảm giác này được gọi là “hội chứng hậu nghỉ lễ” (post holiday blue). Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây có thể có nguy cơ cao mất an toàn lao động.

Trong bất cứ một ngành nghề nào thì cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn nguy hiểm cho con người. Có rất nhiều nguyên nhân gây mất an toàn lao động. Đầu tiên là do sự chủ quan của NLĐ, do sức khỏe không đảm bảo, do yếu tố tâm lý, lơ là, không tập trung trong quá trình lao động dẫn đến bị gặp nguy hiểm. Nhiều NLĐ chủ quan không mang theo các trang thiết bị bảo hộ hoặc tự ý vi phạm kỷ luật lao động rất dễ gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Tiếp theo, nguyên nhân gây mất an toàn lao động là máy móc, trang thiết bị làm việc không đảm bảo an toàn, không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, lâu ngày hoạt động không còn tốt nên khi NLĐ làm rất dễ gặp tai nạn không đáng có. Hoặc cũng thể do việc tổ chức sản xuất không hợp lý, để các dụng cụ, máy móc không đúng nơi quy định, không gian làm việc không đảm bảo an toàn.

Bảo đảm công tác an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ TếtĐồng chí Đào Mạnh Kiên - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam lì xì NLĐ làm việc xuyên Tết. Ảnh: CĐ

Jessica de Bloom và cộng sự năm 2011 nghiên cứu trên 96 công nhân sau kỳ nghỉ lễ cho thấy, 60% công nhân có sự cải thiện tốt về sức khỏe tinh thần và 17% có ảnh hưởng tiêu cực sau kỳ nghỉ (tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng, sự không hài lòng…).

Tomei và cộng sự đã xem xét 200 bài báo cho thấy công nhân xây dựng bị tai nạn, chấn thương (do sự di chuyển máy móc và làm việc trên cao) có mối tương quan thuận với căng thẳng về thể chất và tinh thần; nguy cơ tai nạn ở người lái xe cao gấp 3,16 lần, thường gặp nhất do ngủ gật (13%) và 31% là do mất tập trung (CI = 1.22 – 8.24).

Chính vì vậy việc đảm bảo tâm lý vững vàng, sẵn sàng thực hiện công việc, tập trung khi làm việc ở NLĐ sau kỳ nghỉ lễ, Tết là vô cùng quan trọng.

Bảo đảm công tác an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ TếtCông nhân lao động thành phố Hà Nội trở lại làm việc sau Tết. Ảnh: CĐ

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

ĐẢM BẢO CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG

TẠI NƠI SẢN XUẤT NGAY SAU KỲ NGHỈ TẾT

Đối với người quản lý

Để tạo một môi trường làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ và duy trì ổn định sản xuất, sau kỳ nghỉ Tết, đội ngũ làm công tác an toàn lao động của các cơ sở sản xuất cần triển khai nhiều hoạt động: kiểm tra tất cả các thiết bị, máy móc để đảm bảo máy hoạt động tốt trước khi đưa vào sản xuất; kiểm tra sự tuân thủ trong sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động đã được cấp phát theo từng vị trí công việc cụ thể của NLĐ; sự tuân thủ hướng dẫn vận hành, quy định vận hành các loại thiết bị, máy móc; kiểm tra các thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo luôn trong trạng thái hoạt động bình thường.

Tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và những NLĐ; đặt ra mục tiêu công việc ngay cho NLĐ trong những ngày đầu quay trở lại làm việc cũng là giải pháp giúp cho NLĐ sớm trở lại nhịp điệu làm việc với năng suất lao động cao nhất.

Đối với NLĐ

Đảm bảo thư giãn tinh thần trước khi quay trở lại công việc: sau kỳ nghỉ lễ dài 7 ngày, NLĐ nên hoàn thành công việc còn dang dở trong kỳ nghỉ một cách đơn giản nhất và càng sớm càng tốt. Hãy viết một bản ghi nhớ, ghi chú, liệt kê những việc chưa hoàn thành và những việc cần làm trong vài ngày đầu sau khi đi làm để có một cái nhìn bao quát nội dung công việc một cách rõ ràng hơn tạo cảm giác thấy có hướng đi rõ ràng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Công tác bảo đảm an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ TếtCông đoàn Đường sắt Việt Nam luôn quan tâm điều kiện làm việc của người lao động. Ảnh: CĐ

Hít thở sâu để đối phó với suy nghĩ "ngại đi làm": Chúng ta nên chấm dứt các loại hình giải trí càng sớm càng tốt, nắm bắt thời gian để tự điều chỉnh, ngủ và ăn điều độ từ cuộc sống sinh hoạt đến thời gian làm việc và nghỉ ngơi đều cần có sự điều chỉnh tương ứng. Việc bình tĩnh suy nghĩ về những việc nên làm sau khi đi làm, từ từ điều chỉnh tâm lý quay trở lại trạng thái làm việc là rất quan trọng.

Thư giãn, giảm căng thẳng, lo âu của cơ thể: một tách trà hoặc một ly cà phê để tỉnh táo hơn giúp chúng ta cảm thấy bớt căng thẳng, bớt lo lắng và có tâm lý tốt hơn. Việc tập hít thở chậm và sâu cứ sau một vài giờ để sự lo lắng biến mất khỏi cơ thể cũng là một cách thư giãn khá hữu hiệu. Ngoài ra, hãy chợp mắt vào buổi trưa và cố gắng đi ngủ sớm vào buổi tối cũng là một giải pháp giảm căng thẳng không tồi.

Giải quyết tình trạng rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi: vui chơi “tẹt ga” trong kỳ nghỉ lễ dài ngày, thậm chí uống rượu, bia, đánh bài thâu đêm, hát karaoke quá nhiều… sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học bình thường của cơ thể, gây rối loạn hệ thần kinh tự chủ và gây ra chứng rối loạn giấc ngủ. Hãy khắc phục tình trạng này bằng cách nghỉ ngơi; bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể; đi ngủ sớm dậy sớm, đảm bảo ngủ đủ giấc; sinh hoạt có trật tự điều độ trước khi kỳ nghỉ kết thúc.

Thường xuyên lao động trí óc trong thời gian dài sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, dẫn đến lượng máu và Oxy cung cấp cho não không đủ, làm suy yếu chức năng bình thường của tế bào não, biểu hiện như chóng mặt, mất ngủ, mơ màng… Cách giải tỏa là để não thư giãn và nghỉ ngơi, có thể xoa bóp đầu nhẹ, khi không thể tập trung thì có thể đi dạo hoặc làm việc vặt khác, nghe nhạc...

Nếu tinh thần cảm thấy mệt mỏi do áp lực của những ngày Tết, nên cố gắng giảm bớt áp lực tâm lý, lấy lại tinh thần. Khi cảm thấy việc cố gắng giảm bớt áp lực tâm lý đã nằm ngoài khả năng của mình, nên đến gặp bác sĩ tâm lý càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, trước khi đi làm, có thể đi tắm để cơ thể đào thải chất cặn bã từ quá trình trao đổi chất bề mặt cơ thể, làm giãn mao mạch, giảm sự mệt mỏi một cách hiệu quả.

Rèn luyện thể dục thể thao, vận động nhiều hơn để tránh “chán ăn”: ăn nhiều, hay ăn vặt là điều thường thấy trong dịp Tết. Tuy nhiên, ăn quá nhiều rất dễ gây đầy bụng, ì ạch, dẫn tới chứng biếng ăn tâm lý. Đối với những người mắc chứng biếng ăn tâm lý, có thể ăn những bữa ăn nhẹ hơn để hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi; sự giải thích, động viên của những người thân cũng mang lại sự cải thiện với những lợi ích nhất định. Cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề này là hãy tập một môn thể thao mà mình yêu thích như đi bộ nhanh, chạy bộ, khiêu vũ, kéo dãn… Tập một số bài tập khiến tim đập nhanh và đổ mồ hôi, để cơ thể và tinh thần "vận động" và thèm ăn, khẩu vị cũng sẽ được điều chỉnh về trạng thái bình thường.

Thư giãn tưởng tượng: đi đến một không gian yên tĩnh, nhắm mắt lại, tưởng tượng mình đang ngồi hoặc nằm ở một nơi đẹp đẽ, bắt đầu cảm thấy thư thái, toàn thân thả lỏng, hít thở sâu sẽ mạng đến cho ta cảm thấy năng lượng đã được truyền vào cơ thể mình sẽ khiến chúng ta cảm thấy sảng khoái; các triệu chứng uể oải, mệt mỏi sẽ dần biến mất.

Sau kỳ nghỉ lễ dài, đối mặt với công việc bận rộn, chắc chắn nhiều người sẽ khó thích nghi trong một thời gian. Trên thực tế, hội chứng sau kỳ nghỉ lễ là một trạng thái tâm lý bình thường mà hầu hết con người hiện đại đều sẽ mắc phải nhưng chỉ cần biết cách điều chỉnh và chăm sóc sức khỏe, chúng ta sẽ có thể trở lại trạng thái như trước kỳ nghỉ lễ trong vòng khoảng một tuần. Hãy đảm bảo rằng khi chúng ta quay trở lại ccộng việc với một tâm lý sẵn sàng, tập trung trong công việc để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong lao động.

Bảo đảm công tác an toàn lao động tại nơi sản xuất ngay sau kì nghỉ TếtPV GAS huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người làm công tác quản lý. Ảnh: PV GAS

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.

Cải thiện tình trạng không muốn đi làm sau nghỉ Tết. https://tuoitrethudo.com.vn

2.

https://laodong.vn/cong-doan/hon-92-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-da-quay-lai-san-xuat-kinh-doanh-1305024.ldo

3.

Những nguyên nhân gây mất an toàn lao động mà chúng ta nên biết. https://viendaotao.vn

4.

Jessica de Bloom et al (2011). How does a vacation from work affect employee health and well-being?. Psychol Health. 2011 Dec;26(12):1606-22

5

Tomei G. et al (2015). Stress and work-related injurié. Clin Ter. 2015;166(1):e7-e22.doi: 10.7417/CT.2015.1804.

Bài: TS.BS. Nguyễn Thu Hà, TS. Đào Phú Cường -

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế

TS.BS. Nguyễn Thu Hà, TS. Đào Phú Cường Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế