e magazine
17:51 | Thứ ba, 08/08/2023
Lương tối thiểu vùng 2024: Chưa đề xuất phương án cụ thể

17:51 | Thứ ba, 08/08/2023

Ngày 8/8, đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, đến thời điểm này, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể sang Hội đồng Tiền lương Quốc gia như các năm trước đây.

Lương tối thiểu vùng 2024: Chưa đề xuất phương án cụ thể

Ngày 8/8, đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, đến thời điểm này, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể sang Hội đồng Tiền lương Quốc gia như các năm trước đây.

Trước đàm phán lương tối thiểu vùng 2024: 75% lao động lương không đủ sốngBà Nguyễn Thị Thúy Hồng, công nhân Công ty May 10 chia sẻ tại Diễn đàn NLĐ năm 2023 về tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra rất phổ biến khiến cho hàng triệu công nhân lao động thiếu hoặc mất việc làm, dẫn đến thu nhập thấp, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhiều công nhân, lao động vướng vào “tín dụng đen”. Ảnh: VOV

gẦN 20% nlđ được khảo sát phải thường xuyên vay nợ

Theo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động (NLĐ) năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam công bố vào sáng ngày 8/8, đời sống, tiền lương, việc làm của NLĐ đang chịu tác động rất lớn của tình trạng giảm đơn hàng, giảm việc làm.

Khảo sát do Ban Chính sách Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện, tiến hành tại 6 tỉnh, chủ yếu ở vùng lương 1 với tổng số gần 3.000 NLĐ.

TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, qua khảo sát cho thấy, chỉ có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cuộc sống; 75,5% NLĐ cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu. 11,2% NLĐ cho biết không thể đủ sống và ngoài thời gian là việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Trước đàm phán lương tối thiểu vùng 2024: 75% lao động lương không đủ sốngChị H’Chuyên Niê - công nhân Nông trường cao su Cuôr Đăng đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, có giải pháp tiếp tục cải thiện lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mức lương tối thiểu vùng để NLĐ nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: VOV

Tiền lương thấp khiến 17,3% NLĐ được khảo sát phải thường xuyên vay nợ. Tiền lương eo hẹp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình, quyết định có con của NLĐ. Có 17,6% NLĐ không sống cùng con dưới 18 tuổi; chỉ 37,7% NLĐ động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.

Về góc độ chăm sóc sức khoẻ, có 46,5% NLĐ cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh; 6,3% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh; 6,5% NLĐ cho biết vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi…

Triển khai thực hiện Nghị định số 38/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng, có 23,4% doanh nghiệp khi xác định mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp đã cắt bỏ 2 khoản phụ cấp nặng học độc hại (5%) và phụ cấp đào tạo (7%), dẫn đến tăng lương tối thiểu nhưng thu nhập thực tế của NLĐ không tăng.

Trong số gần 3.000 NLĐ tham gia khảo sát, có 12,3% đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần (số lần rút trung bình là 1,13 lần), trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.

Tình hình, đời sống việc làm, tiền lương của NLĐ là căn cứ quan trọng trong quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.

Lương tối thiểu vùng 2024: Chưa đề xuất phương án cụ thểNLĐ rút bảo hiểm xã hội một lần ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Duy

nhiều vấn đề cần xem xét trước đàm phán lương tối thiểu vùng

Dự kiến ngày 9/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia bước vào phiên họp chính thức đầu tiên để thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024. Bối cảnh diễn ra đàm phán năm nay được cho là có nhiều yếu tố để các bên xem xét, cân nhắc, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 do Navigos Group - nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam được thực hiện từ khảo sát ý kiến của hơn 1.000 NLĐ và 500 doanh nghiệp trên thị trường, tại các ngành trong lĩnh vực sản xuất cho thấy:

Có 58% NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất công nghiệp bị cắt giảm từ 30 đến 50% tổng tiền lương. Có 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 - 30% tổng lương, chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương. Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.

Ứng phó với khó khăn, có 60% NLĐ tham gia khảo sát cho biết, họ chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt, 37% NLĐ cho biết phải làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% NLĐ được hỏi cho biết chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.

Có tới 39% doanh nghiệp đều dự đoán sẽ mất đến 12 tháng hoặc thậm chí hơn 12 tháng thị trường mới có thể phục hồi trở lại. Chỉ có 8% đơn vị cho rằng, kinh tế sẽ phục hồi sau 3 tháng.

Theo đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam, đời sống NLĐ đang hết sức khó khăn, mức lương tối thiểu chưa đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu.

Đối với ngành Dệt may - ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng cũng chủ yếu dựa trên việc gia công, lấy tiền công, tiền lương là chính nên dù kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn thì hiệu quả vẫn chỉ dừng lại ở việc đảm bảo việc làm cho NLĐ với mức thu nhập trung bình.

Với các doanh nghiệp ngành Dệt may, đây là giai đoạn hết sức khó khăn. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may giảm gần 20% tương đương gần 4 tỷ đô la. Theo tính toán, cứ mỗi tỷ đô la xuất khẩu giải quyết việc làm cho nhiều nghìn lao động chính thức trong ngành Dệt may. Với khoảng 4 tỷ đô la sụt giảm như kể trên, có hàng trăm nghìn NLĐ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó có sự dịch chuyển đơn hàng sang nước khác và sự cạnh tranh về giá hết sức gay gắt. 6 tháng đầu năm 2023, đơn giá giảm trên 30% liên quan đến tiền lương của NLĐ. Đơn giá gia công giảm, nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thì chưa chắc thu nhập thực tế của NLĐ chưa chắc đã tăng.

"Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng lần này cân nhắc, tính toán trên cơ sở đảm bảo đủ trượt giá để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn" - đại diện Công đoàn Dệt may cho biết.

Lương tối thiểu vùng 2024: Chưa đề xuất phương án cụ thể
Lương tối thiểu vùng 2024: Chưa đề xuất phương án cụ thể
TS. Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phát biểu tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023. Ảnh: Tất Thảo Đại diện Công đoàn Dệt may nêu ý kiến. Ảnh: Tất Thảo

CHƯA ĐỀ XUẤT MỨC TĂNG CỤ THỂ

Đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, cho đến thời điểm này, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể sang Hội đồng Tiền lương Quốc gia như các năm trước đây.

Với vai trò đại diện NLĐ, tổ chức Công đoàn đã chuẩn bị số liệu, trong đó có công bố khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023; lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ công đoàn…

Có những thông số cần quan tâm như thông số thu nhập của NLĐ không đảm bảo được nhu cầu chi tiêu tối thiểu của họ tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng, tiền thuê nhà, tỷ lệ phi lương thực, thực phẩm. Hiện nay, đời sống của NLĐ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố để thương lượng tiền lương là khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Liên quan đến ý kiến nhiều doanh nghiệp đề xuất lùi thời điểm tăng lương, đồng chí Lê Đình Quảng cho biết, đây cũng là nội dung các bên cần lưu tâm trong quá trình đàm phán. Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng có mức tăng 6% so với trước đó. Thời điểm triển khai thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn, một bộ phận lớn doanh nghiệp đáp ứng được mức tăng lương 6% và NLĐ cảm thấy phù hợp.

"Năm nay, trong bối cảnh khó khăn cần đưa ra nhiều phương án nên chúng tôi không nêu mức đề xuất cụ thể mà trong quá trình thương lượng, các thành viên của tổ chức Công đoàn trên cơ sở thông tin đã chuẩn bị sẽ thống nhất với nhau để đề cập mức tăng lương" - đồng chí Lê Đình Quảng cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần được xem xét một cách hài hòa, vừa có ý nghĩa động viên NLĐ, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng, nhu cầu chi tiêu của NLĐ tăng lên do đó cần xem xét điều chỉnh tăng lương một cách kỹ lưỡng.

Thời gian tới, tiền lương tối thiểu cần làm đúng chức năng là mức thấp nhất bảo vệ những người yếu thế và căn cứ các bên thương lượng tiền lương. Công đoàn phải nâng cao năng lực thương lượng, thương lượng trực tiếp bằng tiền lương, thỏa ước lao động tập thể hay quy chế xây dựng thang lương, bảng lương.

Bài: HÀ VY

HÀ VY