e magazine
08:27 | Thứ sáu, 20/05/2022
Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

08:27 | Thứ sáu, 20/05/2022

Tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022. Trong niềm hân hoan trước những thành tựu, đổi thay của quê hương, đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã dành cho Tạp chí Lao động và Công đoàn cuộc trả lời phỏng vấn.
Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

PV: Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vui lòng đánh giá khái quát về những khó khăn, thách thức và thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Thực hiện Nghị quyết kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ngày 26/12/1991 về việc phân chia địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng; đến đầu tháng 4/1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập và đi vào hoạt động.

Xuyên suốt hành trình 30 năm ấy, Sóc Trăng là một địa phương nghèo gặp nhiều khó khăn; xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, yếu và lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao so với khu vực và cả nước; cùng với đó là ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn...

Mặt khác, Sóc Trăng cũng như các địa phương khác, phải đối mặt với những khó khăn thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 bùng phát trong mấy năm qua, đã tác động ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

Chặng đường xây dựng và phát triển, Sóc Trăng đã trải qua các thế hệ nối tiếp nhưng cùng chung một niềm tin về tầm nhìn và khát vọng, đó là xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, đem lại sự phồn vinh hạnh phúc cho Nhân dân. Với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, đến năm 2021, Sóc Trăng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng từ 1,34 triệu đồng năm 1992 lên 47,33 triệu đồng năm 2021. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 là 18.952 tỷ đồng, tăng 160,75 lần so với năm 1992; đến cuối năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 35.256 tỷ đồng, tăng 94,83 lần so với năm 1992.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm các vị chức sắc Khmer ở Sóc Trăng. Ảnh: S.L.

Hoạt động xuất khẩu năm 2021 đạt 1.289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992; tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 14,56%. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Mỹ, EU, Nhật, Canada, Úc, Philippine và Trung Quốc (bao gồm Hong Kong).

Cùng với thành tựu về kinh tế, chính sách chăm lo phát triển con người luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Chất lượng đời sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần được nâng lên rõ rệt sau 3 thập niên tái lập và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia đến cuối năm 2021 giảm còn 6,64% so với 36,7% của năm đầu tái lập tỉnh.

Văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm và tập trung nguồn lực đầu tư phát huy và phát triển, trình độ dân trí không ngừng được nâng lên; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,5%), có 02 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triểnĐồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đứng thứ 7 từ bên phải qua) và đoàn công tác đến thăm, làm việc với LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: S.L.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

PV: Đồng chí đã đề cập đến “tầm nhìn và khát vọng”, xin đồng chí có thể nói rõ hơn về tầm nhìn và khát vọng đổi mới để phát triển Sóc Trăng...?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Dòng chảy xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng qua các thời kỳ là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển. Trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhằm đem đến sức sống mới cho vùng đất vốn có nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa truyền thống, có nhiều tiềm năng thế mạnh.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triểnLễ bàn giao nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng, đợt 1 năm 2021. Ảnh: S.L.

Nhớ lại và tâm đắc với lời chia sẻ sâu sắc về tầm nhìn của Sóc Trăng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã phát biểu: “Sóc Trăng trong tiếng Khmer (Srok Kh'leang) có nghĩa là “Xứ kho bạc”, mặc dù nhiều người nhìn Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, tựa như “nằm trong hẻm sâu”, nhưng nếu nhìn từ phía biển Đông thì Sóc Trăng lại có vị trí cực kỳ đắc địa, là mặt tiền hướng biển. Không những thế, Sóc Trăng còn là nơi sông Hậu đổ ra biển Đông tại cửa biển nổi tiếng là Trần Đề. Đây là lợi thế kinh doanh quan trọng. Vấn đề đặt ra là vận dụng tiềm năng, lợi thế so sánh để Sóc Trăng vươn lên và chìa khóa nào để biến những lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh. Không chỉ vậy, Chủ tịch nước còn gởi gắm niềm tin tưởng: “Tương lai gần, Sóc Trăng phải là kho chứa bạc của các nhà đầu tư, của người dân, của cả nước. Tôi có niềm tin như thế”.

Với điều kiện như vậy, tỉnh Sóc Trăng thật sự có một lợi thế khá tốt về phát triển kinh tế tổng hợp, đặc biệt là về giao lưu thương mại quốc tế, phát triển kinh tế biển và ven biển. Do vậy, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực ra sức khai thác các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

Từ các tiềm năng và lợi thế sẵn có của tỉnh, Đảng bộ và nhân tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng cho mình một tầm nhìn đầy khát vọng mang tính bứt phá, để vượt lên chính mình nhằm xây dựng một niềm tin, niềm cảm hứng mới cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để phấn đấu biến tầm nhìn, khát vọng của tỉnh được hiện thực hóa trong thực tiễn đời sống xã hội.

Với những kết quả đạt được hết sức ấn tượng, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới, sáng tạo; qua đó, thể hiện khát vọng và tầm nhìn vươn lên trên mỗi chặng đường lịch sử với tư duy “suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, hiệu quả thiết thực hơn” để góp phần quan trọng đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển vững chắc.

PV: Sóc Trăng định hướng cho tầm nhìn, khát vọng phát triển trong thời gian tới ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Tự hào về thành quả đã đạt được bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình to lớn bấy nhiêu. Phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Sóc Trăng vững tin tiếp tục nỗ lực gặt hái nhiều thành quả phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tựu phát triển chung của đất nước, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân tỉnh nhà và sự kỳ vọng của cả nước.

Định hướng cho chặng đường sắp tới, Sóc Trăng luôn quán triệt sâu sắc và nhất quán quan điểm của Đảng “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.

Nỗ lực thực hiện có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triểnTiếp cận công nghệ thông tin. Ảnh S.L.

Để sớm đạt được mục tiêu đó, trước hết cần tăng cường xây dựng Đảng và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, đảng viên có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ; quyết liệt cải cách hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh có sức cạnh tranh lành mạnh; tăng cường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh.

Đặc biệt, để không bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sóc Trăng sẽ tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, xem đây là một đột phá quan trọng của tỉnh trong giai đoạn tới. Cùng với phát triển kinh tế, các chính sách chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng sẽ tiếp tục được chú trọng.

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa như quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, đó là: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Không ngừng thực hiện sự tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống tốt, đảm bảo an ninh, an toàn cho Nhân dân, tăng cường giao lưu hợp tác, làm bạn với các nước.

Sóc Trăng tự tin tiến xa hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển, tiếp tục hiện thực hóa ý chí khát vọng đổi mới để phát triển tỉnh Sóc Trăng ngày càng giàu mạnh và văn minh.

PV: Tạp chí Lao động và Công đoàn xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển
Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng, đổi mới để phát triển

Chợ nổi, một nét văn hóa độc đáo ở Sóc Trăng.

Bài viết: SƠN LƯƠNG

Thiết kế: AN NHIÊN

Ảnh: VĂN TIÊN

SƠN LƯƠNG