Một công nhân tử vong, hai công nhân bị thương nặng khi bước vào không gian hạn chế mà không đọc khuyến cáo được niêm yết, không đeo bình dưỡng khí. |
Theo Đoàn Điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP thép Hoà Phát Dung Quất có trách nhiệm chính trong vụ TNLĐ làm chết 1 công nhân và 2 công nhân bị thương nặng. Cụ thể, người bị nạn là ông Đoàn Phi Long (sinh năm 1987), quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị chết do ngạt khí CO, bỏng nhiệt toàn thân. Ông Nguyễn Thanh Thuận bị bỏng nặng, chấn thương sọ não. Ông Nguyễn Thế Việt bị thương nặng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, nạn nhân bước vào bên trong Bộ cấp liệu rung (là không gian hạn chế) để đo hàm lượng hơi khí độc. Mới vào khoảng 1 phút thì bị ngạt khí CO gây bất tỉnh. |
1 người tử vong, 2 người bị thương |
Ngày 16/2/2021, ca vận hành Hệ thống xả cốc thiết kế của Công ty có lưu lượng xả 130 tấn/h. Đang trong quá trình vận hành thì phát hiện lưu lượng xả giảm xuống chỉ còn 100 tấn/h. Nghi ngờ có dị vật mắc kẹt ở Bộ cấp liệu rung Hệ thống xả cốc, Quản đốc Phân xưởng thành phẩm đề xuất và được lãnh đạo Nhà máy luyện cốc đồng ý dừng nạp cốc nóng vào Hệ thống xả cốc trong ngày 17/2/2021 để tiến hành kiểm tra. Ông Lê Văn Nhựt – Quản đốc Phân xưởng bảo trì cơ giao ông Trần Anh Tân và ông Nguyễn Quốc Anh chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho công việc xử lý kẹt dị vật tại Bộ cấp liệu rung Hệ thống xả cốc. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó ca phân xưởng thành phẩm nhận nhiệm vụ từ ông Trần Anh Tân sắp xếp bố trí phân công trong Tổ sửa chữa cơ để tham gia. Ông Vinh giao ông Đoàn Phi Long - Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ - Phân xưởng thành phẩm điều các ông: Nguyễn Văn Bốn, Nguyễn Tài Hải, Nguyễn Thế Việt và Nguyễn Thanh Thuận cùng tham gia. Vào lúc 8h00 phút ngày 17/2/2021, ông Đoàn Phi Long cùng 4 công nhân trên tập kết 01 bộ đèn cắt, 03 bình dưỡng khí SCBA, 01 máy đo khí cầm tay và các dụng cụ sửa chữa đến Hệ thống xả cốc Phân xưởng thành phẩm Nhà máy luyện cốc. Cùng thời điểm này, ông Trần Anh Tân cũng có mặt tại Hệ thống xả cốc để chỉ đạo nhắc nhở nhóm ông Long phải kiểm tra đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi vào làm việc bên trong Bộ cấp liệu rung. Sau đó, ông Tân đến vị trí Thùng cốc xoay (nằm cách khoảng 20m về phía Tây so với vị trí Bộ cấp liệu rung). Khi đến tại vị trí Bộ cấp liệu rung, ông Long sử dụng máy đo khí cầm tay để đo nồng độ khí khu vực xung quanh. Sau đó, ông Long phân công Nguyễn Văn Bốn và Nguyễn Tài Hải về xưởng lấy thêm dụng cụ đồ nghề, còn ông Nguyễn Thanh Thuận và ông Nguyễn Thế Việt dùng máy khoan cầm tay sử dụng điện để mở các bu long của 2 nắp lỗ công nghệ có kích thước (0,48Lx0,48R)m nằm ở vị trí phái trên cùng Bộ cấp liệu rung. Sau khoảng 20 phút thì tháo xong. |
Không chỉ có NLĐ gặp nạn trong không gian hạn chế, vụ sập nhà xưởng còn khiến 3 công nhân Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tử vong, 2 người bị thương. Ảnh: Công Lý. |
Tiếp đó, ông Thuận bước qua rào chắn xuống sàn thao tác bên cạnh Bộ cấp liệu rung để đi ra phía trước cửa ra vào Hệ thống xả cốc lấy thêm phụ tùng để mở các bu long phía bên trong 2 nắp lỗ công nghệ. Khoảng 8h45 phút, ông Long bước vào bên trong Bộ cấp liệu rung để đo hàm lượng hơi khí độc. Chỉ khoảng 1 phút thì bị bất tỉnh, nằm dưới đáy Bộ cấp liệu rung do ngạt khí CO. Lúc này, ông Nguyễn Thế Việt đang đứng tại vị trí trên 2 lỗ công nghệ thấy vậy liền la lên cho mọi người xung quanh biết. Ông Nguyễn Thanh Thuận đang đi lại vị trí Bộ cấp liệu rung. Do không thấy ông Long, chỉ thấy ông Việt đang cúi người về phía dưới lỗ công nghệ Bộ cấp liệu rung. Ngay lập tức ông Việt bước vào lỗ công nghệ chui vào bên trong Bộ cấp liệu rung thì cũng bị ngã. Ông Thuận hô lên cho mọi người xung quanh biết để cứu ông Long và ông Việt. Khi ông Thuận chạm tay ông Việt để lôi lên thì cũng bị ngạt khí CO dẫn đến bất tỉnh, té ngã vào bên trong Bộ cấp liệu rung, nằm chồng lên người ông Long và ông Việt. Khoảng 9h05 phút, ở phía ngoài cửa vào Hệ thống xả cốc, ông Nguyễn Văn Bốn và ông Trần Thanh Tân nghe tiếng, liền chạy đến. Thấy 3 người gặp nạn, ông Bốn chạy lại ra phía ngoài cửa ra vào Hệ thống xả cốc mang bình dưỡng khí SCBA để ông Tân mang vào người, bước vào lỗ công nghệ nhằm đưa lần lượt ông Việt, ông Thuận, ông Long ra ngoài. Bộ phận y tế của Công ty tiến hành sơ cứu cho các nạn nhân và đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Nhưng ông Long đã tử vong tại đây. Ông Thuận và ông Việt được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục cấp cứu và điều trị. |
Không huấn luyện ATVSLĐ về làm việc trong không gian hạn chế |
Căn cứ sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, hình ảnh hiện trường, biên bản lấy lời khai các nhân chứng, người có liên quan và những hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc điều hành, tổ chức thực hiện công việc xử lý sự cố kỹ thuật do nghi ngờ mắc kẹt dị vật phía bên trong Bộ cấp liệu rung Hệ thống xả cốc của Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất, Đoàn Điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ngãi kết luận: Do Nhà máy luyện cốc chưa tuân thủ quy trình an toàn, vệ sinh lao động khi thực hiện công việc liên quan không gian hạn chế. Nhà máy chưa cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế dẫn đến trong quá trình nhóm công nhân do ông Long triển khai thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Khi NLĐ có hành vì chưa đảm bảo ATVSLĐ, không sử dụng bình dưỡng khí SCBA, không thực hiện đầy đủ quy trình cứu người bị TNLĐ cũng không được nhắc nhở kịp thời. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 3 công nhân thương vong. |
Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: phunuonline.com |
NLĐ cũng có lỗi một phần do không sử dụng bình dưỡng khí đã được trang bị, không đọc kỹ khuyến cáo niêm yết tại nơi làm việc trước khi đi vào bên trong Bộ cấp liệu rung của Hệ thống xả cốc là không gian hạn chế. Công ty đã huấn luyện ATVSLĐ cho nhóm công nhân trước khi làm công việc liên quan đến không gian hạn chế nhưng chưa đầy đủ dẫn đến NLĐ chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của không gian hạn chế. Trong khi đó, không gian hạn chế tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại có thể gây chết người, thương tích, mệt mỏi, suy nhược, bệnh Nghe nghiệp (cấp tính hoặc mãn tính) cho sức khoẻ, tính mạng. |
Phải tuân thủ quy trình cấp phép làm việc liên quan đến không gian hạn chế |
Đoàn Điều tra TNLĐ kết luận, lãnh đạo Công ty CP Thép Hoà Phát, trong đó có nhà máy luyện cốc chưa tuân thủ quy trình cấp giấy phép làm việc trong quá trình tổ chức khắc phục sự cố kỹ thuật do nghi ngờ mắc kẹt dị vật tại Bộ cấp liệu rung của Hệ thống xả cốc, Lò dập cốc khô CDQ1 thuộc phân xưởng thành phẩm. Đây là công việc liên quan đến không gian hạn chế nên phải thực hiện cấp giấy phép làm việc để triển khai (theo khoản 2 Điều 5 Luật ATVSLĐ và mục 2.1, mục 2.2 và 3 của QCVN 34:2018/BLĐTBHXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Để ngăn ngừa TNLĐ tương tự tái diễn, Đoàn Điều tra TNLĐ đề nghị Công ty CP thép Hoà Phát Dung Quất phải tuân thủ quy trình cấp phép làm việc liên quan đến không gian hạn chế (theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Luật ATVSLĐ). Đồng thời có giải pháp trang bị hoặc thay thế phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ phù hợp với từng vị trí công việc. Phải kiểm tra toàn diện các điều kiện về ATVSLĐ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và kiểm soát mối nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp phòng ngừa. Phải đặc biệt chú trọng huấn luyện, trang bị kiến thức, kỹ năng phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm mất an toàn, có hại phù hợp từng vị trí NLĐ và các kỹ năng về ứng cứu, sơ cứu khi xảy ra sự cố tại nơi làm việc theo khoản 1, 2, 5 Điều 14 Luật ATVSLĐ. |
Những khu vực không gian hạn chế. Ảnh: https://daotaoantoan.org |
Đồng thời nhắc nhở NLĐ chấp hành quy định, quy trình, nội quy về ATVSLĐ đã được xây dựng và ban hành áp dụng tại nơi làm việc. Phải kiện toàn lại bộ máy và phân định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, phòng ban về công tác ATVSLĐ theo quy định tại Điều 72, 73, 74 Luật ATVSLĐ và Điều 36, 37, 38 Nghị định số39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ. Công ty phải bồi thường cho thân nhân của ông Long ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động (bằng 30 tháng tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra TNLĐ). Tổng số tiền là 154.370.250 đồng.
|
Hà Vy |