e magazine
09:14 | Thứ sáu, 27/12/2024
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng

09:14 | Thứ sáu, 27/12/2024

Tiếp nối những chiêu trò lừa đảo từ "diễn viên" giả bệnh nhân, một hình thức gian dối tinh vi hơn đang nổi lên: giả danh "chuyên gia y tế" để tư vấn và bán thực phẩm chức năng. Những "bác sĩ", "dược sĩ" dỏm này đang ngày càng lộng hành trên các trang mạng xã hội, đánh lừa người tiêu dùng bằng những lời lẽ đầy thuyết phục.
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng

Từ bác sỹ, dược sỹ ảo...

Trên các trang mạng xã hội, người tiêu dùng không khỏi ngạc nhiên khi thấy tràn lan hình ảnh chuyên gia mặc áo blouse trắng giới thiệu và tư vấn về các sản phẩm thực phẩm chức năng hay những trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn, nhiều trong số những bác sỹ này lại không tồn tại ngoài đời thật, hoặc nếu có, họ cũng không hề liên quan đến sản phẩm mà họ đang quảng cáo.

Một trong những thủ đoạn phổ biến của không ít cơ sở bán thực phẩm chức năng là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, thuê những người không có chuyên môn mặc áo bác sỹ hoặc dược sỹ để làm video, bài viết tư vấn sức khỏe, về các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Dù những người này không có bất kỳ chứng chỉ hay đào tạo nào về y khoa, nhưng vẫn có thể khiến người dân tin tưởng vì hình thức bên ngoài và lời nói đầy thuyết phục.

Tìm hiểu trên các hội, nhóm facebook, chỉ với 300.000 – 500.000đ, các nhãn hàng đã có thể có một “chuyên gia y tế” tư vấn cho sản phẩm của mình một cách bài bản theo kịch bản có sẵn.

Một tài khoản đăng: “Job (công việc) quay thực phẩm chức năng tại Hà Nội. Cas (cát - xê) 1.2/ngày từ 8h30 sáng đến 17h chiều, quay 4-5 video. Cần nữ đóng dược sĩ, hình tượng chững chạc. Lịch quay thứ 7 tuần này 21/12.”

Có cầu ắt có cung, dưới bài đăng có gần 40 người comment nhận công việc, thậm chí nhiều chị em còn chia sẻ kèm các link mà mình đã từng đóng giả bác sỹ, dược sỹ tư vấn, quảng cáo cho các sản phẩm khác nhau. Một người có thể giả làm chuyên gia nhiều nhãn, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng

Ảnh chụp màn hình

Tìm theo manh mối trang cá nhân của người đăng ký có nickname Thu H. cùng với những link video chị chia sẻ. Không chỉ đơn thuần đóng giả bệnh nhân, chị còn từng giả làm chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia da liễu trị nám. Mỗi một nhãn hàng khác nhau, chị lại có một cái tên riêng như Bùi Lan Hương, Huỳnh Lan Phương.

Cũng giống như chị Thu H., chú B. đã từng tham gia đóng giả bệnh nhân với hàng chục loại bệnh khác nhau, thế nhưng hôm nay chú được “lên chức” giả danh chuyên gia điều trị bệnh dạ dày – căn bệnh chú đã từng diễn bị thập tử nhất sinh. Trong video tư vấn cho bệnh nhân của chú B có hiện dòng chữ “Dr Tuấn” kèm theo số điện thoại. Để xác minh, PV đã gọi điện theo số hiện lên màn hình nhưng không ai nghe máy. Lúc sau có một số khác gọi lại, bên kia là giọng nam trẻ, tự giới thiệu là bên tư vấn dịch vụ.

PV: Hình ảnh bác sỹ tư vấn trên online fanpage có phải bác sỹ Tuấn không?

Tư vấn viên: Không chị ạ. BS Tuấn ở bệnh viện Bạch Mai, bác chỉ tư vấn, điều trị trực tiếp chứ không để hình ảnh lên trạng mạng xã hội… Bên chúng em lựa chọn bác sĩ có giọng nói hay thì mới quay hình tư vấn trên facebook

Điều đáng nói, những "bác sỹ ảo" hoạt động chủ yếu qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, youtube. Các trang mạng này thường có vẻ ngoài rất chuyên nghiệp với những bài viết, video được đầu tư kỹ lưỡng.

Trong đó, họ sẽ giới thiệu các sản phẩm thực phẩm chức năng, dịch vụ với những lời lẽ đầy thuyết phục, khẳng định sản phẩm có tác dụng chữa bệnh, nâng cao sức khỏe một cách thần kỳ: “sau 1 lần sử dụng, bệnh thuyên giảm”, “Chỉ sau 1 liệu trình 1 – 2 tháng, khỏi bệnh”... Những lời giới thiệu này sẽ theo kịch bản có sẵn và luôn đi kèm với các chứng cứ giả mạo, thậm chí là câu chuyện "trải nghiệm thực tế" của khách hàng, mà thực tế có thể là những câu chuyện được dàn dựng.

Điều đặc biệt là những bác sỹ này không bao giờ yêu cầu người tiêu dùng đến trực tiếp bệnh viện hay phòng khám để kiểm tra sức khỏe trước khi sử dụng sản phẩm. Họ chỉ cần thuyết phục khách hàng gọi điện trực tiếp hoặc chat online, tư vấn và thậm chí là bán hàng ngay lập tức. Người tiêu dùng thiếu thông tin và chưa có kinh nghiệm sẽ dễ dàng bị lừa vào những chiêu trò này.

... đến Mạo danh hình ảnh, uy tín các chuyên gia

Không chỉ thuê đóng giả chuyên gia, những trang mạng xã hội giả mạo này còn sử dụng hình ảnh các bác sỹ, chuyên gia danh tiếng tại các bệnh viện lớn để tạo dựng uy tín, lòng tin cho khách hàng. Tình trạng này đã được cảnh báo nhưng vẫn đã và đang diễn ra tràn lan.

Trang facebook “BS.Vũ Khánh Vân – Tư vấn Tiểu đường” nêu đích danh tên và gắn hình ảnh TS.BS Vũ Khánh Vân – Nguyên Trưởng khoa A9, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, cùng với đó là sản phẩm và thông tin bán hàng. Đọc được thông tin, PV đã liên hệ với TS.BS Vũ Khánh Vân. Vị bác sỹ này không hề hay biết mình đang bị lợi dụng hình ảnh trên mạng xã hội.

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng

TS.BS Vũ Khánh Vân cho biết, chưa bao giờ lập trang facebook tư vấn bệnh

Bác sĩ Khánh Vân chia sẻ thêm, một số công ty thực phẩm chức năng không xin phép mà đã lấy hình ảnh của mình đăng lên mạng xã hội và quảng bá sản phẩm. Họ thậm chí sử dụng hình ảnh của bác sĩ làm avatar dù bà không hề tham gia nhận đại diện thương hiệu hay bán hàng nhãn nào.

Bác sĩ Khánh Vân cũng đã nhiều lần đăng thông tin đính chính và cảnh báo trên trang facebook cá nhân của mình về những hành vi mạo danh hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo “láo”, quảng cáo không đúng sự thật.

“Giống như nhiều chuyên gia khác, chúng tôi không có khả năng kiểm soát các công ty đã lấy hình ảnh của mình và đăng tải trên mạng. Chúng tôi cảm thấy bất lực khi không thể ngăn chặn được hành vi sai trái của các công ty” – bác sĩ Khánh Vân cho biết.

Các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa chỉ có thể đưa ra những thông tin tham khảo về các thảo dược và phương pháp hỗ trợ điều trị, không bao giờ khẳng định rằng sản phẩm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Bác sĩ chỉ đưa ra những khuyến nghị về tác dụng của các thành phần thảo dược nhưng không hề khuyến khích điều trị thay thế y học hiện đại, Bác sĩ Khánh Vân nhấn mạnh.
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng

TS.BS Vũ Khánh Vân nhiều lần bị lợi dụng hình ảnh bán thực phẩm

TS. BS Nguyễn Thị Sơn, một chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền tại TP.HCM, cũng là nạn nhân của tình trạng giả mạo hình ảnh để bán thực phẩm chức năng. Bác sĩ chia sẻ: "Có lần tôi nhận được thông báo từ bệnh viện rằng hình ảnh của tôi bị lợi dụng để quảng cáo sản phẩm mà tôi không biết gì. Cũng có vài lần, chính bệnh nhân của tôi gọi điện khi nhìn thấy hình ảnh của tôi trên mạng nhưng giọng nói lại không phải của bác sĩ."

"Các nhãn hàng phải chịu trách nhiệm về việc này, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín bác sĩ mà còn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Mặc dù thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ điều trị nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng giống nhau. Không thể khẳng định rằng sản phẩm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Sử dụng sai cách có thể gây hại cho sức khỏe" – BS Sơn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khác như Đại tá Phạm Hòa Lan, BS Hoàng Khánh Toàn... đã không ít lần nhận được thông tin bị giả mạo và phải đính chính trên các trang mạng xã hội của mình để người bệnh không bị mắc bẫy quảng cáo “bẩn” của công ty thực phẩm chức năng.

Việc giả danh "chuyên gia y tế" là một hình thức lừa đảo tinh vi, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với những "chuyên gia" trên mạng xã hội, không nên tin vào những lời tư vấn và cam kết không có cơ sở.

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 2: Giả mạo chuyên gia, lợi dụng áo blouse trắng

Bị lợi dụng hình ảnh, uy tín nhiều lần khiến BSCK2 Hoàng Khánh Toàn phải bức xúc

Sự giả mạo không chỉ dừng lại ở lời nói hay hình ảnh, mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và mạng sống.

Rõ ràng, những quảng cáo thực phẩm chức năng này còn vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về những góc khuất pháp lý và lời cảnh báo từ các chuyên gia trong kỳ tiếp theo.

Anh Thư