e magazine
11:46 | Thứ sáu, 23/02/2024
Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý

11:46 | Thứ sáu, 23/02/2024

Du xuân là dịp để công nhân được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả và tái tạo năng lượng, sẵn sàng cho một năm làm việc mới. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý

Du xuân đầu năm và những bí quyết

an toàn công nhân cần lưu ý

Du xuân là dịp để công nhân được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả và tái tạo năng lượng, sẵn sàng cho một năm làm việc mới. Tuy nhiên, hoạt động này cũng có một số khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Du xuân theo điều kiện và nhu cầu cá nhân

Ngay từ mùng 6 Tết, Lê Xuân Trường - công nhân KCN Sài Đồng (Hà Nội) đã trở lại nhà máy làm việc với tinh thần phấn khởi. Khi hỏi về dự định du xuân sau Tết, Trường chia sẻ chưa có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, như những năm trước, Trường và các đồng nghiệp sẽ chỉ tổ chức gặp mặt đầu năm, chủ yếu ăn uống, nhậu.

“Nếu đi cùng bạn gái, người yêu, chúng em cũng chỉ đến các trung tâm thương mại hoặc đi picnic cắm trại ở những địa điểm gần chỗ trọ như chân cầu Vĩnh Tuy, công viên Yên Sở… Với thu nhập 6-7 triệu/tháng, chúng em không có nhiều lựa chọn”, Trường chia sẻ.

Với chị Dương Bích Hồng – công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), Tết là dịp để chị cho gia đình, con cái đi thăm và chúc tết gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Chị cũng cho các con tham gia những lễ hội tại địa phương.

Ngoài ra, công ty chị cũng tổ chức các chương trình văn nghệ, giao lưu, văn hóa để tạo điều kiện cho công nhân có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và giải trí cùng nhau. Xinh đẹp, có khả năng ăn nói nên chị Hồng thường được chọn làm MC của các sự kiện trong công ty.

Theo chị Hồng, năm nay các công nhân nam trong công ty và gần nhà chị cũng đã ý thức hơn về việc sử dụng rượu bia và tính an toàn. Hầu hết mọi người ăn uống tại nhà (nếu là nhóm nhỏ), đông hơn thì ra quán nhưng cũng chọn những quán quen, có chỗ gửi xe qua đêm để lỡ có say hoặc uống nhiều thì đi tắc – xi về.

Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý

Ảnh minh họa. KT

Điều này cũng được Lê Xuân Trường xác nhận. Trường kể rằng, cách đây vài năm, tại công ty em cũng có trường hợp nhậu say, đi đường gặp tai nạn, thậm chí có người tử vong. Do đó, các anh em công nhân hiện nay hầu hết đã nhận thức được tác hại mà rượu bia mang lại.

“Chúng em thường nhắc nhau không sử dụng rượu bia trong các bữa ăn liên hoan, gặp gỡ đầu xuân, hoặc nếu đã uống thì không ra đường, không lái xe. Đầu năm nay, các công ty hầu hết đều có đơn hàng ổn định, ai cũng lo giữ sức khỏe để còn đi làm”, Trường cho biết.

Phòng ngừa nguy cơ mất an toàn khi du xuân

Theo chuyên gia Trương Phan Hồng Hà (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), sau Tết, người lao động, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp dần trở lại với công việc thường ngày. Đặc biệt khi du xuân đầu năm, vấn đề mất an toàn vệ sinh và ngộ độc thực phẩm sau Tết là một trong những điều cần lưu ý. Không những thế, do phần lớn công nhân di chuyển bằng xe máy nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ liên quan đến các vấn đề như tai nạn giao thông, cháy nổ.

Dịp du xuân lễ hội ngày Tết, nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý

Chuyên gia Trương Phan Hồng Hà cho rằng, trong những ngày đi chơi xuân, du khách thường ăn uống ở hàng quán ven đường, các điểm vui chơi. Nếu thực phẩm để lâu hay quy trình chế biến không đảm bảo thì có thể có nhiều nguy cơ tiềm ẩn sau:

Những thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến đều có “hạn sử dụng” nhất định, ví dụ các loại thịt cá, hải sản có thể bảo quản trong tủ lạnh 5 ngày còn các loại rau xanh và hoa quả có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 3-4 ngày. Việc để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn. Việc tích trữ đồ ăn chật cứng trong tủ lạnh khiến khí lạnh không thể lưu thông, tủ lạnh sẽ bị nóng lên và các vi khuẩn sẽ sinh sôi nhiều hơn. Sau đó, các vi sinh vật sẽ sản sinh ra những chất độc như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng. Trong dịp sau tết, nhiều hàng quán sử dụng những thực phẩm lưu trữ quá lâu, quá hạn sử dụng có thể gây ảnh hưởng ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.

Không những thế, nhiều hàng quán ế ẩm còn nấu lại thực phẩm nhiều lần là không tốt cho sức khỏe. Về mặt dinh dưỡng, thực phẩm được chế biến nhiều lần thì các chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi hoặc biến chất gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt là khi dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ sinh ra các aldehyde và các hợp chất oxy hóa nhiều hơn gây hại cho cơ thể. Đây là thủ phạm gây ra ung thư, kích ứng niêm mạc, rối loạn tiết niệu tiểu đường và bệnh tim mạch.

Nguy cơ ngộ độc còn liên quan đến đồ uống, trong đó rượu bia là thủ phạm hàng đầu: Uống rượu vượt quá mức đào thải của cơ thể trong thời gian ngắn gây ngộ độc cấp, trong thời gian dài có thể gây ngộ độc mạn tính. Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol ngoài ra còn có thể uống phải rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt, cây…), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác…) có chất độc.

Tai nạn giao thông – nỗi lo thường trực

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong những chuyến du xuân, công nhân lao động thường sử dụng sử dụng xe máy là chính. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông cũng như cháy nổ. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy.

Xe máy là phương tiện di chuyển rẻ, ít tốn kém nhiên liệu và phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi di chuyển trên đường, những phương tiện này lại dễ gây ra tai nạn giao thông, thương tích, nguy cơ thiệt mạng gia tăng.

Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý
Ảnh minh họa. KT

Chuyên gia Trương Phan Hồng Hà chỉ ra những lỗi thường gặp của người điều khiển xe máy du xuân dịp Tết là:

Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: Người điều khiển xe máy, cũng như người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một trong những lỗi phổ biến nhất mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tâm lý chủ quan, cảm thấy bất tiện khi điều khiển xe máy trong cự ly ngắn… chính là yếu tố khiến nhiều người điều khiển xe máy mắc phải lỗi này.

Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông: Ngày xuân, đi chúc Tết thường kèm việc nâng ly chúc mừng năm mới. Với việc ngày Tết khó khăn gọi xe taxi hay xe dịch vụ, nhiều người "liều" uống xong vẫn lái xe ra đường. Một số người khác nghĩ đi xe máy có thể "qua mặt" được lực lượng chức năng.

Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý
Ảnh minh họa. KT

Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: Nhiều người cho rằng việc dừng chờ đèn tìn hiệu giao thông là việc không cần thiết. chủ quan, phóng nhanh không quan sát khi đi qua các đoạn giao cắt.

Chở quá số người quy định: Ngày Tết, khi đi du xuân nhiều gia đình thường chở nhau trên xe máy, hình ảnh 3-4 người ngồi trên chiếc xe hai bánh không phải hiếm gặp trên đường. Nhiều trẻ em đã lớn tương đương một người trưởng thành nhưng các bố mẹ vẫn chở theo các em ngồi chật chội trên xe, gây khó khăn cho người điều khiển và nguy hiểm cho những người đi đường khác.

Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý
Công nhân nên lựa chọn thực phẩm kỹ càng để tránh ngộ độc. Ảnh minh họa. KT

Cháy nổ do xe máy là nguy cơ cần quan tâm: Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ xe máy là do sự cố chập điện; phương tiện đậu, đỗ trong khu vực bị cháy nên bén lửa hay do tai nạn giao thông. Không chỉ vậy, việc điều khiển xe quá cũ, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại, lắp thêm phụ kiện như còi, đèn gây quá tải hệ thống dẫn đến cháy phương tiện.

Với xe tay ga, hiện tượng nóng và lưu nhiệt phía trong cốp xe thường rất cao nên khi lưu thông tuyệt đối không để những vật dụng và chất liệu dễ cháy, nổ trong cốp, đề phòng trường hợp kích nổ do nhiệt cao. Không những thế, khi người sử dụng can thiệp vào hệ thống điện của xe sẽ làm thay đổi tính năng an toàn của phương tiện.

Những vật gắn thêm trên xe không đạt tiêu chuẩn, không đồng bộ với tiêu chuẩn sẽ là một mối nguy hiểm gây cháy, nổ bất cứ lúc nào. Ví dụ như gắn còi to hơn, thay đổi bình ắc-quy trên xe máy để có công suất chiếu sáng tối ưu hơn… sẽ làm thay đổi kết cấu ban đầu của nhà sản xuất, gây chập điện, cháy nổ xe máy.

Để tránh được các nguy cơ trên, chuyên gia Trương Phan Hồng Hà cho rằng, trong dịp du xuân đầu năm, công nhân lao động cần chú ý không ăn hàng quán ngoài lề đường nếu nghi ngờ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm hoặc có dấu hiệu tiêu chảy, nôn và sốt, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Trong quá trình tự mua và chế biến thức ăn, nên mua thực phẩm sạch đã kiểm dịch, không chọn rau củ dập nát, thịt, hải sản có mùi khác lạ. Khi chế biến cần phải phải sạch sẽ, tránh cất giữ thực phẩm sống và chín gần nhau. Bảo quản thực phẩm đúng cách, không để thực phẩm đã chế biến ở nhiệt độ phòng quá lâu.

Chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy trên đường cũng như tuân thủ những quy định về an toàn xe, thường xuyên kiểm tra phương tiện trước trong và sau khi di chuyển để đảm bảo được an toàn cho bản thân.

Du xuân đầu năm và những bí quyết an toàn công nhân cần lưu ý

Voice: Lê Xuân Trường - công nhân KCN Sài Đồng (Hà Nội) chia sẻ về du xuân an toàn.

Trương Phan Hồng Hà - Gia Hưng

Đồ họa: Hưng Thịnh

Gia Hưng