e magazine
10:17 | Thứ ba, 15/08/2023
Thủ đoạn trốn đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lý

10:17 | Thứ ba, 15/08/2023

bảo hiểm xã hội nợ ngày càng tinh vi đòi hỏi cần có cơ chế để xử lý

THỦ ĐOẠN TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ĐỀ XUẤT THÁO Gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lý

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)" do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Viện Kiểm sat Nhân dân tối cao tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lý.

các THỦ ĐOẠN TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI PHỔ BIẾN

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành không đề cập cụ thể về khái niệm trốn đóng BHXH bắt buộc mà chỉ nghiêm cấm thực hiện một số hành vi trong đó có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc mà chỉ nghiêm cấm thực hiện một số hành vi trong đó có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc.

Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp" thì khái niệm "trốn đóng BHXH" được hiểu là hành vi cố ý trốn tránh nhằm che đạy, thoát ly nghĩa vụ đóng BHXH của các chủ thể là người sử dụng lao động (NSDLĐ) mà theo quy định của pháp luật phải có trách nhiệm nộp vào quỹ BHXH theo đúng thời gian, giá trị nhất định. Với nghĩa đó, "trốn đóng BHXH" là hành vi của NSDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH bắt buộc cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm một phần hoặc toàn bộ mức bảo hiểm trong số 26% lương hằng tháng của NLĐ (18% NSDLĐ trực tiếp đóng và 8% NLĐ đóng thông qua NSDLĐ) vào quỹ BHXH.

Thủ đoạn trốn đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lý
Nhận quyết định nghỉ việc từ tháng 9/2019 nhưng một số lao động của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vẫn chưa được giải quyết chế độ BHXH. Ảnh: Xuân Hậu

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, NSDLĐ đã lợi dụng một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm để có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc với một số thủ đoạn điển hình như:

Một là, mặc dù không trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc đối với quỹ BHXH nhưng trốn tránh nghĩa vụ này đối với NLĐ, chiếm đoạt phần BHXH bắt buộc của NLĐ đã bỏ ra: Theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc bằng 18% của mức lương mà NLĐ được hưởng và NLĐ đóng BHXH bắt buộc với mức 8% của mức lương mà NLĐ được hưởng (số tiền này do NSDLĐ giữ lại để đóng cho quỹ BHXH). Đồng thời toàn bộ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng tương ứng 28% NSDLĐ có nghĩa vụ đóng trực tiếp cho quỹ BHXH.

"Thực tế đã có trường hợp NSDLĐ thỏa thuận với NLĐ ngay từ khi ký hợp đồng lao động là mỗi bên chịu trách nhiệm đóng 50% của mức BHXH bắt buộc phải đóng (tức là nhỏ hơn 18%) so với nghĩa vụ theo quy định) hoặc NSDLĐ chỉ hỗ trợ NLĐ đóng một phần BHXH bắt buộc (nhỏ hơn so với nghĩa vụ) nhằm chiếm đoạt phần thu nhập của NLĐ, khi mức lương của NLĐ càng tăng lên hoặc càng sử dụng nhiều NLĐ thì số tiền chiếm đoạt của NLĐ càng lớn. Thủ đoạn này khá tinh vi nếu xảy ra tình huống NLĐ được hưởng chế độ theo quy định thì quỹ BHXH vẫn phải chi trả đầy đủ cho NLĐ, nhưng trên thực tế thì NLĐ đã bị chiếm đoạt phần tiền mà mình không có trách nhiệm phải đóng. Thủ đoạn này khó bị phát hiện, xử lý" - PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh cho biết.

Hai là, NSDLĐ không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian mà pháp luật quy định: Khoản 1 Điều 99 Luật BHXH năm 2014 quy định "trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, NSDLĐ nộp hồ sơ quy định cho cơ quan BHXH. Việc không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc của NSDLĐ dẫn đến NLĐ mất quyền lợi khi thuộc trường hợp được chi trả theo quy định của pháp luật. Tương tự, những trường hợp đăng ký sau thời gian 30 ngày cũng khiến NLĐ bị thiệt thòi trong việc hưởng BHXH theo quy định, thậm chí đóng sau nhiều năm, nhiều tháng thì nguy cơ thiệt thòi càng tăng.

Thủ đoạn trốn đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lýÔng Mai Hùng Tuấn - tài xế xe buýt, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1, nghỉ việc từ tháng 10/2022) chưa được đơn vị đóng đầy đủ BHXH. Ảnh: Nguyễn Luận

Ba là, NSDLĐ đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ nhưng hết thời hạn định kỳ mà pháp luật quy định (01 tháng, 03 tháng hoặc 6 tháng phải có nghĩa vụ đóng, nhưng NSDLĐ vẫn không chịu đóng mặc dù đã được thông báo hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính).

Bốn là, NSDLĐ đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định với các trường hợp như:

Khi ký hợp đồng lao động, NSDLĐ thỏa thuận hằng tháng NLĐ vẫn nhận đủ số tiền, khoản thu nhập như NLĐ mong muốn. Tuy nhiên, trong hợp đồng hai bên chỉ xác định với nhau một mức lương bằng mức lương tối thiểu, còn lại các thu nhập khác được thể hiện ở dạng thưởng, hứa thưởng nếu gắn bó lâu dài với tổ chức của NSDLĐ, sau một thời gian nhất định... Với thủ đoạn này, NSDLĐ đạt được thỏa thuận làm việc với NLĐ nhưng quỹ bảo hiểm sẽ thất thu khoản BHXH bắt buộc tính trên thu nhập cao hơn lương tối thiểu của NLĐ theo hợp đồng và NLĐ không được hưởng tiền BHXH đối với phần không đóng góp này.

Trên thực tế có những trường hợp NLĐ mặc dù biết nhưng vẫn đồng tình với NSDLĐ vì NLĐ cho rằng mình cũng đỡ được một khoản đóng góp cho quỹ BHXH cùng với NSDLĐ mà không hiểu được rằng như vậy là quyền lợi của họ đang bị xâm hại.

Mặc dù đã thu đủ tiền đóng BHXH bắt buộc của NLĐ nhưng NSDLĐ chiếm đoạt và chỉ đóng theo mức lương tối thiểu hoặc chỉ đóng theo mức lương khởi điểm chi trả cho NLĐ, khi họ được tăng lương thì NSDLĐ cũng không tính lại mức đóng BHXH bắt buộc để thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ và Nhà nước.

Năm là, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều NLĐ, khi tuyển dụng NLĐ làm việc tại các vị trí đơn giản, doanh nghiệp đã xác định chỉ sau một thời gian sử dụng lao động sẽ sa thải và tuyển mới các đối tượng lao động khác nên chỉ ký kết hợp đồng thời vụ hoặc trả lương không có hợp đồng lao động... Đồng thời không kê khai, báo cáo về số lao động này và không đăng ký đóng BHXH để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH.

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh, từ 0 giờ 00 phút ngày 1/12018, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực pháp luật thì tất cả các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Mặt khác, công ty sử dụng lao động còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Trong cấu thành cơ bản của tội trốn đóng BHXH quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự thì "06 tháng trở lên" không đóng BHXH được xác định là 6 tháng liên tục hoặc 6 tháng cộng dồn trở lên.

Đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc thực hiện trước 0 giờ 00 phút này 1/1/2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự mà tuỳ từng trường hợp vẫn có thể bị xử lý như sau:

Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự, trường hợp hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc gây thiệt hại cho NLĐ, cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân khác thì chủ thể bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với chủ thể vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Thủ đoạn trốn đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lý
NLĐ của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 gửi đơn đề nghị LĐLĐ TP Đà Nẵng hỗ trợ giải quyết quyền lợi về BHXH. Ảnh: Nguyễn Luận

SỬA ĐỔI HÀNH LANG PHÁP LÝ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÓ THỂ KHỞI KIỆN DOANH NGHIỆP NỢ BHXH

Thời gian qua, tình trạng NSDLĐ trốn đóng BHXH bắt buộc xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... khiến NLĐ không được hưởng độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…

Để khắc phục tình trạng, PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh đề xuất, các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương không ngừng đề cao trách nhiệm quản lý hoạt động sử dụng lao động, phát hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH bắt buộc để xử lý hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc. Các cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu tội phạm trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, kiến nghị khởi tố đối với các cơ quan tố tụng để xử lý hình sự.

Tiếp tục tuyên truyền giúp NLĐ hiểu biết về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đóng BHXH bắt buộc để NLĐ không đồng thuận hoặc hỗ trợ NSDLĐ trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc. Chủ động yêu cầu NSDLĐ công bố các thông tin, minh chứng liên quan và theo dõi thường xuyên việc đóng BHXH bắt buộc.

Tiếp tục tăng cường sự tham gia tuyên truyền, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của NLĐ liên quan đến việc đóng BHXH bắt buộc như sự tham gia của LĐLĐ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trung tâm trợ giúp pháp lý...

Hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là các chế định miễn trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của NLĐ trong trường hợp NLĐ đồng thuận với NSDLĐ trốn đóng BHXH bắt buộc để khích lệ NLĐ khai báo trung thực, tích cự tố giác, cộng tác với các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm việc đóng BHXH bắt buộc.

Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, cũng cần chú ý đến việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, hình phạt bổ sung, truy thu tiền trốn đóng BHXH bắt buộc và việc thi hành triệt để trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo phán quyết của các cơ quan tài phán.

NLĐ cần được coi là nhóm người dễ bị tổn thương trong quá trình đàm phán, thỏa thuận lao động bất bình đẳng và xác định việc không đóng BHXH bắt buộc của các doanh nghiệp là trường hợp liên quan đến lợi ích công vì hành vi này gây bất ổn định, đe dọa sự an sinh của xã hội để từ đó nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự đối với những trường hợp này khi không có người đứng ra khởi kiện theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thủ đoạn trốn đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lýPhóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn trao đổi với ông Đặng Nam Sơn - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1. Ảnh: Hoài Nam - Nguyễn Luận

Nêu kiến nghị giải quyết vướng mắc đối với việc Công đoàn chưa thực hiện hiệu quả vai trò đại diện NLĐ khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Công ty Luật Hừng Đông cho biết, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ và đã có Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn chi tiết thêm cho việc áp dụng Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, vướng mắc và bất cập lớn nhất là chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật là việc khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 đạo luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng 4 đạo luật này đang quy định chưa thống nhất, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Cụ thể, có luật quy định công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là công đoàn có quyền khởi kiện. Việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho công đoàn cơ sở (vì xác định đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền) là không phù hợp với thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Thủ đoạn trốn đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất tháo gỡ vướng mắc từ góc độ pháp lýTài xế Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 từng đình công vì bị nợ lương và không được doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ. Ảnh: Nguyễn Luận

Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệpchưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự) thì để tổ chức Công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn chưa phát huy hiệu quả.

Bởi kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền thì lúc đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, tòa án sẽ phải xét xử mỗi một NLĐ bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp công nhân cũng gặp trở ngại khi mà họ đã chuyển đi làm ở những doanh nghiệp hoặc địa phương khác.

Việc khởi kiện cũng gặp vướng mắc khi mà công ty phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn. Trong những trường hợp này, dù NLĐ khởi kiện nhưng công ty tuyên bố phá sản, không thể tìm được người chịu trách nhiệm thì việc người lao động đòi BHXH là gần như không thế.

Do vậy, cần thiết phải sửa đổi hành lang pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn cơ sở có thể tiến hành khởi kiện doanh nghiệpnợ BHXH mà không cần tới sự ủy quyền của người lao động. Thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản hóa, nhanh gọn, vì nhiều cán bộ công đoàn cơ sở và NLĐ nhận thức pháp luật còn hạn chế, khó có thể hoàn tất đầy đủ giấy tờ khởi kiện theo yêu cầu của tòa án. Cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề trên vẫn là cần phải sửa đổi Bộ luật Lao động và Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, nên trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên. Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của công đoàn cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp vì thực tế là cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ chính doanh nghiệp. Đồng thời, BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các doanh nghiệp để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất. Điều quan trọng hơn, mỗi NLĐ cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về BHXH, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho mình.

Bài: HÀ VY

HÀ VY