e magazine
19:30 | Chủ nhật, 01/09/2024
Sự cố ở thang máy chung cư: Những kỹ năng an toàn cần biết

19:30 | Chủ nhật, 01/09/2024

Việt Nam hiện có khoảng 400.000 thang máy, thang cuốn, băng tải chở người. Một bộ phận trong số đó đang ở độ tuổi "già hoá", xuất hiện vấn đề về kỹ thuật. Làm thế nào để sử dụng thang máy an toàn - một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của cư dân sống trong nhà cao tầng?

Sự cố ở thang máy chung cư: Những kỹ năng an toàn cần biết

Việt Nam hiện có khoảng 400.000 thang máy, thang cuốn, băng tải chở người. Một bộ phận trong số đó đang ở độ tuổi "già hoá", xuất hiện vấn đề về kỹ thuật. Làm thế nào để sử dụng thang máy an toàn - một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của cư dân sống trong nhà cao tầng?

Thang máy chung cư - những kỹ năng an toàn người lao động cần biếtHình ảnh người đàn ông suýt bị thang máy chung cư HH2C Linh Đàm (Hà Nội) "nuốt chửng". Ảnh chụp màn hình video cư dân cung cấp

Một số lượng không nhỏ thang máy đã ở độ tuổi “già hoá”

Khoảng hơn 7h sáng ngày 26/8, một người đàn ông bước chân vào thang máy số 13, toà chung cư HH2C Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Khi mới bước được nửa người, thang máy chưa đóng hết cửa thì đột ngột kéo lên. Trước tình huống bất ngờ, người đàn ông vội rút chân ra ngoài nên may mắn thoát nạn trong gang tấc.

Vào thời điểm đó, trong thang máy có khoảng 10 người. Một nam thanh niên khác trong thang cố gắng kéo cửa nhưng không thành. Rất may vụ việc không có ai bị thương. Tuy nhiên, sau vụ việc là rất nhiều lời cảnh báo và những nỗi lo lắng của cư dân.

2 ngày sau sự cố lỗi thang máy, cư dân trong tòa HH2C khu chung cư Linh Đàm, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phối hợp với đơn vị Bảo trì thang máy đưa ra phương án tạm thời theo hướng: Giảm bớt số lần mở cửa của các thang và đóng hoàn toàn thang số 11 để thay dây cáp.

Tuy nhiên, 3 trong tổng số 6 thang máy bị hỏng vào giờ cao điểm khiến việc đi lại của cư dân trong tòa nhà gặp nhiều khó khăn.

Nêu tổng quan tình hình lắp đặt, sử dụng thang máy tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Tiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, nước ta có khoảng 400.000 thang máy, thang cuốn, băng tải chở người. Một số lượng lớn thang máy đã ở giai đoạn tuổi đời từ 15 năm trở lên, nghĩa là ở độ tuổi bắt đầu “già hoá” và bắt đầu xuất hiện các lỗi về mặt kỹ thuật, có thể gây nguy cơ, rủi ro cho người sử dụng thang máy ở thời điểm hiện tại.

Về nguyên tắc, với các toà chung cư, nhà cao tầng có chi phí càng cao thì chất lượng thang máy tốt. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Tiến, thang máy được đưa vào sử dụng nếu thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo trì, bảo dưỡng, sử dụng đúng cách thì đã đảm bảo an toàn cho phép. Sự khác biệt giữa thang máy ở chung cư cao cấp với các khu chung cư còn lại có chăng là thang máy thông minh hơn với những tính năng tiện ích hơn.

Thang máy chung cư - những kỹ năng an toàn người lao động cần biết

Khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có hệ thống thang máy bị trục trặc kéo dài, không sử dụng được khiến người lao động phải leo bộ nhiều tầng sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Đội ngũ kỹ thuật viên bảo trì, bảo dưỡng thang máy chưa được chuẩn hoá

Cũng theo ông Tiến, nước ta đã hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thang máy. Theo đó, đối với thang máy sử dụng trong công trình công cộng, chung cư thì tối thiểu mỗi tháng phải bảo trì một lần. Hầu hết các bên đang tuân thủ quy định này.

Tuy nhiên, chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng lại là vấn đề cần được quan tâm. Nhất là xã hội, cộng đồng chưa có sự quan tâm đúng mức về chất lượng nguồn nhân lực làm nghề thang máy – nghề của phương tiện vận chuyển có năng suất cao nhất toàn cầu với hàng trăm triệu lượt hành khách đi thang máy mỗi ngày và chỉ mất 3 ngày để các thang máy chở toàn bộ dân số trên trái đất. Bên cạnh đó, kỹ thuật thang máy cũng là nghề xương sống đáp ứng lưu thông cho quá trình đô thị hóa đất nước.

Trong khi đó, nguồn nhân lực của ngành thang máy, đặc biệt là nhân viên kỹ thuật chưa được đào tạo bài bản. Hiện chưa có cơ sở đào tạo chính thức nhân lực ngành thang máy, cũng chưa có yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ có các kỹ thuật viên thang máy. Một số ngành, trong đó có bảo trì, bảo dưỡng thang máy đang được đánh đồng với những ngành kỹ thuật khác.

Theo quan điểm của ông Tiến, lý do dẫn đến tình trạng này là hiện chưa có khung pháp lý bắt buộc những người làm việc liên quan đến ngành thang máy phải có chứng chỉ hành nghề. Khi chưa có khung pháp lý với những yêu cầu bắt buộc, các đơn vị có thể tiết kiệm chi phí bằng cách không nhất thiết phải sử dụng lao động đã qua đào tạo, trừ doanh nghiệp lớn. Hoặc có thể chủ sở hữu thang máy lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có giá thành thấp hơn mà chưa chú trọng đến uy tín của đơn vị cung cấp dịch vụ cung như chất lượng nhân lực bảo trì, bảo dưỡng thang máy.

Thang máy chung cư - những kỹ năng an toàn người lao động cần biếtNhân lực bảo trì, bảo dưỡng thang máy có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống thang máy hoạt động tốt, an toàn. Ảnh: Tạp chí Thang máy

“Có thể thấy bất cứ ai cũng có thể bảo trì, bảo dưỡng thang máy, chỉ cần được nhà tuyển dụng huấn luyện một số kỹ năng, kinh nghiệm nhất định, thậm chí là truyền miệng, đã có thể đảm nhận công việc này. Trong khi thang máy là sản phẩm hàng hóa thuộc Nhóm 2 có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng và kỹ thuật thang máy là một nghề nguy hiểm, độc hại, kỹ thuật phức tạp…

Bảo trì, bảo dưỡng thang máy rất khác với bảo dưỡng ô tô. Ví dụ, bảo dưỡng ô tô có hệ thống giúp khách hàng có thể giám sát được suốt quá trình. Còn bảo trì, bảo dưỡng thang máy đang phụ thuộc vào đạo đức của người bảo trì mà chưa có cơ chế giám sát. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do đặc thù của thang máy là công việc được tiến hành trong không gian kín, khó giám sát được quá trình.

Sự cố xảy ra tại thang máy của chung cư HH2C Linh Đàm rất may chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu không có bước chuẩn bị, chuẩn hoá công tác bảo trì, bảo dưỡng thì rất có thể hậu quả sẽ diễn ra trong tương lai" - ông Tiến cho biết.

Từ góc độ đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo với chủ đề liên quan đến đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy, bao gồm cả chất lượng nguồn nhân lực và đã đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước một số nội dung.

Thang máy chung cư - những kỹ năng an toàn người lao động cần biếtCận cảnh một trong hai chiếc thang máy toà nhà CT1B hư hỏng nhiều tháng nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Ảnh chụp tháng 12/2021.

Trong đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã đề xuất sửa đổi Chương 4 Dự thảo Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Luật Việc làm 2013.

Hiệp hội mong muốn đưa nghề lắp đặt thang máy và bảo trì thang máy vào Danh mục ngành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề. Điều này có thể sửa đổi ở Luật Việc làm hoặc các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Liên quan đến tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho ngành thang máy, Dự thảo vẫn giữ nguyên Khoản 1, Điều 35. Những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cụ thể “Người lao động làm công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khoẻ của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”.

Tuy nhiên, hiện nay nghề kỹ thuật thang máy – nghề nghiệp đòi hỏi cao về an toàn và ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến người lao động mà còn cả tính mạng, sức khỏe và tài sản của người sử dụng thang máy chưa nằm trong phạm vi những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề.

Hiện tại, Việt Nam đã có hệ thống tiêu chuẩn về thang máy, trong đó đặc biệt là yêu cầu về kỹ thuật thang máy, áp dụng từ Tiêu chuẩn châu Âu đó là TCVN 6396-50 và TCVN 6396-30 trong đó quy định rất rõ về yêu cầu kỹ thuật của thang máy mặt kỹ thuật đầu vào của sản phẩm.

Mặc dù vậy, yêu cầu chung về bảo trì, bảo dưỡng sau khi thang máy được đưa vào sử dụng còn chưa đầy đủ, mới nằm ở một số tài liệu chính thức. Phần lớn là đang áp dụng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất mà chưa được tiêu chuẩn hoá.

Để lấp đầy "khoảng trống" này, Hiệp hội Thang máy đã ban hành Tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì, sửa chữa thang máy. Trong đó quy định rất rõ đối với người sử dụng thang máy, đơn vị cung cấp dịch vụ thang máy, nhân viên kỹ thuật, Ban quản lý toà nhà… là đối tượng trực tiếp liên quan.

Thang máy chung cư - những kỹ năng an toàn người lao động cần biếtÔng Nguyễn Huy Tiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (đứng). Ảnh: Tạp chí Thang máy

Người dân cần làm gì để an toàn khi sử dụng thang máy

Theo đại diện chuyên môn kỹ thuật của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, cần thường xuyên phối hợp với đơn vị phối hợp kiểm tra theo quy chuẩn, thay thế linh kiện thiết bị, tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật để đảm bảo tháng máy luôn được kiểm định theo đúng niên hạn. Bên cạnh đó sẵn sàng thay thế những linh kiện thiết bị hao mòn, tiêu hao dù vẫn đảm bảo hoạt động tốt.

Thang máy chung cư - những kỹ năng an toàn người lao động cần biết

Lãnh đạo Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ về các dự án, hoạt động nhằm phát triển kỹ năng, năng lực người lao động ngành thang máy tại chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024 với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”. Ảnh: Tạp chí Thang máy

Đối với sự cố tại thang máy của toà nhà HH2C Linh Đàm vừa qua, nguyên nhân chính là hệ thống cửa tầng của cabin đã bị bỏ qua mạch an toàn của hệ thống thang đó dẫn đến khi cửa chưa đóng thì thang đã chạy.

Trên thực tế, cơ chế hoạt động của cửa tầng và cabin thang máy liên quan chặt chẽ đến nhau. Theo thiết kế chung, khi cabin dừng ngang sàn tầng và hệ thống liên động cửa tầng - cửa cabin hoạt động thì cửa này mới mở ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi cửa tầng mở thì cabin sẽ không di chuyển nhằm đảm bảo an toàn. Nếu cabin đang di chuyển, vì bất cứ lý do gì mà cửa tầng mở ra thì thang máy sẽ ngừng hoạt động.

Trong tình huống này, do mạch an toàn cửa thang bị vô hiệu hóa, đa số do kỹ thuật viên "đấu tắt" để thang máy khỏi trục trặc, khiến thang máy vẫn chạy khi cửa tầng vẫn mở.

Đại diện kỹ thuật của Hiệp hội khuyến cáo, với người sử dụng thang máy, việc quan trọng nhât để đảm bảo bao an toàn trong quá trình sử dụng thì cần chọn lựa hệ thống toà nhà có bộ phận quản lý chuyên nghiệp. Bởi lẽ, với đội ngũ quản lý dó, chắc chắn hệ thống thang máy sẽ được đầu tư và quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó tuyệt đối tuân thủ văn minh sử dụng thang máy như không được chen lấn, xô đẩy trước khi vào thang máy, không được nhảy, rung lắc trong cabin thang máy, không mang, vác vật cồng kềnh, dễ cháy nổ có khả năng gây vướng mắc khi di chuyển từ ngoài vào trong hoặc từ trong ra ngoài. Trong quá trình sử dụng, người lao động phải cập nhật kiến thức về an toàn sử dụng thang máy do chuyên gia chia sẻ.

Thực hiện: Hà Vy

Hà Vy