e magazine
15:58 | Thứ năm, 29/06/2023
Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việc

15:58 | Thứ năm, 29/06/2023

Đi làm trên những con đường gập ghềnh, đèo dốc, nguy hiểm, cuộc sống ở trọ còn nhiều thiếu thốn, lương thấp không đủ sinh hoạt, đời sống tinh thần cũng chưa được chú trọng là những gì đang tồn tại với những cô giáo cắm bản vùng cao.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việc

Đi làm trên những con đường gập ghềnh, đèo dốc, nguy hiểm, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, lương thấp, đời sống tinh thần cũng chưa được chú trọng là những gì đang tồn tại với những cô giáo cắm bản vùng cao.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việc

Tử nạn trên những cung đường đến trường

Chiều ngày 25/6, tại Km49+600 Quốc lộ 4H thuộc địa phận bản Mậy Hốc, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô đầu kéo với xe máy đi cùng chiều, làm hai người bị thương nặng.

Cụ thể, xe máy mang biển kiểm soát 27B2-24548 chở cô giáo Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1985) và cháu Lại Thái Hoà (sinh năm 2014, con cô Hải). Cô giáo Nguyễn Thị Hải là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Trên đường từ TP Điện Biên Phủ vào Trường để tham dự cuộc họp, mang theo con trai thì bị va vào xe đầu kéo.

Vụ tai nạn khiến cô giáo Nguyễn Thị Hải bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Si Pa Phìn. Do chấn thương quá nặng, cô Nguyễn Thị Hải đã không qua khỏi. Cháu Lại Thái Hoà cũng bị đa chấn thương, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việcHiện trường vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của cô Nguyễn Thị Hải. Ảnh: NDCC

Cô giáo Lò Thị Lả - Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non xã Chà Tở cho biết, vụ việc xảy ra là sự mất mát lớn đối với nhà trường khi cô Nguyễn Thị Hải là một người luôn hết lòng và có trách nhiệm với công việc, hòa đồng với đồng nghiệp. Cô Hải là mẹ đơn thân, gia cảnh khó khăn, hiện sinh sống cùng con trai trong một lớp tạm (thuộc bản Nà Pẩu, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

Cô Lả chia sẻ, cung đường từ TP Điện Biên đến điểm trường Nà Pẩu cũng hơn 140 cây số, đường gập ghềnh, trơn trượt, rất khó đi và nguy cơ rủi ro tai nạn là rất lớn.

"Nhà trường và các thầy cô cũng đã có những hỗ trợ ban đầu, động viên tinh thần đối với gia đình cô Hải" - cô Lả cho biết.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việcCon đường đi làm của các cô giáo cắm bản vùng cao gập ghềnh, khó đi. Ảnh: ĐVCC

Cũng là một trường hợp tai nạn trên đường tới trường, vụ việc cô giáo Ma Thị Yến (giáo viên Trường Mầm non Đường Thượng, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) bị rơi xuống vực, tử vong khiến nhiều người vô cùng thương xót. Ngày 3/5/2023, cô giáo Mai Thị Yến cùng chồng và con di chuyển bằng xe máy lên điểm trường thì bị rơi xuống vực sâu. Do chấn thương quá nặng, cô giáo Mai Thị Yến qua đời. Thầy Nguyễn Đại Đình Nam - chồng cô giáo Mai Thị Yến cũng bị thương nặng.

Những vụ tai nạn thương tâm trên đường đến trường của giáo viên cắm bản xảy ra không ít. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ việc đau lòng đó là đường đến các điểm trường xa xôi, hiểm trở. Một mặt, xót xa cho những đồng nghiệp bị tai nạn trên đường đến trường, mặt khác, các cô giáo mầm non cắm bản không khỏi lo lắng về những nguy cơ, rủi ro rình rập.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việc
Trời mưa, đường trơn trượt khiến nhiều thầy cô phải bỏ lại phương tiện để các điểm trường. Ảnh: NVCC

"Chúng em mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việc"

Chia sẻ với phóng viên Cuộc sống An toàn, cô Lả nghẹn ngào: “Giáo viên vùng cao như chúng em thiếu thốn, thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Đường đi làm nhiều nguy hiểm, một bên là vực sâu, một bên là vách đá. Hầu hết cô giáo phần lớn vẫn phải thuê trọ, phát sinh nhiều chi phí".

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việcHành trang chuẩn bị cho một tuần làm việc của các thầy cô vùng cao. Ảnh: NVCC

Dù thuộc diện “ưu tiên” đi làm gần hơn những đồng nghiệp khác nhưng quãng đường cô Lả đến điểm trường xa tới 15 cây số, trên con đường ngoằn nghèo. Có đồng nghiệp của cô Lả phải đi xa hơn 24 cây số mới có thể vào được đến điểm trường.

“Con đường từ nhà trọ đến các điểm trường thường có bề rộng chỉ đủ cho 1 xe máy đi, chỉ sơ xẩy một chút là rơi xuống vực. Đường đi là con đường mòn do người dân đi làm nương rẫy mà thành.Trời nắng, đường còn dễ đi hơn chút. Khi trời mưa to, đường bị ngập, nguy hiểm hơn rất nhiều do khuất tầm nhìn và trơn trượt. Có những ngày, các cô phải đi bộ vài cây số mới vào được đến điểm trường" - cô Lả tâm sự.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việcVào ngày mưa, giáo viên cắm bản phải đi bộ nhiều cây số mới đến được các điểm trường. Ảnh: NVCC

Cô Lả cho biết, Trường mầm non xã Chà Tở có gần 400 em học sinh ở lứa tuổi từ 18 tháng cho đến 5 tuổi. Mỗi lớp có tới gần 40 học sinh đủ các độ tuổi, chỉ có một giáo viên phụ trách. Hầu hết các cô giáo phải tự chuẩn bị cơm trưa cho mình. Ở Những lớp bán trú, các cô vừa dạy học, vừa tranh thủ nấu cơm trưa cho học sinh. Mỗi ngày, các cô giáo có thể phải trông giữ trẻ tới 10 tiếng đồng hồ vì bố mẹ của các em đi làm về rất muộn.

Tâm sự của cô giáo cắm bản: Mong muốn được quan tâm hơn nữa về điều kiện làm việcMột điểm trường của trường mầm non Chà Tở với đủ trẻ ở các lứa tuổi. Ảnh: NVCC

Ở những điểm trường gần trung tâm còn đỡ vất vả, còn điểm xa thì khó khăn tăng lên gấp bội. Ngày nào cũng vậy, các cô giáo cắm bản vùng cao phải dậy thật sớm để đi đến trường.

“Chúng em cảm thấy rất tủi thân vì điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn. Chúng em mong muốn có sự quan tâm từ các cấp chính quyền nhiều hơn về điều kiện làm việc cũng như cải thiện giao thông đến các điểm trường để giáo viên vùng cao đi làm bớt vất vả, nguy hiểm” - cô giáo Lả chia sẻ.

Khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của các cô giáo ở vùng cao nói chung, nhưng các cô đã vượt lên tất cả những khó khăn của đời thường, từng ngày, từng giờ bám trường, trên những bản làng heo hút đem con chữ đến cho các thế hệ tương lai của đất nước. Có lẽ nếu không có tình yêu với nghề, tình thương với con trẻ khó có thể giữ chân các thầy cô giáo cắm bản.

Theo Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, nhiều thầy cô cắm bản có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, phương tiện di chuyển đến trường vất vả. Nhiều thầy cô đi bộ đến các điểm trường. Nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giáo dục tại các vùng khó khăn. Vượt qua những khó khăn vất vả ấy, các thầy cô phấn đấu giảng dạy công tác đạt nhiều thành tích trong chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bằng khen của các cấp.

Để ngành Giáo dục đạt được nhiều thành tích quan trọng trong thời gian qua nhờ phần lớn công sức, sáng tạo không ngại khó khăn gian khổ của tất cả các thầy cô, đặc biệt là các thầy cô giáo công tác tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.











Bài viết: Minh Anh

MINH ANH