e magazine
14:58 | Thứ bảy, 21/01/2023
Vụ bé rơi xuống ống sâu 35m: Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan

14:58 | Thứ bảy, 21/01/2023

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, sau khi hoàn thành công tác cứu nạn, đưa thi thể cháu Thái Lý Hạo Nam - bị rơi xuống ống sâu 35m, cơ quan chức năng tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan để xảy ra vụ việc.
Vụ bé rơi xuống ống sâu 35m: Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan

Lực lượng cứu nạn tìm kiếm cháu Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống ống bê-tông sâu 35m suốt 21 ngày. Ảnh: TL

Vụ cháu bé rơi xuống ống sâu 35m:

Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị có liên quan

Xuyên đêm ngày 19/1 đến rạng sáng ngày 20/1, lực lượng cứu nạn tỉnh Đồng Tháp liên tục tiến hành những bước cuối đưa thi thể bé Thái Lý Hạo Nam lên mặt đất.

21 ngày qua (từ ngày 31/12/2022), lối vào công trình cầu Rọc Sen lúc nào cũng sáng đèn. Lực lượng cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, công an kết hợp với Lữ đoàn công binh 25, Quân khu 9, chia thành nhiều ca, làm việc xuyên ngày đêm.

Công trình cầu Rọc Sen nằm trên bãi đất vắng vẻ, cách khu dân cư khoảng 500m, cách nhà bé Hạo Nam chỉ hơn 1 km. Lối vào công trình được lực lượng chức năng phong tỏa, bởi trong hiện trường có nhiều thiết bị chuyên dụng hạng nặng, có thể gây mất an toàn trong quá trình di chuyển.

Hạo Nam bị rơi xuống ống cọc có đường kính quá nhỏ (25 cm), cọc đã cắm sâu dưới lòng đất tới 35 m. Tầng đất sâu, có tính chất đặc dính nên rất khó để lực lượng cứu nạn có thể nhổ cọc lên. Do tính chất hi hữu của sự việc, nhiều phương án cứu nạn được đưa ra dưới sự tham vấn ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, các chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị chuyên dụng cũng được điều động thêm từ các tỉnh lân cận như hệ thống cần cẩu 50 đến 80 tấn, máy rung 180 kW...

21 ngày đêm chạy đua với thời gian

Máy cắt chuyên dụng SP43-XL cũng được lực lượng công binh mang đến hiện trường, dùng để hỗ trợ cắt trụ bê tông. Ngoài máy cắt chuyên dụng, lực lượng công binh còn mang theo bình dưỡng khí nén và nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ cho công tác cứu nạn. Bình phun hóa chất để xử lý môi trường được lực lượng công binh mang vào hiện trường. Lực lượng này cũng thực hiện thêm một số nhiệm vụ hỗ trợ đặc thù khác tùy vào điều kiện và yêu cầu thực tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, công tác cứu nạn đang được thực hiện trên tinh thần nỗ lực cao, dựa trên sự phối hợp của nhiều lực lượng như Quân khu 9, công an, quân sự, y tế, nhân viên kỹ thuật và công nhân xây dựng công trình cầu đường, ...

Ban đầu, đội tính đến phương án cứu cháu bé bằng dây chuyên dụng. Cách làm không khả thi vì đường kính ống cọc quá nhỏ. Đội cứu nạn chuyển sang phương án hai là khoan làm mềm đất, sau đó dùng cần cẩu kéo lên. Song phương án tiếp tục gặp khó khăn do việc kéo lên có thể làm đứt các mối nối, khiến ống cọc bê tông có nguy cơ trượt xuống.

Đội cứu hộ đã thử nhiều phương án như đưa ống nhòm chuyên dụng của Quân đội, camera hồng ngoại xuống để quan sát bé Nam, song không đem lại kết quả. Khi đội đưa điện thoại có quay video xuống lòng ống thì chỉ chạm vào lớp đất bên dưới, không tiếp cận được bé trai. Theo trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng cứu hộ, đội đã tính đến phương án đưa người xuống và thả dây chuyên dụng vào. Song phương án này không khả thi do miệng ống quá nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể thả dây leo xuống.

Sáng 3/1, phương án thứ ba được điều chỉnh là đóng ống vách quanh cọc bê tông, rồi tiến hành bơm nước, xử lý lớp đất xung quanh. Phương án này gặp nhiều bất lợi bởi khi đào xuống độ sâu trên 30 m, đội cứu nạn gặp phải tầng đất có kết cấu phức tạp, đất chặt.

Ngày 4/1, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận bé Hạo Nam đã tử vong. Nguyên nhân chính là nạn nhân bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí và gặp nhiệt độ thấp.

Một ngày sau đó, phương án được điều chỉnh lần thứ 4. Lúc này, việc duy trì sự sống cho cháu bé kết thúc, mục đích cuộc cứu nạn chuyển sang đưa thi thể nạn nhân lên mặt đất sớm nhất.

Vụ bé rơi xuống ống sâu 35m: Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan

Lực lượng công binh đưa thiết bị chuyên dụng đến hiện trường. Ảnh: ZINGNEWS

Phương án mới sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh ống cọc bê tông. Sau khi tiếp cận đáy ống cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc ống cọc bê tông lên. Phương án này cần triển khai qua 11 bước, cần sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng được điều động thêm như cần cẩu 80 tấn, búa rung 180 kW...

Đến ngày thứ 17, đội cứu nạn đưa được đoạn đầu tiên của ống cọc bê tông lên mặt đất (dài 12m) bằng phương pháp cưa cắt. Sau đó một ngày, tổ cứu nạn xác định vị trí nghi ngờ có bé Nam mắc kẹt nằm ở mối nối đoạn 2 và đoạn 3 của ống cọc bê tông.

Bước sang ngày thứ 20, đội cứu nạn đưa được ống cọc thứ hai lên. Đối với đoạn cọc cuối, đội thay đổi phương án khi không đưa lên mặt đất mà sẽ tiếp cận lòng ống, dùng biện pháp nghiệp vụ để đưa bé trai lên. Cuối cùng, bằng tất cả nỗ lực và lời hứa "đưa thi thể bé Hạo Nam lên trước Tết", đến rạng sáng 20/1, lực lượng chức năng đã được thi thể Hạo Nam về với gia đình, tiến hành lo tang sự.

Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị có liên quan

Suốt 21 ngày qua, ông Tấn Tài (cha của Hạo Nam) đau đớn khi liên tiếp làm các thủ tục và phải tin rằng con mình không còn nữa. Ông đã ký vào biên bản ghi nhận việc con trai đã tử vong và thống nhất để lực lượng cứu nạn thực hiện các phương án đưa thi thể cháu Hạo Nam ra khỏi lòng ống cọc bê tông.

Nhớ lại buổi trưa ngày 31/12, thời điểm con trai cùng nhóm bạn đi vào công trình, sau đó bé Nam rơi xuống ống sâu 35m, ông Tấn Tài day dứt mãi. Các công nhân trong tổ đóng cọc bê tông kể rằng, bé Hạo Nam vẫn gọi với lên trên "cháu ở dưới hố, cứu cháu với". Nhưng chỉ 10 phút sau, cậu bé không còn đáp lại tiếng gọi phía trên.

"Lúc vừa đến, tôi nghe tiếng kêu cứu của con trai. Một lúc sau đó thì không nghe gì nữa. Rất có thể con đã ngất xỉu từ trưa 31/12", anh Thái Văn Tấn Tài (bố nạn nhân) nghẹn ngào.

Anh Tài nhiều lần trách bản thân mải chạy theo công việc mưu sinh mà ít có thời gian để bên cạnh, chăm sóc con trai. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (mẹ nạn nhân) liên tục ngất xỉu, không khỏi xúc động mạnh mỗi khi nhắc đến con.

Ngôi nhà bé Hạo Nam từng sống cùng cha mẹ nằm lọt thỏm trong con xóm nhỏ với diện tích khoảng 50 m2, mái lợp tôn cũ kỹ, sàn nhà được làm bằng cây gỗ địa phương đã xuống cấp nặng. Bàn thờ của Hạo Nam lập vội trên chiếc bàn học của em. Dự tính, gia đình sẽ lo tang sự và tiến hành chôn cất cậu con trai tại khoảnh đất cạnh nhà.

Chia sẻ với mất mát của gia đình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, chính quyền đã hỗ trợ nhiều khoản cho gia đình nạn nhân, cả theo chế độ lẫn hiện vật. Nhiều nhà hảo tâm cũng giúp đỡ cha mẹ Hạo Nam trong thời gian qua.

Còn về đề xuất "địa phương tạo công ăn việc làm ổn định cho cha mẹ bé trai", lãnh đạo tỉnh chưa tiến hành và sẽ xem xét thêm trong thời gian tới.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 thuộc dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL30 đường ĐT.845 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp quản lý dự án; Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải giám sát thi công xây dựng. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T.

Công trình cầu Rọc Sen đã được thi công khoảng 6 tháng nay, hiện đã hoàn thành việc đóng cọc âm cột bê tông. Theo nhiều người dân, nhiều cọc âm vẫn còn lộ thiên, cao so với mặt đất khoảng 5 cm mà chưa được lấp đất đá. Khu vực công trình thi công nơi xảy ra vụ tai nạn có rào chắn tạm, biển báo.

Ngày 20/1, sau khi kiểm tra hiện trường công trình cầu Rọc Sen, nơi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống trụ bê tông rộng sâu 3 5m tử vong, Bộ trưởng Nộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã đến chia buồn, thắp hương cho cháu bé Hạo Nam và tặng quà, thăm hỏi gia đình cháu.

Vụ bé rơi xuống ống sâu 35m: Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan

Quần áo của bé Hạo Nam và em gái. Ảnh: TL

"Có người trông coi công trình, nhưng chỉ sơ suất một tí là sự việc đã xảy ra. Đó là điều rất đau lòng", Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp nói.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khẳng định sẽ chấn chỉnh, đảm bảo an toàn thi công, ngành chức năng sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm và xử lý nếu có vi phạm.

Nói về công tác an toàn lao động qua vụ việc hi hữu nói trên, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động cho biết: Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, tại Điều 115. An toàn trong thi công xây dựng công trình quy định:

Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình; phối hợp với các nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động (TNLĐ); thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, TNLĐ gây chết người.

Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

Vụ việc bé Hạo Nam (ở Đồng Tháp) rơi lọt vào lòng cọc bê tông tại công trình Cầu Rọc Sen cảnh báo việc mang tính lặp lại các vi phạm về công tác an toàn lao động trên các công trình xây dựng nói chung, đặc biệt là an toàn trong thi công xây dựng cầu đường, công trình công nghiệp, dân dụng, hạn tầng kỹ thuật điện, viễn thông…gần khu dân cư. Thường tại các công trình xây dựng, có rất nhiều các hố móng, móng cọc, đường hào… là vị trí có nguy cơ gây tai nạn cho con người, đặc biệt là các cháu nhỏ.

Theo các quy định về An toàn thi công, an toàn lao động nói trên, rõ ràng chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã vi phạm quy định về an toàn thi công, ATLĐ, thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình như: không có rào chắn khu vực nguy hiểm, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm, công tác bảo vệ công trường thiếu trách nhiệm để người không có nhiệm vụ tự do ra vào công trường… gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ bé rơi xuống ống sâu 35m: Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan

Vụ bé rơi xuống ống sâu 35m: Sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan (thứ hai, từ trái qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa (đầu tiên, từ phải qua) động viên cha mẹ bé Hạo Nam. Ảnh: CTTĐT

Các nhà thầu chưa chú trọng đúng mức các quy định về an toàn lao động có một số lý do: lãnh đạo các đơn vị, chỉ huy các công trường, cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công, cán bộ giám sát… chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, từ nhận thức tới hành động, có phần xem nhẹ việc thực hiện các biện pháp an toàn trong thi công; Một số nơi còn làm tắt, thiếu các quy trình, công đoạn trong thi công (chưa đầy đủ các biện pháp an toàn vẫn thi công), tiết giảm các chi phí an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.

Bài viết: HÀ VY

Ảnh: VNEXPRESS, ZINGNEWS

HÀ VY