Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp và dịch vụ, Hà Nội thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh thành đến sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, vấn đề về chỗ ở trọ an toàn, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu vẫn là một mối lo ngại lớn đối với rất nhiều công nhân. |
Những nguy cơ về
|
Hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các KCN có khoảng 167.000 người. Theo khảo sát quốc gia năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương với 231 nghìn người. Tuy vậy, rất nhiều công nhân làm việc tại các KCN phải sống trong những khu trọ giá rẻ, diện tích chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém và an ninh không được đảm bảo. Việc thiếu các tiện ích cơ bản như hệ thống thoát nước, vệ sinh và các biện pháp phòng cháy chữa cháy là những vấn đề phổ biến. |
Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các KCN Hà Nội khoảng 167.000 người. Ảnh: Hồng Nhung. |
Trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở đảm bảo an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” thí điểm tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) và thị trấn Chi Đông, Quang Minh (huyện Mê Linh) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế IOM triển khai, một khảo sát với 420 người lao động và một số chủ nhà trọ cho thấy: 25% người được hỏi cho biết họ không hài lòng với nguồn nước được cung cấp, 20% không hài lòng với hệ thống thông gió, 24% với hệ thống ánh sáng và 22% với hệ thống thu gom rác tại nhà trọ.
Từ năm 2006 khi bắt đầu làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, Lê Thị Bích Hải (thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) đã chuyển rất nhiều nơi ở trọ. Hải chia sẻ: “Chúng tôi từng sống trong những căn phòng trọ chỉ khoảng 10-15m2, rất chật chội và nóng bức. Mỗi khi mưa lớn, nước lại tràn vào nhà, vừa bất tiện vừa nguy hiểm. Có những nơi ở khá ổn, nhưng do không làm hợp đồng thuê nhà nên chủ có thể nói mình chuyển đi bất cứ lúc nào họ muốn”.
Nơi ở hiện nay, gia đình Hải đã thuê được 6 năm dù theo cô, điều kiện chưa tốt do nhà cũ, ẩm thấp về mùa đông và nóng nực về mùa hè. Nhưng bù lại là giá rẻ (2 phòng có tổng diện tích 40m2 với giá 1.5 triệu/tháng) và ông bà chủ tốt bụng. Có con nhỏ, vợ chồng Hải được ông bà hỗ trợ khá nhiều.
Một trong những khu nhà trọ ẩm thấp ở thôn Nhuế (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Văn Quân.
Với gia đình công nhân Lê Quý Thái (Công ty TNHH Toto Việt Nam) thì điều bất tiện nhất khi ở trọ là khu vệ sinh chung. Cả dãy trọ gần 10 phòng, lúc cao điểm có hơn 30 người mà chỉ có 2 nhà vệ sinh chung – nơi diễn ra mọi hoạt động vệ sinh, tắm giặt nên thường dẫn đến hiện tượng “tắc nghẽn” vào giờ cao điểm. Không chỉ ở trọ giá rẻ, lụp xụp, ẩm thấp và thiếu thốn đủ thứ với điều kiện sống xuống cấp trầm trọng, công nhân ở trọ cũng phải đối mặt với vấn đề an ninh khu vực. Các vụ trộm cắp, xâm nhập trái phép thường xuyên xảy ra khiến công nhân luôn sống trong trạng thái lo lắng, bất an. "Bạn bè tôi hầu như ai cũng từng phải đối mặt với tình trạng mất đồ. Có người ngủ trong phòng vẫn bị trộm cậy cửa lấy điện thoại, xe máy. Khu trọ cũ của tôi, có đợt mất đến 4 xe máy chỉ trong thời gian ngắn. Thế nên, cánh công nhân mới đến, chúng tôi luôn nhắc phải khóa xe 1-2 lớp khóa chữ U hoặc cho ngay vào phòng mới an toàn”, Thái cho biết. |
Nhà vệ sinh chung xập xệ trong một khu nhà trọ công nhân. Ảnh: Văn Quân. |
Anh P.V.A làm nghề sửa chữa điện nước ở xã Võng La, huyện Đông Anh từ năm 2008 chia sẻ: Việc sống trong các khu nhà trọ không đảm bảo an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho công nhân. Hệ thống điện cũ kỹ, dễ chập cháy, các lối thoát hiểm bị cản trở, và việc không có các biện pháp phòng chống cháy nổ là những yếu tố có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng. Trong đó, theo anh P.V.A, nguy cơ mất an toàn nhất ở khu nhà trọ công nhân là chập cháy điện. Vì nhiều dãy trọ xây lâu năm, hệ thống dây điện trước đây chỉ dành để thắp sáng, quạt, nay công nhân có điều kiện hơn nên phòng nào cũng sắm điều hòa, tủ lạnh, ti vi, máy giặt… Những người khó khăn vẫn cố tìm mua đồ cũ khiến hệ thống dây diện quá tải nên nguy cơ chập cháy rất cao. Cũng từ kết quả khảo sát trên cho thấy, đa phần các phòng trọ đều không có nội thất (chiếm 37%) hoặc chỉ có một số nội thất cơ bản (chiếm 47%). Một số lao động phải mua sắm thêm hầu hết các vật dụng trong phòng và tự lắp đặt thêm điều hòa phòng lúc thời tiết quá nóng. “Tôi thường xuyên được gọi đến các phòng trọ đấu nối lại hệ thống điện, hỏng đâu sửa đó. Rất ít chủ nhà chịu bỏ tiền ra sửa chữa hệ thống điện, nước trong khu trọ nên công nhân phải tự chi trả việc sửa chữa nhà nếu xảy ra hỏng hóc hoặc cần bảo trì. Với tài chính hạn chế, việc phải chịu trách nhiệm sửa chữa nhà có thể gây áp lực lớn cho công nhân lao động. Ngoài ra, còn có các nguy cơ cháy nổ do đun nấu bằng bếp gas mini. Không khó để nhận thấy, gần các KCN có có rất nhiều dãy trọ 3-4 tầng, xây úp mặt vào nhau, phòng san sát, chật lối đi. Tầng 1 để mấy chục xe máy, nếu lửa bốc lên thì không kịp dập”, anh P.V.A lo ngại.
Tại Hội thảo tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư (ngày 4/6), bà Park Mihyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam khẳng định: Di cư trong nước đang tham gia rất nhiều trong các ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp thiết yếu trong lực lượng lao động của Việt Nam, cả trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức. Phần đông người lao động di cư để tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn, và nhiều người trong số họ tìm kiếm công việc tại các KCN lớn như ở huyện Đông Anh và Mê Linh (Hà Nội). Bà Park Mihyung đánh giá, hiện tại, vẫn chưa có các quy định của pháp luật chính thức hướng dẫn các chủ nhà trọ về việc cung cấp điều kiện sống tối thiểu tại các khu nhà trọ cho lao động, đặc biệt là người lao động làm việc tại các KCN, cũng là đối tượng dễ bị tổn thương khi tìm kiếm các chỗ ở đảm bảo. “Với những gánh nặng này, lao động di cư thường sẽ lựa chọn chỗ ở tạm bợ và với giá cả hợp lý” - bà Park Mihyung cho biết. |
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng chỗ ở cho công nhân |
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Thành phố hiện nay có 04 dự án nhà ở cho công nhân lao động các KCN đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế cho khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở. Trong đó, khu nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Ðông Anh có diện tích 20 ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở. Ngoài ra, có Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua gồm 1 tòa nhà cao 12 tầng và 2 tòa nhà cao 9 tầng, tổng cộng có 484 căn hộ. Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chỗ ở của người lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà trọ tại những khu nhà do người dân xây dựng trong khu dân cư (chủ yếu là nhà cấp 4). Con ngày càng lớn, chỗ ở trọ ngày càng trở nên chật chội, bí bách, công nhân Lê Thị Bích Hải rất mong muốn mua được nhà xã hội giá rẻ hoặc thuê được chung cư (Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê) cao ráo, sạch sẽ, ở được lâu dài, giá cả hợp lý. Mới đây, Hải đã qua tận nơi để hỏi, nhưng cán bộ quản lý cho biết, bao giờ có nhà trống thì hãy đến nộp hồ sơ. Mà theo Hải biết thì nhiều bạn bè, đồng nghiệp của cô đã nộp hồ sơ vài tháng rồi nhưng vẫn phải chờ và “khó hy vọng lắm chị ạ”. |
Mỗi phòng trọ thường có diện tích chỉ khoảng 10-15m². Ảnh: Văn Quân |
Năm 2020, một nghiên cứu đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, thông thường một phòng trọ có diện tích 14m² sẽ có 4 người sống chung. Trong khi theo khuyến nghị của Bộ Y tế trong giai đoạn phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, diện tích sử dụng của phòng không được nhỏ hơn 5m²/người. Qua khảo sát của phóng viên, một số gia đình hoặc nhóm thuê nhà trọ chung có diện tích chỉ khoảng 10-15m² nhưng số người ở lại khá đông (từ 4-5 người), điều kiện sinh hoạt như vệ sinh môi trường, nước uống, ánh sáng, an ninh, phòng cháy chữa cháy… cũng còn nhiều hạn chế. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban thường vụ Hội LHPN Hà Nội trình bày dự thảo các tiêu chí về điều kiện sống trong các khu nhà trọ cho lao động di cư. Ảnh: Hồng Nhung. Nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, thực hiện Ðề án "Ðầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 22/11/2023 về thực hiện chỉnh trang các KCN trên địa bàn. UBND Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu: Hỗ trợ công nhân lao động trong các KCN ổn định cuộc sống, đảm bảo đáp ứng mặt bằng chung cuộc sống tại Hà Nội. Đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 01-02 khu nhà ở công nhân cho các KCN đang hoạt động và đến năm 2030, 100% các KCN được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
Chỗ ở trọ an toàn không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là quyền lợi chính đáng của công nhân - những người đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Các công nhân rất mong mỏi có được một chỗ ở trọ an toàn và đảm bảo điều kiện sống cơ bản. Họ hy vọng chính quyền và các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này, xây dựng các khu nhà ở công nhân với giá thuê hợp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn và an ninh. Bên cạnh đó, những chính sách cho vay mua nhà ở xã hội, giảm giá điện, nước, và cải thiện hạ tầng giao thông cũng là những giải pháp mà công nhân mong muốn được triển khai. Trong thời gian Thành phố chưa hoàn thiện khu nhà ở cho công nhân, việc đảm bảo công nhân lao động có chỗ ở an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống là điều hết sức quan trọng. Do đó, dự án “Nâng cao chất chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được triển khai, cùng với sự quyết tâm của cấp ủy chính quyền Thành phố và các địa phương sẽ góp phần thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh KCN, đặc biệt là lao động nữ. Dù khó khăn, nhiều công nhân vẫn cố gắng sắm tủ lạnh, máy giặt, điều hòa... nhưng tiềm ẩn nguy cơ quá tải đường điện, gây chập cháy. Ảnh: Văn Quân. |
|
Chỗ ở được coi là đảm bảo mức sống tối thiểu khi đáp ứng được - Đảm bảo cư trú: Bảo vệ người cư trú về mặt pháp lý để ngăn chặn bị cưỡng bức trục xuất, quấy rối và các đe dọa khác. - Sự sẵn có của các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thiết yếu: Đảm bảo người cư trú có thể tiếp cận nước uống an toàn, vệ sinh, đảm bảo năng lượng để nấu ăn, sưởi ấm, chiếu sáng, đồng thời cung cấp các dịch vụ xử lý rác thải và dự trữ thực phẩm. - Khả năng chi trả: Đảm bảo người cư trú có khả năng chi trả cho chi phí nhà ở mà không ảnh hưởng đến các quyền con người khác. - Khả năng sinh sống: Nhà ở đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất hoặc cung cấp đủ không gian sinh hoạt, cũng như được bảo vệ chống lại cái lạnh, ẩm ướt, nóng, mưa, gió, các mối đe dọa khác đối với sức khỏe. - Khả năng tiếp cận: Nhà ở cần đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhóm, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội. - Vị trí: Nhà ở được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc tìm kiếm công việc, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em và các cơ sở xã hội khác, đồng thời không nằm trong khu vực bị ô nhiễm hoặc nguy hiểm. - Phù hợp về mặt văn hóa: Nhà ở cần được xem xét và tôn trọng các yếu tố văn hóa đặc thù của người cư trú. (Theo Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người). |
Di cư trong nước đang tham gia rất nhiều trong các ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp thiết yếu trong lực lượng lao động của Việt Nam. Ảnh: Hồng Nhung.
Gia Hưng Đồ họa: Hưng Thịnh |