“Việc chăm lo cho người lao động (NLĐ) phải bằng những việc làm cụ thể, ưu tiên lao động trực tiếp và thường xuyên. Lãnh đạo đơn vị cần đến hiện trường sản xuất, quan tâm đến nơi ăn, chốn ở để thấu hiểu nỗi khó nhọc của NLĐ. Từ đó có hành động, việc làm chăm lo thiết thực” - ông Đặng Sỹ Mạnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn. |
PV: Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) trong giai đoạn vừa qua? "Không riêng gì ngành Đường sắt, ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thuận lợi nhất định" - Ông Đặng Sỹ Mạnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN cho biết. Ông Đặng Sỹ Mạnh: Không riêng Đường sắt, ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thuận lợi nhất định. Ngành Đường sắt trải qua những giai đoạn thăng trầm do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động. Về mặt thuận lợi, ngành Đường sắt đã từng có thời kỳ hoàng kim (vào những năm 1986 - 1987), thể hiện vai trò chủ đạo trong vận tải hàng hóa, hành khách. Thị phần đường sắt chiếm tỉ trọng rất cao trong lĩnh vực vận tải. Đó từng là niềm tự hào của bất cứ ai được trở thành NLĐ của ngành. Giai đoạn sau này, do nhiều nguyên nhân, vận tải đường sắt chưa được đánh giá đúng vai trò, vị trí của mình. Nhiều quốc gia phát triển coi đường sắt là “động mạch chủ”, “xương sống” của giao thông thì ở Việt Nam, thị phần đường sắt còn thấp. Do hạn chế về kinh phí nên công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt chưa kịp thời. Ảnh: VNR Mạng lưới ĐSVN được hình thành từ 142 năm trước (khi Thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho vào năm 1881). Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng là đường đơn, chứ không phải đường đôi, năng lực thông qua thấp. Hệ thống đường sắt đang rất thiếu kinh phí đầu tư để kết nối với hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, hầm mỏ nên chưa phát huy tối đa được công năng của mình. Do vậy, ngành Đường sắt gặp trở ngại rất lớn, đó là khi xảy ra một sự cố trên tuyến (như bão lũ, tai nạn…) thì sẽ phải dừng tàu. Do hạn chế về kinh phí nên công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt chưa kịp thời; các phương tiện (như đầu máy, toa xe) chậm được cải tạo, thay đổi dẫn đến khó khăn trong vận hành, áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, tự động hóa. Điều đó dẫn đến lao động thủ công trong ngành Đường sắt chiếm tỉ trọng lớn với 21.557 người (đông đảo nhất là thuộc các khối duy tu, bảo trì, vận hành, vận tải, trông gác chắn). Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không, đường cao tốc thì năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt càng trở nên hạn chế, nhất là về tốc độ chạy tàu và khoảng thời gian di chuyển. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, không phải Đường sắt không có những lợi thế, tính ưu việt. Đó là: Vận tải được khối lượng hàng hóa lớn, không bị phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, tỉ lệ đúng giờ cao, tiết kiệm chi phí, giá cả hợp lý, đặc biệt phù hợp khi quãng đường vận chuyển có chiều dài từ 500 đến 700km. Bên cạnh đó, đội ngũ công nhân lao động có truyền thống cần cù, chịu khó, yêu nghề. Đường sắt vẫn còn dư địa để phát triển. Quan trọng là ĐSVN phải tìm ra các giải pháp tự thân. Thay vì kêu khó, kêu khổ thì nên khắc phục những tồn tại, phát huy những lợi thế đang có. Đối với nội dung vượt thẩm quyền cần đề xuất các cấp, các ngành tháo gỡ. |
NLĐ Đường sắt cần cù, chịu khó, yêu nghề. Ảnh: VNR |
PV: Trong bối cảnh đó, công nhân lao động, nhất là lao động trực tiếp đã nhận được sự quan tâm thế nào của Tổng Công ty, thưa ông? Ông Đặng Sỹ Mạnh: Trong những khó khăn ngành Đường sắt gặp phải thì khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra là chưa có tiền lệ. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, ngành Đường sắt phải cắt giảm tàu, thậm chí là dừng tàu do các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch. Hàng nghìn NLĐ không có việc làm, phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ luân phiên. Có thời điểm, không có doanh thu, cạn kiệt nguồn tiền, Tổng Công ty không có kinh phí để trả lương cho NLĐ. Trong giai đoạn khó khăn ấy, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã kêu gọi, vận động, xây dựng các quỹ như quỹ phúc lợi, quỹ xã hội, quỹ kêu gọi từ các tổ chức, cá nhân để có nguồn kinh phí chăm lo cho NLĐ. Bộ máy lãnh đạo nhận lương “0 đồng”. Một bộ phận khối lao động gián tiếp nhận 50% tiền lương hoặc tự nguyện nhận lương trả chậm để ưu tiên cho lao động trực tiếp. Tổng Công ty đã tổ chức các chuyến tàu chở nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mì, rau đến tận tay NLĐ trên dọc các tuyến với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với họ. Đã từng có thời điểm đời sống NLĐ ngành Đường sắt, nhất là lao động trực tiếp gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: VNR Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, NLĐ không quản ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, chung tay cùng Tổng Công ty thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Chính trong những khó khăn đó, ngành Đường sắt thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng đất nước, đưa người dân từ nơi có dịch về địa phương an toàn. Tổng Công ty còn vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ, lương thực, thực phẩm, máy móc, thiết bị, y, bác sĩ chi viện cho miền Nam chống dịch. NLĐ đã thể hiện truyền thống đoàn kết, xung phong, sống nghĩa tình, qua những câu chuyện rất xúc động. Có toa tàu đã trở thành “bệnh xá” mà tổ tàu trở thành người hộ sinh, đảm bảo an toàn cho người dân trên hành trình trở về quê hương. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, với sự nỗ lực của toàn ngành và sự quan tâm của các cấp, Tổng Công ty ĐSVN đã vượt qua khó khăn với kết quả ấn tượng. Năm 2022, vận tải đường sắt đã bắt đầu phục hồi nhờ vào các chiến lược, biện pháp mà Tổng Công ty đã thực hiện như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thậm chí theo nhu cầu cầu của khách, đồng thời thay đổi, nâng cấp phương thức vận chuyển hàng. Ngành Đường sắt đã tổ chức dịch vụ vận tải quốc tế với nhiều đoàn tàu Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Song song với đó, Tổng Công ty tăng cường tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tiêu hao, đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Nhờ những biện pháp thiết thực trên, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách tăng cao, doanh thu tăng, Tổng Công ty có quỹ lương bù đắp cho NLĐ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Đường sắt thực hiện chính sách nâng thu nhập nhằm động viên NLĐ, trước hết là cho đối tượng lao động trực tiếp. Trong năm 2023, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần cho NLĐ. NLĐ ngành Đường sắt không quản ngại khó khăn luôn chia sẻ, đồng hành cùng với doanh nghiệp. Ảnh: VNR |
PV: Theo ông, đóng góp lớn nhất của Công đoàn vào quá trình vượt khó nói trên là gì? Công đoàn có vai trò gì trong tương lai phát triển của ngành? Ông Đặng Sỹ Mạnh: Đầu tiên, nội bộ ngành Đường sắt đã thống nhất được tiếng nói chung, đoàn kết, đồng lòng. Đó là điều quý giá và quan trọng nhất, bởi không có sự đoàn kết sẽ không thể vượt qua được khó khăn. Kết quả của sự đồng lòng thể hiện rõ nhất ở việc dù bị giảm thu nhập, NLĐ đồng thuận với chính sách nhân lực, tiền lương thích ứng với dịch bệnh Covid-19, vui vẻ cống hiến để không làm đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh. Công đoàn đã tạo được sự gần gũi, thấu hiểu giữa người sử dụng lao động, NLĐ, giữa khối lao động trực tiếp và khối lao động gián tiếp, để NLĐ tin tưởng ở sự tận tâm, tận lực chăm lo cho công nhân viên của đội ngũ lãnh đạo, tương lai phát triển của ngành. 10 năm triển khai thực hiện Tháng Công nhân cho thấy, đây là dịp cao điểm các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo, bảo vệ NLĐ. Tháng Công nhân có ý nghĩa sâu sắc đối với đội ngũ công nhân, viên chức, lao động toàn ngành. Với ngành Đường sắt, chúng tôi nhận thấy, cần làm cho NLĐ nhiều hơn thế, để không chỉ tháng Năm mà cả 12 tháng đều là Tháng Công nhân. Bởi công việc của NLĐ Đường sắt rất vất vả, thường xuyên làm việc ngoài trời, hiện trường, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trời nắng, NLĐ phải đi thật sớm, buổi chiều phải về muộn. Vào đợt cao điểm nắng nóng, NLĐ vẫn phải ra đường làm việc. Trong công xưởng, mức độ tự động hóa chưa cao, môi trường lao động còn nhiều tiếng ồn, bụi, ... ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Ở khu vực gác chắn, cung đường, người tuần đường phải đi lại để kiểm tra, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới được phân công. Nơi ăn, chỗ nghỉ của NLĐ vì nhiều nguyên nhân nên chưa được sửa chữa lớn. Có những cung đường, khu vực đèo núi xa xôi, NLĐ rất khó lập gia đình vì không có người dân sinh sống. Đây là trăn trở của Ban lãnh đạo Tổng Công ty. Người tuần đường luôn phải kiểm tra, đảm bảo an toàn trên dọc tuyến. Ảnh: VNR Chính vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở đội ngũ lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thành viên: Đối với NLĐ trực tiếp làm ra của cải nên doanh nghiệp, chúng ta cần quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nơi ăn ở, chế độ, đảm bảo đời sống cho họ. Sự quan tâm phải chân thật, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm với NLĐ, thấu hiểu những khó khăn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Tổng Công ty đã xây dựng chiến lực 10 năm và kế hoạch 5 năm tới nhằm phát huy hiệu quả trong những năm qua và cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, tăng doanh thu, sản lượng vận tải. Đồng thời thu hút sự chú ý, ưu tiên sử dụng dịch vụ đường sắt của người dân, doanh nghiệp. Chiến lược có những đề xuất về cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ cho việc vận tải hành khách và vận tải khác, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Theo chỉ đạo của cấp trên, mục tiêu đặt ra là từ năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty phải có lãi, năm sau cao hơn năm trước. Trong quá trình đó, Công đoàn chắc chắn đóng vai trò hết sức quan trọng. |
Công đoàn ĐSVN thăm hỏi, động viên công nhân lao động tại cung đường sắt Hải Vân. Ảnh: CĐ |
|
HÀ VY - MINH ANH Ảnh: Công đoàn Đường sắt Việt Nam |