Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu và đã có hai trường hợp tử vong do mắc bệnh tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập 2 đoàn kiểm tra hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.
Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mới đây ghi nhận ổ dịch bệnh bạch hầu với 32 ca nghi mắc. Theo Sở Y tế tỉnh Hà Giang, tất cả trường hợp xác định và nghi ngờ mắc bệnh đều tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai với 14 ca. Sau khi được phát hiện, các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc. Trong đó, một số trường hợp sốt nhẹ, ho khan, đau rát họng, nuốt đau, mệt mỏi, ăn kém, có giả mạc và hai trường hợp tử vong.
 |
Sở Y tế tỉnh Hà Giang chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm để khoanh vùng, ngăn dịch bạch hầu lây lan. Ảnh: CDC Hà Giang |
Trong số hai bệnh nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu có cháu V.M.D (15 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Khâu Vai B, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc). Ngày 14/8, cháu được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc trong tình trạng đau rát họng, mệt mỏi, sốt cao, kèm theo các triệu chứng của bệnh bạch hầu.
Ngày 23/8, cháu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang để khám, làm các xét nghiệm và điều trị theo chuyên môn. Ngày 24/8, Viện Dịch tễ Trung ương trả lời mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân V.M.D dương tính với bệnh bạch hầu. Cùng ngày 24/8, bệnh nhân đã tử vong.
Sau khi phát hiện ổ dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đến hỗ trợ địa phương phòng dịch, đặc biệt là điều trị các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn lây cũng như nguyên nhân gây bệnh bạch hầu tại địa phương này. Ngành Y tế tỉnh Hà Giang đã tiến hành phun khử trùng, tiêu độc, rà soát, cách ly cũng như lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần.
Sở Y tế Hà Giang đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp, nguy cơ có thể lan rộng, tỉnh đang thiếu vaccine tiêm phòng bệnh bạch hầu. Do vậy, tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Y tế sớm hỗ trợ vaccine cũng như huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị ca bệnh nặng.
Trước đó nữa, từ ngày 30/4 đến 21/5/2023, Sở Y tế tỉnh Điện Biên cũng cho biết đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó có 1 bệnh nhân trú tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông tử vong. 2 ca mắc trong đợt dịch này không có yếu tố dịch tế rõ ràng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có quyết định về việc thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng, chống bệnh bạch hầu do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn, có sự tham gia của một số vụ/cục chức năng của Bộ Y tế, chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.
2 đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Điện Biên, Hà Giang về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn; kiểm tra các nội dung về giám sát xử lý ổ dịch; tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu; công tác truyền thông và đáp ứng chống dịch.
Đồng thời, đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại địa phương trong thời gian tới.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Từ 15/8, bệnh viện công áp dụng khung giá mới dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu Từ ngày 15/8, tại các bệnh viện công lập, giá giường bệnh theo yêu cầu loại 1 giường/phòng tối thiểu là 180.000 đồng, tối đa ... |
Khẩn trương tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp đối với 4 công nhân tử vong do bụi phổi UBND tỉnh Nghệ An vừa chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xử lý các nội dung về an toàn lao động, bảo vệ ... |
Tuổi của thân nhân người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhận chế độ tử tuất Chế tộ tử tuất hằng tháng mà thân nhân người lao động tử vong do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng theo ... |