e magazine
21:27 | Chủ nhật, 31/03/2024
Những định hướng về công tác ATVSLĐ trong thời gian tới (*)

21:27 | Chủ nhật, 31/03/2024

Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đến nay công tác này đã có bước tiến lớn...
Những điểm mới trong Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của Công đoàn (*)

Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đến nay công tác này đã có bước tiến lớn...

Công tác ATVSLĐ đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động đồng tình ủng hộ.

Kết quả đạt được

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ được nâng lên; công tác đảm bảo ATVSLĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tần suất tai nạn lao động chết người đã giảm, bình quân 4%/năm; công tác chăm sóc sức khỏe và cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ được quan tâm, số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ hằng năm tăng 2 lần.

Trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 NLĐ được chẩn đoàn mắc bệnh nghề nghiệp và có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp, giảm trên 50% so với giai đoạn trước.

Số mẫu quan trắc môi trường lao động trung bình trong năm có xu hướng tăng gấp 2 lần.

Có sự đổi mới tích cực về các nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATVSLĐ được mở rộng ở cả khu vực không có quan hệ lao động, chú trọng giới thiệu, nhân rộng các mô hình tốt, những cá nhân tiêu biểu có sáng kiến cải thiện điều kiện lao động.

Hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ được hoàn thiện kịp thời, đúng thẩm quyền, hợp hiến, hợp pháp, cơ bản đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách và đi vào cuộc sống, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh; chính sách mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động.

Những điểm mới trong Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của Công đoàn (*)Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác kiểm tra công tác ATVSLĐ tại xưởng sản xuất của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Ảnh: Bộ LĐ - TB và XH

Quốc hội thông qua 2 bộ luật, 8 luật có liên quan đến ATVSLĐ (Bộ luật Lao động, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật ATVSLĐ, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Dầu khí).

Chính phủ ban hành 17 nghị định, các Bộ ban hành 135 thông tư. Các địa phương ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và quyết định của UBND để tổ chức triển khai thực hiện.

Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ đã có sự chuyển biến rõ rệt, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATVSLĐ được củng cố tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; có sự phân công, phân cấp, ủy quyền, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Cơ chế, chính cách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác ATVSLĐ được đổi mới theo hướng ưu tiên cho các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Việc tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Có hơn 270.000 đề tài nghiên cứu, sáng kiến ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ về ATVSLĐ.

Những điểm mới trong Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của Công đoàn (*)Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam Ngô Minh Đạo, báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW với Đoàn công tác của Bộ LĐ - TB và XH. Ảnh: Bộ LĐ - TB và XH

Công tác thi đua khen thưởng ATVSLĐ được triển khai thực hiện và đi vào nề nếp. Nhiều doanh nghiệp xây dựng và áp dụng quy chế khen thưởng đột xuất về kiểm tra chấp hành công tác an toàn lao động như Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ đã được quan tâm, chú trọng. Một số trường đại học mở mã ngành đào tạo kỹ sư bảo hộ lao động, cử nhân bảo hộ lao động, thạc sĩ.

Chương trình huấn luyện được chuẩn hóa, làm cơ sở cho các tổ chức dịch vụ huấn luyện xây dựng nội dung huấn luyện phù hợp với thực tế, điều chỉnh phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ sản xuất trong từng lĩnh vực, nghề, công việc.

Tuy nhiên, một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa coi công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư cho công tác ATVSLĐ chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của nhiều NLĐ và người sử dụng lao động còn chủ quan, lơ là. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về ATVSLĐ còn chưa theo kịp quá trình phát triển sản xuất. Việc khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và điều trị, phục hồi chức năng lao động cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp; môi trường lao động, điều kiện lao động chưa được cải thiện. Công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ của doanh nghiệp, đơn vị chưa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ có nơi, có lúc còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi chưa quyết liệt, đồng bộ. Nguồn lực bố trí chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên.

Định hướng công tác ATVSLĐ trong

tình hình mới

Để thực hiện mục tiêu tiếp tục duy trì giảm tần suất tai nạn lao động chết người trung bình hằng năm là 4%; số người được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trung bình hằng năm tăng thêm 5%; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe NLĐ tốt hơn; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, công tác ATVSLĐ trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất về công tác ATVSLĐ; xác định công tác ATVSLĐ là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh đổi mới trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong việc chăm lo sức khỏe, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho NLĐ.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiện đại, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức khỏe cho NLĐ. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, thanh tra lao động, thanh tra ATVSLĐ các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ và kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý về ATVSLĐ.

Ba là, tăng cường nguồn lực, đầu tư cho công tác ATVSLĐ (bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động) gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đưa nội dung ATVSLĐ vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ATVSLĐ. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác xã hội hóa để huy động được các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp.

Những điểm mới trong Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của Công đoàn (*)Đồng chí Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam (thứ 3 từ phải sang) động viên người lao động. Ảnh: Hà Anh

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác ATVSLĐ. Chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người làm công tác ATVSLĐ, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Năm là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về ATVSLĐ; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác, đào tạo chuyên gia với các nước. Tiếp thu, tận dụng kinh nghiệm, nguồn lực quốc tế về ATVSLĐ, cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, công nghệ sản xuất, quản lý mới trong ATVSLĐ.

Những điểm mới trong Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của Công đoàn (*)Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ của ngành Dầu khí. Ảnh: CĐ

Ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN)cho biết, trong thời gian vừa qua, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW (về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế) và đạt được một số kết quả nhất định.

Trong bối cảnh mới, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và ký kết thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu về tuân thủ các tiêu chuẩn lao động, công tác ATVSLĐ cần phải được tăng cường nhiều hơn.

“Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, bên cạnh chất lượng hàng hóa, các nước nhập khẩu còn quan tâm sản phẩm đó phải không gây hại cho môi trường, không vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ.

Điều này đồng nghĩa với các tiêu chuẩn sẽ cao hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ. Đây là một trong những điểm mới của Chỉ thị 31.

Để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt đến công tác này, Công đoàn cần phải thực hiện tốt công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật, các quy định, trước hết là quy định của Luật ATVSLĐ. Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà các đơn vị xuất khẩu phải đảm bảo; vấn đề về môi trường…

An toàn lao động là lĩnh vực rất rộng, không chỉ là điều kiện làm việc của NLĐ mà còn là vấn đề tiết kiệm trong sử dụng nguyên liệu; vấn đề khám sức khỏe định kỳ, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro liên quan đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; đảm bảo quản lý hồ sơ của NLĐ ngay từ đầu vào…

Vì vậy, những yêu cầu về ATVSLĐ sẽ cao hơn và nhiệm vụ của Công đoàn là phải tăng cường nhiều hơn trong giám sát việc tuân thủ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn Việt Nam xác định 1 trong 3 khâu đột phá là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ.

Cùng với giám sát, có những nội dung cần phải đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động mới triển khai cụ thể được.

Ví dụ như các mức tiền lương trả cho giờ làm thêm, tiền cho bữa ăn ca, các quy định về độ dài thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, bố trí ca kíp; thời giờ nghỉ giải lao; ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, chế độ nghỉ hằng năm, mức bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, luật chỉ quy định mức tối thiểu, còn để đảm bảo quyền lợi của NLĐ thì cần phải thông qua đối thoại, thương lượng để thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp. Như vậy, Công đoàn cần phải thương lượng để NLĐ được hưởng mức cao hơn, phù hợp với điều kiện tại từng doanh nghiệp.

Ở góc độ phản biện xã hội như đề cập trong chỉ chị của tổ chức Công đoàn, khi tham gia chính sách về an toàn lao động, Công đoàn phải phản biện, góp ý. Trước khi phản biện, góp ý, Công đoàn phải nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, NLĐ để có được chính sách hợp lý.

Trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế, trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách mới được xây dựng. Công đoàn phải tăng cường phản biện khi xây dựng chính sách mới. Công đoàn phải tham gia vào quá trình này và phải tham gia ngay từ đầu và phải hiểu biết thì mới tham gia được.

TS. Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động

ThS. Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động

(* Tiêu đề do toàn soạn đặt)

TS. Hà Tất Thắng - ThS Chu Thị Hạnh (Cục An toàn lao động)