Vắc xin AstraZeneca gây có thể gây đông máu: Chuyên gia huyết học nói gì? |
Trước thông tin AstraZeneca mới đây thừa nhận vắc xin Covid-19 có thể gây cục máu đông (còn gọi là huyết khối) kèm hội chứng giảm tiểu cầu khiến nhiều người dân lo lắng, TS. BS Trần Thị Kiều My - Trưởng khoa Đông máu (Viện Huyết học truyền máu Trung ương) cho biết: Nguy cơ đông máu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau tiêm và thường gặp ở mũi đầu tiên. |
Hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết |
TS. BS Trần Thị Kiều My - Trưởng khoa Đông máu (Viện huyết học truyền máu Trung ương) khuyến cáo, người dân nên tỉnh táo trước những thông tin chưa đầy đủ, cần hiểu rõ và kiểm chứng thông tin từ các nhà khoa học để tránh hoang mang không cần thiết. Phân tích về giảm tiểu cầu huyết khối sau khi tiêm vắc xin Covid-19, TS. BS Trần Thị Kiều My cho biết: Biến cố giảm tiểu cầu huyết khối ở bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin đã được báo cáo trong nửa đầu tháng 4/2021. Hãng vắc xin AstraZeneca cũng từng thông báo về việc vắc xin của họ có thể gây một số tác dụng phụ hiếm gặp như giảm tiểu cầu, hình thành cục máu đông. Thông tin này lúc đó khiến mọi người đều lo ngại nó khi sử dụng vắc xin. Do đó, Ủy ban Dược châu Âu đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, kết quả cho thấy sự chênh lệch về tỉ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê. Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học và tổ chức y tế đã tham gia vào công tác nghiên cứu, để giải mã nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu ở một số trường hợp tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. |
Các nhà khoa học tin rằng họ đã giải đáp được bí ẩn đằng sau những cục máu đông cực hiếm do vắc xin AstraZeneca gây ra. Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Theo các nhà khoa học, mấu chốt ở đây nằm ở virus adeno - ở cơ chế đưa gai protein của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể người sử dụng vector của virus adeno. ADN của gai protein được đưa vào phần nhân tế bào người, thay vì vùng dịch tế bào. Khi xâm nhập vào nhân tế bào người, một số thành phần của gai protein hoặc liên kết, hoặc tách rời và có nguy cơ tạo nên các chuỗi protein đột biến đi vào cơ thể người và có thể gây ra hiện tượng đông máu. Ngày 21/4/2021, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi nghiên cứu, đánh giá đã đưa ra khuyến cáo đây là phản ứng hiếm gặp sau tiêm vắc xin AstraZeneca, chỉ có 426 trường hợp trong số khoảng 50 triệu liều vắc xin đã tiêm ở Anh, với tỷ lệ chưa đến 1/100.000. Đáng chú ý, tình trạng giảm tiểu cầu, huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch xuất hiện từ 3 - 21 ngày sau tiêm vắc xin và thường sau liều vắc xin đầu tiên. Nói cách khác, những người đã khỏe mạnh sau một tháng kể từ khi tiêm vắc xin hầu như đều có thể tránh được rủi ro này.
|
Lợi ích của vắc xin |
Tại Việt Nam, ngay sau khi nhận được các thông tin về trường hợp thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin này. Khi bắt đầu tiêm chủng vắc xin Covid-19, Việt Nam cũng đã rất thận trọng: Lúc đầu chỉ được tổ chức tại bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn, xử lý kịp thời nếu có tác dụng phụ nguy hiểm. Bộ Y tế cũng đưa ra những quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt, giám sát tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng. Người dân trước tiêm chủng được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và theo dõi sau tiêm. Sau này, quá trình theo dõi cho thấy nguy cơ phản ứng nguy hiểm sau tiêm ít nên quy trình tiêm được điều chỉnh, địa điểm tiêm cũng mở rộng hơn. |
Những người đã khỏe mạnh sau một tháng kể từ khi tiêm vắc xin hầu như đều có thể tránh được rủi ro này. Ảnh minh họa. |
Là một trong những chuyên gia của Bộ Y tế thực hiện những bài giảng chuyên môn “Chẩn đoán và xử trí giảm tiểu cầu huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19” và “Dự phòng, điều trị và theo dõi rối loạn đông máu ở bệnh nhân Covid-19”, TS.BS Trần Thị Kiều My khẳng định: Hàng chục triệu liều vắc xin của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam, nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm. Đây là một tỉ lệ vô cùng thấp. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vắc xin có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm. “Đặc biệt, phần lớn người dân đã tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca cách đây 2-3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối đi kèm với giảm tiểu cầu. Biểu hiện lâm sàng này thường xảy ra 4 đến 28 ngày sau khi tiêm và chỉ thường gặp ở mũi vắc xin đầu tiên. Do đó, người dân không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến hình thành cục máu đông”, TS.BS Kiều My nói. |
Nhớ lại giai đoạn đại dịch Covid-19, nhân viên y tế và người dân phải trải qua một giai đoạn kinh hoàng, TS.BS Trần Thị Kiều My cho rằng vắc xin AstraZeneca đã rất hiệu quả trong việc đối phó với đại dịch, cứu sống hơn 6 triệu người trên toàn thế giới trong năm đầu tiên được triển khai. Trước thông tin nhiều người lo lắng và muốn làm xét nghiệm để biết bản thân bị tình trạng huyết khối hay đo lượng tiểu cầu, TS.BS Kiều My cho rằng, đây là việc không cần thiết trong lúc này vì tốn kém và không đúng mục đích. “Chúng ta không nên tự ý làm các xét nghiệm đông máu khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, TS. Kiều My khuyến cáo. |
Dự phòng, tầm soát huyết khối như thế nào? |
Cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não với tỷ lệ 80%. Theo BS.TS Trần Thị Kiều My, những người tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì… là nhóm dễ hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, bệnh nhân có các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý về mạch máu như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Những người bị rối loạn nhịp tim dạng rung nhĩ hay còn gọi là tim loạn nhịp hoàn toàn là nhóm dễ hình thành cục máu đông trong tim và có thể gây đột quỵ, đột tử bất cứ lúc nào. Về độ tuổi, theo quan sát cũng như theo y văn chứng minh, những người trung niên, người già, người lớn tuổi có tỷ lệ mắc bệnh lý về huyết khối, xơ vữa, rối loạn nhịp tim cao hơn. Những người này có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Thời gian gần đây, tình trạng xuất hiện cục máu đông và xơ vữa mạch ở giới trẻ cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên do lối sống, thói quen sinh hoạt và môi trường tác động. Đó là lý do xu hướng các bệnh lý tim mạch, đột quỵ ngày càng trẻ hóa và gia tăng. |
TS.BS Trần Thị Kiều My (ngồi) được tiêm vắc xin AstraZeneca. Ảnh: NVCC. |
BS.TS Trần Thị Kiều My cho biết, các nguyên nhân gây nên cục máu đông là: tổn thương thành mạch (xơ vữa, mổ, cắt, tiêm chích…), ứ trệ tuần hoàn (ít vận động, nằm lâu…), các yếu tố tăng tiểu cầu, ung thư, nhiễm khuẩn huyết cũng là nguyên nhân gây tăng đông trong cơ thể.
|
Phòng ngừa cục máu đông nắm vai trò quan trọng hơn điều trị bệnh. Thay vì làm những xét nghiệm tìm cục máu đông ở hiện tại, TS.BS Trần Thị Kiều My cho rằng nên thực hiện sàng lọc các loại bệnh khác phổ biến hơn, đồng thời nên thăm khám sức khoẻ định kỳ, chú trọng điều trị bệnh nền, nâng cao chất lượng cuộc sống, lối sống. Theo đó, để dự phòng, tầm soát huyết khối, người lao động nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Người bệnh phải tuân thủ uống đủ loại thuốc, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ như cao huyết áp không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể sử dụng thuốc để kiểm soát mức huyết áp. Tương tự, đường huyết cũng vậy, để hữu hiệu, người bệnh cần tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc lâu dài, nếu chỉ điều trị trong thời gian vài tháng sau đó ngưng thì sẽ trở về như cũ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Giống như các bệnh lý khác, để phòng ngừa cục máu đông nên hạn chế rượu bia, thuốc lá. Chúng ta nên thay đổi, cải thiện lối sống: tập thể dục, thường xuyên vận động để có sức khỏe tốt hơn, tăng cường sức đề kháng để giảm mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường. Nên xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế đạm động vật, tăng cường bổ sung các loại protein từ cá. Đó là những biện pháp giảm tỷ lệ các bệnh lý về chuyển hóa như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì,... từ đó, giảm nguy cơ bệnh lý do hình thành cục máu đông, huyết khối trong tim hoặc ở các vùng khác trên cơ thể. |
Video: TS. BS Trần Thị Kiều My - Trưởng khoa Đông máu Viện huyết học truyền máu Trung ương tập huấn về "Rối loạn đông máu ở bệnh nhân COVID-19: Dự phòng, điều trị và theo dõi". |
Gia Hưng Đồ họa: Hưng Thịnh |