e magazine
08:48 | Chủ nhật, 27/08/2023
UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giao Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây nhà ở công nhân

08:48 | Chủ nhật, 27/08/2023

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được đầu tư xây nhà ở cho công nhân lao động.

ỦY BAN Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giao Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây nhà ở công nhân

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc có nên quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây nhà ở công nhân

Tổ chức chính trị - xã hội như Tổng LĐLĐ Việt Nam có nên giữ vai trò là chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân hay không đang thu hút hai luồng ý kiến. Đây là thông tin được đồng chí Hoàng Thanh Tùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra trong Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 25/8).

Theo báo cáo, về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây nhà ở công nhân
Đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Một là, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp cũng cho rằng, đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công; hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Trên cơ sở đó, các ý kiến tán thành đề nghị xem xét chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý cho Tổng LĐLĐ Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở.

Bên cạnh ý kiến tán thành thì có một số ý kiến cho rằng, không nên quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Bởi lẽ đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây nhà ở công nhân
Đồng chí Hoàng Anh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nêu ý kiến về việc này, đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…. Do vậy, nếu quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân và có những sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt chính sách, pháp luật thì cũng rất phù hợp và cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có đề án cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề này để đại biểu Quốc hội có đủ cơ sở cân nhắc, lựa chọn phương án phù hợp nhất.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây nhà ở công nhân
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có buổi làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về vấn đề này.

Đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Về mặt lý luận, vấn đề nhà ở đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của công nhân lao động hiện nay. Từ vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề về điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn, xử lý các tình huống như dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Có nhà ở, công nhân mới yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp… Nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung. Thực tế này cho thấy cần thiết phải có một đạo luật có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên; đồng thời giải quyết bức xúc về nhà ở của công nhân lao động.

Về mặt thực tiễn, năm 2017, tại Quyết định số 655/QĐ - TTg ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã là chủ đầu tư, triển khai một dự án nhà ở xã hội. Quá trình vận hành không phát sinh vấn đề lớn. Quyết định số 1729/QĐ - TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” cũng nhận được sự ủng hộ của các địa phương. Đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm cho Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.

Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ, đã cho công nhân thuê 100%. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã về khảo sát thực tế, được chứng kiến điều kiện ăn, ở, cuộc sống… của người lao động. Việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và Nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ.

Định hướng đầu tư của Tổng LĐLĐ Việt Nam là ưu tiên đầu tư xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân ở những địa bàn nhu cầu bức thiết nhất, tham gia giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, khẳng định vai trò và vị thế của tổ chức Công đoàn để tập hợp đoàn viên, người lao động. Nguồn tài chính được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và Quỹ đầu tư của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đến nay, cơ sở để quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở đã đầy đủ.

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng quy định này. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư quy định các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở thì mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội rất rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

Nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết tâm thực hiện được chính sách làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thì cần chỉnh lý lại cho phù hợp với pháp luật có liên quan theo hướng Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, làm việc tại các khu công nghiệp... thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây nhà ở công nhân
Đoàn viên được cán bộ Ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn và Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam hướng dẫn về việc kí kết hợp đồng thuê căn hộ. Ảnh: Thu Chinh
Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây nhà ở công nhân
Bà Phùng Thị Huyền từ tỉnh Phú Thọ xuống Khu Thiết chế Công đoàn Hà Nam coi sóc nhà cửa và trông con giúp cháu họ. Ảnh: Thu Chinh

"Cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tới đây, xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để xây dựng các quy định phù hợp, khả thi, rà soát để bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật" - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận cuộc họp.

Bài: QUANG ĐẠI

Quang Đại