e magazine
17:47 | Thứ hai, 03/07/2023
Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý thông qua

17:47 | Thứ hai, 03/07/2023

Chính phủ vừa thống nhất với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý thông qua

Chính phủ vừa thống nhất với Tờ trình của Bộ (GD&ĐT) về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý thông qua

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình của Bộ GD&ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Ảnh: VGP

tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo

Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.402.469 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, đại học là 1.318.510 người.

Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 1.190.443 nhà giáo (công lập 1.108.391 người, ngoài công lập 82.052 người; biên chế 1.059.729 người, hợp đồng trong các trường công lập 48.662 người).

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 83.959 nhà giáo. Trong đó, 37.235 nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo giảng dạy trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý thông qua
Cô giáo Trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) đang dạy học sinh tập viết. Ảnh: Viết Đào

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước (biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước). Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, 6 vấn đề hạn chế, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay là:

Thứ nhất, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập. Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc bộ một số hạn chế: Tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác.

Thứ ba, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành Giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành Giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới. Riêng năm 2022 đã có 16.000 giáo viên nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

Thứ tư, các chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là "nhân lực của nhân lực" thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo.

Thứ năm, thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành Sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo nên một số môn học, cấp học còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn để tuyển dụng.

Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý thông quaThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm điều kiện làm việc, học tập của đội ngũ thầy giáo, học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hoá (Thái Nguyên). Ảnh: Hùng Quân

Thứ sáu, chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức. Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

Do vậy, Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành sẽ điều chỉnh và giúp giải quyết căn cơ vấn đề này. Việc xây dựng Luật là cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.

Chính phủ sẽ thông qua dự thảo luật nhà giáo vào tháng 3/2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8

Sáng ngày 29/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, trong đó xem xét Tờ trình của Bộ GD&ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo tiếp tục luật hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý: Đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.

Bộ GD&ĐT hoàn thiện để Chính phủ thông qua vào tháng 3/2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Video: Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam

Bài: HÀ VY

HÀ VY