e magazine
14:19 | Thứ bảy, 28/12/2024
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 3: Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

14:19 | Thứ bảy, 28/12/2024

Tình trạng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng đang diễn biến phức tạp với những chiêu trò tinh vi, khó lường. Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, bệnh nhân giả để quảng bá sản phẩm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy đâu là giải pháp và ai chịu trách nhiệm?
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 3: Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Hệ lụy từ chiêu trò giả danh bác sĩ, bệnh nhân để quảng cáo

Những quảng cáo thực phẩm chức năng như "thần dược" không chỉ khiến người tiêu dùng mất tiền mà còn đẩy họ vào những tình huống nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân nam 16 tuổi, đái tháo đường type 1, nhiễm toan ceton nặng do tự ý bỏ thuốc, dùng thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng. Sau 3 ngày, bệnh nhân mệt mỏi, ý thức mơ màng, đường huyết >250 mg/dL, nguy cơ hôn mê, phù não, thậm chí tử vong.

Thực tế, đã có nhiều bệnh nhân nhập viện vì dùng thuốc Đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Hệ lụy từ việc giả mạo bác sĩ không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa tính mạng người dùng, gây biến chứng, không hiệu quả hoặc lãng phí tiền bạc. Điều này cũng làm giảm uy tín bác sĩ thật, ảnh hưởng lòng tin của người dân vào hệ thống y tế. Trách nhiệm này thuộc về ai? Người tiêu dùng cần làm gì để tự bảo vệ mình trước làn sóng quảng cáo sai sự thật?

Hai thảm kịch

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quảng cáo thực phẩm chức năng

Theo Luật sư Nguyễn Khánh Din - Công ty Luật TNHH ZNA Đoàn Luật sư Hà Nội, chuyên gia về luật bảo vệ người tiêu dùng, việc quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là việc sử dụng người đóng giả bệnh nhân hoặc bác sĩ để quảng cáo sản phẩm, là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam. Các doanh nghiệp thực phẩm chức năng có nghĩa vụ phải đăng ký bản công bố sản phẩm và cung cấp chứng cứ khoa học về công dụng của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

"Việc sử dụng người giả mạo bệnh nhân hoặc bác sĩ để quảng cáo sản phẩm không chỉ vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự về tội quảng cáo gian dối. Theo quy định, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 60 triệu đến 160 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, và có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.” - Luật sư Din nói.

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 3: Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp tái phạm, mức phạt có thể được nâng lên đến mức tối đa trong khung hình phạt, thậm chí có thể bị tước giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng trong ngành thực phẩm chức năng," luật sư Din nhấn mạnh.

Voice: Chia sẻ của Luật sư Nguyễn Khánh Din - Công ty Luật TNHH ZNA Đoàn Luật sư Hà Nội.

Chuyên gia lên tiếng về sự nguy hiểm của quảng cáo sai sự thật

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chia sẻ rằng việc sử dụng hình ảnh bác sĩ hoặc bệnh nhân giả để quảng cáo thực phẩm chức năng đang trở thành một vấn nạn.

Ông Đáng cho biết: "Dù các hiệp hội và cơ quan chức năng đã có những nỗ lực trong việc kiểm soát các hành vi quảng cáo sai sự thật, nhưng thực tế vẫn rất khó khăn để ngăn chặn triệt để. Những quảng cáo này thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền thông, từ mạng xã hội đến truyền hình, gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Không ít trong số đó đã phóng đại công dụng sản phẩm, thậm chí tự nhận mình có khả năng chữa bệnh mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào."

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 3: Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

PGS.TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Theo PGS Trần Đáng, hậu quả của những hành vi này không chỉ là sự lừa dối người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng vào những sản phẩm có giá trị thực sự.

"Các doanh nghiệp không uy tín này thường xuyên đưa ra những lời hứa hẹn như chữa khỏi bệnh chỉ sau vài ngày sử dụng sản phẩm, nhưng thực tế là họ chỉ muốn thu lợi từ sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng," ông nói thêm.

Để giải quyết vấn đề này, PGS Trần Đáng kêu gọi các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ Công An, cần phải tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải cảnh giác khi mua thực phẩm chức năng. Họ cần kiểm tra xem sản phẩm đã được Cục An toàn Thực phẩm công nhận hay chưa, tìm hiểu thông tin về bác sĩ quảng cáo và xem nhãn mác sản phẩm để xác minh tính xác thực. PGS Trần Đáng cũng khuyến khích người dân nên chủ động báo cáo các hành vi vi phạm để góp phần ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong ngành này.

Dấu hiệu nhận biết quảng cáo "dỏm": Cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm

Trước tình trạng giả danh các bác sĩ trên mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo, không cấp phép một quảng cáo nào có những câu như là cam kết khỏi bệnh sau một lộ trình chữa dứt điểm đau xương khớp chỉ sau 15 ngày hay chữa khỏi hoàn toàn. Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ hay người bệnh quảng cáo cũng không được cấp phép.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cho biết: Bất kể một hành vi nào mà quảng cáo khi chưa được cái xác nhận hoặc là khác với cái nội dung được xác nhận thì đều là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, vấn đề quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn có những khó khăn nhất định là do sự phát triển của công nghệ, công nghệ số, những hình thức quảng cáo quá đa dạng và có những trường hợp ở các nước ngoài để thực hiện các quảng cáo, sẽ quảng cáo tại Việt Nam. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Bà Nga cũng khuyến cáo với người dân một số dấu hiệu để nhận biết khi xem các quảng cáo trên mạng. Ví dụ như: thấy hình ảnh bác sĩ nói về sản phẩm thì chắc chắn đấy là quảng cáo vi phạm và chúng ta không nên tin những cái dấu hiệu đó. Bởi vì, chưa biết đó có phải bác sĩ không hay là hình ảnh bị cắt ghép.

Thứ hai là trong quy định đã nêu rất là rõ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì không phải là thuốc nên không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng - Kỳ 3: Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ Y tế: Xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật

Tại phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật điều chỉnh.

Luật Quảng cáo đang sửa đổi cũng như văn bản hướng dẫn, cũng quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của các bác sỹ, y sỹ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm là “không được phép”.

Tại Bộ Luật Hình sự cũng quy định rất rõ các mức độ liên quan đến xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo. Hiện nay, Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Quốc hội xem xét thông qua cũng đã có những quy định như thế này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sỹ bệnh viện, thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng là hoàn toàn sai quy định và Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trong toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389, Bộ TT&TT, Bộ VH,TT&DL trong vấn đề quản lý, chấn chỉnh cụ thể đối với từng vi phạm liên quan đến việc sử dụng, tuyên truyền quảng cáo, hoặc bán các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu.

Liên quan đến thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cảnh báo, đối với những người vi phạm, Bộ Y tế đã có cảnh báo như gửi công văn đến các bộ ngành liên quan để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm phải bị xử lý nghiêm khắc để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh.

Tự bảo vệ mình trước "ma trận" quảng cáo TPCN là một quá trình đòi hỏi sự tỉnh táo, kiến thức của người tiêu dùng và sự chung tay của toàn xã hội. Với những thông tin, khuyến cáo và giải pháp đã đưa ra, hy vọng người tiêu dùng sẽ có thêm hành trang để lựa chọn sản phẩm một cách thông minh và bảo vệ sức khỏe của mình.

Anh Thư