e magazine
07:56 | Thứ bảy, 13/01/2024
Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp

07:56 | Thứ bảy, 13/01/2024

Cuộc sống của các gia đình công nhân Công ty TNHH Châu Tiến (tỉnh Nghệ An) sau khi mắc bệnh bụi phổi gặp rất nhiều khó khăn. Không ít người trong số họ phải gắng gượng vượt qua cú sốc tâm lý…

công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp - Nỗi đau dai dẳng

Cuộc sống của các gia đình công nhân Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) sau khi mắc bệnh bụi phổi gặp rất nhiều khó khăn. Không ít người phải gắng gượng vượt qua cú sốc tâm lý…

Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp
Từ một lao động khoẻ mạnh, sau thời gian làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, anh Trần Ngọc Hoa (sinh năm 1978) suy giảm sức khoẻ nghiêm trọng. Ảnh: MK

Nước mắt người ở lại

Theo thông tin do Sở Y tế tỉnh Nghệ An công bố ngày 6/12, căn cứ vào kết quả đợt khám sức khỏe, điều tra bệnh bụi phổi đối với các công nhân Công ty TNHH Châu Tiến (Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc), trong 81 công nhân có tới 57 người mắc bệnh bụi phổi (gồm 19 người bị thể nặng, 25 người thể trung bình và 13 người thể nhẹ, 2 người hiện chưa xác định rõ tình trạng do phim chụp bị mờ).

Có thể nói, đây là vụ việc liên quan đến bệnh nghề nghiệp lớn nhất trong năm 2023 được phát hiện. Trong danh sách đó, 6 công nhân đã tử vong. Cuộc sống của gia đình các công nhân này hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Trần Hữu Quang (sinh năm 1985) làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến 3 năm 3 tháng. Năm 2020, do nhận thấy dấu hiệu bất thường về sức khoẻ như hụt hơi, tức ngực, khó thở..., anh đã nghỉ việc để điều trị bệnh. Từ năm 2020 đến tháng 9/2022 (khi anh Quang mất), gia đình đã 12 lần đưa anh nhập viện, chi phí tốn kém và phải vay mượn người thân, họ hàng.

Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp

Bà Ngọc ngồi thất thần trước ban thờ con trai Trần Hữu Quang, công nhân qua đời vì bụi đá. Ảnh: MINH KHÔI

Chị Thảo - vợ anh Quang cho biết, khi chồng còn sống, mẹ con chị có người đỡ đần. Từ ngày anh mất, bệnh giảm tiểu cầu vô căn của chị thường xuyên tái phát.

“Bác sĩ nói em phải nhập viện nhưng vì điều trị tốn kém nên đành uống thuốc tại nhà. Tiền lương của em chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Gần 2 năm chồng điều trị bệnh, gia đình phải vay mượn bạn bè, làng xóm, người thân giúp đỡ. Lần nào đi viện cũng phải thuê xe cấp cứu. Rồi tiền mua bình Oxy trợ thở rất tốn kém. Hồi đó chồng em đau bệnh, vì là trường hợp đầu tiên nên Công ty TNHH Châu Tiến không biết, không hỏi han gì.

Mãi sau này có thêm các trường hợp khác tử vong, bệnh nặng, em có làm tờ trình lên Công an huyện, Công an tỉnh thì Công ty TNHH Châu Tiến mới đến thăm hỏi với số tiền 1.000.000 đồng, ngoài ra không hỗ trợ gì thêm"– chị Thảo chia sẻ.

Vốn mang bệnh trong người, cộng thêm cú sốc mất chồng, kinh tế suy kiệt, chị Thảo thường xuyên mất ngủ vì phiền muộn. Mỗi khi nhìn cô con gái học lớp 3 tủi thân và nhớ bố, chị lại thương con đến quặn lòng và khóc ngày lẫn đêm.

“Gia đình em khổ lắm chị à. Hồi mới cưới không có tài sản gì nên anh ấy cố gắng đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Giờ chồng mất rồi, mẹ con mất đi chỗ dựa. Cuộc sống hiện tại chỉ còn biết trông vào con để sống. Cũng may cơ quan, công đoàn các cấp quan tâm, tạo điều kiện để em được làm công việc phù hợp với sức khoẻ và chăm lo, hỗ trợ giúp em vơi bớt khó khăn” - chị Thảo ngậm ngùi nói.

Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệpNơi ở hiện tại của mẹ con chị Thảo - vợ anh Trần Hữu Quang. Ảnh: NVCC

Tương tự chị Thảo, cuộc sống của chị Bùi Thị Hương - vợ anh Trần Ngọc Hoa (công nhân Công ty TNHH Châu Tiến) cũng vô cùng khó khăn khi mất đi trụ cột gia đình.

Anh Hoa (sinh năm 1978) có thời gian làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến 3 năm 2 tháng. Năm 2022, thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, hụt hơi, anh Hoa đi khám thì biết mình mắc bệnh bụi phổi thể nặng. Tháng 1/2023, anh xin nghỉ việc. Tháng 5/2023, anh qua đời sau10 lần đi viện điều trị với chi phí tốn kém. Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn vì thuộc diện hộ cận nghèo, vợ anh không có việc làm ổn định, ở nhà chăm sóc 3 con nhỏ đang tuổi ăn học lại càng khó khăn hơn. Thời gian anh điều trị bệnh, trong nhà vét sạch đồng tiền cuối cùng, phải vay mượn người thân, họ hàng.

“Anh ấy mất đi, cuộc sống của 4 mẹ con càng thêm vất vả. Cháu út sinh non, mắc bệnh bẩm sinh và nhiều biến chứng khác nên phải nhập viện điều trị thường xuyên.

Nhà mới xây xong được 6 tháng thì anh mất. Cả năm trời chăm chồng, chăm con, không đi làm, không có tiền, tôi mang gánh nặng nợ nần. Đêm nằm tủi thân vẫn khóc nhưng không biết làm sao. Khó khăn không còn ai san sẻ nên đành chấp nhận. Nhưng xót xa và đáng buồn nhất là chồng tôi vốn cao lớn khoẻ mạnh nhất xóm, nặng 80kg, sống hiền lành và chan hoà với mọi người nên biết tin anh ấy mắc bệnh, ai cũng thương xót. Thật là thiệt thòi với người lao động vì mưu sinh, miếng cơm manh áo cho con mà không ngờ mang bệnh. Những ngày sắp mất, anh ấy không nói được nữa. Biết sức khoẻ của mình không thể đi tới được nữa, vợ con vất vả vì nợ nần, anh thường xuyên ứa nước mắt” - chị Hương chua xót kể.

Cũng theo chị Hương, hồi anh Hoa đau ốm, Công ty TNHH Châu Tiến có đến thăm hỏi, tặng gia đình chị số tiền 2.000.000 đồng. Hồi anh đi viện về, phải đặt ống trợ thở, Công ty đến thăm và hỗ trợ 10.000.000 đồng. Khi anh ấy mất đi, Công ty phúng viếng với số tiền 5.000.000 đồng. Ngoài ra không có khoản tiền nào. Tôi được biết nhiều người không được Công ty thăm hỏi như chồng mình.

“Về chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp, 2 tháng trước, Công ty có xin hồ sơ bệnh án của chồng tôi để làm thủ tục. Nhưng thiệt thòi nhất vẫn thuộc về người lao động vì không được Công ty quan tâm kịp thời. Mất đi trụ cột gia đình, tôi chỉ ước mong con khoẻ mạnh, đi học và tôi có thể đi làm để lo cho gia đình” - chị Hương buồn bã nói.

Nỗi đau bệnh nghề nghiệp không chỉ làm những gia đình hạnh phúc ởi vào cảnh chia lìa, nợ nần mà còn âm thầm tàn phá cuộc sống của những người đang chống chọi với nó.

Anh Võ Quốc Hải (xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nghỉ làm tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2019 do triệu chứng tức ngực, khỏ thở, hụt hơi. Vợ anh là nhân viên bảo vệ.

Anh kể, 4 năm qua, bác sĩ xác định anh mắc bệnh bụi phổi thể nặng, phải thường xuyên uống thuốc điều trị. Từ một người lao động khoẻ mạnh, trụ cột gia đình, giờ đây anh chỉ còn đủ sức khoẻ làm công việc việc lặt vặt, chăm sóc cha già, đưa đón 2 con đi học. Ngày nào vợ ốm hay bận việc, anh thay vợ làm bảo vệ để tránh mất ngày công lao động.

“Làm việc tại Công ty 2 năm, tôi mắc bệnh mà không hề hay biết. Vào thời điểm đó, đã có công nhân tử vong nhưng chưa ai biết là do mắc bệnh nghề nghiệp. Rồi từng đợt, lại thấy có người tử vong. Ngay trong chuyền của tôi cũng có người mất. Có người bạn làm cùng chuyền đi khám bệnh vì triệu chứng hụt hơi, tức ngực, khó thở. Nói chuyện với nhau thì biết mình cũng “dính” rồi. Nhất là tôi làm ở bộ phận Nghiền tinh, trực tiếp đứng máy. Khi đi khám thì “dính” thật.

Đi khám ở Bệnh viện Phổi Nghệ An thì giật mình vì thấy nói Công ty có hơn 50 trường hợp mắc bệnh bụi phổi. Để chắc chắn, tôi vay tiền chị gái, đến Bệnh viện Phổi Trung ương để khám bệnh thì được giữ lại điều trị vì bệnh đã nặng rồi.

Các bác sĩ động viên rằng chữa được, khuyên tôi giữ tinh thần lạc quan, làm công việc nhẹ nhàng cho khuây khoả. Vợ động viên tôi cố gắng đừng suy nghĩ chi, đến đâu hay đến đó. Nhưng thấy con nhỏ, cha già ốm bệnh nằm một chỗ, tôi thương bản thân, gia đình mình và giận Công ty lắm.

Điều kiện làm việc độc hại như thế, Công ty có trách nhiệm phải báo cho anh em công nhân biết để khám sức khoẻ chứ. Chết người đến nơi rồi. Tôi làm ở bộ phận Nghiền tinh, nhiều khi thấy người mệt mỏi, chỉ nghĩ do máy móc ồn ào, điếc tai mà không nghĩ độc hại như vậy.

Hai năm làm việc cho Công ty thì năm thứ 2 mới được đóng bảo hiểm. Đóng bảo hiểm được 10 tháng thì phải nghỉ việc vì sức khoẻ yếu. Đến cả khi có công nhân tử vong, doanh nghiệp vẫn không thông báo cho mình biết. Đến khi sự việc lên ti vi, họ mới làm việc với Ban Chính sách xã thông báo những ai từng làm việc ở Công ty thì làm hồ sơ bệnh án để giám định bệnh nghề nghiệp.

Thực sự những ngày này với tôi là gắng gượng. Nhiều lần thấy vợ khóc, tôi cũng không kìm được nước mắt" - anh Hải nói.

Cũng theo anh Hải, trong số những công nhân làm việc ở Công ty, ai đi viện về, có hồ sơ bệnh án mới được doanh nghiệp hỗ trợ. Bản thân anh được Công ty hỗ trợ 11 triệu đồng.

Vi phạm của Công ty là rất nghiêm trọng

Ngày 3/8/2023, UBND tỉnh Nghệ An công bố kết quả kiểm tra liên ngành đối với Công ty TNHH Châu Tiến về việc chấp hành pháp luật về bệnh nghề nghiệp, môi trường lao động và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng: các phân xưởng có bụi lắng đọng nhiều trên sàn và các bề mặt máy; phân xưởng nghiền có phát sinh tiếng ồn; người lao động sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động không đúng quy định...

Trong vụ việc này, Công ty TNHH Châu Tiến bị xử phạt 2 lần, tổng cộng 116 triệu vì không quan trắc môi trường lao động; không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Liên quan đến việc đảm bảo chế độ, chính sách cho công nhân Công ty TNHH Châu Tiến, ngày 22/12/2023, Đoàn công tác KH 379 của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về nắm bắt thông tin, thăm hỏi công nhân mắc bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp này.

Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp

Đoàn công tác KH 379 của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 22/12/2023 về vụ việc công ty Châu Tiến. Ảnh: NAM NGUYÊN

Theo văn bản, Công ty mua lại cơ sở sản xuất hiện tại vào năm 2013. Năm 2017, Công ty chính thức đi vào sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bột đá và đá Sililc. Nguyên liệu đầu vào là đá cuội, có thành phần trên 99% là Silic.

Quy trình công nghệ của hoạt động chế biến đá gồm nghiền thô, xay đá, ngâm rửa sấy, phân tách hạt và nghiền tinh, đóng bao.

Trong đó từ khâu nghiền thô đã phát sinh và phát tán bụi đá có hàm lượng Silic cao, đặc biệt là khu vực nghiền tinh, bụi đá được ghi nhận bằng mắt thường đã rất đậm đặc. Trung bình có từ 20 đến 25 lao động làm việc hằng ngày tại Công ty.

Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp

Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam đến thăm anh Hoàng Văn Sơn tại nhà riêng ở xóm 1, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc - Ảnh: MAI LIỄU

Tại Công ty TNHH Châu Tiến, Đoàn công tác đề nghị doanh nghiệp tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.

Đoàn công tác đã trao hỗ trợ thân nhân 4 trường hợp công nhân tử vong vì bệnh nghề nghiệp, mỗi trường hợp 10 triệu đồng; hỗ trợ 4 công nhân đang điều trị bệnh nghề nghiệp, mỗi người 5 triệu đồng. Tổng số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng.

Nỗi đau dai dẳng vụ công nhân Công ty Châu Tiến mắc bệnh nghề nghiệp

Tạp chí Lao động và Công đoàn thăm hỏi thân nhân 2 công nhân bị tử vong do bụi phổi tại xã Nghi Hưng, Nghi Lộc. Ảnh: Báo Nghệ An.

“Sự việc để lại hậu quả quá lớn cho các nạn nhân và gia đình, là bài học sâu sắc trong công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Tôi mong rằng Ban lãnh đạo Công ty thực hiện đúng và đủ các chính sách cho người lao động, không thể để họ tiếp tục chịu thiệt thòi”, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Bài: Nam Nguyên, Hà Vy

Ảnh: Báo Nghệ An, Tạp chí Lao động và Công đoàn

NAM NGUYÊN - HÀ VY