Kiến nghị cho phép công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Theo ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai), qua thực tiễn cho thấy, để bảo vệ quyền lợi cho tập thể người lao động (NLĐ), cần có quy định cho phép công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. |
Cán bộ của Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh Đồng Nai tư vấn cho NLĐ bị mất việc làm, có nguy cơ mất quyền lợi B. Ảnh: Hà Anh Chiến |
Quy định về công đoàn thực hiện quyền khởi kiện hầu như không áp dụng được
Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 14.000 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, với 1,2 triệu lao động làm việc. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam, quan tâm, chăm lo người lao động (NLĐ) và coi đây là động lực của sự phát triển. Bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. BHXH tỉnh Đồng Nai thống kê, tính đến ngày 30/4/2023, toàn tỉnh có 1.981 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền là 372,5 tỷ đồng. Trong đó số nợ khó thu do doanh nghiệp giải thể, phá sản là 771 đơn vị (với số tiền nợ 294,1 tỷ đồng). Điều này dẫn đến NLĐ không được chốt sổ, không được hưởng các chế độ, không được đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không được nghỉ hưu… Công nhân của một công ty trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) bị công ty nợ BHXH, không chốt được sổ đã tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đòi quyền lợi. Ảnh: Lê Lâm |
“Tình trạng nợ BHXH rất khó giải quyết, gây bức xúc cho NLĐ nhưng rất tiếc là các cơ chế giải quyết hiện nay chưa hiệu quả. Cụ thể, theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH thì mức phạt cao nhất là 150 triệu đối với tổ chức. Mức phạt này là rất thấp so với số tiền người sử dụng lao động (NSDLĐ) nợ BHXH. Kể cả việc buộc NSDLĐ nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp khi sử dụng khoản tiền nợ BHXH để đầu tư, kinh doanh. Hình thức phạt bổ sung nếu doanh nghiệp không thực hiện cũng không thể cưỡng chế. Vì vậy việc xử lý bằng biện pháp hành chính chưa đủ sức răn đe” – ông Vũ Ngọc Hà dẫn chứng. Phân tích một quy định khác, ông Vũ Ngọc Hà cho biết, đối với việc xử lý vi phạm hình sự liên quan đến hành vi vi phạm do trốn đóng, nợ BHXH theo Điều 216 Bộ luật Hình sự còn gặp khó khăn do cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi trên thực tế doanh nghiệp có kê khai lao động đầy đủ, số tiền cần trích nộp cũng báo cáo rõ ràng nhưng doanh nghiệp đóng không đóng, do đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp lách hành vi tội phạm này bằng cách chỉ nợ phần doanh nghiệp phải đóng, còn phần NLĐ đóng thì doanh nghiệp vẫn nộp đầy đủ. |
NLĐ ở Đồng Nai thực hiện các thủ tục để hưởng BHXH. Ảnh: Mạnh Thắng |
Ngoài ra, quy định về doanh nghiệp nợ BHXH trong Bộ luật Hình sự là “trốn đóng”, trong khi các văn bản về xử lý vi phạm hành chính là “chậm đóng, đóng không đủ”. Sự không thống nhất này làm cho các quyết định xử phạt hành chính không thể làm căn cứ để chuyển vụ án sang hình sự do khác hành vi. Theo quy định tại Điều 14 Luật BHXH năm 2014 thì tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại khoản 8, Điều 10 Luật Công đoàn. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, trong thực tế Công đoàn cơ sở rất khó có thể khởi kiện doanh nghiệp. Vì vậy quy định này gần như không áp dụng được trong thực tế, tổ chức Công đoàn không thể khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Do biện pháp xử lý hành chính không hiệu quả, hành vi nợ BHXH chưa cấu thành tội phạm và khởi kiện tập thể không thể thực hiện được nên cách duy nhất để NLĐ bảo đảm quyền lợi của mình là phải tự mình khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án yêu cầu buộc doanh nghiệp phải đóng BHXH cho NLĐ. |
Công nhân phản ánh với Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn việc doanh nghiệp thu tiền công nhân nhưng không đóng BHXH và không chốt BHXH cho NLĐ. Ảnh: Báo Đồng Nai |
Với chức năng là tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn đã hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân về BHXH. Mỗi NLĐ có đơn khởi kiện riêng và khi thụ lý Tòa án cũng sẽ tính là một vụ án. Cùng đối tượng khởi kiện và cùng nội dung tranh chấp mỗi NLĐ là một vụ án khác nhau; khi thụ lý giải quyết các vụ án này Tòa án cũng phân công cho các thẩm phán khác nhau giải quyết nên khó khăn cho NLĐ và ngay cả NSDLĐ. Số lượng vụ án một tòa thụ lý có thể lên đến hàng trăm, có khi lên đến hàng ngàn; việc nay gây khó khăn, phức tạp cho cả hệ thống Tòa án. Cùng với sự gia tăng của các doanh nghiệp nợ BHXH, số lượng các vụ án khởi kiện về BHXH của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn hỗ trợ càng ngày càng tăng. Năm 2021, Trung tâm hỗ trợ 22 vụ, năm 2022 là 68 vụ; trong 06 tháng đầu năm 2023 đã hỗ trợ 104 vụ. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ cho các công đoàn cấp trên cơ sở của một số tỉnh như Vũng Tàu, Long An… khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH với số lượng lên đến hàng ngàn vụ. Do NLĐ không được nghỉ làm, không thể tham gia vào quá trình tố tụng giải quyết vụ án nên đa số các vụ án khởi kiện về BHXH, Trung tâm cử người làm đại diện ủy quyền để tham gia thay cho NLĐ. |
Một doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài. Ảnh: Tuệ Mẫn |
kiến nghị cho phép Công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH
Từ thực tế trên và thông qua quá trình tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ về BHXH, ông Vũ Ngọc Hà đề xuất: "Để bảo vệ quyền lợi cho tập thể NLĐ, pháp luật nên có quy định cho phép công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Bởi như phân tích ở trên, hiện nay, việc khởi kiện doanh nghiệp phải do công đoàn cơ sở tiến hành nhưng thực tế công đoàn cơ sở lại không thể khởi kiện doanh nghiệp".. Ông Hà cũng kiến nghị, cần cho phép nhập nhiều vụ án của NLĐ thành một vụ án vì khi NLĐ khởi kiện thì tỏa án thụ lý thành nhiều vụ án khác nhau và phân công cho nhiều thẩm phán giải quyết. Việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp và đại diện ủy quyền của NLĐ vì phía bên doanh nghiệp chỉ có thể cử một vài người tham gia tố tụng và bên được uỷ quyền cũng chỉ có thể cử một số người tham gia tố tụng. Nếu nhiều thẩm phán tiến hành xét xử trong cùng một thời điểm thì cả hai bên không có đủ người đại diện tham gia tố tụng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc ủy quyền tham gia tố tụng phải thực hiện tại phòng công chứng, sẽ làm phát sinh chi phí cho NLĐ. Việc công chứng chỉ thực hiện trong giờ hành chính nên khi tiến hành thủ tục cũng sẽ ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Do đó, các cơ quan tố tụng xem xét cho phép NLĐ ủy quyền cho công đoàn các cấp tham gia tố tụng hoặc bên được ủy quyền mà chỉ cần có dấu xác nhận của người được ủy quyền là Công đoàn hoặc bên được uỷ quyền. |
Sau khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhiều công nhân Công ty TNHH KL Texwell Vina (Đồng Nai) bị thiệt thòi về quyền lợi và phải tìm việc làm mới. Ảnh: H.Dung |
Thêm vào đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời gian giải quyết vụ án lao động là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian giải quyết rất dài có thể kéo dài 06 tháng hoặc 01 năm. Ông Hà kiến nghị khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án lao động cần thực hiện đúng thời hạn giải quyết vì nội dung tranh chấp về BHXH đơn giản, rõ ràng; từ đó giúp NLĐ không phải mất nhiều thời gian, công sức theo vụ kiện. |
Bài: HÀ VY |