e magazine
11:27 | Thứ tư, 17/08/2022
Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

11:27 | Thứ tư, 17/08/2022

Do thiếu thông tin về cách tính lương sản phẩm nên một bộ phận cán bộ công đoàn còn khó khăn trong thương lượng để cải thiện lương cho NLĐ.
Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, có 3 cách điều chỉnh lương tối thiểu của doanh nghiệp khi lương tối thiểu tăng.

Một là, chỉ điều chỉnh lương cơ bản cho các lao động có mức lương thấp hơn lương tối thiểu. Hai là, tăng lương cơ bản cho mọi lao động với cùng tỉ lệ. Với doanh nghiệp trả lương thời gian, đây sẽ là mức tăng “khủng” cho quỹ lương. Với doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm, sẽ chỉ tác động đến phần đóng bảo hiểm, công đoàn phí. Ba là, không điều chỉnh vì lương đã cao hơn mức tối thiểu.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, lương sản phẩm tác động tiêu cực đến NLĐ (về an toàn, sức khỏe, tinh thần). Tuy nhiên, hệ thống lương sản phẩm hiện nay ở Việt Nam vẫn tương đối phổ biến trong các ngành Chế biến, Chế tạo, đặc biệt là ngành Dệt may.

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Hiểu về lương sản phẩm sẽ giúp công đoàn thương lượng cải thiện tiền lương cho NLĐ khi tăng lương tối thiểu. Ảnh: TL

Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động đã khảo sát tại 11 nhà máy may (sử dụng hệ thống lương thời gian, bán sản phẩm và sản phẩm) với gần 80.000 công nhân, bao gồm cả nhà máy trong nước, nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngay cả các bộ phận khác nhau trong nhà máy đều không biết bức tranh toàn cảnh về việc xây dựng hệ thống lương. Thang bảng lương là một “bí ẩn” của nhiều nhà máy.

Việc không công khai thông tin về thang bảng lương sẽ rất khó để các đối tác xã hội và đặc biệt là công đoàn tham gia cải thiện thu nhập cho NLĐ.

Nghiên cứu tập trung vào 4 nội dung chính. Đó là: Chi phí lương được tính thế nào trong quá trình đàm phán giá đơn hàng trong chuỗi cung ứng; các hệ thống lương trong ngành Dệt may - sự tương thích giữa hệ thống lương và mô hình kinh đoanh của một nhà máy; các biến thể của lương sản phẩm; lương sản phẩm tốt hay xấu? Thương lượng lương sản phẩm bằng cách nào?

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan về chi phí lương trong quá trình đàm phán giá đơn hàng của chuỗi cung ứng.

Cụ thể, quy trình đàm phán giá đơn hàng giữa nhãn hàng với nhà cung cấp FOB (nhà cung cấp mà ngoài việc gia công sản phẩm còn có thêm việc mua nguyên vật liệu) gồm nhiều công đoạn.

Trong đó, quy trình đàm phán giá đơn hàng đối với loại hình nhà cung cấp FOB có quyền tự phát triển nguyên vật liệu, phù hợp với tiêu chí mà nhãn hàng đưa ra, gồm các công đoạn như: Nhãn hàng đưa ra phác thảo thiết kế, nhà cung cấp phát triển mẫu (may quần áo), nhãn hàng nhận báo giá từ nhà cung cấp FOB (gồm giá nguyên phụ liệu như vải, chỉ khâu, khuy, phéc mơ tuya…); giá sản xuất như chi phí lao động, chi phí vận hành nhà máy, thuế, phí…); giá vận chuyển; lợi nhuận của nhà máy…

Giá nhà cung cấp FOB đàm phán với nhãn hàng thường là giá cuối cùng (bao gồm cả 4 cấu phần này). Trải qua một quá trình kéo dài khoảng 3 đến 5 tháng, hai bên thương lượng nhiều lần rồi đưa ra giá lần cuối, trước khi đưa vào sản xuất.

Trong giá thành sản phẩm, chi phí của lao động trực tiếp chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí lao động trong các đơn hàng. Đó là thời gian sản xuất tiêu chuẩn (SAM); hiệu suất dây chuyền sản xuất; chi phí sản xuất.

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Công nhân may - đối tượng được áp dụng lương sản phẩm. Ảnh: HẢI ANH

Dẫn công thức tính chi phí lao động trong đơn hàng gia công, TS. Đỗ Quỳnh Chi cho biết:

Chi phí sản xuất theo phút của nhà máy = (tổng chi phí lao động trực tiếp, gián tiếp, chi phí vận hành (tiền thuê nhà, điện nước…)/tổng số phút may trong năm. Mục tiêu của các nhà máy là giữ chi phí sản xuất theo phút càng thấp càng tốt trong khi tăng hiệu suất chuyền với điều kiện SAM không thay đổi.

Chi phí gia công cho mỗi sản phẩm dệt may = (thời gian sản xuất tiêu chuẩn SAM x chi phí sản xuất theo phút)/hiệu suất của dây chuyền (%).

Chi phí sản xuất toàn bộ đơn hàng = (giá gia công 1 sản phẩm dệt may x số lượng đặt hàng).

Tổng giá gia công = chi phí sản xuất cho toàn bộ đơn hàng + tỉ suất lợi nhuận của nhà máy (%).

Tỉ suất lợi nhuận cho công ty gia công đơn thuần rất mỏng, khoảng 7 đến 10% giá trị đơn hàng gia công. Càng ở những công đoạn thấp hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì áp lực về giá và giảm chi phí càng cao, nhất là khi có khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Do đó, rất nhiều nhà máy đã tối giản chi phí để tồn tại trong môi trường cạnh tranh như vậy. Cách làm của họ là cố gắng tăng tối đa sản lượng cho một chuyền đồng thời giảm số NLĐ của một chuyền. Trong khi đó, lương công nhân tăng chậm hơn nhiều. Điều đó có nghĩa năng suất của chuyền và NLĐ tăng tối đa nhưng chi phí lương cho NLĐ tăng ở mức tối thiểu.

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Lương sản phẩm hoặc lương bán sản phẩm thường được các nhà máy sản xuất sản phẩm ở phân khúc trung, giá rẻ, đơn hàng lớn hoặc không yêu cầu cao về kĩ năng, công nghệ, kĩ thuật áp dụng.

Đặc thù của lương sản phẩm (ưu tiên số lượng) có năng suất lao động trung bình cao hơn lương thời gian (ưu tiên chất lượng) tới 45%. Chi phí của các nhà máy xây dựng lương sản phẩm phụ thuộc vào thị trường. Tỉ lệ thay thế lao động ở lương sản phẩm cao hơn lương thời gian. Công suất nhà máy của lương sản phẩm thay đổi tùy theo số lao động…

Nhiều nhà máy đang áp dụng hệ thống lương bán sản phẩm. Nghĩa là trong 8 tiếng/ngày, NLĐ ăn lương thời gian và được hưởng năng suất theo sản lượng của họ. Thưởng năng suất ở các nhà máy lương bán sản phẩm rất cao (chiếm từ 20 đến 40%) tổng thu nhập của NLĐ. Hệ thống lương bán sản phẩm có 2 cách áp dụng chính:

Một là, lương bán sản phẩm = lương thời gian kết hợp với năng suất cố định. Với bảng lương này, áp lực chỉ tiêu sản lượng và nâng cao năng suất cá nhân cao hơn nhiều nên các công ty thường đẩy cao năng suất để tăng thu nhập của công nhân.

Hai là, lương bán sản phẩm = lương thời gian kết hợp với thưởng theo sản phẩm. Công nhân làm vẫn có lương cơ bản bám sát vào lương tối thiểu, chỉ chênh khoảng 5%. Ngoài ra, họ được hưởng mức thưởng theo năng suất và mức thưởng này được tính theo sản phẩm.

Từ ngày 1/7/2022, Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu. Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi: “Việc tăng lương tối thiểu có ảnh hưởng mạnh nhất tới hệ thống lương thời gian, tiếp theo là lương bán sản phẩm. Với những công ty trả lương sản phẩm thì ảnh hưởng đến phí đóng bảo hiểm, phí công đoàn mà không ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của NLĐ. Nên khi tăng lương tối thiểu, các nhà máy trả lương sản phẩm gần như không tăng đơn giá của mình. Họ vẫn phải cải thiện bằng cách tăng hiệu suất, nâng cao sản lượng, cắt giảm chi phí".

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Các học viên thực hành kỹ năng đàm phán, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Ảnh: CĐCT

Đáng nói là, công đoàn và NLĐ không có thông tin về đơn giá sản phẩm, quy trình tính SAM, phân bổ SAM cho các công đoạn. Hệ thống thang bảng lương sản phẩm quá phức tạp, cách tính thường không được công khai. NLĐ chỉ có thể dựa vào cảm nhận chủ quan để phát hiện SAM cách xa năng suất thực tế. Họ thường phản ứng bằng cách khiếu nại, ngừng việc, lãn công hoặc đình công.

TS. Đỗ Quỳnh Chi nhấn mạnh, thương lượng cải thiện lương cho NLĐ là vấn đề cực kỳ khó. Tuy nhiên có một số giải pháp cho các bên trong vấn đề này. Đối với nhãn hàng cần áp dụng chính sách mua hàng công bằng (không ép giá, không hủy đơn hàng), tính giá minh bạch, hỗ trợ nhà máy về công nghệ, kĩ thuật, vốn; chia sẻ rủi ro và trách nhiệm; hỗ trợ và hợp tác với nhà cung ứng để cải thiện lương cho NLĐ.

Đối với nhà máy phải tăng giá trị trong chuỗi cung ứng; đào tạo kĩ năng lao động; cải thiện kĩ thuật, công nghệ, tổ chức sản xuất và quản lý.

Đối với các đối tác xã hội: cần có công cụ minh bạch hóa hệ thống lương; hỗ trợ việc đối thoại thương lượng 2 bên, 3 bên; nghiên cứu và chia sẻ hiểu biết về lương…

Hiểu về lương sản phẩm để thương lượng cải thiện lương cho NLĐ

Nội dung Công đoàn thương lượng với nhãn hàng quốc tế để cải thiện lương cho NLĐ trong các doanh nghiệp áp dụng hệ thống lương sản phẩm đã được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về tăng lương tối thiểu. Ảnh: THC

Đối với Công đoàn và NLĐ phải được tham gia thương lượng tập thể về lương, được chia sẻ thông tin về cách tính SAM, tính lương sản phẩm. Phải tiến tới thương lượng và đối thoại với các nhãn hàng về lương của NLĐ, nhất là khi giá đơn hàng quá thấp, có việc hoãn đơn, hủy đơn không trả tiền…

Thêm vào đó, cần đưa vấn đề lương đủ sống vào thương lượng để NLĐ không cần làm thêm quá nhiều vẫn có lương đủ sống, như một số nhà cung cấp FOB của Việt Nam đã thực hiện thành công.

“Hiện tại, Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động đã phát triển một bộ công cụ tính lương đủ sống theo phương pháp Anker, phương pháp được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Bộ công cụ này có thể giúp các nhà máy và công đoàn tính được mức lương đủ sống của NLĐ trong nhà máy mình là bao nhiêu. Từ đó đưa ra được giá gia công phù hợp và có sức mạnh thuyết phục với các nhãn hàng quốc tế" - TS. Đỗ Quỳnh Chi cho biết.

HÀ VY

Đồ họa: AN NHIÊN

HÀ VY