e magazine
10:06 | Thứ bảy, 29/04/2023
Nhiều ý kiến gửi tới Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắc

10:06 | Thứ bảy, 29/04/2023

Nhiều ý kiến gửi tới Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại chương trình đối thoại định kỳ năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/4. Trong phiên đối thoại năm 2023, có 5 nhóm nội dung vướng mắc được đề cập.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắc

Nhiều ý kiến gửi tới Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại chương trình đối thoại định kỳ năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/4. Trong phiên đối thoại năm 2023, có 5 nhóm nội dung vướng mắc được đề cập.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắcCác đại biểu tham dự chương trình đối thoại định kỳ năm 2023 của Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ. Ảnh: BLĐ

công tác atvslđ còn nhiều hạn chế

Đồng chí Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chương trình đối thoại.

Chương trình còn có sự tham dự của bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Hà Nội, lãnh đạo Cục An toàn lao động, Ban chỉ đạo ATVSLĐ các Bộ, ngành (Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam…) cùng lãnh đạo công đoàn một số tỉnh, thành phố, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắcĐồng chí Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ phát biểu tại chương trình đối thoại. Ảnh: BLĐ

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, đồng chí Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng đã chỉ ra những khó khăn về việc thực hiện Luật ATVSLĐ trong bối cảnh đất nước còn chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Kèm theo đó là những vấn đề liên quan đến tác động của việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn.

“Việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ), tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện NSDLĐ và các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Theo số liệu từ 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) (tăng 18,66% so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn và 754 người chết. Tổng chi phí thiệt hại ước tính hơn 14.100 tỷ đồng và hơn 143.000 ngày công. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực phi kết cấu.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết: “Số người chịu thiệt hại do TNLĐ và bệnh nghề nghiệp hằng năm trên thế giới vẫn còn khá cao. Song mọi đối tượng lao động đều xứng đáng có một nơi làm việc an toàn và lành mạnh, để giảm thiểu các rủi ro về thương tích và bệnh nghề nghiệp”.

Cũng theo bà Ingrid Christensen, vấn đề ATVSLĐ và bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc đã được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua như một nguyên tắc và quyền cơ bản của NLĐ. Vì vậy, NLĐ và các tổ chức sử dụng lao động có quyền được nêu lên những ý kiến và nguyện vọng về các vấn đề liên quan để bảo đảm quyền lợi của mình.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắcĐại diện các thành viên của Hội đồng tham gia chương trình đối thoại. Ảnh: BLĐ

NHIỀU VƯỚNG MẮC ĐƯỢC THÁO GỠ THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH ĐỐI THOẠI

Trong phiên đối thoại năm 2023, có 5 nhóm nội dung vướng mắc được đề cập. Đó là: nhóm ý kiến về quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; nhóm ý kiến về quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ; nhóm ý kiến về chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp; nhóm ý kiến về lĩnh vực khai báo, điều tra, báo cáo TNLĐ; nhóm ý kiến về lĩnh vực quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe NLĐ.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các đại diện cơ quan thành viên của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ thông báo kết quả giải quyết về phiên đối thoại năm 2022 và trả lời các nội dung đã được Ban Thư ký Hội đồng tổng hợp.

Ngoài ra, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các đại biểu tiếp tục đối thoại những vấn đề liên quan đến các chính sách mới được ban hành, đặc biệt tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và NLĐ.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắcĐại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nêu vướng mắc trong công tác ATVSLĐ của ngành. Ảnh: BLĐ

Sau phiên đối thoại năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Văn bản này nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành 3 thông tư theo thẩm quyền nhằm giải quyết đối với đề xuất tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ, đổi mới chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.

Đặc biệt, Nghị định về chính sách Bảo hiểm tự nguyện về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đã và đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng.

Các bộ, ngành khác cũng đồng loạt triển khai nội dung thúc đẩy công tác ATVSLĐ. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp. Bộ Công thương hiện đang xây dựng 11 quy chuẩn kỹ thuật an toàn. Hội Nông dân Việt Nam cũng đã ban hành nhiều hướng dẫn, tổ chức tập huấn về cải thiện điều kiện lao động cho nông dân.

Có thể thấy, qua 6 lần tổ chức các phiên đối thoại định kỳ ở cấp quốc gia, tính từ năm 2017 đến năm 2022, không ít nội dung đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, giúp nhiều doanh nghiệp giải đáp những thắc mắc và tháo gỡ các khó khăn.

Những động thái trên cho thấy nhiều chuyển biến tích cực của các bộ, ngành về việc thay đổi, chỉnh sửa những chính sách liên quan đến ATVSLĐ sao cho phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của NLĐ và các doanh nghiệp.

Ông Lê Mạnh Thường (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) kiến nghị: “Công việc của NLĐ làm trong ngành Than - Khoáng sản vốn rất đặc thù, nên việc tổ chức đào tạo để lấy các chứng chỉ hành nghề như quy định hiện nay khá khó khăn. Tập đoàn mong muốn sẽ được tạo điều kiện về việc chủ động huấn luyện nhân sự để thuận tiện hơn trong công tác sản xuất”.

Phản hồi về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho hay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan này cũng đã tham mưu với Chính phủ các quy định về huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành hóa chất theo hướng tự huấn luyện, hoặc kết hợp tổ chức với các hoạt động khác để tránh chồng chéo.

Nội dung này được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 9/10/2017. Theo đó, “hoạt động huấn luyện an toàn hóa chất có thể được tổ chức riêng hoặc kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định”.

Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp chủ động xem xét công tác tổ chức, đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ và an toàn chuyên ngành cho công, nhân viên theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ tháo gỡ vướng mắc
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị tháo gỡ 9 nội dung khó khăn của ngành Điện trong công tác ATVSLĐ. Ảnh: BLĐ

Ông Phạm Hồng Long - Trưởng Ban An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi tới Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ 9 nội dung, tập trung vào vấn đề huấn luyện chồng chéo khi một NLĐ ngành Điện phải tham gia nhiều chương trình huấn luyện như an toàn điện, ATVSLĐ, an toàn hoá chất, cứu hộ cứu nạn... Trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ bị TNLĐ trong quá trình làm việc khi được cử đến đơn vị khác làm việc. Quy định về cơ sở sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải có 1 bác sĩ, thời gian di chuyển đến vị trí NLĐ bị TNLĐ là 60 phút đối với ngành Điện còn vướng mắc do đặc thù địa hình vùng sâu, vùng xa khó di chuyển...

Bên cạnh đó, những vấn đề về tăng mức đóng Bảo hiểm TNLĐ với các nhóm nghề nguy hiểm, quy định về mức xử phạt đối với các đơn vị không khai báo TNLĐ, trình và xem xét khen thưởng của các tổ chức doanh nghiệp… cũng được đưa ra thảo luận tại phiên đối thoại.

Kết luận phiên đối thoại năm 2023, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: “Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại hôm nay sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và các thành viên Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong phiên họp thường kỳ sắp tới”.

Bài: HÀ VY

HÀ VY