e magazine
19:30 | Thứ hai, 04/03/2024
Quản lý chứng nhận chất lượng PTBVCN: Cần thiết để đảm bảo an toàn cho NLĐ

19:30 | Thứ hai, 04/03/2024

Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong lao động. Theo đó, người lao động (NLĐ) làm công việc có yếu tố có hại được người sử dụng lao động (NSDLĐ) trang cấp đầy đủ PTBVCN và phải sử dụng trong quá trình làm việc.

Tăng cường quản lý chứng nhận chất lượng ptbvcn: Cần thiết để đảm bảo an toàn, sức khoẻ, tính mạng NLĐ

Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong lao động. Theo đó, người lao động (NLĐ) làm công việc có yếu tố có hại được người sử dụng lao động (NSDLĐ) trang cấp đầy đủ PTBVCN và phải sử dụng trong quá trình làm việc.

Quản lý chứng nhận chất lượng PTBVCN: Cần thiết để đảm bảo an toàn cho NLĐCông đoạn sản xuất mặt nạ chống bụi mịn của Công ty CP Sản xuất và Thương mại FCS. Ảnh: ThC

Cụ thể, theo Điều 23 Luật ATVSLĐ, NSDLĐ khi thực hiện trang cấp PTBVCN phải bảo đảm các nguyên tắc: Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Không phát tiền thay cho việc trang cấp PTBVCN; không buộc NLĐ tự mua hoặc thu tiền của NLĐ để mua PTBVCN. NSDLĐ phải tổ chức hướng dẫn, giám sát NLĐ sử dụng PTBVCN. Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với PTBVCN nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.

Việc quản lý, sử dụng PTBVCN hiện nay, đã được quy định đã khá đầy đủ trong các văn bản pháp lý. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định của pháp luật trên thực tế còn không ít điều đáng bàn. Vì lý do nguồn nhân lực có hạn, cơ quan quản lý nhà nước không thể thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất PTBVCN.

Quản lý chứng nhận chất lượng PTBVCN: Cần thiết để đảm bảo an toàn cho NLĐ

Theo Luật ATVSLĐ, các PTBVCN bán ra thị trường phải được chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Trong khi đó, nhiều PTBVCN khi bán ra thị trường mà không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về chất lượng. Đặc biệt là nhóm các nhà sản xuất trong nước vẫn còn ít quan tâm vấn đề này. Đối với PTBVCN nhập khẩu thì đa số được chứng nhận hợp quy, nhưng vẫn còn tình trạng chưa có chứng nhận (có thể kể đến hàng tiểu ngạch hay nhập khẩu không chính thống).

Một số PTBVCN không được kiểm tra, chứng nhận chất lượng đã được sử dụng và dẫn đến hệ quả đau lòng ở trong một số vụ tai nạn lao động chết người gần đây. Các PTBVCN như mặt nạ phòng độc được lưu trữ trong thời gian quá lâu, có thể đã hỏng nhưng không được kiểm tra chất lượng mà vẫn cấp phát cho NLĐ là rất nguy hiểm.

Quản lý chứng nhận chất lượng PTBVCN: Cần thiết để đảm bảo an toàn cho NLĐMôi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại nhưng công nhân Công ty TNHH Châu Tiến không được trang bị đầy đủ PTBVCN. Ảnh: CNCC

Để xảy ra tình trạng NLĐ được cấp phát, sử dụng các PTBVCN không đảm bảo chất lượng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, quản lý thị trường cho đến người bán hàng, người mua, nhà sản xuất chưa thật sự sâu sát và chấp hành nghiêm túc các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó còn có tình trạng một số đơn vị chứng nhận hợp quy không đúng quy định, tạo lỗ hổng cho sản phẩm nhập khẩu hoặc hàng sản xuất trong nước chất lượng kém xâm nhập, bán ra thị trường. Chưa kể ở một số cơ sở, khả năng đánh giá chất lượng có vấn đề, dẫn đến kết quả chưa chuẩn. Do vậy, kết quả chứng nhận hợp quy có thật sự đạt yêu cầu chất lượng không, cần có phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Quản lý chứng nhận chất lượng PTBVCN: Cần thiết để đảm bảo an toàn cho NLĐ
Anh Trần Văn Phong là một trong những công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến bị bệnh Bụi phổi silic thể nặng. Ảnh: M.A

Hiện nay có 2 phòng thử nghiệm được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định thực hiện đánh giá chất lượng các loại PTBVCN. Trong đó Phòng thí nghiệm An toàn lao động (VILAS 956) thuộc Trung tâm An toàn lao động (ATLĐ), Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã được Văn phòng chứng nhận chất lượng (BAO) công nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN/ISO/IEC 17025 từ năm 2016. Phòng thí nghiệm ATLĐ (VILAS 956) đã được sự giúp đỡ của Viện chứng nhận chất lượng, Cơ quan An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp Hàn Quốc (KOSHA) để xây dựng các hệ thống đánh giá chất lượng các PTBVCN.

Cho đến hiện tại, lượng mẫu PTBVCN nhập khẩu và lượng lưu hành ở Việt Nam được đánh giá chất lượng tại Phòng thí nghiệm VILAS 956 có số lượng không nhiều. Năm 2023: có 118 mẫu khẩu trang, bán mặt nạ; 75 mẫu giày bảo vệ; 24 mẫu dây an toàn chống rơi ngã; 38 mẫu mũ an toàn công nghiệp và một số ít các loại khác. Trong số này, tỉ lệ đạt chất lượng cũng rất khiêm tốn. Còn một tỉ lệ rất lớn sản phẩm lưu hành ngoài thị trường chưa rõ có chứng nhận đầy đủ hay không, do cơ quan nào chứng nhận hợp quy đã thực hiện đánh giá chất lượng như thế nào thì cũng không rõ.

Quản lý chứng nhận chất lượng PTBVCN: Cần thiết để đảm bảo an toàn cho NLĐ
Các sản phẩm mũ bảo hộ lao động trên thị trường. Ảnh: https://namtrungsafety.com/

Các loại mũ an toàn công nghiệp và dây an toàn được kiểm tra đánh giá chất lượng tại Phòng thí nghiệm VILAS cơ bản cho kết quả chất lượng tốt. Nhưng số mẫu này chỉ là mẫu lẻ, trong khi về nguyên tắc, các nhà sản xuất phải đánh giá theo các lô hàng sản xuất. Các mẫu trên đa số là hàng nhập khẩu.

Các loại giày bảo vệ đa số cũng là hàng nhập khẩu, hàng trong nước có nhãn hiệu Vshoes và một vài nhãn hiệu nhỏ khác. Các mẫu giày đã đánh giá đa số chất lượng tốt.

Các loại phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp (khẩu trang, bán mặt nạ lọc bụi; khẩu trang, bán mặt nạ lọc hơi khí độc) chất lượng có tiến bộ nhiều sau thời gian dịch Covid-19 do được kiểm tra đánh giá chất lượng kỹ hơn trước.

Hiện nay, trong thực tế, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh cho NLĐ, không chăm sóc sức khoẻ NLĐ theo đúng quy định của pháp luật, không trang bị đủ PTBVCN cho NLĐ. Việc quan trắc môi trường lao động của doanh nghiệp chủ yếu nhằm vượt qua các cuộc kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, nên không đảm bảo cơ sở cho việc trang bị PTBVCN. Các cơ quan quản lý lại thiếu sự kiểm tra, giám sát nên dẫn đến thiệt thòi cho NLĐ.

Để bảo vệ an toàn và sức khỏe cho NLĐ, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng các loại PTBVCN, giám sát chặt chẽ các khâu từ sản xuất, nhập khẩu và bán ra thị trường, mua và cấp phát cho NLĐ. Đảm bảo tất cả các PTBVCN phải đạt chất lượng theo yêu cầu.

Công đoàn cần tiếp tục nâng cao vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thông qua tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật ATVSLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để lên tiếng thay NLĐ, nghe ý kiến phản hồi của NLĐ và phải trang bị kiến thức về pháp luật và kỹ thuật an toàn để tham gia hiệu quả từ quá trình kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Bài: Lê Đức Thiện

Phó Giám đốc Trung tâm ATLĐ, Viện Khoa học ATVSLĐ

Lê Đức Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm ATLĐ, Viện Khoa học ATVSLĐ