e magazine
10:17 | Thứ sáu, 20/05/2022
Những người thổi hồn vào đá

10:17 | Thứ sáu, 20/05/2022

Lao động trong bất cứ ngành nghề nào cũng có những nỗi cực nhọc riêng. Nhưng dấn thân vào nghề đá mỹ nghệ là chấp nhận dãi nắng, dầm mưa, nặng nhọc,... bên cạnh những yếu tố quan trọng cần có như: năng khiếu, tay nghề và con mắt mỹ thuật.
Giọt mồ hôi của những người thổi hồn vào đá

Lao động trong bất cứ ngành nghề nào cũng có những nỗi cực nhọc riêng. Nhưng dấn thân vào nghề đá mỹ nghệ là chấp nhận dãi nắng, dầm mưa, nặng nhọc,... bên cạnh những yếu tố quan trọng cần có như: năng khiếu, tay nghề và con mắt mỹ thuật.

“Chất thợ”

Chúng tôi có mặt tại một số cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ thuộc phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương vào một trưa hè oi ả. Thợ điêu khắc đá Hai Long niềm nở đón tiếp dù đang tay đục, tay búa.

Giọt mồ hôi của những người thổi hồn vào đá

Một sản phẩm đang được người thợ điêu khắc hoàn thiện. Ảnh: QUỐC THẮNG

Mắt anh nhòe đi vì bụi đá trộn lẫn mồ hôi, nghỉ tay, quẹt những giọt mồ hôi chảy từ trán xuống mắt, anh chia sẻ với phóng viên: “Tôi đã vào nghề cách đây 20 năm, những năm đầu, nhiều lúc đã nghĩ đến chuyện bỏ đi làm nghề khác dù tôi vốn có hoa tay điêu khắc. Đến sau này tôi mới biết kinh nghiệm huấn luyện của những người đi trước cho người mới vào nghề là khả năng “chịu lửa” với sự cực nhọc. Những năm đầu tôi chỉ được xẻ đá, dần dần thì được ra phôi. Về sau, khi được rèn luyện các kỹ thuật mới đi vào làm chi tiết. Nhưng công đoạn nào cũng có những cực nhọc riêng của nó”.

Giọt mồ hôi của những người thổi hồn vào đá

Những tảng đá to được cơ sở nhập từ Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định. Dù có máy móc hỗ trợ để di chuyển, cắt xẻ nhưng đây quả là công việc nặng nhọc. “Phải “chịu lửa” được, vì như anh thấy, năng khiếu thì dĩ nhiên phải có sẵn, nhưng ngại nặng, ngại cực thì không thể theo nghề” - anh Hai Long cho biết thêm.

Nhưng “chất thợ” không chỉ là sẵn sàng làm công việc nặng nhọc mà còn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ trong thao tác để tránh những sơ suất.

“Có những bức tượng phải đến cả 5 đến 7 tháng mới hoàn thành. Nay có nhiều máy móc, không còn thủ công như xưa nhưng không phải là hỗ trợ tất cả. Có những đường nét chỉ có thể được tạo ra bằng chính sự uốn nắn của bàn tay” - Ba Huân, một thợ đá trẻ cho biết.

Trong nắng nóng, bụi bặm và ồn ào, vừa phải cẩn thận để không xảy ra tai nạn, vừa phải tỉ mẩn từng nét khắc, người thợ điêu khắc đá phải vận dụng hết tâm lực của mình cho toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm.

Khi được hỏi về môi trường bụi bặm, ồn ào có nguy cơ cao gây các bệnh về đường hô hấp và thính giác, anh Ba Huân chia sẻ: “Chúng tôi được trang bị khẩu trang, miếng bịt tai để đỡ ồn nhưng trời nóng, nhiều khi tháo khẩu trang mà không hay biết; còn âm thanh của máy khoan, đối với mọi người là ồn, nhưng đối với người thợ đá, cần phải nghe âm thanh để biết mức độ của thao tác”.

Vừa nói, anh vừa chỉ vào một bức tượng đang được một người thợ tạo khuôn dáng và giải thích: “Ví dụ với đường nét cong nhưng có bờ mảnh, nếu không khéo, sẽ bị vỡ thành, tức là anh thất bại. Đã làm nghề này là đừng vì mệt, vì bụi, vì nóng mà cẩu thả anh ạ”.

“Chất nghệ”

Anh Hai Long dẫn chúng tôi ra khu tạc tượng và giải thích về các công đoạn từ xẻ đá, ra phôi đến các chi tiết tỉ mẩn của người thợ. Có những sản phẩm phải cần cả năm mới hoàn thành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một người thợ điêu khắc đá phải cần đến cả chục năm mới rút ra được kinh nghiệm làm sao để có những đường nét đẹp. Khó nhất là khuôn mặt có hồn.

Nhưng đó là thuộc về khiếu thẩm mỹ. Điều quan trọng nhất liên quan đến cảm giác của người thợ khi tiếp xúc với thớ đá, vân đá. Sự nhạy cảm, tinh tế của người thợ khi tiếp xúc với khối đá là điều kiện cho sáng tạo.

“Trước khi bắt tay vào ra phôi, tùy vào loại sản phẩm mà chúng ta chọn khối đá phù hợp, sau đó, người thợ đã phải hình dung phần nào của sản phẩm hình thành tương ứng với khối đá trước mặt mình cho hợp lí là điều quan trọng. Sự cân đối của sản phẩm tùy thuộc vào giai đoạn phác thảo những đường nét cơ bản này, tức là phải có trí tưởng tượng tốt” - thợ điêu khắc đá Hai Long chia sẻ.

Đá vốn là vật liệu vô hồn, trơ cứng. Nhưng sự nhạy cảm đặc biệt của người thợ về vân đá giúp họ phát huy được sức sáng tạo và “thổi hồn” vào sản phẩm.

Giọt mồ hôi của những người thổi hồn vào đáSự kiên nhẫn, óc sáng tạo, cầu toàn đến từng chi tiết là những yêu cầu cơ bản của một thợ điêu khắc đá. Ảnh: QUỐC THẮNG

Và những nỗi niềm riêng

Một số chủ cơ sở đá mỹ nghệ ở vùng này cho chúng tôi biết: từ mấy năm trở lại đây, họ rất khó tìm thợ. Vì những bạn trẻ có năng khiếu mỹ thuật thường chọn những công việc nhẹ nhàng; càng ngày càng hiếm người vừa có năng khiếu, con mắt mỹ thuật vừa chịu được sự vất vả, nặng nhọc xin vào làm nghề đá.

Giọt mồ hôi của những người thổi hồn vào đá

Thường thì người học phải mất 3 đến 4 năm để thông thạo các thao tác kỹ thuật cơ bản. Không có đức tính kiên trì, ý chí thì người học sẽ không thể đi hết giai đoạn cơ bản này.

Tính chất tinh xảo của từng nét khắc, hồn của sản phẩm sẽ được hoàn thiện theo tuổi nghề và sự tích lũy kinh nghiệm. Đó là chưa nói đến phải có tố chất thẩm mỹ, sức sáng tạo của người thợ vì nhu cầu của khách hàng rất đa dạng và gu thẫm mỹ của họ cũng phong phú.

“Mang tiếng là chủ nhưng tôi cũng là thợ, dù tuổi của tôi cầm cái đục, cái búa không còn được chắc, được vững như khi còn trẻ. Cảm giác thích thú khi được khắc đá và khi nhìn vào sản phẩm của mình được hoàn thiện như ý vẫn còn y nguyên như hồi trẻ.” - ông Phương, một chủ cơ sở đá mỹ nghệ chia sẻ với phóng viên.

Anh Duy - một thợ điêu khắc đá trẻ, vừa tỉ mẩn rà những đường nét nhỏ trên bức tượng, vừa tâm sự với chúng tôi về những năm tháng vào nghề. Là người xa quê lập nghiệp, lúc đầu, làm nghề điêu khắc đá để mưu sinh, nhưng càng ngày anh càng gắn bó và đam mê với nghề.

Giơ bàn tay sần sùi, thô ráp, chằng chịt những vết sẹo của mình, anh nói: “Va quệt, máu chảy, thậm chí đứt tay là chuyện thường. Dần dần rồi cũng quen anh ạ. Nhưng phải hết sức cẩn thận để tiếp tục làm nghề”.

Tuy còn trẻ, mới vào nghề được 7 năm nhưng sự chuyên tâm, không ngại khó đã mang lại thành công cho anh Duy.

Ông Phương - chủ cơ sở sản xuất vừa cười vừa nói với chúng tôi: “Duy là “thợ nguồn” của tôi. “Thợ nguồn” là vừa có khiếu thẩm mỹ, vừa chịu khó tìm tòi, học hỏi và không ngại cực, ngại khó”.

Ông cho biết, những người vào nghề 5 đến 7 năm nhưng gặt hái được những thành công như Duy không phải là hiếm, miễn là người trẻ phải chuyên tâm với công việc của mình bên cạnh năng khiếu đã có sẵn.

Hàng trăm bức tượng, bức phù điêu, tiểu cảnh bằng đá, ... đã được những người thợ thổi hồn vào từ những khối đá vô tri. Nhìn những sản phẩm này, nhiều khi chúng ta không biết được rằng, có biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi trên những thớ đá, đường nét, hoa văn trong quá trình lao động.

QUỐC THẮNG

Đồ họa: NAM TRÂN

QUỐC THẮNG