e magazine
18:29 | Thứ tư, 20/03/2024
Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, nghỉ ngơi trong ngành Điện

18:29 | Thứ tư, 20/03/2024

Công đoàn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang rà soát, báo cáo Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động trực vận hành 24/24h.
Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong ngành Điện

Công đoàn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang rà soát, làm báo cáo kiến nghị Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động trực vận hành 24/24h.

Anh Nguyễn Văn Tiệp (sinh 1990, quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) làm việc tại Nhà máy thuỷ điện Lai Châu từ năm 2015. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh vui mừng khi trúng tuyển vào Công ty Thuỷ điện Sơn La, làm đúng chuyên đào tạo. Anh Tiệp kể, làm ngành Điện là xác định khó khăn vất vả vì tính chất công việc trực 24/24h.

Những năm đầu, anh còn tranh thủ về thăm nhà. Bởi từ Hà Nội lên thẳng TP Lai Châu bằng một tuyến xe cũng phải đi từ 6h ngày hôm trước đến 7h sáng hôm sau, chưa kể hơn 2 tiếng đồng hồ từ nhà ra bến xe. Đường xá xa xôi khiến anh không khỏi mỏi mệt.

Vậy mà, anh Tiệp bảo, “em đã là người ở gần nhất. Nhà máy chỉ có duy nhất một người ở Lai Châu, còn lại đều ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Nguyên”.

Nhà máy thực hiện thời giờ làm việc theo quy định ngày 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Do đi lại khó khăn nên từ năm 2017, anh đưa cả vợ con lên Lai Châu. Từ đó, thi thoảng vợ chồng anh mới thăm cha mẹ.

Còn rất nhiều anh em ở Nhà máy có gia đình ở dưới xuôi. Đường xa nên mọi người về quê rất ít. Nhiều nhất là mỗi tháng về một lần. Riêng thời gian cả đi lẫn về Nghệ An, Hà Tĩnh đã mất gần 2 ngày. Đơn vị cố gắng bố trí làm việc ngắt quãng, tạo điều kiện cho các gia đình công nhân viên ở gần nhà máy để không phải thuê nhà. Nhưng tâm tư của người lao động (NLĐ) như anh Tiệp là mong muốn có văn bản hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động đặc thù vận hành 24/24h, đặc biệt là dịp lễ, Tết để anh em được về nhà.

Thời gian qua, nhiều nhà máy thuỷ điện, trạm biến áp đặc biệt là các tuyến đường dây 500kV được đưa vào vận hành kịp thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế. EVN thực hiện chương trình tái cơ cấu, một số đơn vị thực hiện cổ phần hóa và đẩy mạnh chương trình số hóa trong tất cả các lĩnh vực.

thực hiện chính sách còn vướng mắc

Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong ngành Điện
Trưởng ca nhà máy điều hành phòng điều khiển trung tâm. Ảnh: congthuong.vn

Theo Ban Chính sách - pháp luật và quan hệ lao động (Công đoàn Điện lực Việt Nam), ngành Điện hiện có tổng số gần 100.000 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, lao động trực tiếp chiếm tỷ lệ hơn 60%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực phát điện, tuyền tải, phân phối khoảng với hơn 60.000 người.

Công tác ATVSLĐ nhằm bảo đảm cho NLĐ có môi trường làm việc an toàn luôn được Tập đoàn, Công đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, phối hợp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho NLĐ làm công việc đặc thù 24/24h theo Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2019 ở các nhà máy thuỷ điện, TBA, làm việc trên lưới đang gặp không ít vướng mắc và cần có thông tư hướng dẫn của Bộ chủ quản.

Ngành Điện quản lý loại hình nhà máy thuỷ điện, nhà máy nhiệt điện. Trong đó, các nhà máy thuỷ điện chủ yếu đứng chân tại vùng sâu, vùng xa, phương tiện giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Công ty Thuỷ điện Sơn La quản lý cả hai nhà máy nằm trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Sơn La. Do thiếu nhân lực kỹ thuật cao, đơn vị này đang phải thực hiện luân chuyển cán bộ, công nhân viên từ Sơn La lên Lai Châu và ngược lại, có chính sách hỗ trợ NLĐ phải luân chuyển theo hướng luân phiên.

Chỉ tính riêng quãng đường di chuyển của NLĐ đi ô tô từ Lai châu sang Sơn La, phải đi qua hàng trăm km đường đèo của tỉnh Điện Biên. Với một NLĐ được nghỉ 2 ngày cuối tuần thì quãng thời gian di chuyển của họ cơ bản đã hết. Như vậy, dù có về đến nhà thì thời gian NLĐ dành để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động không còn và không tham gia được công việc giúp đỡ gia đình.

Hoặc Nhà máy Thủy điện Huội Quảng cách thành phố Lai Châu tới 140km. Công nhân vận hành nhà máy hầu hết là người ở dưới xuôi, không có người địa phương do yêu cầu kỹ thuật cao trong quá trình vận hành. Vì vậy, Nhà máy đang phải hỗ trợ chi phí vận chuyển và phương tiện đưa đón công nhân đi từ Lai Châu về Hà Nội và ngược lại.

Việc bố trí phương tiện đưa đón theo ca làm việc 8 tiếng vừa tốn kém cho doanh nghiệp vừa khó cho NLĐ có thời gian nghỉ ngơi ở. Mỗi lần NLĐ nghỉ hết ca ngày/đêm thì chỉ được nghỉ 2 ngày. Riêng việc di chuyển đã mất rất nhiều thời gian.

Vì thế, các nhà máy thuỷ điện mong muốn điều chỉnh thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của đối tượng lao động này. Nếu bố trí sắp xếp được (theo Luật hiện không quá ½ ngày công, tức là 14 tiếng) thì có thể điều chỉnh lại thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo hướng liên tục 12 tiếng. Khi dồn ca 12 tiếng thì số ngày nghỉ liên tục của họ tăng lên. Họ có điều kiện để về với gia đình, chăm sóc, giúp đỡ gia đình, thuận lợi cho công việc và cuộc sống hơn.

Công ty Thuỷ điện Sơn La là một dẫn chứng.

“Cả hai nhà máy Thuỷ điện Sơn La và Thuỷ điện Lai Châu có tổng số 286 lao động. 100% cán bộ, công nhân viên của Công ty làm việc 24/24h, bao gồm cả bảo vệ. Trong đó, 170 người là lao động trực tiếp, làm việc ca kíp.

Từ khi tổ máy đầu tiên đi vào phát điện (năm 2010 và năm 2015) đến nay, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cũng như Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu đã đưa vào vận hành 3 ca liên tục.

Do đặc thù kỹ thuật nên hầu hết NLĐ ở các tỉnh, thành xa như Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Nam Định… đến làm việc, thường xuyên phải xa nhà, xa vợ con.

Điều kiện làm việc đặc thù, áp lực, trách nhiệm lớn nên điều quan trọng nhất NLĐ mong muốn không phải là tiền mà là có thời gian dành cho gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. NLĐ bày tỏ mong muốn tới Công đoàn, chuyên môn đề xuất cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn thi hành để doanh nghiệp áp dụng ca làm việc 12 tiếng, thay vì 8 tiếng như hiện nay” - Chủ tịch Công đoàn Công ty Thuỷ điện Sơn La cho biết.

Đối với các nhà máy nhiệt điện dù có trụ sở ở khu trung tâm, thuận tiện giao thông nhưng cường độ lao động cao hơn nên NLĐ cũng không muốn có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Với khối phân phối điện, yêu cầu về chỉ số thời gian cắt điện để xử lý sự cố, thời gian cắt điện đáp ứng độ tin cậy cung cấp điện ngày càng ngặt nghèo. Hiện tại, yêu cầu đặt ra là trong thời gian 2 tiếng khách hàng yêu cầu xử lý sự cố mất điện phải cấp điện trở lại.

Trong khi, sự cố hay phát triển khách hàng không nằm trong ngày làm việc bình thường mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đôi lúc, anh em làm cả thứ Bảy, Chủ nhật. Nhưng theo quy định, chế độ làm thêm giờ nằm trong quỹ tiền lương. Nhiều đơn vị không thanh toán được khoản tiền này.

Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong ngành ĐiệnThủy điện Sơn La nằm trên sông Đà tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: EVN

Làm rõ hơn thực tế này, đồng chí Trịnh Quang Minh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, điều kiện lao động của cán bộ, công nhân viên trong Tổng công ty trong những năm gần đây nhiều áp lực.

Lạm phát tăng trong nền kinh tế - xã hội khiến ngành Điện gặp khó khăn trong cân đối tài chính, tiền lương; thu nhập của cán bộ, công nhân viên giảm. Đặc biệt, khu vực miền Bắc gặp khó khăn về đảm bảo cung ứng điện, thiếu điện cục bộ, nhất là trong những tháng mùa khô, nắng nóng, thời điểm thời tiết cực đoan, dẫn đến phải thực hiện tiết giảm phụ tải, điều tiết công suất, sản lượng điện.

Những khó khăn về cung ứng điện đã tạo thành khó khăn kép (bên cạnh khó khăn về tài chính, tiền lương), bủa vây cán bộ, công nhân viên, NLĐ của EVNNPC nói riêng và ngành Điện khu vực phía Bắc nói chung.

Lấy ví dụ, đồng chí Trịnh Quang Minh cho biết, từ trung tuần tháng 5/2023 đến cuối tháng 6/2023, EVNNPC phải thực hiện 3 đợt tiết giảm, điều hành công suất, sản lượng rất lớn vào các giờ cao điểm trong ngày, dẫn đến phải phối hợp khách hàng lớn thực hiện DR, thậm chí tiết giảm phụ tải sinh hoạt để đảm bảo duy trì vận hành hệ thống điện. Các đơn vị phải áp dụng triệt để chính sách thắt lưng buộc bụng, tiết giảm, tiết kiệm tối đa mọi chi phí; nguồn chi phí phúc lợi, khen thưởng giảm mạnh nên việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống tinh thần cho NLĐ cũng ảnh hưởng theo.

Trong khi đó, lực lượng lao động đang già hoá, thiếu lao động trực tiếp hiện trường. Năm 2023 chỉ tuyển mới được 428 lao động. Số NLĐ nghỉ việc, chuyển việc có xu hướng gia tăng. Yêu cầu, áp lực công việc ngày càng tăng trong khi quỹ tiền lương của NLĐ lại có xu hướng giảm. Tiền lương trả cho NLD hiện tại tính theo số kWh/đầu người. Nhưng số kWh/đầu người thường phụ thuộc yếu tố khách quan, phụ tải hay sự phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu kinh tế suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, thu hẹp hay dừng sản xuất thì năng suất lao động tăng cũng ảnh hưởng đến tiền lương của NLĐ.

Trong những thời điểm cao điểm nắng nóng hay phải thực hiện tiết giảm điện, các đơn vị bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng trong mọi tình huống, đảm bảo các phương án cấp điện tối ưu, thực hiện trực 24/24 giờ xử lý sự cố, khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng… NLĐ phải làm việc trong điều kiện thời tiết cực đoan, điều tiết, tiết giảm phụ tải, khối lượng công việc tăng lên từ 30 đến 50% so với bình thường.

Những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trải qua một số lần điều chỉnh định mức về lao động, căn cứ vào các yếu tố, đặc điểm vùng miền, phương tiện đi lại, thuận lợi về giao thông hay không. Tuy nhiê, trong xu thế chung, số lao động tiếp tục giảm nhưng khối lượng công việc quản lý của các đơn vị đều tăng, kể cả ở lưới phân phối hay lưới truyền tải điện.

Cường độ lao động tăng, công việc tăng, phương tiện đi lại của NLĐ ở lưới phân phối chủ yếu lại là phương tiện cá nhân; hầu hết công việc chưa được tự động hoá, cơ giới hoá, chủ yếu là thủ công, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Áp lực thời gian xử lý sự cố, khối lượng công việc tăng cũng đồng nghĩa nguy cơ mất an toàn tăng lên.

Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong ngành ĐiệnTăng cường cáp hạ thế chống quá tải mùa nắng nóng. Ảnh: PC Hải Dương.

Mấy năm gần đây, công tác vận hành hệ thống điện được Tập đoàn áp dụng công nghệ số, từng bước xây dựng được lưới điện thông minh, chuyển dịch việc điều khiển, điều độ hệ thống các đường dây, trạm biến áp (TBA), nhà máy điện ở các phương thức trực tuyến. Trước kia, các trạm biến áp có người trực. Xu hướng tái cơ cấu và tăng năng suất lao động, các trạm dần dần chuyển sang không người trực.

Đến nay 100% TBA 110 kV không người trực được điều khiển từ xa tại 63 trung tâm điều khiển xa của 63 tỉnh, thành phố. Tập đoàn cũng đã có 82% TBA 220 kV đã được điều khiển từ xa. Đối với TBA 110 kV có khoảng 5 trạm đã được số hóa.

Áp lực về lao động thể hiện rõ ở các tỉnh công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Nội... Yêu cầu về độ tin cậy cung ứng điện của khu vực đó cao lên khiến công nhân phải tăng cường công tác quản lý vận hành kiểm tra.

Đơn cử, Bắc Ninh là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Khu vực này ngoài máy biến áp 1100kV còn có thêm 2 máy điện. Khối lượng thiết bị nhiều lên, nghĩa là khối lượng công việc tăng lên, quản lý nhiều việc hơn.

MONG CÓ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Hiện tại, theo nghiên cứu của phóng viên, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 24/2015/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2015). Gần đây nhất là Thông tư 12/2022/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2022).

Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thi hành cho ngành Điện thì chưa có.

Đồng chí Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết:

“Ngành Điện là ngành lao động sản xuất đặc thù. NLĐ làm việc với lưới điện 24/24h để dòng điện luôn đảm bảo liên tục. Những nơi làm việc 24/24h đó là nhà máy phát điện điện, trạm biến áp, điều độ…

Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định đối với những NLĐ làm việc ở chế độ làm việc liên tục 24/24h cần phải có quy định về thời gian làm việc đặc thù, do Bộ quản lý ngành là Bộ Công Thương quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong ngành Điện

Hằng ngày, trong giờ cao điểm trưa (10h30 - 12h30) và cao điểm tối (21h30 - 0h30), thợ điện của PC Hà Đông lại thực hiện công việc đo nhiệt, đo dòng điện tại các trạm biến áp. Ảnh: EVN

Hiện chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho NLĐ ngành Điện nên người sử dụng lao động và người quản lý vẫn áp dụng theo luật. Cụ thể là vẫn thực hiện giờ làm việc thông thường của những điều kiện làm việc bình thường. Giờ làm việc của những người làm việc, tối đa, nếu quy định thời giờ làm việc trong ngày tối đa là 8 giờ/ngày thì thời giờ làm thêm không qúa 50% là 4 giờ. Với thời gian làm việc theo tuần thì tối đa được phép là 10 giờ/ngày.

Nhận thấy vướng mắc này, Công đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Tổ chức nhân sự EVN đã cùng các tổng công ty, nhất là tổng công ty phát điện khảo sát ở các nhà máy điện, truyền tải, trạm 500kV.

Qua khảo sát cho thấy, nhiều đơn vị đang phải áp dụng chế độ làm việc 10 tiếng, có 2 tiếng đang phải tính làm thêm giờ. Tiền làm thêm giờ tính trong tổng quỹ lương. Do chưa có quy định nên thực hiện theo hai nhóm. Một là, vẫn thực hiện ca làm việc 8 tiếng. Một số đơn vị thực hiện ca làm việc 12 giờ theo tuần. Ca làm việc 12 giờ nhưng trong đó 10 giờ làm việc chính, 2 giờ tính là làm thêm.

"Xuất phát từ tính chất công việc, sức khoẻ của NLĐ thì NLĐ ngành Điện đủ sức khoẻ làm việc với ca làm việc 12 giờ. Nếu làm việc với ca làm việc 12 giờ thì người sử dụng lao động bố trí làm việc hợp lý hơn. NLĐ đủ năng lực thực hiện và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý hơn giữa hai ca làm việc, hai chu kỳ là việc. Từ đó NLĐ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, xã hội, đặc biệt là với NLĐ làm việc ở các vùng sâu, vùng xa, có khoảng cách xa nơi gia đình sinh sống như nhà máy thuỷ điện, TBA 500kV.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, thông qua các kỳ đối thoại, Công đoàn chủ động kiến nghị chuyên môn, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi gắn với đặc thù của NLĐ ngành Điện.

Từ các kiến nghị qua các kỳ đối thoại, Tập đoàn và Công đoàn đã tổ chức các đoàn khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ. Từ kết quả đó, Tập đoàn và Công đoàn sẽ phối hợp, thống nhất kiến nghị Bộ Công Thương ban hành quy định đó nhằm thực hiện quy định tại Điều 116 dành cho nhóm lao động đặc thù phải làm việc trực vận hành 24/24h" - đồng chí Uông Quang Huy cho biết.

Video chuyển đổi số nâng cao độ tin cậy an toàn cung cấp điện và đảm bảo an toàn cho người lao động của Tổng công ty Điện lực miền Bắc:

Kiến nghị hướng dẫn thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong ngành Điện
Nhân viên vận hành tăng cường công tác theo dõi kiểm tra thông số nhiệt độ tổ máy trước mùa mưa bão tại Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: congthuong.vn

"Kiến nghị của Công đoàn cũng là nguyện vọng của NLĐ. Những người lính vận hành chúng tôi tha thiết mong muốn làm việc theo ca 12 tiếng để có thời gian bên gia đình dài thêm một chút. Dù cho chế độ ở mức cao nhất thì cũng không bù đắp lại được tình cảm và những phút giây được sum vầy bên gia đình. Ở những vùng xa xôi cách trở như thế nào, điều kiện đi lại khó khăn, mong cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho lao động đặc thù” - anh Tiệp chia sẻ.

Hà Vy

Hà Vy