“Kinh tế xanh” (Green Economy) là khái niệm đối lập với kinh tế nâu. “Xanh” ở đây mang nghĩa là tốt cho môi trường và cả con người. Hiện nay, kinh tế xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Kinh tế xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, kinh tế xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu. |
Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, được gọi là “Kinh tế nâu”. Khái niệm “Kinh tế nâu” (Brown Economy) là quá trình phát triển kinh tế rất phổ biến trong thời gian dài trước đây, đó là phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau. “Nâu” là để chỉ ô nhiễm môi trường và không hiệu quả về mặt sử dụng tài nguyên. Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) định nghĩa kinh tế nâu là “nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên”. “Kinh tế xanh” (Green Economy) là khái niệm đối lập với kinh tế nâu. “Xanh” ở đây mang nghĩa là tốt cho môi trường và cả con người. Hiện nay, kinh tế xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. kinh tế xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, kinh tế xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu. |
khái niệm về kinh tế xanh vàkinh tế tuần hoàn |
Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động. Bởi Việt Nam có chất lượng nguồn nhân lực cao và đặc biệt là lao động chất xám của Việt Nam tương đối tốt so với các nước trong khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã và đang triển khai và cụ thể hóa tăng trưởng xanh thông qua "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” {1}. Kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững. |
1. Một trang trại nhà kính ở tỉnh Lâm Đồng áp dụng các giải pháp IoT của MimosaTEK. Ảnh: MimosaTEK. |
Cho đến nay, định nghĩa của UNEP được coi là chính xác và đầy đủ nhất về Kinh tế xanh: “Là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội”. Một lĩnh vực quan trọng của kinh tế xanh là “Kinh tế tuần hoàn”. Nền kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận mới mẻ đối với vòng đời của các sản phẩm được sản xuất, bao gồm cả thiết bị. Thay vì tạo ra một sản phẩm, sử dụng rồi vứt bỏ, người ta đề xuất sử dụng lại sản phẩm đó và gọi là kinh tế tuần hoàn. Thay vì sản xuất các sản phẩm dùng một lần, các công ty sử dụng mô hình chuỗi giá trị khép kín sẽ tái sản xuất các bộ phận đã qua sử dụng hoặc nấu chảy lại nguyên liệu để đưa chúng trở lại dạng ban đầu, để có thể tái sử dụng được - trong một số trường hợp, ngay cả trong một ngành sản xuất hoàn toàn khác. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hiện đại. Bằng cách này, các công ty có thể chi ít tiền hơn cho nguyên liệu thô, góp phần bảo vệ môi trường và giảm tác động của biến động giá cả trên thị trường. Khi chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, chi phí nguyên vật liệu giảm, thị trường mới xuất hiện, đối thoại với khách hàng được cải thiện, lòng trung thành của khách hàng tăng lên, sản phẩm mới được phát triển, mô hình kinh doanh cạnh tranh được tạo ra, uy tín thương hiệu được cải thiện (Hình 1). |
Mục đích giảm tải cho môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, hiệu quả năng lượng và xử lý các thành phần độc hại, vật liệu tái sử dụng tạo nên sản phẩm và quy trình mới, hóa chất và nguyên liệu thô mới, bao gồm việc tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, các phương pháp mới để giảm chất thải và xử lý, tái sử dụng và tái chế chất thải, các phương pháp mới giúp giảm tiêu thụ năng lượng và các phương pháp mới, bao gồm cả nhiên liệu sinh học, để sản xuất năng lượng. |
Các nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động (atvslđ) TRONG NỀN KINH TẾ XANH VÀ KINH TẾ TUẦN HOÀN |
Trong nền kinh tế xanh, NLĐ ngoài việc phải tiếp xúc với những rủi ro truyền thống đã biết ở nơi làm việc (rủi ro vật lý, hóa học, sinh học...), mà có thể sẽ phải đối mặt với những mối nguy hiểm mới liên quan đến việc áp dụng các công nghệ mới (ví dụ: công nghệ nano, công nghệ sinh học, AI,..), các hóa chất mới, nhất là các nguyên tố hiếm và các mô hình tổ chức công việc mới. Áp dụng kinh tế xanh, trong đó có kinh tế tuần hoàn, giảm tải cho môi trường và phát triển các quy trình thân thiện với môi trường, tuy nhiên lại dẫn đến các vấn đề mới về an toàn hoặc sức khỏe nghề nghiệp cho NLĐ và đôi khi cũng nghiêm trọng. |
Trong kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải như các sản phẩm điện tử là một quá trình rất phức tạp. Để có thể tái chế vật liệu, vật liệu phải càng tinh khiết càng tốt, nên đòi hỏi phải tháo dỡ thủ công, có thể dẫn đến việc tạo ra nơi làm việc có ecgonomi kém. Ngoài ra, việc tiếp xúc với các nguyên tố hiếm và các rủi ro liên quan đến việc tiếp xúc với các chất này cũng là vấn đề đối với sức khỏe NLĐ. |
A2: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ảnh: nongnghiep.vn |
2.1. Nguy cơ rủi ro trong việc sản xuất năng lượng xanh Trong nền kinh tế xanh, để phát triển bền vững, không thể thiếu được việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hay còn gọi là năng lượng xanh, là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tự nhiên không giới hạn hoặc tái tạo được trong quá trình ngắn so với thời gian mà nó được sử dụng, như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện,... Năng lượng xanh không chỉ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường so với các nguồn năng lượng truyền thống như than và dầu mỏ, mà còn giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm rủi ro của biến động giá năng lượng. |
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Sản xuất Pin VinES (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu với mức độ tự động cao (trên 80%). Hầu hết các công đoạn đều sử dụng các loại robot tân tiến nhất, thay thế người lao động. Ảnh: Thạch Quý. |
Việc sử dụng điện gió góp phần bảo vệ môi trường tương đối lớn, nhưng lại gây ra một số tác hại nhỏ cho môi trường và con người, như: Các turbin gió với tần số rung động thấp có thể làm rung động các công trình cách xa đến 100m (có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của cây trồng trong phạm vi 300m); mức độ ồn của tua bin gió (tiếng ồn cơ học và tiếng ồn khí động, ở khoảng cách 350m có độ ồn 35÷45 dBA, ở gần trục cánh quạt của các tua bin gió công suất lớn, độ ồn có thể vượt 100 dBA)... Trong hoạt động bảo dưỡng, NLĐ có khả năng tiếp xúc với nhựa, styren và dung môi, khí, hơi và bụi độc hại hoặc các rủi ro về thể chất liên quan đến việc xử lý thủ công trong quá trình sản xuất và bảo trì cánh quạt; thương tích do tiếp xúc với các bộ phận chuyển động và vật rơi; nguy cơ ngã cao khi leo lên bên ngoài đỉnh tuabin gió, nguy cơ rối loạn cơ xương khi sửa chữa bên trong hộp động cơ. Đối với quá trình lắp đặt, bụi và khói từ thủy tinh, chất làm cứng và cacbon có thể gây ra các vấn đề phổ biến liên quan đến sức khỏe bao gồm viêm da, chóng mặt, buồn ngủ, tổn thương gan và thận, phồng rộp, bỏng hóa chất và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản; ngoài ra còn có nguy cơ có thể bị tác động ảnh hưởng của một số hợp chất hóa chất trong máy phát điện khi sửa chữa, bảo dưỡng (ví dụ chất neodym (Nd) khi khai thác tách từ đất hiếm để tạo hợp chất NdFeB dùng trong máy phát điện để sót lại các chất phóng xạ uran và thorium có thể nguy hiểm đến sức khỏe con người). Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Danh Lam. Trong lĩnh vực điện sinh khối, việc sử dụng nhiên liệu sinh học để sản xuất năng lượng cũng dẫn đến mức độ phơi nhiễm vi sinh vật cao, ví dụ: trong việc xử lý dăm gỗ, than bùn và rác thải sinh hoạt để đốt và sản xuất năng lượng. Vi sinh vật có thể gây ra các triệu chứng hô hấp và bệnh tật, như bệnh ODTS (hội chứng nhiễm độc bụi hữu cơ), gây ra các triệu chứng viêm phế nang trong phổi do quá mẫn cảm với bụi hữu cơ hít phải. Mặc dù được coi là một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường, nhưng việc sản xuất điện từ sinh khối thải ra các chất gây ô nhiễm vào không khí, chẳng hạn như carbon dioxide, nitơ oxit, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi…; nhược điểm chính của năng lượng sinh khối xuất phát từ những lo ngại rằng nó vẫn là một loại nhiên liệu giải phóng khí thải. Đối với điện mặt trời, trong quá trình sản xuất và lắp đặt các tấm pin điện, sức khỏe của NLĐ có thể bị ảnh hưởng xấu bởi nhiều loại hóa chất và vật liệu. Đặc biệt nguy hiểm trong sản xuất tế bào quang điện là các hóa chất ăn da như axit hydrocuoric (HF) được sử dụng để làm sạch các tấm silicon và khí silan (SiH4) cực kỳ dễ cháy và dễ nổ. Các tế bào quang điện thế hệ mới, dựa trên camium Telluride, mối nguy hiểm chính cho NLĐ là độc tính và khả năng gây ung thư của cadmium. Trong quá trình lắp đặt, bảo trì và tháo dỡ, các mối nguy hiểm chính liên quan đến làm việc trên cao, bao gồm: vật rơi; té ngã, trượt chân do ngói tráng men trơn trượt hoặc ngói có bám tảo, rêu trên bề mặt mái nhà; độ dốc mái lớn; mái nhà dễ vỡ; rễ cây bị giòn hoặc hư hỏng. Ngoài ra, nguy cơ rối loạn cơ xương (MSD) cũng có thể xảy ra do sự gia tăng trong việc xử lý tải trọng và các rủi ro về ecgonomi. Các điều kiện thời tiết bất lợi như nhiệt độ khắc nghiệt làm tăng nguy cơ bị stress do gió hoặc nóng. Tiếp xúc với bức xạ mặt trời có thể dẫn đến bỏng nắng, rối loạn thị lực và một số loại ung thư (U da, U tế bào đáy). Thủy điện xuất hiện cách đây gần 150 năm và trở thành niềm hy vọng của nhân loại trên nhiều phương diện, đặc biệt là cung cấp nguồn năng lượng tái tạo và tương đối sạch (ngày 30/9/1882, nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới đã đi vào hoạt động trên sông Fox,Wisconsin, Mỹ). Bằng cách sử dụng nguồn nước thay vì các loại nhiên liệu hoá thạch, thuỷ điện giảm bớt ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, làm việc trong nhà máy thủy điện cũng gặp một số nguy cơ rủi ro chuyên biệt, bên cạnh những nguy cơ như trong một xưởng sản xuất. Năm 2009, một vụ tai nạn đã xảy ra tại nhà máy thủy điện ở Khakassia, Nga, nơi sự cố lớn của turbine đã gây tai nạn và làm chết 75 NLĐ. Sảnh tua bin và phòng máy bị ngập nước, trần của sảnh tuabin bị sập và 9 trong số 10 tuabin bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Nhà máy thủy điện Taum Sauk, Missouri, Hoa Kỳ cũng chứng kiến một sự cố dẫn đến năm người bị thương và thiệt hại vĩnh viễn cho cảnh quan xung quanh, nguyên nhân của sự cố này đã được xác định là do lỗi quản lí ATVSLĐ nên đã bỏ qua các lỗi kỹ thuật. Thực tế cho thấy, làm việc trong các nhà máy thủy điện có nguy cơ tiềm ẩn cao đối với sức khỏe và tính mạng của con người cũng như môi trường. Do đó, trong các nhà máy thủy điện cần phải có hệ thống quản lý ATVSLĐ cao. Trong bảng 1 cho thấy những nguy cơ rủi ro nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng xanh. |
2.2. Nguy cơ rủi ro trong sản xuất sạch hơn và tái chế rác thải Trong kinh tế tuần hoàn, do công nghệ mới xuất hiện với các vật liệu mới, chưa được nghiên cứu đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến việc NLĐ gặp phải những rủi ro không xác định được trước. Một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Anh (HSE) năm 2016 cho thấy, mối nguy hiểm nghề nghiệp chính trong lĩnh vực tái chế cho các khu công nghiệp kinh tế tuần hoàn là xử lý thủ công nặng nhọc và tiếp xúc với khí dung sinh học, kim loại nặng và các chất ô nhiễm hữu cơ gây ra các triệu chứng về mắt, mũi, họng và hô hấp có nguồn gốc độc hại, kích ứng hoặc dị ứng. Chức năng phổi có dấu hiệu bất thường, phản ứng quá mức của phế quản và tăng các dấu hiệu viêm trong dịch mũi, đờm hoặc huyết thanh gây ra bệnh hen suyễn và bệnh nhiễm trùng phổi (aspergillosis). Một nghiên cứu trong lĩnh vực tái chế kim loại, pin, cáp và dây điện cho thấy NLĐ phơi nhiễm với các hạt kim loại nặng, axit, kiềm, lithium ion, đặc biệt là chì, thủy ngân. Kết quả 75% NLĐ phải tiếp xúc với bụi từ quá trình phân loại chất thải trước khi tái chế. 45% NLĐ xuất hiện các triệu chứng như nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc viêm phế quản; 15% NLĐ bị nghi ngờ bị lao phổi,.. Cánh đồng điện gió ở Thạnh Phú (Bến Tre). Ảnh: Tấn Đạt 2.3. Nguy cơ rủi ro của nền kinh tế số đối với sức khỏe và an toàn Do quá trình số hóa và tự động hóa ngày càng tăng trong nền kinh tế tuần hoàn, rủi ro vật chất đang giảm dần trong tất cả các lĩnh vực, trong khi rủi ro tâm lý xã hội ngày càng gia tăng (ví dụ do làm việc đơn độc, áp lực thực hiện công việc). Do trong nền kinh tế số, NLĐ làm việc độc lập nhiều, kết cấu tập thể và tổ chức đại diện không rõ ràng, dẫn đến tổ chức không thể chịu trách nhiệm về ATVSLĐ. Rủi ro về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng và không có đủ hệ thống bảo vệ cho NLĐ tự do và NLĐ có hợp đồng lao động không theo tiêu chuẩn.Việc số hóa thường không đồng đều trên mỗi một lãnh thổ quốc gia, gây khó khăn cho việc trao đổi thông tin liên quan đến sức khỏe và an toàn của NLĐ. 3. Các giải pháp kiểm soát rủi ro trong kinh tế xanh Từ tháng 5/2013 đến thánh 3/2014, Viện Y học Lao động và Môi trường, Dịch tễ học và Vệ sinh (DiMEILA) thuộc cơ quan Bảo hiểm lao động Ý (INAIL) đã tiến hành dự án “Bảo vệ sức khỏe NLĐ trong lĩnh vực kinh tế xanh” do WHO tài trợ, đã tiến hành tham vấn các chuyên gia kỹ thuật, ATVSLĐ và môi trường đại diện cho 61 cơ quan liên quan đến ATVSLĐ ở Ý (các hội nghề nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp xanh, các trường đại học, viện nghiên cứu và chuyên gia khoa học) để thu thập nhận thức của họ về tác động ảnh hưởng của việc làm xanh đối với ATVSLĐ, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Kỹ sư Thái Khắc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xã hội Dấu chân xanh - doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thương mại chất lượng từ vỏ đồ hộp. Ảnh: thanhnien.vn. Về câu trả lời, điều đáng chú ý có 27,2% nhà chuyên môn tin rằng năng lượng tái tạo - khi so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống - gây ra những rủi ro mới không thể quản lý được bằng các phương pháp quản lý rủi ro hiện tại. Phần lớn người trả lời (38,2%) khẳng định những rủi ro mới này trên thực tế có thể được quản lý bằng các quy trình hiện hành; 37,3% số người trả lời khác cho rằng năng lượng tái tạo kéo theo các loại rủi ro giống như các nguồn năng lượng truyền thống, dù sao cũng cần các quy trình quản lý rủi ro mới. Xem xét các rủi ro ATVSLĐ liên quan đến các nguồn năng lượng bền vững khác nhau, 41,2% cho biết tất cả đều có rủi ro, nhưng ở mức độ thấp. Rủi ro trung bình được xác định đối với địa nhiệt (47,1%), thủy điện (44,1%) và điện sinh khối (38,2%). Theo nhiều cơ quan chuyên môn về ATVSLĐ ở EU, các giải pháp được đề ra: dự đoán rủi ro ATVSLĐ trong quá trình lập kế hoạch và hệ thống quản lý rủi ro đặc biệt được coi là biện pháp chính cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của NLĐ trong lĩnh vực kinh tế xanh, trong đó quan trọng nhất là việc phải đánh giá và dự báo được các nguy cơ và đánh gía được mức độ rủi ro khi áp dụng các công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn trong kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn Trên cơ sở đó, xin đề xuất một số giải pháp đón đầu để bảo vệ sức khỏe NLĐ ở nước ta như sau: Một là, nghiên cứu xây dựng các hướng dẫn ATVSLĐ khi triển khai kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn qua tham khảo kinh nghiệm các nước; Hai là, nâng cao kỹ năng ATVSLĐ để biết tự bảo vệ mình của NLĐ trong kinh tế xanh; Ba là, các cơ quan nghiên cứu cần xúc tiến nghiên cứu các nguy cơ rủi ro do kinh tế xanh gây ra. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát tai nạn trong sản xuất xanh dựa trên quá trình điều tra thu thập dữ liệu; Bốn là, định kỳ tiến hành đánh giá rủi ro cho các khâu sản xuất của kinh tế xanh và thảo luận về các vấn đề mới nảy sinh; Năm là, phát hành các trang tin dành cho các chuyên gia ATVSLĐ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nội dung ATVSLĐ trong lĩnh vực kinh tế xanh; Sáu là, đưa các kiến thức ATVSLĐ trong lĩnh vực kinh tế xanh vào trường học, các lớp tập huấn và chương trình đào tạo việc làm; Bảy là, thông tin tuyên truyền rộng rãi về ATVSLĐ trong lĩnh vực kinh tế xanh. 4. Kết luận Mặc dù ngày nay, trong chiến lược phát triển bền vững, người ta chú trọng nhiều đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhưng các vấn đề về an toàn và sức khỏe NLĐ liên quan vẫn hiếm khi được giải quyết, còn chậm trễ trong việc đánh giá các rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe và an toàn của NLĐ trong việc áp dụng các công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn mới. Lực lượng lao động khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng suất lao động. Bảo vệ sức khỏe NLĐ thông qua việc tiếp cận việc làm bền vững, chú trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe góp phần vào sự phát triển bền vững và năng suất của NLĐ. Đảm bảo rằng tất cả công việc, bao gồm cả công việc trong nền kinh tế xanh, đều là công việc bền vững, an toàn và lành mạnh là điều cần thiết để cải thiện chất lượng điều kiện làm việc cho NLĐ. Hơn lúc nào hết, các viện nghiên cứu, trường đại học có liên quan cần phải đánh giá một cách có hệ thống các yếu tố nguy cơ rủi ro liên quan đến bất kỳ công nghệ mới, sản phẩm mới hoặc quy trình phát triển mới nào, không chỉ ở giai đoạn đầu mà trong suốt vòng đời của nó, bao gồm lập kế hoạch, sản xuất, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo trì, phá dỡ và thải bỏ... Chú thích: 1}Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Tài liệu tham khảo:
|
GS.TS Lê Vân Trình Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam Đồ họa: Hà Vy |