e magazine
06:28 | Thứ tư, 06/03/2024
Đào tạo hiệu quả vì sự an toàn và sức khỏe của công nhân lao động

06:28 | Thứ tư, 06/03/2024

Trong môi trường lao động ngày nay, việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho công nhân là ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, việc tổ chức khóa huấn luyện cho người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).
Đào tạo hiệu quả cho sự an toàn và sức khỏe của công nhân lao động
TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ phát biểu khai mạc khóa huấn luyện. Ảnh: GH.

Đào tạo hiệu quả vì sự an toàn và sức khỏe của công nhân lao động

Trong môi trường lao động ngày nay, việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho công nhân là ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, việc tổ chức khóa huấn luyện cho người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá bền vững: Vai trò của công tác ATVSLĐ

Sau đại dịch Covid-19, bên cạnh các yếu tố vốn có trong môi trường lao động đã phát sinh trầm trọng hơn vấn đề tâm sinh lý lao động, căng thẳng tại nơi làm việc. Theo nghiên cứu của chuyên gia y tế, có khoảng 15% dân số Việt Nam rơi vào trạng thái rối loạn, lo âu; 1% người dân mắc bệnh liên quan đến tâm thần ở các thể khác nhau. Hằng năm, có khoảng 40.000 người tự tử do gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần.

Trước thực tế đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, yêu cầu các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, có giải pháp nhằm: Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ và người sử dụng lao động; tạo động lực, truyền cảm hứng và cho lan tỏa cho công nhân lao động để họ ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa TNLĐ và BNN, nhất là đối với lao động nữ.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của một quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)… và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, nước ta đang là điểm đến của các nhà đầu tư, nhà sản xuất các mặt hàng trong nhiều chuỗi cung ứng.

Việt Nam đang đươc chọn là “cứ điểm sản xuất của các chuỗi cung ứng hàng hoá” cũng như là điểm đầu và điểm quan trọng của chuỗi cung ứng một số mặt hàng nông sản chủ lực như lương thực, thuỷ sản, rau củ quả, các mặt hàng nông sản khác và một số mặt hàng công nghệ, hàng tiêu dùng.

Do đó, các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, chủ sử dụng lao động, bản thân NLĐ phải nhận thức được vai trò của công tác ATVSLĐ đối với việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá một cách bền vững và phục vụ cho tăng trưởng cũng như phát triển đất nước một cách ổn định và an toàn.

Đào tạo hiệu quả cho sự an toàn và sức khỏe của công nhân lao động

Ảnh minh họa. KT

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ, ngay trong các chuỗi cung ứng đang giữ vai trò là nơi lắp ráp, hoàn thiện với rất đông lao động như dệt may, da giày, điện tử thì trong thời gian qua, sau 20 năm phát triển các khu công nghiệp, môi trường lao động được cải thiện rất nhiều do các nhãn hàng đưa ra các yêu cầu cùng với pháp luật ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, ý thức và nhận thức của doanh nghiệp, người dân được nâng lên.

“Tuy nhiên ở đâu đó, ngay cả chuỗi cung ứng hàng công nghệ cao, mặt hàng mới phải dùng công nghệ mới, nguyên liệu mới... chúng ta chưa có được nghiên cứu, đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến NLĐ nên quyền lợi của họ chưa đảm bảo. Rất nhiều BNN mới phát sinh liên quan đến vật liệu mới, công nghệ mới nhưng chưa được nghiên cứu để kịp thời bổ sung là một ví dụ.

Hay những yếu tố nguy hiểm, có hại, chúng ta chưa đủ năng lực để phát hiện, đánh giá mức độ gây ra những tác động đến sức khoẻ. Trong nhiều lĩnh vực sản xuất điện tử phần mềm, gia công điện tử, gia công các sản phẩm dệt may, da giày, điều kiện làm việc, sự tập trung lao động đang gây ra căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, quan hệ xã hội của NLĐ nhưng chưa có giải pháp để chăm sóc, bảo vệ NLĐ đầy đủ, toàn diện và hiệu quả”, TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết.

Đào tạo hiệu quả cho sự an toàn và sức khỏe của công nhân lao động
Bà Kiều Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ quản lý môi trường y tế chia sẻ về mong muốn khi tham gia khóa huấn luyện. Ảnh: GH.

TS. Nguyễn Anh Thơ khẳng định, với những vấn đề về ATVSLĐ, sức khoẻ NLĐ cũng như vai trò của NLĐ trong các chuỗi cung ứng hàng hoá mà chúng ta đã, đang và sẽ tham gia trong thời gian tới thì tổ chức Công đoàn ở các cấp cần phải xác định được những nội dung cụ thể về công tác ATVSLĐ, vấn đề sức khoẻ, an toàn của NLĐ tương ứng với từng chuỗi cung ứng mà NLĐ đang chịu gánh chịu, cũng như tác động của yếu tố điều kiện làm việc đến sức khỏe NLĐ.

Từ đó, ngay từ cấp cơ sở, công đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua thương lượng tập thể, đối thoại để yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đưa ra các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, hướng tới chăm sóc sức khoẻ toàn diện.

Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ, BNN

Công tác chăm lo, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho NLĐ là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được thông qua với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”.

Trong các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ, công tác huấn luyện ATVSLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN. Ngay từ năm 2017, khi bắt đầu thực hiện Luật ATVSLĐ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016), hằng năm, thay vì tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ vào tháng 3, Chính phủ đã chọn tháng 5 là Tháng hành động về ATVSLĐ, gắn với Tháng Công nhân.

"Phải bảo đảm ATLĐ, vì NLĐ là vốn quý nhất”, Hồ Chủ tịch đã nói khi đi thăm nhà máy Cơ khí Hà Nội ngày 25/12/1958.

Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ Nhất (năm 2017) cũng nói về công tác huấn luyện ATVSLĐ và nâng cao nhận thức cho NLĐ cũng như nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về công tác ATVSLĐ: “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và BNN”.

Qua đây, có thể khẳng định trong công tác ATVSLĐ, việc nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng, thái độ trong công việc là hết sức quan trọng. Công tác huấn luyện ATVSLĐ không chỉ cung cấp các lý thuyết về ATVSLĐ mà cần chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ. Đó chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế các TNLĐ, BNN xảy ra.

Kể từ năm 2018, các chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ đều xoay quanh vấn đề nhận diện, đánh giá, kiểm soát, loại trừ, giảm thiểu rủi ro gây TNLĐ, BNN cũng như sự cố.

Đào tạo hiệu quả cho sự an toàn và sức khỏe của công nhân lao động

Giảng viên, TS. Nguyễn Thanh Hương chia sẻ nội dung bài giảng tại khóa huấn luyện. Ảnh: GH.

Giảng viên là cái “nhân” trong các nhân tố trọng yếu nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ

Tại Lễ khai giảng khóa huấn luyện cho người huấn luyện ATVSLĐ (do Viện Khoa học ATVSLĐ tổ chức từ ngày 5 đến ngày 9/3 tại Hà Nội), Viện trưởng Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh: “Giảng viên ATVSLĐ là cái “Nhân” trong các nhân tố trọng yếu nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cộng đồng”.

Điều này được bà Kiều Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ quản lý môi trường y tế rất đồng tình. Bà Kiều Thị Thanh Nga cho rằng, công tác huấn luyện có vai trò rất quan trọng vì liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của NLĐ. Ngoài ra, khi NLĐ bị TNLĐ, BNN sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội và gia đình họ.

“Nếu chủ doanh nghiệp nào cũng đề cao công tác đảm bảo an toàn cho NLĐ sẽ giúp họ tránh được rủi ro và đảm bảo sức khỏe”, bà Nga nói.

Khoản 2, Điều 35 Hiến pháp năm 2013 của Nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.”

Hơn 10 năm làm công tác huấn luyện ATVSLĐ cho khoảng 20.000 nhân viên y tế, bà Nga nhận định, môi trường y tế lây nhiễm cao, cần đảm bảo cho NLĐ biết để tránh rủi ro về lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Theo bà Nga, các nội dung huấn luyện là nhận biết yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc; văn hóa an toàn; chấp hành nội quy, quy định và vị trí họ làm thường gặp rủi ro gì. Qua việc tham gia khóa tập huấn, bà Nga mong muốn tiếp thu nhiều kiến thức chuyên sâu và thực tế để khi huấn luyện, NLĐ hiểu cách thực tế nhất, có thể ứng dụng vào công việc và tránh tai nạn rủi ro.

Ông Lê Văn Tuyên, Trưởng khoa Điện, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, chuẩn bị mở mã ngành mới liên quan tới công tác huấn luyện ATVSLĐ, Nhà trường đã cử 5 đại diện tham dự khóa huấn luyện. Giảng viên sau khi được đào tạo huấn luyện được Viện Khoa học ATVSLĐ cấp Chứng chỉ huấn luyện ATVSLĐ, vừa có thể huấn luyện ATVSLĐ cho đơn vị mình và có thể đi đào tạo cho các đơn vị khác trên địa bàn.

Do đó, anh Tuyên mong muốn đem kiến thức học được để trang bị cho bản thân và huấn luyện cho NLĐ ở các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp họ vệ sinh ngăn nắp hơn, vận hành thiết bị mới phù hợp với quy định của công ty.

Tiêu chuẩn đối với người huấn luyện ATVSLĐ được quy định tại Điều 22 Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 như sau:

1. Huấn luyện hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ:

a) Người có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm công việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra, quản lý về ATVSLĐ;

b) Người có trình độ cao đẳng và có ít nhất 04 năm làm công việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra, quản lý về ATVSLĐ.

2. Huấn luyện nội dung nghiệp vụ công tác ATVSLĐ và nội dung kiến thức cơ bản về ATVSLĐ:

a) Người có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm công việc xây dựng hoặc tổ chức triển khai về công tác ATVSLĐ;

b) Người có trình độ cao đẳng và có ít nhất 04 năm làm công việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ;

c) Người làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp không thuộc điểm a, điểm b Khoản này và có ít nhất 05 năm làm công việc ATVSLĐ.

3. Huấn luyện nội dung lý thuyết chuyên ngành:

a) Người có trình độ từ đại học trở lên có chuyên môn phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 03 năm làm công việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ.

b) Người có trình độ cao đẳng có chuyên môn phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 04 năm làm công việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ.

4. Huấn luyện thực hành:

a) Huấn luyện thực hành nhóm 2: Người có trình độ từ cao đẳng trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, thông thạo công việc thực hành đối với máy, thiết bị, hóa chất, công việc được áp dụng thực hành theo chương trình khung huấn luyện;

b) Huấn luyện thực hành nhóm 3: Người có trình độ từ trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện; có ít nhất 03 năm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, hoặc làm công việc có liên quan đến công tác ATVSLĐ ở cơ sở phù hợp với công việc huấn luyện;

c) Huấn luyện thực hành nhóm 4: Người có trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện hoặc người có thời gian làm việc thực tế ít nhất 03 năm trong chuyên ngành huấn luyện;

d) Huấn luyện thực hành sơ cứu, cấp cứu TNLĐ: Người có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành y trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc có trình độ bác sĩ;

đ) Người làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp không thuộc điểm a, b, c Khoản này nhưng có ít nhất 04 năm làm công việc ATVSLĐ thì được huấn luyện thực hành theo quy định tại các điểm a, b, c Khoản này phù hợp với kinh nghiệm.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết chương trình khung huấn luyện cho người huấn luyện ATVSLĐ, việc miễn giảm các nội dung huấn luyện đã học, việc tổ chức sát hạch và cấp giấy chứng nhận.

6. Định kỳ 5 năm, người huấn luyện phải tham dự khóa tập huấn cập nhật kiến thức, thông tin, chính sách, pháp luật, khoa học, công nghệ về ATVSLĐ, trừ người huấn luyện thuộc điểm a Khoản 1 Điều này, người huấn luyện sơ cấp cứu.

7. Tổ chức thực hiện khóa huấn luyện người huấn luyện ATVSLĐ ghi sổ theo dõi và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả khóa huấn luyện người huấn luyện ATVSLĐ.”

Gia Hưng

Đồ họa: Hưng Thịnh

Gia Hưng