Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần của giáo viên ngày càng trở nên cấp bách
Xã hội càng phát triển, yêu cầu từ học sinh, phụ huynh càng cao, môi trường sư phạm thay đổi khiến thầy, cô giáo thường xuyên đối mặt với áp lực, căng thẳng nghề nghiệp. |
Những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần (SKTT) của nhà giáo
Những cuộc khảo sát gần đây của ngành Giáo dục chứng minh rằng, nghề giáo viên gặp nhiều căng thẳng hơn nhiều ngành nghề khác. Những năm đại dịch Covid-19 đã gia tăng áp lực khiến người giáo viên (GV) bị kiệt sức. Năm 2022, hơn 16.000 GV xin nghỉ việc, chuyển việc là minh chứng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là áp lực tâm lý. Cô Phạm Thúy Hồng - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Lê Ngọc Hân (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, bên cạnh một số bệnh nghề nghiệp dễ mắc phải như bệnh phổi, thanh quản, suy giãn tĩnh mạch chân… do nói nhiều, đứng nhiều thì GV còn dễ bị căng thẳng nghề nghiệp, kể cả với người biết cách kiểm soát, cân bằng tâm lý cá nhân. “Thầy cô phải mang việc về nhà, cơ sở vật chất thiếu hụt; ban giám hiệu, phụ huynh soi xét và thiếu ủng hộ; tỉ lệ học sinh trong lớp học quá tải. Tất cả những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến SKTT của thầy cô giáo”, cô Phạm Thúy Hồng chia sẻ. |
GV là những người có tác động quan trọng về xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của học sinh. Nếu GV có tình trạng SKTT, thái độ, nhận thức và năng lực tốt sẽ tạo ra những hế hệ học trò hạnh phúc, từ đó có tác động lâu dài đến sự phát triển của học sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong môi trường sư phạm: thay vì truyền thống "tôn sư trọng đạo" như xưa, học trò có thể hành hung GV, phụ huynh đánh GV đến nhập viện, học sinh đâm tử vong bạn vì mâu thuẫn vụn vặt, học sinh xúc phạm thầy cô giáo trên mạng xã hội… Có rất nhiều GV nỗ lực, cống hiến hết mình trong ngành Giáo dục, vừa hoàn thành chỉ tiêu chất lượng nhưng lại chưa cảm nhận được hạnh phúc. Áp lực đặt lên vai ngày càng lớn khi thầy cô phải chịu trách nhiệm trước gia đình, nhà trường và xã hội về đạo đức của học sinh. Trong khi đó, tâm lý và áp lực của các thầy cô giáo dường như đang bị bỏ quên. |
Một nghiên cứu khảo sát tình trạng SKTT của GV các trường trung học cơ sở (THCS) tại Quảng Trị, Huế và Tp.HCM cho thấy, có 41,1% GV bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% GV có nguy cơ tổn thương SKTT cao và khoảng 6,1% GV có SKTT không tốt. Theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là: thầy cô bị quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành, không cân bằng được thời gian dành cho cuộc sống và công việc… Ngoài ra, GV còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh học sinh, sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới. Đặc biệt, việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, chụp hình và đưa các thông tin lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc là một yếu tố gây áp lực lớn với GV. Sự căng thẳng quá mức dẫn tới rối loạn các hoạt động thần kinh và gây ra suy nhược thần kinh. Thực tế cho thấy, sau một thời gian bị căng thẳng, áp lực, không ít GV mắc phải chứng suy nhược thần kinh, nặng hơn là bệnh thần kinh (ngớ ngẩn, lẩn thẩn, tự ám thị...) và tai biến mạch máu não. Theo bác sĩ Lê Thị Phương - Bệnh viện Bạch Mai, đây cũng là chứng bệnh được liệt kê vào một trong số những bệnh nghề giáo có nguy cơ cao mắc phải. |
Chăm sóc SKTT cho GV, hướng tới trường học hạnh phúc. Ảnh: N. Hiên. |
Thực tế, nhiều GV căng thẳng lâu ngày nhưng khó nhận biết mình đang ở tình trạng nào của suy nhược thần kinh và stress. Theo bác sĩ Lê Thị Phương, nếu có dấu hiệu cần đến sớm các cơ sở y tế, các chuyên gia để thăm khám và chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, GV thường ngại chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về SKTT. Một số khảo sát cho biết sau đại dịch Covid-19, có khoảng 75% thầy cô báo cáo rằng SKTT của họ đang bị ảnh hưởng nhưng đáng buồn là chỉ có khoảng 6% trong số họ tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ SKTT mà thôi. PGS. TS Nguyễn Thành Nam cho rằng, nguyên nhân là do hiện nay vẫn còn nhiều thành kiến về vấn đề này. GV thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác. Nhiều GV vẫn tin rằng, cách để chữa bệnh tâm lý chỉ là ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, đi chơi là khỏi bệnh. |
|
Giải pháp nào để bảo vệ SKTT cho thầy cô?
Theo PGS. TS. Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), áp lực dẫn tới căng thẳng với các biểu hiện như: suy giảm trí nhớ, đau đầu, rụng tóc, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương tim, suy giảm hệ miễn dịch,… Hậu quả của nó là làm giảm mức độ hài lòng với công việc, chất lượng cuộc sống, phá vỡ các mối quan hệ, các tiểu hệ thống trong nhà trường, ảnh hưởng trực tiếp đến học trò và chất lượng dạy và học. Vì vậy, giúp GV ý thức được tầm quan trọng của SKTT, giúp họ nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương, trang bị cho họ những kiến thức vệ sinh SKTT và tìm kiếm hỗ trợ về SKTT đúng cách sẽ là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên những lớp học hạnh phúc, giúp con cái của chúng ta hạnh phúc khi tới trường. |
Tăng cường các hoạt động thể chất giúp nâng cao sức khỏe cho nhà giáo. Ảnh: M. Phương |
Để hỗ trợ giải tỏa căng thẳng tâm lý cho GV, bảo vệ SKTT cho thầy cô, PGS.TS. Trần Thành Nam cũng đề xuất, cần tận dụng các nguồn lực chăm sóc SKTT hiện tại của hệ thống dịch vụ của y tế và hệ thống của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề xuất một môi trường kết nối các nhóm đa chức năng, ông Nam ví dụ cần tích hợp và chuyên nghiệp hóa 3 vị trí hỗ trợ SKTT trong trường học là nhà tham vấn tâm lý, nhà tâm lý học đường và nhân viên công tác xã hội học đường (3 vị trí luôn có ở các nhà trường phương Tây) để có thể thiết kế "bản vẽ" của ngôi trường hạnh phúc với các chương trình phòng ngừa, can thiệp và tạo ra một không gian mang tính chữa lành trong trường học. PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng kêu gọi sự hợp tác để xây dựng một hệ thống đánh giá sàng lọc các vấn đề tổn thương SKTT cho GV và học sinh trong toàn hệ thống; phát triển các nhóm hỗ trợ đồng đẳng từ xa, các dịch vụ hỗ trợ chuyên gia trực tuyến, tận dụng các ứng dụng chăm sóc SKTT hiện đang được xuất hiện trên các cửa hàng trực tuyến như App Store hay Google play, phát triển các khóa học mở trực tuyến cho GV. Ngoài ra, PGS.TS Trần Thành Nam cũng khuyến nghị cần đưa một số nội dung giáo dục nhận thức về SKTT vào nhà trường bao gồm: làm rõ sự kỳ thị về bệnh tâm thần; hiểu biết đúng về bệnh tâm thần; nhận diện một số biểu hiện bệnh tâm thần phổ biến; trải nghiệm cách thức vệ sinh sức khỏe tâm thần đúng; tìm kiếm sự giúp đỡ đúng và duy trì tâm trạng tích cực và tầm quan trọng của một SKTT tích cực. Đồng chí Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội là người khá đồng cảm với các nhà giáo khi họ bị căng thẳng, áp lực từ nhiều phía. “Môi trường giáo dục mô phạm, mẫu mực, thầy cô giáo luôn phải coi mình là chuẩn mực để học sinh noi theo nên khá áp lực. Hiện chúng tôi đang trăn trở tìm giải pháp giúp đỡ nhà giáo như: triển khai hoạt động công đoàn ngành nghề nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, kỹ năng ứng xử tình huống sư phạm và sức khỏe thể chất và tinh thần cho GV; bảo vệ từ xa cho nhà giáo; giúp nhà giáo nâng cao trình độ để thích ứng được với môi trường đổi mới hiện nay. Chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến đời sống văn hóa, tổ chức các sân chơi như: "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo"; hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng"; hội thi "Thầy cô trong mắt em"…, "Ngày hội văn hóa thể thao" nhằm tổ chức các CLB rèn luyện sức khỏe cho các nhà giáo, tăng cường kết nối, giao lưu, giảm căng thẳng… Ngoài ra, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội còn tích cực thực hiện các phong trào, xây dựng mô hình trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn, mô hình nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, trường học hạnh phúc…”.
|
Câu lạc bộ Zumba vui khoẻ là nơi đoàn viên Trường Mầm non Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) tái tạo năng lượng sau giờ làm việc. Ảnh: M. Phương Cô giáo Phạm Thị Ngọc Huệ, GV tại một trường học ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, mỗi GV cần có phương pháp ăn, nghỉ khoa học; biết cách điều phối về thời gian nghỉ ngơi, tránh các sang chấn tâm lý. Các thầy cô giáo cần hoạt động chân tay, lao động, tập thể dục thường xuyên. Hằng ngày, cô Huệ đều chủ động chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc SKTT nói riêng như thiền định để rèn luyện tâm trí, chạy bộ thể dục thể thao và thăm khám sức khỏe định kỳ. “Khi mình có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần khỏe mạnh thì mình có chất lượng cuộc sống tốt hơn”, cô Huệ chia sẻ. Ngoài ra, sự hài lòng và tự tin với công việc chuyên môn, số năm kinh nghiệm và sự gắn kết trường học, cam kết với nghề trồng người là những yếu tố giúp bảo vệ SKTT của các thầy cô. |
|
Đối với nghề giáo viên, kỹ năng tự chăm sóc SKTT là hết sức quan trọng và cần thiết. |
Bài: Gia Hưng. Đồ họa: Hưng Thịnh |