e magazine
16:00 | Chủ nhật, 07/04/2024
Sẽ giám sát hoạt động quan trắc môi trường lao động trên toàn quốc

16:00 | Chủ nhật, 07/04/2024

Sau sự vụ đáng tiếc ở Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) khiến gần 60 công nhân thương vong, Cục Quản lý môi trường y tế đã yêu cầu các Sở Y tế giám sát hoạt động quan trắc môi trường trong doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Sẽ giám sát hoạt động quan trắc môi trường lao động trên toàn quốc

Sau sự vụ đáng tiếc ở Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) khiến gần 60 công nhân thương vong, Cục Quản lý môi trường y tế đã yêu cầu các Sở Y tế giám sát hoạt động quan trắc môi trường trong doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Liên quan đến một số trường hợp mắc bệnh Bụi phổi silic và 6 trường hợp tử vong do làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, PGS. TS Lương Mai Anh - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết:

“Cục Quản lý môi trường y tế chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Giám định y khoa tiến hành khảo sát môi trường lao động, điều tra các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp; thực hiện khám bệnh nghề nghiệp, hội chẩn phim X-quang cho những người lao động (NLĐ) đã và đang làm việc tại doanh nghiệp này”.

Qua khảo sát môi trường lao động cho thấy, Công ty mua lại cơ sở hiện tại năm 2013 (trước đó cơ sở sản xuất bột đá vôi CaCO3, hoạt động từ năm 2005) và chính thức đi vào sản xuất năm 2017.

Theo danh sách Công ty cung cấp ngày 25/10/2023, Công ty có tổng số 34 lao động. Nguyên liệu đầu vào là đá cuội silic. Hai sản phẩm đầu ra gồm: (1) bột đá silic trắng (5 giải kích thước 1,0 mm đến 5 mm) để làm nguyên liệu cho các nhà máy đá ép (mable); (2) đá lót sàn nổi nấu thép của các nhà máy luyện thép. Ngoài ra còn thu bụi đá trong quá trình nghiền để cung cấp trộn vào nguyên liệu luyện thép. Tỷ lệ silic trong sản phẩm lên tới 99%.

10 năm không quan trắc môi trường lao động, con voi vẫn chui lọt lỗ kim

Quy trình sản xuất bột đá silic tại đây qua các công đoạn: công đoạn xử lý ngâm sấy, đọc màu tách hạt; công đoạn nghiền thô, nghiền tính và đóng bao.

Môi trường lao động của Công ty trong quá trình sản xuất phát sinh bụi đặc biệt cao cùng với tiếng ồn, rung, hoá chất. Hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phần cao trên 99% là nguyên nhân gây bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp và dẫn đến tử vong ở NLĐ.

Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường đã cử 4 chuyên gia vào làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Công ty TNHH Châu Tiến về các trường hợp NLĐ tiếp xúc bụi silic tại Công ty. Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường thực hiện khảo sát thực tế (tháng 6/2023) với kết quả: có 3 phân xưởng đang làm việc (Nghiền tinh, Nghiền thô, Đóng bao) và một số công nhân vận chuyển bốc xếp hàng, lái xe nâng. Các phân xưởng có bụi lắng đọng nhiều trên sàn và các bề mặt máy… Có sử dụng phun sương ở phân xưởng đóng bao và nghiền tinh (bố trí sát trần phân xưởng ở độ cao hơn 10m), có quạt hút trần phần trên tường sát mái phân xưởng. Phân xưởng nghiền có phát sinh tiếng ồn. NLĐ được trang bị và sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động gồm quần áo, mũ, khẩu trang (gồm nhiều lớp khẩu trang vải không còn phù hợp với ngành Nghe sản xuất quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/2/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Kết quả phân tích silic ngày 12 đến 14/6/2023 của Khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học tự nhiên trong một số mẫu cho thấy hàm lượng silic từ 99 đến 100%.

Mặc dù sản xuất trong điều kiện nguy cơ cao nhưng Công ty không thực hiện nghiêm quy định về quản lý môi trường lao động và sức khoẻ NLĐ.

Sẽ giám sát hoạt động quan trắc môi trường lao động trên toàn quốc
Trụ sở của Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh:ST

Trong hàng chục năm trời (từ năm 2013 đến trước năm 2023), Công ty TNHH Châu Tiến không tổ chức quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại đối với sức khoẻ NLĐ.

Phải đến tháng 03/2023, Công ty mới ký hợp đồng với Công ty TNHH TCS- Kỹ thuật môi trường thực hiện quan trắc môi trường lao động. Kết quả tại thời điểm đo cho thấy: 43 mẫu không đạt tiêu chuẩn (gồm 25 mẫu nhiệt độ, 03 mẫu ánh sáng, 15 mẫu tiếng ồn).

Hồ sơ quản lý sức khoẻ NLĐ cũng được lập “vội vàng” vào năm 2023 nhưng không ghi chép đầy đủ ngày, tháng lập.

Sẽ giám sát hoạt động quan trắc môi trường lao động trên toàn quốcHiện trường sản xuất của Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh: diendandoanhnghiep.vn

Gian nan quá trình điều tra bệnh nghề nghiệp cho NLĐ

Theo PGS.TS Lương Mai Anh, trước năm 2023, Công ty không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. NLĐ khi vào làm việc có giấy khám sức khoẻ tuyển dụng theo mẫu ban hành kèm Thông tư 14/2013/TT-BYT (nhưng Công ty không thực hiện khám sức khoẻ bố trí vị trí việc làm theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT). Vào thời điểm tuyển dụng, tất cả các trường hợp đều có sức khoẻ tốt.

Đến tháng 2/2023, sau 10 năm đi vào sản xuất, Công ty mới tổ chức khám sức khoẻ định kỳ “lần đầu” (hợp đồng số 300123/HĐKSK-TT-CT ký ngày 30/1/2023) với nội dung khám sức khoẻ và khám bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn. Tuy nhiên, hồ sơ kết luận của NLĐ chỉ có kết quả phần khám sức khoẻ định kỳ mà không có kết quả khám bệnh nghề nghiệp!

Chính vì không có hồ sơ theo dõi sức khoẻ nên có trường hợp từng làm việc ở Công ty đã tử vong do bệnh nghề nghiệp mà Công ty cũng không hay biết. Phải sau khi có 3 trường hợp tử vong do Bụi phổi silic, Công ty mới thực hiện khám bệnh hô hấp nghề nghiệp 1 lần do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thực hiện. Kết quả, có 3 trường hợp kết luận theo dõi bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp.

Anh Võ Quốc Hải (xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nghỉ làm tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2019 cho biết, 4 năm qua, bác sĩ xác định anh mắc bệnh bụi phổi thể nặng, phải thường xuyên uống thuốc điều trị. Anh kể:

“Làm việc tại Công ty 2 năm, tôi mắc bệnh mà không hề hay biết. Ngay trong chuyền của tôi cũng có người mất. Nhất là tôi làm ở bộ phận Nghiền tinh, trực tiếp đứng máy. Khi đi khám thì “dính” thật.

Sẽ giám sát hoạt động quan trắc môi trường lao động trên toàn quốc
Hoạt động quan trắc môi trường lao động. Ảnh: TCS

Đi khám ở Bệnh viện Phổi Nghệ An thì giật mình vì thấy nói Công ty có hơn 50 trường hợp mắc bệnh bụi phổi. Đến Bệnh viện Phổi Trung ương để khám bệnh thì được giữ lại điều trị vì bệnh đã nặng rồi.

Đến cả khi có công nhân tử vong, doanh nghiệp vẫn không thông báo cho mình biết" - anh Hải nói.

Phải đến giữa tháng 3/2024 với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành Y tế và tổ chức Công đoàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức khám phát hiện bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp cho 28 công nhân đang làm việc tại công ty. Từ kết quả khám đã nghi ngờ một số trường hợp mắc.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có Công văn số 256/KSBT-BNN ngày 5/4/2023 gửi Công ty TNHH Châu Tiến đề nghị tiếp tục phối hợp để chuyển 28 hồ sơ và NLĐ của Công ty (kể cả người đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An) đến Viện Sức khoẻ Nghe nghiệp và môi trường để được khám bệnh Nghè nghiệp theo quy định nhưng Công ty không thực hiện.

Trước thái độ không hợp tác của doanh nghiệp, ngày 29/5/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có công văn báo cáo Cục Quản lý môi trường y tế về tình hình NLĐ bị mắc bệnh Bụi phổi silic tại Công ty. Sau đó, Cục Quản lý môi trường y tế có công văn khẩn đề nghị Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường phối hợp, hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật đánh giá, tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ có tiếp xúc.

Sau đó, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường phối hợp thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ tại đây.

Báo cáo của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường chỉ ra: kết hợp căn cứ báo cáo 6 trường hợp bị bụi phổi silic điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương kết luận: những trường hợp NLĐ bị tử vong và đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An là do tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc, một số trường hợp có kết hợp lao dẫn tới tình trạng tiến triển nặng. Nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic đối với NLĐ tại nhà máy là cao (do hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm cao trên 99%).

Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra bệnh nghề nghiệp, khảo sát cơ sở lao động. Trong tháng 10/2023, Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp được thành lập với sự hỗ trợ của các Viện chuyên ngành Trung ương, đã thông qua Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tại Công ty.

Kết quả: xác định 4 trường hợp tử vong do mắc bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp đủ điều kiện hưởng chế độ tử vong do bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành; 4 trường hợp mắc bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp và 1 trường hợp chưa đủ căn cứ để kết luận tử vong do mắc bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp.

Trong tháng 11/2023, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường đã phối hợp Phòng khám bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khám bệnh nghề nghiệp (2 đợt) cho toàn bộ các lao động đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến trên địa bàn tỉnh Nghệ An (đối với những trường hợp liên hệ được). Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường tổ chức hội chẩn phim với thành phần gồm các chuyên gia của Viện, Khoa Bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện Phổi Trung ương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.

Kết quả Biên bản hội chẩn phim bệnh Bụi phổi silic nghề nghiệp cho thấy: đọc 79 phim thì có 44 trường hợp có tổn thương do bụi phối silic; 13 trường hợp tiếp tục theo dõi.

Sau đó, ngày 29/12/2023 tiếp tục đọc 20 phim cho thấy: 11 trường hợp có tổn thương do bụi phổi silic, 4 trường hợp tiếp tục theo dõi; 4 trường hợp chưa phát hiện tổn thương trên phim X-Quang.

Với sự thành lập Đoàn điều tra bệnh nghề nghiêp, đến tháng 3/2024, Công ty TNHH Châu Tiến đã phải thực hiện chi trả bồi thường chế độ cho thân nhân NLĐ tử vong gồm: Trần Hữu Quang, Trần Trọng Thi, Phạm Quang Sơn, Trần Ngọc Hoa và Hoàng Văn Sơn (cùng trú ở huyện Nghi Lộc) với tổng số tiền hơn 560 triệu đồng.

Chị Quế, vợ công nhân Trần Hữu Quang chia sẻ trong nước mắt: “Chồng em được Công ty bồi thường 110 triệu đồng. Họ cũng đang làm thủ tục để chồng em được hưởng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp. Hiện có 2 người đã hưởng chế độ, 1 thân nhân khác đang chờ cơ quan bảo hiểm hướng dẫn làm thủ tục. Không ai mong muốn nhận tiền bồi thường thế này. Ước gì chuyện này không xảy ra, chồng em không phải chịu thiệt thòi như vậy”.

Ngoài chị Quế và các thân nhân NLĐ tử vong, hàng chục công nhân khác từng làm việc tại doanh nghiệp này được xác định mắc bệnh Bụi phổi silic, đang được các cơ quan chức năng đưa đi giám định thương tật để hưởng các chế độ. Từ việc rút ra nguyên nhân, bài học ghi nhận qua vụ việc ở Công ty Châu Tiến, Cục đã có đề xuất tăng cường thanh tra, kiểm tra huấn luyện ATVSLĐ đối với cơ sở tương tự.

Sẽ giám sát hoạt động quan trắc môi trường lao động trên phạm vi toàn quốc

Theo PGS.TS Lương Mai Anh, cuối năm 2023, Cục Quản lý môi trường y tế đã cử cán bộ làm việc tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An về công tác quản lý vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp và trường hợp mắc bệnh Bụi phổi silic tại Công ty TNHH Châu Tiến. Kết quả cho thấy, công tác quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa quản lý toàn diện được các cơ sở lao động, đặc biệt là các cơ sở có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp.

Từ kết quả tại Công ty TNHH Châu Tiến, Cục Quản lý môi trường y tế đã có công văn gửi các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở lao động về vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp; công văn gửi Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục An toàn lao động đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở lao động và vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chỉ ra một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp không quan trắc môi trường lao động và chưa huấn luyện ATVSLĐ.

Theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe NLĐ, các doanh nghiêp phải quan trắc mỗi năm 1 lần.

“Khi chúng tôi đưa ra tần suất tăng lên vì NLĐ làm việc 8 tiếng/ngày thì các doanh nghiệp đề nghị là trong giai đoạn hiện nay chỉ thực hiện theo quy định là 1 năm/lần. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có quy định phải công khai kết quả quan trắc môi trường lao động và công khai doanh nghiệp không huấn luyện ATVSLĐ, không khám sức khoẻ cho NLĐ. Việc tổ chức triển khai ở cơ sở phải tăng cường hơn nữa về việc làm thế nào kiểm soát, kiểm tra chất lượng quan trắc môi trường lao động…

Hiện Bộ Y tế cấp phép hơn 200 đơn vị đủ điều kiện công bố quan trắc. Số lượng được kiểm tra hoạt động trong năm 2023 tới gần 90 đơn vị. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã rút công bố 10% và nhiều đơn vị phải thực hiện khắc phục" - PGS.TS Lương Mai Anh cho biết.

Hiện nay, Cục Quản lý môi trường y tế đang đề nghị sửa Thông tư 19 theo hướng, các đơn vị khi thực hiện quan trắc môi trường tại doanh nghiệp phải thông báo sớm cho cơ quan chức năng ở địa hương, có cán bộ chuyên môn giám sát thực hiện để đúng với yếu tố nguy cơ ở cơ sở sản xuất. Tương tự, đơn vị quan trắc phải thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương giám sát để đảm bảo chất lượng hoạt động quản lý môi trường lao động…

Chia sẻ về một số định hướng công tác giám sát môi trường lao động theo hình thức tự động, PGS.TS Lương Mai Anh cho biết, hiện mới áp dụng trong quan trắc môi trường nói chung và ở một số vị trí nhất định. Các mỏ than cũng đã áp dụng quan trắc môi trường tự động một số yếu tố như cháy nổ..

Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống này do chi phí lớn. Một số doanh nghiệp chủ yếu hướng tới đánh giá tự động một số chỉ tiêu như hơi khí độc. Với một số chỉ tiêu khác vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm như amiăng. Do vậy rất cần thiết có nghiên cứu khoa học là cơ sở để xây dựng mô hình điểm về vấn đề này để có thể đưa vào văn bản pháp luật trong thời gian tới.

“Chú trọng quan trắc môi trường lao động là điểm mới của Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư. Bởi trước đây, những nội dung chỉ đạo của Chỉ thị đã có và được cụ thể hoá trong Luật, văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác quan trắc môi trường lao động đã thực hiện nhưng còn hình thức, chưa đảm bảo là cơ sở tạo điều kiện cho NLĐ xem và biết làm việc trong môi trường đã an toàn hay chưa.

Trước đây, Chỉ thị chỉ nhắc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nay nhắc cụ thể đến Tổng LĐLĐ Việt Nam để khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, đặc biệt là thông qua thương lượng, đối thoại và tuyên truyền, vận động NLĐ” - bà Chu Thị Thu Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết.

Hà Vy

Hà Vy