Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ
Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Dây chuyền chế biến gạo sạch tiêu chuẩn châu Âu của Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Ảnh: XUÂN DŨNG

Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp và người lao động điêu đứng. Với Quảng Trị năm 2020, chỉ riêng lũ lụt và sạt lở đất cũng đã khiến địa phương lao đao, hao người tốn của không ít. Dù vậy, các doanh nghiệp không ngừng vượt khó và tìm lối đi, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.

Trên thị trường, doanh nghiệp tiêu biểu này được biết đến với nhiều sản phẩm mang thương hiệu Sepon như resort Sepon, sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu Sepon, gạo sạch Sepon..., mang tên gọi của một dòng sông biên giới Việt - Lào.

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành: thương mại tổng hợp, dịch vụ, du lịch, chế biến nông sản... Khi dịch giã kéo dài thì các dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhưng lĩnh vực sản xuất vẫn duy trì hoạt động khá tốt. Khi nền kinh tế qua “cơn tai biến” sau dịch thì nhóm du lịch, dịch vụ, lữ hành phục hồi và trỗi dậy.

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) với diện tích hơn 17 ha. Công ty đã hỗ trợ nông dân các khâu quan trọng như: mạ khay đạt chuẩn, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, dịch vụ cấy máy, phun chế phẩm sinh học bằng thiết bị bay không người lái, giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Nên mặc dù vụ đông xuân 2021-2022 thời tiết rất không thuận lợi, sản lượng có thấp hơn lúa thông thường nhưng nhờ giá bán cao hơn khoảng 40% so với các loại lúa khác nên mỗi ha thu nhập cao hơn khoảng 7-8 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quân ở thôn Kim Long, xã Hải Quế cho biết: “Quá trình sản xuất chúng tôi không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu... mà chỉ sử dụng những loại được phép như thân cây lên men, can xi vỏ trứng, gừng, tỏi, ớt ngâm bia... để chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Công ty cũng đã đầu tư nhiều khâu từ cấy lúa đến chăm bón và thu hoạch nên nông dân đỡ vất vả nhiều. Bà con càng yên tâm khi được Công ty bao tiêu sản phẩm”.

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Một đóng góp của trồng lúa hữu cơ là tăng cường sức khỏe người dân vì không còn tiếp xúc với hóa chất cũng như với “sức khỏe” của đồng ruộng khi không chịu cảnh ô nhiễm môi trường vì sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Được biết Công ty dự kiến sẽ đầu tư để tăng diện tích khoảng 200 ha trong năm nay và đến vụ Đông Xuân năm tới sẽ là 400 ha lúa hữu cơ, không những phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu “gạo sạch” mang thương hiệu Sepon ra nước ngoài, đến thị trường châu Âu và châu Mỹ với sản lượng 50%.

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Dùng dron phun chế phẩm cho cánh đồng sắn vùng Lìa. Ảnh: XUÂN DŨNG

Nếu ai lên với vùng Lìa, phía Nam huyện miền núi Hướng Hóa sẽ không khỏi ngạc nhiên thấy thủ phủ sắn của tỉnh Quảng Trị. Nếu như trước đây sắn chỉ trồng chủ yếu để phục vụ chăn nuôi thì sau đã trở thành cây thương phẩm chủ lực của bảy xã vùng cao biên giới này, là nguồn thu nhập chính để xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây, trong đó có bà con dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Kô.

Anh Hồ Khăm, bản Loa, xã Ba Tầng (Hướng Hóa) cho biết: “Bà con nơi đây nói về cây trồng thì cây sắn là chủ yếu, vì thường bán được giá cả ổn định do Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua rồi chế biến và xuất khẩu”.

Đúng là trên vùng Lìa có hẳn một nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Công ty cũng là địa chỉ bao tiêu chủ yếu sản phẩm cho bà con. Nhờ vậy mà người dân vùng cao mới yên tâm trồng sắn và từng bước có được cuộc sống ổn định.

Chính nhờ mô hình sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu đã "sinh hạ" được câu lạc bộ (CLB) sắn 100 triệu đồng ở vùng cao Quảng Trị, một thương hiệu không dễ dàng có được, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, có thể nói đó là mơ ước của không ít nông dân. Nói nôm na cứ bán cho nhà máy chế biến tinh bột sắn sản phẩm sắn tươi được 100 triệu đồng là vào CLB này thôi, và CLB đến nay đã có cả trăm người, nhiều người đã có thể gia nhập CLB 200 triệu được rồi. Họ là những “đại gia” trồng sắn có nhà cửa khang trang và tiền gởi ngân hàng như Hồ Văn Pường, Hồ Khăm Xiêng của vùng Lìa.

Dù còn có những khó khăn về đường sá, thời tiết, biến động thị trường nhưng cho đến nay có thể khẳng định hàng ngàn ha sắn Hướng Hoá vẫn là một trong ít cây trồng chủ lực góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo nơi đây.

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Câu chuyện về sự gắn kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, hay liên kết trong việc hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là đề tài chiếm nhiều thời gian, tiền bạc của nhiều hội thảo khoa học, cũng là trăn trở của không ít người có trách nhiệm, những người liên quan... Nhưng có lẽ cách làm của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị là một minh họa sinh động và linh hoạt cần tham chiếu, dù rằng điều kiện cụ thể thường là mỗi nơi một khác, nhưng rút tỉa kinh nghiệm hữu ích từ những diễn biến đã qua vẫn là sự nên làm. Đáng nói hơn cả là giấc mơ chinh phục thị trường thế giới của một doanh nghiệp từ một tỉnh nhỏ như Quảng Trị.

Chính quyền địa phương trong nhiều năm qua đã rất ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá: “Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị là một doanh nghiệp luôn có những hướng đi tích cực và năng động, luôn vượt khó đi lên, đặc biệt là nhiều năm nay đồng hành với nông nghiệp, nông thôn và nông dân một cách có hiệu quả, nhiều sản phẩm đã vươn ra nước ngoài, có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao và cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngày càng phát triển”.

Khi tôi trao đổi về chuyện sản xuất kinh doanh trỗi dậy sau dịch, kỹ sư Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Tổng công ty Thương mại Quảng Trị không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cập nhật thông tin: “Bên cạnh 4 lò sấy lúa hoạt động hết công suất ở huyện Hải Lăng, chúng tôi còn đầu tư máy xử lý rơm để thu dọn ruộng đồng. Và đã thử nghiệm cuộn rơm tươi ngay tại ruộng với mật mía làm thức ăn cho bò nhốt chuồng. Nếu thành công, đây lại thêm một hướng đi mới, đồng hành với bà con nông dân. Chúng tôi luôn sát cánh với bà con nông dân địa phương nhưng lại hướng sản phẩm của mình đến với thị trường không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, mơ ước rồi đây sẽ xây dựng thương hiệu mang tầm vóc quốc tế”.

Khi tôi viết bài này, kỹ sư Hiếu rủ rê: “Cuối tuần tôi đi cấy lúa, hay lắm đó. Nếu thu xếp được thì mời anh cùng đi”. Tôi lấy làm bất ngờ trước lời mời ít mang tính... công nghiệp, hiện đại như thường thấy ở các doanh nghiệp đang muốn 4.0, nhưng nghe qua lấy làm thú vị. Vậy thì nếu được, tại sao không?

Sepon - giấc mơ về một thương hiệu nông sản hữu cơ

Bài viết: PHẠM XUÂN DŨNG

Ảnh: Lê Thọ Bình