Công ty Than Thống Nhất diễn tập tình huống ứng cứu sự cố cháy nổ trong hầm lò. Ảnh: Công ty Than Thống Nhất |
Từ vụ 4 công nhân tử vong tại Công ty Than Thống Nhất:
Nhận biết nguy cơ đe dọa tính mạng, sức khỏe thợ mỏ để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả |
Ngành Than ở Quảng Ninh từng xảy ra nhiều vụ cháy khí mê - tan gây ra tai nạn thảm khốc. Mới đây nhất, 4 công nhân của Công ty Than Thống Nhất - TKV đang làm nhiệm vụ đào lò thì bất ngờ khí mê - tan bùng cháy dẫn đến tử vong. Câu hỏi nhức nhối đặt ra là cần có những biện pháp gì để phòng ngừa hiểm họa cháy nổ khí mê - tan? |
KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TỪ VỤ NỔKHÍ MÊ - TAN |
Vụ 11 công nhân thương vong tại Công ty Than Thống Nhất sáng ngày 3/4 tại Công ty Than Thống Nhất (đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) tiếp tục gióng lên những nguy cơ tai nạn lao động trong ngành Than. Báo cáo của Công ty cho thấy: vào thời gian làm việc của ca 3, ngày 02/4/2024, tại Công ty Than Thống Nhất , Quản đốc Nguyễn Trọng Tùng phân công Phó Quản đốc Trương Văn Quý chỉ đạo điều hành sản xuất. Phó Quản đốc Trương Văn Quý phân công công việc cho 06 nhóm lao động làm các công việc tại các vị trí khác nhau. Trong đó, nhóm số 4 thực hiện công việc đào tiến gương lò XV5-140 số 2 gồm có 11 lao động, chỉ huy trực tiếp tại vị trí thi công này là Tổ trưởng sản xuất Cao Văn Tăng. Sau khi nhận lệnh xong, nhóm công nhân vị trí đào gương lò XV5-140 số 2 vào vị trí thi công thực hiện công việc. Sau 50 phút làm việc, gương lò XV5-140 số 2 đã đào được 240m/380m, diện tích 23m2, chống thép SVP-27, bước chống 0,5m/vì. Đến 00 giờ 20’ ngày 03/4 thì lò XV5-140 số 2 xảy ra sự cố. Được biết, thời gian qua, vào dịp Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Công ty Than Thống Nhất - TKV đã phối hợp với Trung tâm An toàn Mỏ tổ chức khóa đào tạo an toàn, trình diễn cháy nổ khí mê - tan và nổ bụi than cho cán bộ và công nhân thường xuyên làm việc trong hầm lò. Cán bộ, công nhân viên được nghe giới thiệu về nguy cơ cháy nổ khí mê - tan và nổ bụi than, hậu quả và cách phòng ngừa, thông tin về một số vụ tai nạn cháy nổ khí mê tan, nổ bụi than trên thế giới và ở Việt Nam; các nguyên nhân và hậu quả khôn lường mà một vụ cháy nổ khí có thể gây ra; các biện pháp phòng chống. Cán bộ, công nhân viên được chứng kiến phần trình diễn cháy nổ khí mê tan, nổ bụi than trên mô hình do Trung tâm An toàn mỏ thực hiện. Từ đó, cán bộ, công nhân thường xuyên làm việc trong hầm lò nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc cháy nổ khí và bụi than, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật an toàn, các quy trình, quy định để hạn chế mức thấp nhất tai nạn lao động và sự cố có thể xảy ra, đặc biệt là ngăn chặn hiểm họa cháy nổ khí mê - tan và nổ bụi than trong hầm lò. Sau khi xảy ra sự cố khiến 11 công nhân thương vong, Công ty đã phổ biến đến người lao động chi tiết vụ việc, rút kinh nghiệm đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất. Đồng thời, chuyên môn phối hợp Công đoàn tăng cường tuyên truyền phổ biến, ổn định tâm lý với người lao động trong toàn Công ty. Đến thời điểm hiện tại, lao động trong công ty đã tham gia sản xuất ổn định, tỷ lệ lao động huy động đi làm khá cao. |
Người lao động trong ngành Than phải làm việc trong môi trường vất vả, nguy hiểm
và thường xuyên tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động. Ảnh: T.V.Lý
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh thăm công nhân bị thương
trong vụ nổ tại Công ty Than Thống Nhất đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn lao động nói trên là khí mê - tan sinh ra trong các vỉa than gây ra cháy nổ. Trước vụ cháy nổ khí mê - tan tại Công ty Than Thống Nhất, ngành Than ở Quảng Ninh đã từng xảy ra vụ cháy khí mê - tan gây ra sự cố thảm khốc khác. Có thể kể đến như: vào tháng 5/2019, tại Công ty Than Hạ Long xảy ra vụ cháy khí mê - tan khiến 2 công nhân tử vong, 3 công nhân bị thương. |
hiểm hoạ tiềm ẩnvà đề xuất giải phápphòng ngừa |
Theo TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (KHATVSLĐ), đặc thù của ngành Công nghiệp Than và khoáng sản, trong đó có khai thác than hầm lò là có số lượng lớn người lao động làm nghề, công việc việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Đặc biệt hơn nữa, đối với khai thác than lò chợ và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong mỏ hầm lò, các nguy cơ lớn nhất đe dọa tính mạng sức khỏe người thợ mỏ gồm: Hiểm họa cháy nổ khí mê - tan và nổ bụi than: Đây là một trong những mối nguy hiểm nhất trong ngành Công nghiệp khai thác mỏ. Tai nạn trong thăm dò khai thác các loại khoáng sản bằng hầm lò luôn tiềm ẩn nguy hiểm và thảm khốc. Đặc biệt, tai nạn do cháy nổ khí mê - tan trong hầm lò khai thác than được đánh giá là khủng khiếp hơn tai nạn bục nước, sập hầm lò do cơ hội sống sót của các thợ lò ít hơn nhiều lần. Ngoài sức ép của vụ nổ, sức nóng của nhiệt độ lên tới cả ngàn độ C trong thời gian rất ngắn thì sự cố cháy, nổ khí mê - tan còn gây ra chất kịch độc. Ngoài ra còn áp lực mỏ, hay nói cách khác là sự nén trên nóc lò, bên hông lò và cả từ dưới nền lò, tùy thuộc vào độ bền vững của đất đá xung quanh đường lò thế nào. "Khi bạn đào một đường lò thì đất đá xung quanh đường lò gây sức nén vào khoảng trống bạn vừa đào, nếu bạn không kịp thời chống giữ thì nó có thể sập xuống từ nóc, nở ra từ hông lò hay đẩy từ phía nền lò lên. Hiểm họa nước mỏ, ít có mỏ than hầm lò nào mà lại không phải đối phó với hiểm họa nước mỏ. Hiểm họa nước mỏ trước hết là sự cố bục nước gây ngập mỏ, gây sập lò làm chết người. Hiểm họa cháy mỏ, cháy mỏ là hiểm họa khủng khiếp chẳng kém gì nổ khí mê - tan hay một bục nước trong hầm lò. Cháy mỏ có thể xảy ra từ nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh. Nội sinh tức là không cần có lửa mà nó vẫn tự cháy được, ngoại sinh thì phải có nguồn lửa mới mới gây cháy trong điều kiện thích hợp. Có một số loại than có tính tự cháy" - TS. Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh về nguy cơ rủi ro trong khai thác than hầm lò. Ảnh minh họa. ST |
Phân tích về nguy cơ rủi ro do cháy nổ khí mê - tan trong khai thác than hầm lò, PGS.TS Nguyễn An Lương - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện trưởng Viện KHATVSLĐ chia sẻ với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn: "Khí mê - tan là một trong những loại khí độc hại, có nguy cơ gây cháy nổ cao. Tại các hầm lò khai thác than, khí mê - tan tích tụ trên nóc lò hoặc những khoảng trống không được thông gió được tạo ra song song với quá trình khai thác khoáng sản. Khi khí mê - tan ở nồng độ 2% nếu có tia lửa sẽ xảy ra cháy. Khi nồng độ trên 4%, nếu có tia lửa sẽ phát ra nổ, trong khi chỉ cần đá chạm vào nhau, hay có sự va chạm giữa các thiết bị trong hầm lò cũng có thể đủ phát ra tia lửa dẫn đến nguy cơ trên. Do đó, cần đặc biệt quan tâm tới công tác an toàn lao động, đặc biệt là công tác thông gió, đo khí, việc chấp hành các qui trình qui phạm an toàn... Qua theo dõi của chúng tôi, trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó có phòng ngừa nguy cơ cháy nổ khí mê - tan tiếp tục là vấn đề mà ngành Than phải tìm ra phương án khắc phục. Đề xuất giải pháp nhằm phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn, TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện KHATVSLĐ chia sẻ, để đảm bảo an toàn trong khai thác hầm lò, ngành Than đã có các qui định chặt chẽ đối với cán bộ, công nhân viên trong khi làm việc; đặc biệt chú trọng tới các thao tác do lượng khí mê - tan ngay tại cửa các đường lò và tại các nơi làm việc của công nhân để đảm bảo an toàn trước khi bước vào làm việc. Tuy nhiên, việc chấp hành qui trình, qui phạm an toàn ở một số đơn vị vẫn chưa được đề cao. Trước thực tế các mỏ than đang trong quá trình khai thác xuống sâu, điều kiện địa chất thủy văn - công trình rất phức tạp, càng xuống sâu điều kiện khai thác càng khó khăn… thì các đơn vị cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm hàm lượng khí mê - tan trong bầu không khí mỏ. Mặt khác, các đơn vị cần triệt tiêu mọi nguồn phát tia lửa dưới mỏ hầm lò. Bên cạnh đó, có biện pháp thông gió tốt đảm bảo hòa loãng hàm lượng khí mê - tan không nằm trong giới hạn cháy nổ. "Các phương pháp có thể triển khai để giảm nguy cơ cháy nổ khí mê – tan, bao gồm: Khoan tháo khí mê - tan trước khi khai thác vỉa than. Đây là phương pháp khoan tháo khí mê - tan trước khi khai thác vỉa than là sử dụng các lỗ khoan từ bề mặt đất đến các vỉa than chưa khai thác. Sau đó sử dụng thiết bị chuyên dụng lắp đặt tại miệng lỗ khoan tạo áp lực hút để hút khí mê - tan từ các vỉa than. Hoặc có thể sử dụng các phương pháp tạo áp lực đẩy để đẩy khí mê - tan thoát ra từ vỉa than. Khí mê - tan được thu hồi tại miệng lỗ khoan và đưa vào các hệ thống lưu giữ. Khoan tháo khí mê - tan trong quá trình khai thác và sau khi khai thác: các phương pháp khoan tháo khí mê - tan từ vỉa than ở trong và sau giai đoạn khai thác việc than tương đối đa dạng, tùy thuộc vào từng điều kiện kỹ thuật mỏ. Phương pháp thu hồi khí mê - tan từ luồng gió thải mỏ hầm lò: nhằm giảm lượng khí mê - tan phát thải vào bầu khí quyển thông qua hệ thống thông gió mỏ hầm lò" - TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết. TS. Nguyễn Anh Thơ cũng đánh giá, trong những năm gần đây, ngành Than đã đầu tư rất nhiều cho công tác an toàn lao động, nhờ đó các vụ tai nạn lao động đã giảm đáng kể. Năm 2017 là năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có số vụ tai nạn lao động và số người tử nạn vì lao động thấp nhất với 16 người chết. Tuy vậy, một số năm gần đây, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng với số người chết và bị thương lại có xu hướng tăng lên. “Dưới góc độ là người theo sát công tác an toàn, vệ sinh lao động của ngành Than nói riêng và ngành khai thác mỏ nói chung trong suốt gần 30 năm qua, tôi nhận thấy hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong ngành khai thác mỏ nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói riêng cần có sự thay đổi về tư duy và quản trị. Các doanh nghiệp cần áp dụng các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện mới của các mỏ, cũng như các yêu cầu từ chủ trương của Đảng pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng xã hội. Trong đó, cần nhất là thay đổi tư duy đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, đầu tư đảm bảo an toàn cho người lao động chính là đầu tư hữu hiệu và bền vững nhất cho sự phát triển thay vì tính chi phí như hiện nay. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị các rủi ro bằng nâng cao ý thức xây dựng văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động tại các mỏ khai thác khoáng sản”, đồng chí Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
|
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo khắc phục sự cố tai nạn lao động. Ảnh: TKV
Gia Hưng Đồ họa: Hưng Thịnh |