e magazine
18:39 | Thứ ba, 01/08/2023
Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

18:39 | Thứ ba, 01/08/2023

Góp ý kiến đến Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”, đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng trên để đảm bảo quyền lợi người lao động (NLĐ).

Cán bộ công đoàn đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng NỢ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Góp ý kiến tham luận đến Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” do lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đồng chủ trì ngày 21/7, đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng trên để đảm bảo quyền lợi người lao động (NLĐ).

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hộiAnh Nguyễn Nho Việt (57 tuổi), từng là tài xế xe buýt của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 bị Công ty nợ BHXH. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Những nguyên nhân chủ yếu

Theo đồng chí Lê Đình Quảng, việc NSDLĐ phải đóng BHXH cho NLĐ là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều NSDLĐ đã có hành vi vi phạm pháp luật khi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Khi NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đó là: NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng đều bằng "0".

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hộiTrụ sở của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (doanh nghiệp nợ BHXH của NLĐ) tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Ý Yên

Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH:

Trước hết, cơ quan BHXH chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội giao

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH năm 2014, Quốc hội đã giao cơ quan BHXH có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; hàng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng NLĐ. Theo đó, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Ngoài ra, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 (sau đây viết tắt là Điều 216) đã quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ của Bộ luật Hình sự đã quy định chi tiết về một số thuật ngữ như trốn đóng BHXH; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH; không đóng tiền BHXH; không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216; 6 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216.

Theo đó, một số hành vi chậm đóng BHXH theo thống kê của cơ quan BHXH như trên thuộc vào hành vi trốn đóng BHXH quy định tại Điều 216.

Đồng thời, khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP cũng quy định “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Mặc dù, thời gian qua BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đã chuyển hồ sơ các đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được đơn vị nào.

Hai là, một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước BHXH

Theo quy định tại khoản 5, Điều 8 Luật BHXH năm 2014, Quốc hội giao UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về BHXH trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ. Theo đó, trên cơ sở báo cáo của cơ quan BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, UBND các cấp cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để tình trạng tiền trốn đóng, chậm đóng BHXH ở địa phương lên đến hàng chục năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều NLĐ.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hộiNLĐ Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội liên tục phải đi đòi quyền lợi vì bị nợ BHXH. Ảnh: Minh Anh

Tính tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH của một bộ phận NSDLĐ chưa cao

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH là ở tính tuân thủ pháp luật của một bộ phận NSDLĐ chưa tốt, nhất là ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp quá thiên về lợi nhuận, cố tình không đóng, chây ỳ nộp tiền BHXH làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Thậm chí, việc nợ đọng BHXH còn diễn ra ngay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp có thụ hưởng ngân sách Nhà nước, khiến thực trạng nợ, chậm đóng BHXH trở nên phức tạp hơn.

Ba là, vẫn thiếu cơ chế để NLĐ theo dõi, giám sát việc NSDLĐ tham gia BHXH cho mình

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, hằng tháng NSDLĐ trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định của pháp luật để đóng cùng lúc vào quỹ BHXH, nhưng lại không quy định trách nhiệm để NLĐ theo dõi, giám sát việc NSDLĐ tham gia BHXH cho mình. Do đó, trong thời gian vừa qua xảy ra một số trường hợp NSDLĐ không trích tiền lương của NLĐ để đóng BHXH hoặc đã trích tiền lương nhưng không đóng BHXH cho NLĐ, dẫn đến quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hộiNLĐ của Nhà máy Dệt Hà Nam gặp nhiều khó khăn khi Công ty nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: H.A

Bốn là quy định của Luật BHXH về Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ chưa thực sự đi vào cuộc sống

Điểm d khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện còn vướng mắc do các quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện trong các Luật liên quan còn chưa thống nhất. Để khởi kiện một vụ án vi phạm pháp luật về BHXH ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, tổ chức Công đoàn phải có giấy ủy quyền của từng NLĐ; phải qua thủ tục hòa giải của Chủ tịch UBND cấp huyện. Nhưng trên thực tế, việc tổ chức Công đoàn đi lấy hết ý kiến ủy quyền của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn NLĐ là khó khả thi, và cũng ít có công đoàn cơ sở nào đứng ra khởi kiện NSDLĐ của chính họ. Về phía NLĐ, một bộ phận NLĐ cũng không dám ủy quyền để kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần việc làm. Còn đối với NSDLĐ luôn trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.

Do đó, để quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ thực sự đi vào thực tế, đòi hỏi các cơ chức năng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung này và kiến nghị Quốc hội sửa đổi cho phù hợp.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Công nhân Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 viết đơn gửi cơ quan chức năng về tình hình nợ BHXH. Ảnh: Xuân Hậu

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ BHXH

Từ thực tế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH thời quan qua, đồng chí Lê Đình Quảng cho rằng, để hạn chế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, cần phải thay đổi nhận thức của NLĐ và NSDLĐ tuân thủ quy định pháp luật về BHXH: Bản thân NLĐ phải đồng hành cùng NSDLĐ trong thực hiện trách nhiệm đóng BHXH. Muốn vậy, cần đẩy mạnh truyền thông về BHXH bằng nhiều hình thức như tăng cường nhiều kênh giải đáp, xử lý thông tin trực tuyến, ngoài trang web, cần chú ý đến các trang mạng xã hội có ảnh hưởng lớn như Facebook, Zalo, Tiktok…, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào BHXH. Tăng cường trách nhiệm giám sát, trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, hội viên, đoàn viên của các tổ chức có liên quan như Công đoàn, các hiệp hội nghề nghiệp… để tạo sức ép tuân thủ pháp luật BHXH đối với NSDLĐ.

Cơ quan BHXH là đơn vị theo dõi và nắm thông tin rõ nhất về việc đăng ký tham gia, đóng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động. Do vậy, để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật và sự tuân thủ pháp luật của NSDLĐ, có thể cân nhắc bổ sung quy định của pháp luật về việc cơ quan BHXH có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật của NSDLĐ như Luật BHXH năm 2006.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hộiCác cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc với Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 về BHXH. Ảnh: Xuân Hậu

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thu hồi sau thanh tra, kiểm tra: Thời gian vừa qua, tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH được các cơ quan chức năng tổ chức khá nhiều. Tuy nhiên, việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra, đặc biệt kết quả thu hồi sau thanh tra còn hạn chế làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra trên diện rộng, việc thanh tra cần tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, làm vụ nào dứt điểm vụ đó để đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Muốn tăng cường sự tuân thủ pháp luật BHXH của người tham gia, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, tăng cường công tác thanh tra đột xuất; xây dựng kênh tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ NLĐ và người dân về trốn đóng BHXH; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là cơ quan Công an trong công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng BHXH, bắt đầu từ việc khai báo sử dụng lao động tại các đơn vị sử dụng lao động. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt lập lại kỷ cương trong việc tuân thủ pháp luật BHXH.

Bổ sung quy định của pháp luật đối với cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH: Để quản lý được đối tượng tham gia BHXH, trước hết phải nhận diện đầy đủ được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thông qua việc cơ quan BHXH tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương để điều tra, khảo sát xác định và nắm bắt được đầy đủ các đơn vị sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn. Trên cơ sở đó khai thác, đăng ký và quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hộiNLĐ của Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 đến Công ty đòi nợ BHXH. Ảnh: Xuân Hậu

Khi đã nhận diện, quản lý được đầy đủ NSDLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thông qua đội ngũ cán bộ chuyên quản thu, cơ quan BHXH kịp thời thông báo đến NSDLĐ tình hình đóng BHXH hằng tháng. Có văn bản nhắc đóng BHXH, sau đó nếu NSDLĐ không tuân thủ thì thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục vi phạm thì tổ chức thanh tra, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm thì khởi kiện và phối hợp với các cơ quan tiến hành xử lý hình sự một số vụ trọng điểm để răn đe NSDLĐ khác.

Bổ sung quy định của Luật BHXH để làm rõ các hành vi trốn đóng BHXH, như: NSDLĐ không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định hoặc đăng ký không đủ số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. NSDLĐ đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc theo quy định. NSDLĐ đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Bổ sung các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, như: Phải đóng đủ số tiền trốn đóng, bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và tiền phạt trốn đóng tính trên số tiền trốn đóng BHXH. Ngừng sử dụng hóa đơn đối với NSDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người đại diện hợp pháp theo pháp luật của NSDLĐ. Khởi kiện ra Tòa án đối với các chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ. Khởi tố theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH.

Nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Bài: ThS. Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam)

HÀ VY