e magazine
09:23 | Chủ nhật, 02/07/2023
Công tác huấn luyện ATVSLĐ phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mới

09:23 | Chủ nhật, 02/07/2023

Do đặc thù trong hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh, ngành Dầu khí có đặc thù yêu cầu rất cao về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Do vậy, công tác huấn luyện ATVSLĐ cần tiệm cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác huấn luyện phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mới

Công tác huấn luyện ATVSLĐ trong ngành Dầu khí cần tiệm cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế do đặc thù trong hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh có đặc thù yêu cầu rất cao về đảm bảo an toàn. Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Kha - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam về vai trò của Công đoàn tham gia huấn luyện ATVSLĐ nhằm đảm bảo an toàn cho con người và nhà máy, công trình, giàn khoan.

Công tác huấn luyện phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mớiNgười lao động của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) kiểm tra công tác đưa dòng khí đầu tiên vào chuỗi dự án LNG Thị Vải phải được huấn luyện ATVSLĐ. Ảnh: PV GAS

CÔNG TÁC ATVSLĐ tiệm cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế

PV: Thưa ông, tính đặc thù về công tác ATVSLĐ của ngành Dầu khí thể hiện trên những khía cạnh nào?

Ông Nguyễn Mạnh Kha: Ngành Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có vai trò rất quan trọng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Xét về lĩnh vực kinh tế, Dầu khí là ngành kinh tế chủ lực của đất nước, giữ vai trò quan trọng điều tiết kinh tế vĩ mô của đất nước. Xét về mặt chính trị là ngành có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an toàn lương thực. Xét về mặt an ninh - quốc phòng, Dầu khí đồng hành cùng với các lực lượng tạo thành thế trận vững chắc bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển. Về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, Dầu khí có trình độ kỹ thuật công nghệ rất hiện đại, được đầu tư rất lớn và có tính hội nhập quốc tế rất cao. Chính vì vậy, yếu tố an toàn lao động luôn được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu của hoạt động khai thác, chế biến dầu khí. Đây cũng chính là một trong những giá trị và nét đặc trưng của văn hoá dầu khí nói chung và văn hoá an toàn của người lao động (NLĐ) ngành Dầu khí nói riêng.

Công tác huấn luyện phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mớiNLĐ của Nhà máy Đạm Phú Mỹ tham gia bảo dưỡng tổng thể Nhà máy. Ảnh: PV FCCo

Những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư bài bản, dành nguồn lực rất lớn cho công tác an toàn - sức khoẻ - môi trường. Đồng thời áp dụng các công nghệ quản lý, quản trị hiện đại mang tầm quốc tế có thể nói là bậc nhất nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ yêu cầu về an toàn dầu khí, trong đó có an toàn lao động. Yêu cầu đó đòi hỏi từ khâu quản lý, đầu tư đến nhân sự làm công tác an toàn phải có năng lực trình độ cao, được đào tạo, huấn luyện rất bài bản. Mỗi công trình, dự án, nhà máy, đơn vị đều xây dựng một hệ thống quản lý về an toàn - sức khoẻ - môi trường tiên tiến. Yêu cầu khách quan từ tính chất đặc thù của ngành đòi hỏi đội ngũ NLĐ ở mỗi vị trí công việc phải thường xuyên được trang bị kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Công tác huấn luyện phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mới
Đồng chí Nguyễn Mạnh Kha - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (ngoài cùng, bên trái) cùng các đại biểu tham quan sản phẩm đoạt giải tại Hội thi tay nghề Dầu khí Lần VII (năm 2022). Ảnh: PetroTimes

Công tác huấn luyện ATVSLĐ ở một số vị trí thậm chí đòi hỏi rất khắt khe. NLĐ phải có chứng chỉ, có đầy đủ các kỹ năng, tuân thủ quy trình, nội quy rất nghiêm ngặt và tham gia chương trình tập huấn ngắn hạn hay khoá đào tạo dài hạn với nội dung rất chi tiết, cụ thể.

PV: Thực tiễn công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ trong các nhà máy, công trình của ngành Dầu khí ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Kha: Không chỉ tập huấn cho NLĐ khi mới vào làm việc, các đơn vị còn chú trọng huấn luyện cho NLĐ trong quá trình vận hành các nhà máy hiện đại như nhà máy điện đạm, công trình giàn khoan (như Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ…). Để vận hành tốt, NLĐ bắt buộc phải được đào tạo về quy trình sử dụng hệ thống một cách bài bản, đảm bảo an toàn.

Công tác huấn luyện không chỉ trang bị cho NLĐ kỹ năng xử lý sự cố. Trong các chương trình đào tạo, vận hành tổng thể nhà máy, công trình luôn lồng ghép nội dung về ATVSLĐ. Các khoá học ngắn hạn thường được tổ chức để bổ sung kiến thức, giúp cho nhân sự mới nhanh chóng thích nghi, tiếp cận với quá trình thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất. Bên cạnh đó còn có các khoá huấn luyện trực tiếp, nhắc lại quy trình, yếu tố tác động đến quy trình vận hành sản xuất giúp NLĐ tuân thủ yêu cầu trong quy trình sản xuất chuyên môn. Tại các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên có chương trình huấn luyện định kỳ về ATVSLĐ gắn với công tác quản lý chất lượng của doanh nghiệp, theo các tiêu chí rất bài bản. Hằng năm, các đơn vị, doanh nghiệp đểu tổ chức hội nghị, toạ đàm, hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, Công đoàn, Ban chuyên môn về công tác an toàn – sức khoẻ - môi trường và đại diện các đơn vị trực thuộc, NLĐ. Qua đó nắm bắt tình hình thực tế, đánh giá, thảo luận, đề ra các giải pháp, các cuộc kiểm tra nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại trong công tác an toàn – sức khoẻ - môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp, chúng tôi xác định rằng NLĐ cần phải nâng cao ý thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ để tham gia xây dựng, phát huy hiệu quả của mình công tác này.

Công tác huấn luyện phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mớiLãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao Bằng khen cho các đội đoạt giải cao trong Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí năm 2023. Ảnh: PetroTimes

CÔNG ĐOÀN TÍCH CỰC THAM GIA HUẤN LUYỆN ATVSLĐ

PV: Các cấp Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm gì để tham gia hiệu quả vào công tác huấn luyện ATVSLĐ trong ngành, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Kha: Xuất phát từ yêu cầu có tính thường xuyên đó, Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều biện pháp, hình thức nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn cho NLĐ. Qua đó, NLĐ nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, phòng ngừa các sự cố cháy nổ, môi trường, góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài biện pháp huấn luyện định kỳ cho NLĐ, các cấp Công đoàn Dầu khí Việt Nam còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các kênh truyền thông như wesite, mạng xã hội facebook, zalo… Các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức tuyên truyền trên hệ thống bảng tin nội bộ tại các doanh nghiệp, biển báo.

Định kỳ hai năm một lần, Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi. Hội thi không chỉ dừng lại ở tính chất của một sân chơi mà đây chính là cuộc tập huấn, đào tạo, đưa ra bộ đề cương để NLĐ tìm hiểu biện pháp, kỹ năng an toàn lao động, chính sách về bảo hộ lao động. Qua đó giúp NLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc hơn, áp dụng vào thực tiễn công việc tại đơn vị, doanh nghiệp. Không chỉ ở cấp Tập đoàn, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rất coi trọng việc tổ chức hội thi này. Công đoàn còn phối hợp với Tập đoàn tổ chức các hội thao phòng, chống cháy nổ rất sôi nổi, phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của các đơn vị, giúp người lao động trau dồi kỹ năng về công tác an toàn.

Qua những sân chơi “huấn luyện” như vậy, trong tư duy, suy nghĩ của mỗi NLĐ đều ý thức rõ hơn vai trò, ý nghĩa của công tác ATVSLĐ mà Công đoàn và chuyên môn trang bị. Ngoài ra, họ còn chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức kỹ năng về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi lẽ, trong các đơn vị của ngành Dầu khí, yếu tố an toàn là một trong những tiêu chuẩn đánh giá công việc, vị trí của NLĐ.

Công tác huấn luyện phải thích ứng với công nghệ mới, điều kiện lao động mới

Các đội thi thực hành phòng cháy, chữa cháy trong khuôn khổ Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi. Ảnh: PetroTimes

Mỗi đơn vị trực thuộc Tập đoàn đều xây dựng và triển khai các chương trình STOP, 5S để động viên NLĐ đóng góp ý kiến về công tác an toàn, đồng thời nhắc nhở cán bộ công nhân viên sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, nội quy, quy trình làm việc an toàn tại nơi làm việc.

Hằng năm, Công đoàn tổ chức các cuộc tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt làm công tác an toàn ở các đơn vị. Chủ đề, nội dung tập huấn được thay đổi theo từng năm. Thông qua đội ngũ cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên, chương trình huấn luyện an toàn được phổ biến sâu rộng đến đội ngũ NLĐ ở các đơn vị. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các lớp học, hội thảo, hội thi, hội thao về an toàn.

Thời gian tới, dự báo công tác ATVSLĐ trong ngành Dầu khí sẽ có sự thay đổi rất lớn do quá trình đổi mới công nghệ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ cập nhật và đưa vào chương trình hành động các công nghệ quản lý an toàn mới, triển khai đến các đơn vị. Công tác ATVSLĐ không dừng lại ở một quy trình cũ mà hằng năm luôn được cập nhật, thay đổi theo công nghệ sản xuất của nhà máy. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc tới hoạt động của các nhà máy, công trình, ngay cả lĩnh vực ATVSLĐ cũng sẽ ảnh hưởng. NLĐ phải hiểu để thực thi các quy định nhằm đảm bảo an toàn trong điều kiện mới. Đặc biệt, ngành Dầu khí sẽ có rất nhiều sự đổi mới, nhất là trong bối cảnh quá trình chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ. Nhiều nội dung mới, chức danh công việc mới sẽ hình thành.

Do vậy, Công đoàn có vai trò quan trọng trong việc tập huấn, tuyên truyền đến mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cán bộ công đoàn về quy định mới, công nghệ mới. Từ đó tuyên truyền sâu rộng để NLĐ tiếp cận, tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

PV: HÀ VY

HÀ VY