Thứ bảy 14/06/2025 20:59

An sinh sau bão Yagi: Câu chuyện từ sự hỗ trợ thiết thực cho nhóm dễ bị tổn thương

Sau cơn bão Yagi, những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi và người khuyết tật là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Mười tháng sau thảm họa, chuyến thăm của phái đoàn Liên Hợp Quốc và các đối tác tới Lào Cai tập trung làm rõ cách thức viện trợ quốc tế đang hỗ trợ thiết thực cho nỗ lực phục hồi của chính những nhóm yếu thế này.
Hơn 56 triệu lượt người lao động được hưởng các chính sách an sinh
An sinh sau bão Yagi: Câu chuyện từ sự hỗ trợ thiết thực cho nhóm dễ bị tổn thương
Tháng 9 năm 2024, Việt Nam hứng chịu một trong những cơn bão nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ – bão Yagi. Ảnh: ĐVCC

Ưu tiên những người yếu thế nhất

Tháng 9 năm 2024, Việt Nam hứng chịu một trong những cơn bão nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ – bão Yagi. Cơn bão đã gây ra thiệt hại trên diện rộng tại 26 tỉnh thành, để lại hậu quả nặng nề: 345 người thiệt mạng, hơn 120.000 gia đình bị tàn phá nhà cửa, hơn 800 cơ sở y tế bị hư hại và cuộc sống của 3,6 triệu người dân bị ảnh hưởng. Sức gió mạnh, lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng đã làm gián đoạn hoặc phá hủy hoàn toàn nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm đường sá, hệ thống y tế và các kênh thông tin liên lạc, đẩy nhiều cộng đồng vào tình thế khó khăn.

Trước tình hình đó, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, khởi động một kế hoạch ứng phó chung. Kế hoạch này, được Chính phủ Úc tài trợ, nhằm hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo cấp thiết và phục hồi sớm cho người dân vùng bị ảnh hưởng, dự kiến kéo dài đến tháng 6 năm 2025.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch là tập trung vào các nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Đây bao gồm những người nghèo hoặc cận nghèo, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, các cộng đồng dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những người bị mất nhà ở chú trọng tại các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là Cao Bằng, Lào Cai và Yên Bái.

An sinh sau bão Yagi: Câu chuyện từ sự hỗ trợ thiết thực cho nhóm dễ bị tổn thương
Phái đoàn Liên Hợp Quốc và các cán bộ của Bộ Y tế, đã đến thăm huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: ĐVCC

Cam kết từ các đối tác quốc tế và địa phương

Trong hai ngày 03 và 04 tháng 6, phái đoàn Liên Hợp Quốc, bao gồm đại diện từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), cùng với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội và các cán bộ của Bộ Y tế, đã đến thăm huyện Bát Xát. Đây là một huyện vùng cao, xa xôi của tỉnh Lào Cai, nơi cộng đồng người H’Mông sinh sống chủ yếu và chịu nhiều tác động từ cơn bão.

Chuyến thăm là cơ hội để phái đoàn giám sát và tìm hiểu trực tiếp cách thức các gói viện trợ theo kế hoạch của Liên Hợp Quốc đã và đang hỗ trợ cộng đồng. Các thành viên phái đoàn đã dành thời gian lắng nghe những chia sẻ từ người dân, chứng kiến tận mắt quá trình các dịch vụ thiết yếu được khôi phục và tái khẳng định cam kết đồng hành cùng cộng đồng trên chặng đường phục hồi lâu dài, một chặng đường mà phẩm giá, sự hòa nhập và khả năng thích ứng của người dân luôn được đặt lên hàng đầu.

An sinh sau bão Yagi: Câu chuyện từ sự hỗ trợ thiết thực cho nhóm dễ bị tổn thương
WHO khẳng định sẽ tập trung hỗ trợ tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở y tế trước các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai. Ảnh: ĐVCC

Bà Renee Deschamps, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Úc, cho biết: “Úc tự hào đã phản hồi nhanh chóng tới đề nghị hỗ trợ của Việt Nam, cung cấp 4 triệu đô la Úc viện trợ nhân đạo để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Chúng tôi tập trung vào việc giúp đỡ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất - phụ nữ, trẻ em, các cộng đồng dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Chúng tôi cam kết hỗ trợ phục hồi bền vững, để các cộng đồng có thể xây dựng lại không chỉ nhà cửa mà còn cả sinh kế, sức khỏe và tương lai của họ.”

Chia sẻ về những thách thức đặc thù đối với phụ nữ, bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Do những rào cản và bất bình đẳng giới, phụ nữ thường là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các thảm họa – đối mặt với nguy cơ thương vong, mất việc làm và sinh kế cao hơn, cũng như quá trình phục hồi kéo dài hơn.”

Để giải quyết vấn đề này, UN Women đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai triển khai các sáng kiến cụ thể, bao gồm hỗ trợ tiền mặt và hỗ trợ phục hồi sinh kế cho 600 hộ gia đình phụ nữ khó khăn tại 4 xã. Đồng thời, 12 không gian an toàn đã được thiết lập nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái phục hồi tâm lý và tăng cường bảo vệ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Bà Nyamayemombe cũng khẳng định mong muốn thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình phục hồi và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau thông qua cách tiếp cận toàn diện.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cũng chỉ ra rằng: “Sau cơn bão Yagi, những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi và người khuyết tật là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.” Ông khẳng định UNFPA đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các đối tác “để đảm bảo rằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới và bảo vệ phẩm giá cá nhân không bị xem nhẹ, ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng.”

Đối với trẻ em, bà Nguyễn Thị Duyên, Chuyên gia về bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), chia sẻ: “Khi chứng kiến những tác động mà sự hỗ trợ của chúng tôi đem lại trong việc phục hồi và củng cố các dịch vụ thiết yếu cho các trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, chúng tôi nhận thấy rằng thành tựu này sẽ không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ vô giá của các đối tác như Chính phủ Úc.” Bà Duyên cũng gửi lời cảm ơn các đối tác và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực dài hạn nhằm tăng cường phòng ngừa thiên tai và khả năng thích ứng với khí hậu để bảo vệ trẻ em.

Về khía cạnh y tế, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), cho biết: “Thật tuyệt vời khi được tận mắt chứng kiến sự hỗ trợ của WHO là một phần của quá trình khôi phục các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và tiếp tục theo dõi, giám sát nguy cơ các đợt bùng phát dịch bệnh.” Bà nhấn mạnh chuyến thăm giúp hiểu rõ hơn nhu cầu y tế của cộng đồng và WHO sẽ tập trung hỗ trợ tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở y tế trước các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai.

Từ phía địa phương, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đánh giá cao sự hỗ trợ: “Tôi tin rằng sự hỗ trợ của các cơ quan Liên Hợp Quốc, UN Women, WHO, UNICEF, UNFPA là rất thiết thực, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão Yagi, khôi phục sinh kế.” Ông cũng cam kết chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án, chương trình.

Chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai đã cung cấp những thông tin và bài học kinh nghiệm quan trọng. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc sẽ sử dụng những kết quả này để tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ đa ngành cho Chính phủ và người dân Việt Nam trong công tác ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong tương lai, với mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an sinh và sự phục hồi bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm yếu thế nhất.

Video: Các cơ quan của Liên Hợp Quốc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai.

UBTV Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng vốn dư của lĩnh vực y tế, an sinh, lao động UBTV Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng vốn dư của lĩnh vực y tế, an sinh, lao động

Đối với phần vốn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, UBTVQH đề nghị tiếp tục sử dụng ...

CEO Đan Mạch và giải pháp ứng lương linh hoạt EKKO: Giúp an sinh tài chính cho NLĐ CEO Đan Mạch và giải pháp ứng lương linh hoạt EKKO: Giúp an sinh tài chính cho NLĐ

‘Ứng lương linh hoạt’ là mô hình trả lương mới, cho phép người lao động (NLĐ) được nhận lương linh hoạt 24/7, bất cứ khi ...

Đọc thêm

“Mô hình một cửa” – Lá chắn bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước vấn nạn bạo lực

An sinh - Xã hội

“Mô hình một cửa” – Lá chắn bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước vấn nạn bạo lực

Trước thực trạng bạo lực giới vẫn còn diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm mô hình “một cửa” nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ tích hợp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Sáng kiến này đang từng bước hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ liên ngành, với sự đồng hành của các cơ quan Liên Hợp Quốc.